Jarrid Wilson, một mục sư kiêm tác giả ở Nashville, “rất phấn khích” khi biết vợ chồng anh sắp đón đứa con đầu lòng. Nhưng trong những tháng sau khi con trai anh chào đời, mọi cảm xúc trở nên choáng ngợp — phần lớn trong số đó là các cảm xúc tiêu cực.

“Vợ có mối liên hệ tức thì với con từ khi em bé trong bụng nhưng với tôi, tôi chỉ vừa mới gặp con và nhận ra rằng toàn bộ cuộc sống của chúng tôi đang thay đổi,” anh cho biết. “Thật là kỳ lạ bởi vì rõ ràng là tôi yêu con, nhưng không hề có sự kết nối. Tôi có những suy nghĩ rằng mình không xứng đáng với điều này, rằng tôi không phải là một người cha đủ tốt, rằng tôi sẽ không bao giờ được như mong đợi.”

Wilson nói rằng anh thu mình khỏi vợ và con trai, luôn lo lắng rằng mình sẽ làm gì đó sai hoặc bằng cách nào đó làm hại em bé. Anh đã phải vật lộn với chứng trầm cảm sau một chấn thương ở tuổi thiếu niên và nhận ra các triệu chứng. Khi con trai anh được khoảng bốn tháng tuổi, anh đã tìm đến tư vấn và điều trị tâm lý chuyên sâu.

Đàn ông cũng mắc hội chứng trầm cảm sau sinh

Đàn ông cũng mắc hội chứng trầm cảm sau sinh

“Tất cả chúng ta đều cần một ai đó trong cuộc sống này có thể đưa ý kiến khách quan, và tư vấn viên đã giúp tôi nắm bắt những gì đang thực sự xảy ra,” anh nói. Việc dùng thuốc chống trầm cảm cũng hữu ích, và cũng giúp củng cố niềm tin của Wilson. Anh chia sẻ trải nghiệm của mình công khai nhằm giúp đỡ những người đàn ông khác. Đầu năm nay, Wilson đã xuất hiện trong một tập của chương trình Outdaughtered của TLC để trò chuyện với ngôi sao chương trình thực tế, Adam Busby. Busby — cha của một cô con gái 6 tuổi và 5 cô con gái 2 tuổi — tiết lộ trên chương trình rằng anh cũng đã phải vật lộn với chứng trầm cảm sau sinh.

Mặc dù trầm cảm sau sinh ở nam giới không thường được quan tâm trên chương trình tin tức (hoặc các kênh truyền hình thực tế) như ở nữ giới nhưng đây là căn bệnh phổ biến ở những người mới làm cha mẹ. Trên thực tế, theo một nghiên cứu mới của Thụy Điển, tình trạng trầm cảm sau sinh có khả năng ảnh hưởng đến nhiều người mới làm cha hơn so với ước tính trong các nghiên cứu trước đó. Và bởi vì những người mới làm cha không được khám sàng lọc bệnh trầm cảm như những người mới làm mẹ, nên họ có thể có nguy cơ không được điều trị cao hơn.

Nghiên cứu mới, được công bố trên Tạp chí Tâm lý học Scandinavi, trích dẫn một phân tích tổng hợp năm 2016, xác định chỉ hơn 8% nam giới bị trầm cảm sau sinh trong năm đầu tiên kể từ khi sinh con. Tỷ lệ đối với nữ giới được ước tính là 13 đến 19%, nhưng theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, các chuyên gia nghi ngờ căn bệnh này vẫn còn chưa được chẩn đoán rộng rãi.

Đối với nam giới, tỷ lệ mắc trầm cảm sau sinh của cha mẹ thay đổi đáng kể giữa các nghiên cứu, các tác giả nhận thấy và thậm chí đã được báo cáo cao tới 25% trong ba đến sáu tháng sau khi sinh con. Thực tế là không có đánh giá chung về tình trạng trầm cảm sau sinh ở nam giới — và không có sự đồng thuận về cách thức xác định chính xác tình trạng này — điều có thể đã góp phần tạo nên những khác biệt này.

Tỷ lệ mắc trầm cảm sau sinh ở nam giới khá cao

Tỷ lệ mắc trầm cảm sau sinh ở nam giới khá cao

Các chuyên gia cho rằng nhiều yếu tố gây trầm cảm sau sinh ở nữ giới cũng có thể gây trầm cảm sau sinh ở nam giới — bao gồm kiệt sức, lối sống thay đổi đáng kể và nhu cầu về thời gian, năng lượng và tài chính gia tăng. Nam giới cũng trải qua những thay đổi nội tiết tố sau khi trở thành cha, mặc dù không đáng kể như nữ giới.

Qua các cuộc phỏng vấn với 447 người mới làm cha ở Thụy Điển, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng bảng câu hỏi về trầm cảm sau sinh tiêu chuẩn được sử dụng cho nữ giới không nắm bắt được các triệu chứng đặc biệt phổ biến ở nam giới, chẳng hạn như cáu kỉnh, bồn chồn, khả năng chịu áp lực thấp và thiếu tự chủ. Trên hết, họ nhận thấy rằng, hầu hết những người mới làm cha đều không được khám sàng lọc bệnh trầm cảm: “Ở hầu hết các quốc gia, người cha thậm chí còn không được quan tâm đang cảm thấy thế nào,” Elia Psouni, phó giáo sư tâm lý học phát triển tại Đại học Lund cho hay.

Psouni và các đồng nghiệp của bà nói rằng họ đã phát triển một phương pháp khám sàng lọc mới nhằm xác định rõ hơn những người cha đang gặp khó khăn. Nhờ sử dụng phương pháp này, họ đã xác định các triệu chứng trầm cảm đáng kể ở 27% nam giới được khảo sát. (Bởi vì mẫu của họ được tạo thành từ tất cả các tình nguyện viên nên họ lưu ý rằng đây có thể không phải là kết quả đại diện cho tất cả những người mới làm cha.)

Họ nói rằng việc rất ít trong số những người đàn ông này đã tìm kiếm sự giúp đỡ cũng không kém phần rắc rối. Một phần ba những người cha bị trầm cảm trong nghiên cứu cho biết họ có suy nghĩ về việc tự hại, nhưng rất ít người đã trao đổi với bác sĩ hoặc y tá. Trong số những người được phân loại là trầm cảm ở mức vừa phải đến trầm cảm nặng, 83% đã không chia sẻ nỗi khổ của họ với bất cứ ai.

“Nói với mọi người rằng bạn cảm thấy chán nản là một điều cấm kỵ,” Psouni nói. “Nếu là những người mới làm cha mẹ thì ai cũng cho rằng bạn sẽ hạnh phúc.” Ngoài ra, bà nói thêm, nghiên cứu cho thấy rằng nam giới lưỡng lự hơn phụ nữ trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ khi có các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Psouni và các đồng tác giả hy vọng nghiên cứu sẽ giúp thúc đẩy tần suất — và độ chính xác — trong khám sàng lọc trầm cảm cho những người mới làm cha, mặc dù họ thừa nhận rằng chỉ mình điều này sẽ không giải quyết được vấn đề. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, mặc dù phụ nữ ở Thụy Điển được khám sàng lọc trầm cảm tám tuần sau khi sinh, nhiều người vẫn không trao đổi với bác sĩ tâm lý về các triệu chứng trầm cảm gặp phải. Ở Hoa Kỳ, nhiều người mới làm mẹ không được khám sàng lọc trầm cảm sau sinh.

Nam giới thường lưỡng lự hơn phụ nữ trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp chứng trầm cảm sau sinh

Nam giới thường lưỡng lự hơn phụ nữ trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp chứng trầm cảm sau sinh

Các nhà nghiên cứu cũng tin rằng công tác khám sàng lọc nên kéo dài hơn 12 tháng theo tiêu chuẩn cho các thử nghiệm lâm sàng liên quan đến những người mới làm mẹ. Bên cạnh đó, tình trạng trầm cảm ở các ông bố cũng phổ biến ngay cả sau năm đầu tiên có con, có thể là do những người đàn ông này không nhận được sự giúp đỡ từ sớm.

Đối với những người đàn ông đang gặp khó khăn, Psouni khuyên họ nên mở lòng với bạn đời và người thân về những cảm xúc của mình, cả tốt lẫn xấu. “Không chỉ đầy cảm xúc và trách nhiệm, nuôi dạy con cái còn là một công việc khó khăn và có thể thay đổi quan hệ của những người làm cha mẹ chúng ta,” bà cho hay.

Bà cũng đề xuất nên yêu cầu sự giúp đỡ từ bác sĩ hoặc nhà trị liệu khi các yêu cầu của việc làm cha mẹ (cùng với phần còn lại của cuộc sống trưởng thành) trở nên khó kiểm soát. “Tốt hơn là tìm kiếm sự giúp đỡ nếu bạn cảm thấy chán nản hoặc bối rối, chứ đừng một mình chịu đựng sau đó lại hối tiếc về quãng thời gian bạn cảm thấy cô đơn, và đánh mất quãng thời gian mà đáng lẽ có thể dành cho con bạn.”

Wilson, nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Anthem of Hope chuyên giúp đỡ những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, cho biết mình đã trải nghiệm sự khác biệt “đáng kể” kể từ khi tìm kiếm phương pháp điều trị tình trạng trầm cảm sau sinh. Anh cùng vợ đã chào đón một đứa con trai thứ hai vào đầu năm nay, và “Tôi là một người hoàn toàn khác, theo một cách tốt.” anh nói.

“Tôi sống với hiện tại, tôi vui mừng, và trầm cảm không còn ảnh hưởng đến tôi được nữa.” Anh hy vọng mình cũng có thể giúp người khác ở hoàn cảnh tương tự. “Có một sự kỳ thị rằng đàn ông nên bỏ qua cảm xúc của mình và phải “đàn ông lên”, nhưng không hẳn như vậy,” ông nói. “Những người đàn ông nên cảm thấy thoải mái khi tìm kiếm sự giúp đỡ khi họ cần, và họ nên biết rằng trầm cảm sau sinh thực sự là một vấn đề nghiêm trọng.”