Vấn đề sức khỏe tâm thần đang trở thành mối quan tâm ngày càng bức thiết trên toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo rằng bệnh tâm thần ít được chẩn đoán, khám chữa và những bệnh nhân thường ngại tiếp nhận chữa trị.
Trong vòng 1 năm sau khi các triệu chứng bệnh trở nên rõ ràng, chỉ khoảng 2 trong số 5 bệnh nhân đấu tranh với tình trạng nghiện ngập, lo lắng, hay mắc phải hội chứng rối loạn cảm xúc tìm kiếm sự giúp đỡ. Tại Hoa Kỳ, mỗi năm, trung bình cứ 4 người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên lại có 1 người được chẩn đoán mắc phải những vấn đề về sức khỏe tâm thần; tương đương với khoảng 26% dân số trong độ tuổi trưởng thành. Mặc dù tỷ lệ mắc phải bệnh tâm thần giữa nam giới và nữ giới là giống nhau, nhưng các vấn đề trong sức khỏe tâm thần lại có sự khác biệt.
1. Nữ giới có nguy cơ cao mắc phải các chứng bệnh tâm thần
Nhìn chung, khoảng 1/3 dân số thế giới phải trải qua hội chứng rối loạn cảm xúc, lo lắng, hoặc rối loạn cơ thể ở một số dạng nhất định. Trong đó, nguy cơ mắc phải ở nữ giới cao hơn so với nam giới. Chẳng hạn tỷ lệ gặp phải hội chứng rối loạn cảm xúc, hay ám ảnh sợ hãi ở nữ giới cao gấp hai lần so với nam giới. Một số báo cáo cũng cho thấy nữ giới dễ đồng thời mắc phải nhiều chứng bệnh rối loạn tâm thần, hay cùng một lúc mắc phải nghiện ngập và bệnh lý tâm thần so với nam giới.
Các dấu hiệu cho thấy nữ giới mắc phải bệnh lý tâm thần đó là:
• Buồn bã dai dẳng hoặc cảm thấy tuyệt vọng
• Lạm dụng thuốc, nghiện rượu
• Thay đổi các thói quen ăn uống hoặc có các vấn đề về cân nặng
• Thay đổi thói quen khi ngủ
• Năng lượng cơ thể không ổn định
• Lo lắng hoặc sợ hãi quá mức
• Nhìn hoặc nghe thấy những thứ không có thật
• Thay đổi tâm trạng một cách nhanh chóng, hoặc cực đoan
• Nhức đầu, gặp các vấn đề về tiêu hóa và đau đớn trên khắp cơ thể mà không rõ nguyên nhân
• Ngại tham gia vào các sự kiện cộng đồng
• Cáu gắt
• Có suy nghĩ hoặc tìm cách tự tử
Tổng quan, nữ giới thường cố gắng tìm kiếm phương pháp điều trị cho các vấn đề về sức khỏe tâm thần mà mình gặp phải nhiều hơn. Một báo cáo cho thấy gần 15% nữ giới sử dụng thuốc để điều trị chứng rối loạn cảm xúc, so với tỷ lệ 7,8% ở nam giới; 8,6% nữ giới tiếp nhận điều trị tâm thần ngoại trú, cao hơn tỷ lệ 4,7% ở nam giới; trong khi đó, tỷ lệ nữ giới chưa được đáp ứng các nhu cầu về chăm sóc sức khỏe tâm thần cũng cao gấp đôi so với nam giới (tương ứng với 6,7% và 3,3%).
Phụ nữ còn phải đối mặt với nguy cơ cao trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục, và bạo lực từ phía bạn tình, dẫn đến gia tăng nguy cơ rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), rối loạn cảm xúc và nghiện ngập. Một nửa số lượng nữ giới phải trải qua nhiều dạng tổn thương trong suốt cuộc đời của mình. Trong đó, 1/4 phải đối mặt với nạn tấn công tình dục, còn 1/3 bị lạm dụng bởi chính người chồng, bạn tình của mình. Khoảng 36% số lượng nữ giới ở Mỹ đã từng bị cưỡng hiếp, bạo lực thể xác, bị theo dõi, hoặc trải qua tất cả những hành vi nguy hiểm này. Gần 46% nữ giới bị hãm hiếp sau đó mắc phải hội chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Khoảng 20-57% nữ giới thực hiện điều trị chứng lạm dụng thuốc nói rằng đã từng chịu bạo hành từ phía bạn tình.
Và khoảng 75% nữ giới bị bạn tình bạo hành một cách nghiêm trọng mắc phải bệnh lý tâm thần, khả năng cao nguyên nhân chính việc bị bạo hành trước đó. Đồng thời, hội chứng rối loạn cảm xúc, lo lắng cũng có thể xảy ra bởi những hành vi kể trên. Ngoài ra, các mối quan hệ xã hội, phân biệt đối xử tại nơi làm việc và học tập, quấy rối ngoài đường phố và bạo lực từ các phương tiện truyền thông có thể làm trầm trọng thêm những chứng bệnh này.
Các dạng phân biệt đối xử có thể gây ra tình trạng căng thẳng ở nữ giới, từ đó làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh tâm thần. Ví dụ, nữ giới trong xã hội hiện đại có cơ hội được tuyển dụng làm việc nhiều hơn, nhưng họ cũng phải chịu trách nhiệm nhiều hơn so với nam giới trong chăm sóc con cái, thực hiện các công việc gia đình như giặt giũ, rửa bát. Thêm vào đó, nữ giới còn gặp phải nguy cơ bị quấy rối tại nơi làm việc và học tập, bị phân biệt đối xử và lạm dụng tình dục. Những điều này khiến họ khó có thể đối phó được với tình trạng căng thẳng, dẫn đến khả năng mắc phải hội chứng rối loạn cảm xúc, hoặc PTSD.
Nam giới và nữ giới có các loại hoóc môn khác nhau, dẫn đến sự khác biệt trong hình thái biểu hiện của những vấn đề về tâm thần. Nhiều nghiên cứu cho thấy nữ giới sản xuất lượng serotonin thấp hơn do có ít lượng testosterone hơn. Lượng hormone này biến động liên tục trong suốt chu kỳ kinh nguyệt, tác động lớn đến sức khỏe tâm thần ở nữ giới. Điều này thể hiện rất rõ đối với những thiếu nữ không có kinh nguyệt trong thời gian dài.
Ngoài ra, quá trình mang thai và sinh nở cũng làm thay đổi đến lượng hormone, từ đó gây ra hội chứng rối loạn cảm xúc, lo lắng, đặc biệt là trầm cảm sau khi sinh, rối loạn tâm thần. Khoảng 41% nữ giới trải qua trầm cảm sau khi sinh, và những thai phụ ở độ tuổi quá trẻ có khả năng mắc chứng rối loạn cảm xúc nhiều hơn so với những thai phụ lớn tuổi hơn.
Các triệu chứng liên quan đến những vấn đề về sức khỏe tâm thần khác nhau ảnh hưởng đến mỗi lứa tuổi khác nhau. Một nửa các chứng bệnh tâm thần mãn tính bắt đầu xuất hiện triệu chứng vào năm 14 tuổi, mặc dù chứng rối loạn cảm xúc thường xuất hiện khi vừa bước vào giai đoạn thành niên hơn; 3/4 các vấn đề về sức khỏe tâm thần mãn tính bắt đầu xuất hiện triệu chứng ở độ tuổi 24. Ví dụ, hội chứng sợ xã hội có thể xảy ra phổ biến ở cả nữ giới và nam giới, và các triệu chứng bệnh bắt đầu xuất hiện ở độ tuổi thiếu niên, thường là vào khoảng 13 tuổi.
Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi the Anxiety and Depression Association of America (Hiệp hội Lo âu và Trầm cảm Hoa Kỳ ADAA) vào năm 2007 chỉ ra rằng 36% những người mắc phải hội chứng rối loạn lo âu đã trải qua các triệu chứng của bệnh ít nhất 10 năm trước khi được tiếp nhận điều trị.
Các triệu chứng của hội chứng ám ảnh sợ hãi bắt đầu từ khi bệnh nhân còn rất trẻ, thường khoảng 7 tuổi.
Các triệu chứng của bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) thường trở nên rõ ràng vào năm 19 tuổi, nhưng khoảng 1/4 các ca bệnh được phát hiện từ khi 14 tuổi.
Lạm dụng trẻ em có khả năng cao gây ra hội chứng PTSD ở độ tuổi thiếu niên và trưởng thành.
1/5 thanh thiếu niên từ 13 đến 18 tuổi có nguy cơ mắc phải bệnh tâm thần.
Khoảng 13% trẻ em từ 8 đến 15 tuổi có nguy cơ mắc phải bệnh tâm thần.
Hội chứng rối loạn lo âu ảnh hưởng đến hơn 25% thanh thiếu niên từ 13 đến 18 tuổi.
Khoảng 70% phạm nhân trẻ tuổi phạm tội trong lứa tuổi vị thành niên mắc phải bệnh tâm thần, với 20% là các ca bệnh nghiêm trọng.
Tự tử là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 10 nếu xét chung cho mọi độ tuổi tại Hoa Kỳ, nhưng lại đứng thứ 3 đối với độ tuổi từ 10 đến 14, và đứng thứ 2 đối với độ tuổi từ 15 đến 24.
Theo the National Alliance on Mental Illness ( Liên đoàn Quốc gia về Bệnh tâm thần NAMI), khoảng một nửa số trẻ em, thiếu niên trong độ tuổi từ 8 đến 15 không được điều trị sức khỏe tâm thần trong năm vừa qua.
Một nghiên cứu tại Vương quốc Anh vào năm 2016 cho thấy 30% nữ giới nằm trong độ tuổi từ 16 đến 24 ở nước này mắc phải bệnh tâm thần, tương đồng với tỷ lệ xảy ra đối với nữ giới ở lứa tuổi thanh thiếu niên tại Mỹ. Nghiên cứu tại Vương quốc Anh cho thấy ⅕ nữ giới nước này mắc phải bệnh trầm cảm, lo lắng, rối loạn hoảng sợ, OCD hoặc hội chứng ám ảnh sợ hãi; khoảng 12,6% các ca sàng lọc dương tính với PTSD; và gần 20% có những hành động ngược đãi bản thân, bao gồm cả tự tử.
2. Phương pháp điều trị dành cho phụ nữ trẻ tuổi
Điều quan trọng ở đây là các chuyên gia về sức khỏe tâm thần và điều trị cai nghiện phải hiểu rõ khuynh hướng giới tính có thể ảnh hưởng đến kết quả chẩn đoán như thế nào. Các bác sĩ thường chẩn đoán nữ giới mắc phải chứng rối loạn cảm xúc, đặc biệt là trầm cảm, trong khi nam giới được chẩn đoán nghiện ngập, đặc biệt là rối loạn do sử dụng rượu.
Thực tế, có nhiều sự chồng chéo giữa các tình trạng này, và do đó, khó có thể phân biệt những dấu hiệu bị nghiện, hay gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần giữa hai giới. So với tỷ lệ ở nam giới (9,5%), tỷ lệ nữ giới nhờ đến tư vấn cao hơn (17,5%) - quan trọng là các trị liệu viên phải hiểu các yếu tố gây ra nguy cơ và dấu hiệu bị nghiện ở người bệnh, và với các nhà điều trị cai nghiện thì cần nhận thức rõ các tín hiệu cảnh báo về khả năng cùng mắc phải nhiều chứng bệnh tâm thần.
Nữ giới trong độ tuổi còn trẻ, từ lứa tuổi thiếu niên cho đến lứa tuổi 20, gặp phải nhiều vấn đề trong cuộc sống có nguy cơ cao mắc phải bệnh tâm thần. Trải qua nhiều tổn thương từ thuở nhỏ, đặc biệt là bị lạm dụng tình dục, họ dễ bị bạn bè lôi kéo vào rượu bia và thuốc. Cần lưu ý rằng độ tuổi 10-24 là độ tuổi mà hầu hết các triệu chứng bệnh tâm thần xuất hiện lần đầu tiên, khi mà sự biến động hoóc môn thất thường ở lứa tuổi dậy thì có thể dẫn đến những chứng bệnh này.
Tìm cách điều trị thích hợp là chìa khóa quan trọng để đối phó với những triệu chứng của bệnh tâm thần và rối loạn hành vi. Mỗi người bệnh, bất kể lứa tuổi hay giới tính, nên tìm đến các bác sĩ, trị liệu viên tâm lý để có được những sự hỗ trợ cần thiết khi áp dụng các phương pháp trị liệu, cai nghiện và giám sát về mặt y tế.