Nhiều phụ nữ gặp các triệu chứng trầm cảm trong quá trình mang thai hoặc sau khi sinh. Đây là thời điểm cuộc sống của người phụ nữ có nhiều thay đổi lớn và những thay đổi này khiến cho họ cảm thấy bị quá sức và căng thẳng. Việc cảm thấy buồn rầu và ủ rũ là điều hoàn toàn bình thường.
Nhưng nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng và các dấu hiệu trầm cảm kéo dài, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè hoặc tìm đến chuyên gia sức khỏe tâm thần để chẩn đoán và điều trị nếu cần. Trầm cảm có thể điều trị được, ngay cả đối với phụ nữ đang mang thai hoặc là mới sinh con.
Nếu bạn đang trải qua sự trầm cảm và lo lắng trong quá trình mang thai hoặc sau khi sinh, bạn sẽ thấy cực kỳ cô đơn. Sự thay đổi nội tiết tố, thay đổi trong cơ thể, căng thẳng và áp lực của việc chăm sóc một em bé sơ sinh đều có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn. Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng, ngày nay phụ nữ mang thai có nhiều khả năng bị trầm cảm hơn so với thời của bà và mẹ của họ. Cũng theo nghiên cứu đó, cứ 7 phụ nữ đã sinh con thì có 1 người bị trầm cảm sau sinh.
Cảm giác bị suy sụp trong thời kỳ mang thai hoặc sau khi sinh là những trải nghiệm được gọi là “baby blues - trạng thái khóc lóc và ủ rũ”. Trạng thái này có thể kết thúc trong vòng một hoặc hai tuần và không có gì nghiêm trọng. Nếu bạn cảm thấy buồn, vô vọng, bứt rứt và ủ rũ cả ngày và đêm thì bạn có thể bị các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với trạng thái ”baby blues”. Bạn nên tìm đến sự hỗ trợ từ gia đình, các chuyên gia tâm lý để chẩn đoán và điều trị.
1. Các loại trầm cảm khi mang thai
Có ba loại trầm cảm chính có thể gặp trong thời kỳ mang thai hoặc sau khi sinh. Bạn có thể được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm và tiếp tục có các triệu chứng đó trong quá trình thai kỳ; bạn có thể bị trầm cảm trong quá trình mang thai; và có thể bắt đầu cảm thấy chán nản sau khi sinh em bé, được gọi là trầm cảm sau sinh.
2. Triệu chứng trầm cảm
Nếu bạn không chắc chắn về việc mình đang trải qua trạng thái “baby blues” hay đang mắc bệnh nghiêm trọng hơn, hãy thận trọng và tìm kiếm sự giúp đỡ. Chỉ có các chuyên gia chăm sóc sức khỏe mới có thể chẩn đoán và xác định liệu bạn có bị trầm cảm sau sinh hoặc trong quá trình mang thai hay không. Các triệu chứng bên trên chỉ mang tính chất tham khảo, mỗi phụ nữ đều trải qua và có những biểu hiện trầm cảm theo những cách khác nhau. Hãy tìm đến sự hỗ trợ và điều trị trầm cảm chuyên nghiệp hơn là đấu tranh một mình với các triệu chứng đó.
3. Làm thế nào để đối phó với căng thẳng và trầm cảm khi mới làm mẹ
Cho dù các triệu chứng về tâm trạng cho thấy sự trầm cảm của người mẹ mới sinh là bình thường hay triệu chứng đó là dấu hiệu của một điều gì đó nghiêm trọng hơn, thì việc mang thai và mới sinh con là điều có thể gây căng thẳng và làm rối loạn mọi cảm xúc. Để duy trì sức khỏe tâm thần một cách tốt nhất, điều quan trọng là phải nhận thức được tâm trạng của bạn và lên tiếng nếu bạn cần giúp đỡ. Dưới đây là một số cách tốt nhất để đối phó với chứng bệnh này:
- Dựa vào sự giúp đỡ. Hãy để chồng, gia đình hoặc bạn bè của bạn giúp đỡ bạn làm những việc lặt vặt trong thời gian bận rộn và căng thẳng này, ngay cả khi đó chỉ là dọn dẹp nhà cửa hoặc nấu bữa tối.
- Dành thời gian để gắn kết và gần gũi với con. Sự gắn kết sớm giữa bạn và con là cực kỳ quan trọng. Luôn giữ con gần với mình, nói những lời êm dịu, chạm vào bé khi bé buồn, tương tác bằng cách sử dụng ánh mắt, va chạm, giọng nói và tiếng cười,...
- Chăm sóc bản thân mình. Bạn sẽ không thể dành cho con sự chăm sóc tốt nhất nếu bạn đang gặp vấn đề. Hãy dành thời gian cho những điều khiến bạn hạnh phúc, khỏe mạnh như tập thể dục, ăn thức ăn ngon và ngủ thật sâu.
- Bỏ qua những thứ ít quan trọng hơn. Ngôi nhà của bạn không phải là mối quan tâm ngay bây giờ. Hãy ưu tiên quan tâm đến bản thân bạn và con của bạn.
4. Tầm quan trọng của phương pháp điều trị
Rất khó để có thể tự giải quyết bệnh trầm cảm. Nếu không có những sự hỗ trợ chuyên nghiệp, căn bệnh này có thể có những tác động nghiêm trọng tới phụ nữ mang thai, phụ nữ sau sinh cũng như ảnh hưởng tới bé.
Việc sử dụng thuốc điều trị trầm cảm khi mang thai nên được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ và đảm bảo rằng bạn đã hiểu đầy đủ về tác dụng và rủi ro khi dùng thuốc. Việc dùng thuốc sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của bé, tuy mức độ rủi ro khá thấp. Bạn và bác sĩ sẽ cùng nhau cân nhắc những rủi ro trong việc điều trị so với các rủi ro có thể xảy ra với bạn hoặc con nếu không thực hiện điều trị.
Ngoài lựa chọn sử dụng thuốc chống trầm cảm, các liệu pháp trị liệu tâm lý chuyên sâu có thể giúp ích cho bạn. Một nhà trị liệu tốt sẽ giúp bạn vượt qua các cảm xúc, học cách thay đổi suy nghĩ, hành vi tiêu cực và ứng dụng các phương pháp điều trị tốt hơn. Tuy nhiên, nếu bạn đã chọn phương pháp điều trị trầm cảm trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh, thì điều quan trọng nhất vẫn là bạn phải được giúp đỡ và hỗ trợ.