Một phần ba người Mỹ gặp vấn đề về bệnh lý tâm thần, tỷ lệ này cao hơn nhiều ở nữ. Các nghiên cứu cho thấy nữ có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn khoảng 40% so với nam giới. Tỷ lệ mắc PTSD (rối loạn căng thẳng sau sang chấn) ở nữ khoảng 10% cao gấp đôi so với chỉ 4% nam.
Nhiều người đơn giản cho rằng nữ giới gặp vấn đề này là do họ nhiều “cảm xúc” hơn nam giới. Tuy nhiên, sự thật là các bác sĩ tâm lý và tâm thần không thực sự chắc chắn tại sao các bệnh lý tâm thần ở nữ giới lại phổ biến hơn, và việc tìm ra các nguyên nhân cụ thể gây bệnh lý tâm thần ở nữ giới vẫn là một thử thách lớn. Cho đến nay, các bác sĩ đã chỉ ra một số nguyên nhân gây bệnh lý tâm thần ở nữ giới như dưới đây.
1. Bị phân biệt đối xử, chấn thương tâm lý và căng thẳng trong cuộc sống
Chấn thương tâm lý thường phổ biến ở nữ giới, một nửa số họ trải qua một số dạng chấn thương trong đời. 1/4 nữ giới đã từng đối mặt với việc bị tấn công tình dục, các báo cáo cho thấy 1/3 nạn nhân bị lạm dụng bởi một người trong gia đình. Chấn thương tâm lý cũng là một nguyên nhân có thể gây ra một loạt các bệnh lý tâm thần, đặc biệt là chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Do đó, những tác động tiêu cực của phân biệt giới tính, bạo lực giới tính, ngược đãi, chẩn đoán và phác đồ điều trị bệnh sai là những nguyên nhân trực tiếp tác động làm suy yếu sức khỏe tâm thần ở nữ giới.
Theo các báo cáo, nhiều phụ nữ sau khi gặp chấn thương được chăm sóc điều trị không đầy đủ hoặc không phù hợp. Các nghiên cứu cho thấy điều này cũng có thể là một phần nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của các bệnh lý tâm thần. Ví dụ, một số nữ giới sau khi bị hiếp dâm hoặc lạm dụng bị đổ lỗi rằng việc đó xảy ra là do họ. Những báo cáo khác cho rằng quấy rối đường phố, bạo lực trên truyền hình và các vấn đề về văn hóa làm tăng thêm nỗi đau của nữ giới sau một sự kiện đau thương.
Đáng buồn thay, phân biệt đối xử có thể làm tăng nguy cơ bị căng thẳng, và căng thẳng là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh lý tâm thần. Các nghiên cứu đã liên tục chỉ ra rằng ngay cả khi đã làm việc toàn thời gian, nữ giới vẫn phải làm việc nhà và chăm sóc con cái nhiều hơn so với chồng họ. Các báo cáo cũng cho thấy trong công việc nữ giới phải chăm chỉ hơn nam giới để có được sự tín nhiệm, nhiều người cũng lo lắng về những vấn đề đang diễn ra phổ biến ở nơi làm việc như bất bình đẳng tiền lương, quấy rối tình dục và phân biệt đối xử giới tính…. Những vấn nạn này đều rất nghiêm trọng và có thể là nguy cơ phá vỡ các kỹ năng giải quyết và lòng tự trọng của phụ nữ.
2. Các vấn đề nội tiết tố hay hoóc môn
Quan niệm sai lầm phổ biến cho rằng estrogen là hoóc môn nữ giới trong khi testosterone là hoóc môn nam giới. Sự thật cả hai giới đều có các loại hormone trong máu, nhưng với số lượng không giống nhau dựa trên tuổi tác, sức khỏe và các loại yếu tố khác. Một số nghiên cứu cho thấy sự khác biệt về hoóc môn giữa nam và nữ có thể đóng vai trò nhất định trong các bệnh lý tâm thần. Ví dụ: nữ giới có chiều hướng sản xuất lượng serotonin thấp hơn nam giới (serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh, có tác động tới cảm xúc), có thể do sự khác biệt về mức độ hoóc môn. Thiếu hụt serotonin là một nguyên nhân chính gây ra một loạt các vấn đề sức khỏe tâm thần, tiêu biểu như trầm cảm và lo lắng.
3. Thai sản, sinh con và nuôi dạy con
Những thay đổi sinh lý mà nữ giới phải chịu đựng trong thai kỳ và khi sinh nở thực sự không hề phóng đại. Có đến 41% nữ giới mắc một số dạng trầm cảm sau sinh, điều đó cho thấy sự thay đổi sinh lý có thể là một trong các nguyên nhân chính gây ra các bệnh lý tâm thần.
Tuy nhiên, không chỉ có các yếu tố sinh lý ảnh hưởng đến các bệnh lý tâm thần, các yếu tố văn hóa cũng có ảnh hưởng nhất định. Một số nữ giới bị sốc bởi công việc nuôi dạy con cái, đặc biệt là những ngày đầu làm mẹ. Nghiên cứu đã chỉ ra những đối tượng có nhiều nguy cơ mắc chứng trầm cảm sau sinh như: phụ nữ có bạn đời không hỗ trợ, chia sẻ khi sinh con, nuôi dạy con, bị tổn thương khi sinh con, gia đình sống trong cảnh nghèo đói hoặc bị căng thẳng mức độ cao. Điều này cho thấy những khó khăn mà nữ giới thường gặp có thể trực tiếp góp phần vào các vấn đề sức khỏe tâm thần sau sinh.
4. Sự khác biệt trong báo cáo
Mặc dù những nghiên cứu chưa đầy đủ hoàn toàn nhưng rõ ràng hầu hết mọi người đều cho rằng nữ giới nhiều cảm xúc hơn nam giới. Chúng ta đều biết rằng do định kiến xã hội nên đàn ông thường ít chia sẻ và khi biểu hiện cảm xúc thường bị coi là yếu đuối. Do đó, đàn ông thường ít khi quan tâm chăm sóc sức khỏe tâm lý, tâm thần so với phụ nữ, xu hướng này khiến phụ nữ thường được chẩn đoán là gặp vấn đề sức khỏe tâm thần nhiều hơn đàn ông. Khi gặp các vấn đề trầm cảm, 1/4 phụ nữ sẽ tìm cách điều trị tại một thời điểm nào đó, tuy nhiên tỷ lệ này ở đàn ông chỉ là 1/10. Tuy vậy, chắc chắn điều này có thể được giải thích bằng khác biệt trong giới tính bẩm sinh và ít nhất nó cũng cho thấy phần nào sự khác nhau về bệnh lý tâm thần giữa đàn ông và phụ nữ.
5. Sự khác biệt trong chẩn đoán
Nghiên cứu đã liên tục chỉ ra rằng: khi có cùng một biểu hiện lâm sàng, các bác sĩ thường hay chẩn đoán nữ giới mắc bệnh lý tâm thần hơn là nam giới. Có nhiều nguyên nhân gây ra chẩn đoán sai lệch này. Một số bằng chứng cho thấy các triệu chứng sức khỏe tâm thần của nam giới có thể bị coi là không khớp với tiêu chí chẩn đoán bệnh lý tâm thần. Đối với một số đàn ông, trầm cảm sẽ dẫn đến sự tức giận, tuy nhiên, tức giận lại không được coi là một tiêu chí chẩn đoán. Do đó, khi một người đàn ông phàn nàn mình thường hay tức giận vẫn có thể không được chẩn đoán là trầm cảm, ngay cả khi sự tức giận của anh ta che giấu các triệu chứng rõ ràng của bệnh.
Bởi vì các bác sĩ cho rằng bệnh lý tâm thần phổ biến hơn ở nữ giới, họ cũng có xu hướng đi đến chẩn đoán nữ giới mắc các bệnh lý tâm thần nhanh hơn. Ví dụ: nếu bệnh nhân nam kể về các triệu chứng như cảm thấy rất buồn, tâm trạng tồi tệ hay đau khổ, bác sĩ thường sẽ hỏi thêm về lối sống hoặc các việc đã làm và cảm xúc của anh ta trong hai tuần qua. Tuy nhiên, nếu một bệnh nhân nữ có các biểu hiện bệnh lý tương tự, nhiều khả năng bác sĩ sẽ chẩn đoán cô ấy bị trầm cảm ngay.
Điều đáng buồn trên có thể có nhiều nguyên nhân. Sự sai lệch ngầm định này là một kiểu thiên vị mà một người có thể không nhận thức được. Một số nghiên cứu cho thấy các bác sĩ có khuynh hướng ngầm ủng hộ việc gán nhãn các triệu chứng của nữ giới là tình cảm, trong khi các triệu chứng tương tự của nam giới được đánh giá nghiêm túc theo cách khác. Do đó, một phụ nữ kể với bác sĩ về những nỗi đau khổ, tâm trạng tồi tệ thường xuyên có thể bị coi là trầm cảm. Nhưng một người đàn ông với triệu chứng tương tự có thể được giới thiệu gặp một bác sĩ vật lý trị liệu. Tất nhiên các bác sĩ không cố tình làm điều này, và thậm chí họ chẳng có bất kỳ lý do gì để phải chẩn đoán sai cho bệnh nhân của họ. Trong một thế giới mà phân biệt đối xử giới tính còn phổ biến, cho rằng nữ giới có nhiều cảm xúc và ít lý trí hơn nam giới thì quan niệm trên vẫn đóng vai trò khiến nữ giới được báo cáo hay mắc bệnh lý tâm thần nhiều hơn.
Các nghiên cứu có thể thay đổi theo thời gian, và một ngày nào đó chúng ta có thể tìm ra một “bằng chứng rõ ràng” giải thích lý do tại sao nữ giới có tỷ lệ mắc bệnh lý tâm thần cao hơn. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, có thể thấy nhiều nguyên nhân phức tạp đã khiến nữ giới dễ mắc các bệnh lý tâm thần hơn.