Việc có thêm một em bé trong gia đình có thể là một thách thức cả về thể chất lẫn tinh thần. Tâm trạng thay đổi thất thường được gọi là hội chứng “baby blues” và thường biến mất sau khi sinh. Tuy nhiên, một số có thể bị trầm cảm nặng và kéo dài hơn. Tình trạng này được gọi là trầm cảm sau sinh.
1. Trầm cảm sau sinh là gì?
Trầm cảm sau sinh là tình trạng trầm cảm có thể bắt đầu trong thai kỳ hoặc tại bất cứ thời điểm nào trong tối đa một năm sau khi sinh.
Trầm cảm là một căn bệnh tâm thần ảnh hưởng đến tâm trạng của một người—cách người đó cảm nhận. Tâm trạng tác động đến cách nghĩ về bản thân họ, liên hệ với người khác và tương tác với thế giới xung quanh. Đây không chỉ đơn thuần là một ‘ngày tồi tệ’ hay ‘cảm thấy buồn’. Nếu không có sự hỗ trợ và điều trị, tình trạng trầm cảm có thể tồn tại trong một thời gian dài.
Các dấu hiệu trầm cảm sau sinh bao gồm luôn cảm thấy buồn, vô giá trị, vô vọng, tội lỗi hoặc lo lắng. Một số người cảm thấy cáu kỉnh hoặc tức giận. Họ không còn hứng thú với những thứ từng thích và có thể thu mình lại. Trầm cảm có thể khiến người bệnh khó tập trung vào các nhiệm vụ và ghi nhớ thông tin. Họ cũng có thể gặp khó khăn trong việc tập trung, học hỏi những điều mới hoặc đưa ra quyết định. Tình trạng trầm cảm có thể thay đổi cách mọi người ăn và ngủ, và nhiều người gặp phải các vấn đề về sức khỏe thể chất.
Một người mẹ hoặc người cha bị trầm cảm sau sinh có thể không thích đứa bé và thường xuyên nghĩ rằng họ là một người cha/mẹ tồi. Họ cũng có thể có những suy nghĩ đáng sợ về việc làm hại bản thân hoặc con của họ. Mặc dù người cha/mẹ hiếm khi lập kế hoạch hành động nhằm đối phó với những suy nghĩ này nhưng tình trạng này là nghiêm trọng và cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.
2. Tình trạng trầm cảm sau sinh ảnh hưởng đến ai?
Trầm cảm sau sinh có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai. Mặc dù đây là tình trạng thường gặp ở các bà mẹ nhưng nó có thể ảnh hưởng đến bất kỳ người mới làm cha mẹ nào, cả cha và mẹ, và những cha mẹ nhận con nuôi. Tình trạng trầm cảm sau sinh có thể xuất hiện do nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm tiền sử gia đình, khía cạnh sinh học, tính cách, trải nghiệm sống và môi trường (đặc biệt là thiếu ngủ).
3. Có thể làm gì để đối phó với trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh có thể là một trải nghiệm rất khó khăn. Việc mới làm cha mẹ đã đủ khó khăn và những thách thức khác do trầm cảm mang lại dường như quá sức chịu đựng. Điều quan trọng cần nhớ là không bao giờ có chuyện thai kỳ hoàn hảo, sinh nở hoàn hảo, đứa con hoàn hảo hay cha mẹ hoàn hảo. Bạn đang làm tốt nhất có thể. Với sự chăm sóc và hỗ trợ, bạn có thể hồi phục và tận hưởng thời gian bên gia đình.
4. Tư vấn và hỗ trợ điều trị trầm cảm sau sinh
Loại hình tư vấn với tên gọi liệu pháp nhận thức-hành vi là một phương pháp điều trị phổ biến cho tình trạng trầm cảm sau sinh. Đây có thể là phương pháp điều trị đầu tiên cần thử khi có các triệu chứng ở mức nhẹ hoặc trung bình. Liệu pháp nhận thức-hành vi cho bạn biết cách các suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của bạn phối hợp với nhau. Liệu pháp này cũng hướng dẫn các kỹ năng quan trọng như giải quyết vấn đề, tư duy thực tế, kiểm soát căng thẳng và thư giãn. Một loại hình tư vấn khác với tên gọi liệu pháp tiếp xúc cá nhân cũng có thể giúp bạn. Liệu pháp này tập trung vào các mối quan hệ và có thể giúp mọi người điều chỉnh theo các vai trò luôn thay đổi trong các mối quan hệ của họ.
Các nhóm hỗ trợ cũng rất quan trọng. Tình trạng trầm cảm sau sinh và việc mới làm cha mẹ có thể khiến bạn cô lập khỏi những người khác, và sự cô lập có thể làm tăng thêm cảm giác chán nản. Các nhóm hỗ trợ là nơi an toàn để chia sẻ các trải nghiệm của bạn, học hỏi từ những người khác và kết nối với những người làm cha mẹ khác, những người có các trải nghiệm tương tự và hiểu bạn đã trải qua những gì.
Việc chăm sóc sức khỏe của bạn là vô cùng quan trọng, nhưng việc này có thể khó khăn đối với những người mới làm cha mẹ. Bạn có thể nhờ người thân hoặc tìm hiểu những dịch vụ có sẵn để dành thời gian cho các nhu cầu của bản thân. Tập thể dục thường xuyên có thể thúc đẩy tâm trạng của bạn và giúp bạn quản lý căng thẳng. Việc ăn ngon và ngủ nhiều nhất có thể cũng có thể rất hữu ích. Và điều quan trọng là luôn dành thời gian cho các hoạt động mà bạn thích, tìm các cách thư giãn phù hợp và dành thời gian bên những người khiến bạn thoải mái.
5. Các loại thuốc chữa trầm cảm sau sinh
Các loại thuốc được gọi là thuốc chống trầm cảm được sử dụng để điều trị trầm cảm. Có nhiều mức và loại thuốc chống trầm cảm khác nhau, và mỗi loại có tác dụng khác nhau. Mặc dù nhiều bà mẹ có thể sử dụng thuốc chống trầm cảm một cách an toàn trong khi cho con bú nhưng điều quan trọng là trao đổi với bác sĩ về những rủi ro và lợi ích có thể có. Thuốc có thể giúp đối phó với một số triệu chứng bao gồm ngủ, cảm giác thèm ăn và mức năng lượng. Tuy nhiên, thuốc không thể loại bỏ những suy nghĩ hoặc niềm tin có thể gây ra tình trạng trầm cảm. Tốt nhất nên sử dụng cả dịch vụ tư vấn nếu bạn đang dùng thuốc chống trầm cảm.
6. Làm thế nào để giúp người thân mắc chứng trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh có thể là một trải nghiệm khó khăn đối với tất cả mọi người. Hầu hết mọi người mong đợi sự xuất hiện của em bé sẽ là một điều hạnh phúc và vui vẻ, trầm cảm sau sinh không phải là một trong số đó. Điều quan trọng cần biết là trầm cảm sau sinh không phải là lỗi của ai cả, nhưng bạn có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp người thân của mình hồi phục.
Dưới đây là một số lời khuyên về việc hỗ trợ người thân bị trầm cảm sau sinh:
- Hãy chấp nhận những trải nghiệm và khả năng hàng ngày của người thân là thực tế.
Hãy nhớ rằng mỗi cha mẹ và con cái đều là độc nhất và việc so sánh hai người hoặc hai gia đình sẽ chẳng giúp ích được gì.
- Hãy hiểu rằng những người bị trầm cảm sau sinh có thể muốn dành nhiều thời gian ở một mình. Điều này có thể khiến bạn tổn thương nhưng hãy cố gắng nhớ rằng đó không phải do bạn. Họ chỉ đơn giản đang cố gắng đối phó với trầm cảm.
- Đề nghị giúp đỡ thực hiện những công việc hàng ngày. Việc sắp xếp được thời gian để làm các việc vặt hàng ngày bình thường đã khó chứ đừng nói đến khi có em bé. Thông thường họ cần nhờ người thân giúp đỡ nhiều trong một hoặc hai tháng đầu tiên, nhưng trong những tháng tiếp đó có thể vẫn cần giúp đỡ, thậm chí nhiều hơn.
- Giúp chăm sóc trẻ như giúp đỡ cho ăn đêm hoặc giúp tìm nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em. Việc được nghỉ một chút hay có cơ hội để làm những điều mình thích có thể tạo nên sự khác biệt lớn về sức khỏe cho bất kỳ ai. Nhờ vậy mà họ cũng có thể ngủ nhiều hơn.
- Việc kiểm soát tình trạng trầm cảm sau sinh có thể mất rất nhiều công sức. Công nhận nỗ lực của họ bất kể kết quả có như thế nào.
- Trao đổi với bác sĩ hoặc y tá của họ, hoặc đi cùng họ trong các buổi hẹn, nếu bạn lo lắng.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ tư vấn và điều trị tâm lý chuyên sâu, nếu cần. Các nhóm hỗ trợ dành cho người thân có thể là một lựa chọn tuyệt vời và là một cách tốt để kết nối với những người khác.