Chứng ADHD dễ được phát hiện ở trẻ em nhưng lại rất khó xác định ở người lớn. Nhiều người trưởng thành đang phải đối mặt với chứng ADHD mà không hề hay biết. Do vậy, họ không nhận ra rằng, nhiều vấn đề trong cuộc sống như tổ chức, sắp xếp hoặc đúng giờ có thể là hệ lụy của chứng ADHD.
Dưới đây là 10 dấu hiệu cảnh báo về chứng ADHD ở người trưởng thành:
1. Gặp rắc rối khi sắp xếp công việc
Đối với người mắc chứng ADHD, những trách nhiệm khi trưởng thành (liên quan đến hóa đơn, công việc, con cái…) có thể khiến việc tổ chức, sắp xếp trở nên khó khăn và rắc rối hơn so với thời thơ ấu.
2. Tai nạn giao thông và lái xe thiếu cẩn thận
Chứng ADHD khiến người bệnh khó tập trung vào một nhiệm vụ. Vì vậy, người bệnh thường cảm thấy khó khăn khi phải tập trung lái xe trong thời gian dài. Các triệu chứng ADHD khiến một số người có khả năng thực hiện các hành vi mạo hiểm như tăng tốc độ, gây tai nạn giao thông và mất giấy phép lái xe.
3. Rắc rối trong hôn nhân
Nhiều người không mắc chứng ADHD vẫn gặp các vấn đề trong hôn nhân. Bởi vậy, không nên đánh giá hôn nhân gặp rắc rối là báo động đỏ cho chứng ADHD.
Nhưng có một số vấn đề hôn nhân có khả năng bắt nguồn từ hệ lụy của chứng ADHD. Người vợ/chồng bị mắc chứng ADHD thường thiếu khả năng lắng nghe và quên các cam kết hoặc lời hứa. Nếu mắc chứng ADHD, người vợ/chồng sẽ không hiểu tại sao bạn đời của mình lại buồn bã và có thể cảm thấy bị cằn nhằn hoặc bị đổ lỗi vô cớ.
4. Sự phân tâm
ADHD là một căn bệnh liên quan đến sự tập trung. Vì vậy chứng ADHD ở người trưởng thành có thể khiến người bệnh khó thành công hơn. Sự phân tâm có thể khiến người mắc ADHD làm việc kém hiệu quả, đặc biệt khi làm việc trong môi trường ồn ào. Nếu mắc chứng ADHD, bạn dễ cảm thấy thấy các cuộc điện thoại hoặc email gây mất tập trung, làm giảm sự chú ý, khiến bạn khó hoàn thành công việc.
5. Kỹ năng nghe kém
Mất tập trung trong các cuộc họp kéo dài hoặc quên đón con mặc dù đã được nhắc nhở trên đường là một số biểu hiện của điều này. Các vấn đề về sự tập trung dẫn đến kỹ năng nghe kém ở người mắc chứng ADHD, dẫn đến bị lỡ rất nhiều cuộc hẹn và gây ra những hiểu lầm không đáng có.
6. Cảm giác bồn chồn và không thể thư giãn
Trong khi biểu hiện của trẻ em mắc chứng ADHD dễ thấy là thường rất “hiếu động”, thì triệu chứng ADHD lại có biểu hiện khác nhau ở người trưởng thành. Thay vì hào hứng, vui vẻ, người trưởng thành mắc ADHD thường có cảm giác bồn chồn hoặc cảm thấy không thể thư giãn. Nếu bạn bị mắc chứng ADHD, người xung quanh có thể mô tả bạn là người hay cáu kỉnh hoặc luôn căng thẳng.
7. Rắc rối khi bắt đầu một nhiệm vụ
Giống như trẻ em mắc chứng ADHD thường không làm bài tập về nhà, người trưởng thành bị mắc chứng ADHD thường chần chừ khi bắt đầu các nhiệm vụ đòi hỏi nhiều sự tập trung. Sự chần chừ này thường làm gia tăng các vấn đề đang tồn tại, bao gồm những bất đồng trong hôn nhân, vấn đề tại nơi làm việc và với bạn bè.
8. Luôn chậm trễ
Có rất nhiều lý do cho việc này. Đầu tiên, những người trưởng thành bị mắc chứng ADHD thường bị phân tâm khi đang trên đường đến điểm hẹn. Có thể họ thấy chiếc xe cần rửa sạch và sau đó là cần đổ xăng mà không biết đã một giờ đã trôi qua. Những người trưởng thành bị mắc chứng ADHD cũng có xu hướng đánh giá thấp sự cần thiết về thời gian để hoàn thành một nhiệm vụ, dù đó là công việc quan trọng hay việc nhà.
9. Luôn dễ nóng giận
Chứng ADHD thường dẫn đến các vấn đề về kiểm soát cảm xúc. Nhiều người trưởng thành bị mắc chứng ADHD thường dễ tức giận với cả vấn đề nhỏ nhặt. Thông thường, họ cảm thấy không kiểm soát được cảm xúc của mình. Nhiều lần như vậy, cơn giận dữ của họ tan biến rất nhanh trước khi các cơn giận dữ khác lại bùng lên.
10. Rắc rối trong sắp xếp việc dựa trên sự ưu tiên
Người trưởng thành mắc chứng ADHD thường gặp rắc rối trong việc sắp xếp thứ tự ưu tiên. Họ thường thiếu thời gian hoàn thành nhiệm vụ quan trọng trong công việc, trong khi lại giành vô số thời gian cho các việc vụn vặt.
Chẩn đoán bệnh
Nếu bạn nghĩ rằng mình bị mắc chứng ADHD, hãy liên hệ với chuyên gia sức khỏe tâm thần được đào tạo và có kinh nghiệm để kiểm tra. Chứng bệnh này có thể khó chẩn đoán vì một số triệu chứng như khả năng tập trung hoặc tạo động lực kém, hay các vấn đề về mối quan hệ cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh khác. Bệnh trầm cảm hay lạm dụng chất gây nghiện có thể có các triệu chứng tương tự. Các chuyên gia sức khỏe sẽ đem đến sự hỗ trợ tốt nhất giúp bạn cải thiện căn bệnh và đối phó với các vấn đề của cuộc sống.