Lo lắng và lo âu có xu hướng thay thế cho nhau trong ngôn ngữ hàng ngày. Tôi rất lo âu về bài kiểm tra sắp tới của mình, cũng có nghĩa là, tôi rất lo lắng. Nhưng khi nói đến tâm lý, lo lắng và lo âu là hai điều khác nhau. Một cái sẽ nghiêm trọng hơn cái kia.
- Lo lắng là cụ thể, lo âu là chung chung
- Lo lắng có nghĩa, lo âu thì phi lý
- Lo lắng có giới hạn và có thể giải quyết, lo âu thì ngược lại
- Lo lắng liên quan đến ngôn ngữ và tinh thần, lo âu liên quan đến thể chất
- Ta nói về lo lắng nhưng che giấu lo âu
- Lo lắng có thể quản lý được, lo âu vượt quá tầm kiểm soát
- Lo âu ảnh hưởng đến hoạt động của bạn
- Lo lắng có thể khiến ta buồn bã, lo âu khiến ta đau khổ
- Lo lắng cuối cùng sẽ qua nhưng lo âu sẽ còn đó hoặc tồi tệ hơn
1. Lo lắng là cụ thể, lo âu là chung chung
Với lo lắng, bạn biết chính xác những gì đang làm phiền mình. Bạn lo lắng rằng đã nói điều gì sai vào một ngày cụ thể, hoặc không đủ khả năng chi trả cho đám cưới sắp tới, hoặc con trai của bạn thi trượt ở trường.
Với lo âu, mọi thứ rất rộng và mơ hồ. Bạn đang lo âu mọi thứ bất kể nó là gì sẽ làm hỏng đám cưới, và nếu một thứ được giải quyết, thì thứ khác lại làm bạn hoảng loạn. Đôi khi sự lo âu quá chung chung, bạn thậm chí không biết điều gì gây ra nó. Bạn chỉ biết rằng đang cảm thấy ngày càng căng thẳng, kích động và bị đe dọa. Nếu ai đó hỏi bạn có vấn đề gì, bạn chỉ có thể nói là "Tôi không biết". Vì bạn không biết thật.
2. Lo lắng có nghĩa, lo âu thì phi lý
Lo âu hiếm khi phản ánh chính xác những suy nghĩ của chúng ta. Nó thường có xu hướng trở nên bi đát.
"Tôi đã nói quá nhiều trong cuộc gặp gỡ đó," sau đó sẽ thành, "sếp sẽ ghét tôi, tôi sẽ bị đuổi việc, trở nên nghèo khổ và thành người vô gia cư”.
Bạn không chắc suy nghĩ của mình có logic không? Hãy nói ra tất cả, tốt nhất là nói với người mà bạn tin tưởng. Nếu họ bắt đầu nói, "tôi hiểu ý của bạn, nhưng..." thì đó là lo lắng. Nếu họ nói điều gì đó đại loại như "điều đó không có ý nghĩa gì cả", hay "cậu đang bi kịch hóa vấn đề đấy", thì hẳn bạn đang rơi vào tình trạng lo âu. Nếu ngay cả bạn cũng hiểu bản thân mình đã phi lý như thế nào, thì đó cũng chính là một dấu hiệu cảnh báo về tình trạng lo âu mà bạn gặp phải.
3. Lo lắng có giới hạn và có thể giải quyết, lo âu thì ngược lại
Lo lắng thường xảy ra trong một lĩnh vực nhất định của cuộc sống, có thể là về hiệu suất công việc gần đây. Nhưng khi dành ra thời gian đi chơi với bạn bè, chúng ta có thể quên đi những lo lắng ấy, ít nhất là trong vài giờ.
Lo âu lại hiện diện trong tất cả các lĩnh vực mà không hề cụ thể là lĩnh vực nào. Thậm chí khi dành ra cả một ngày ở spa để xả hết mọi thứ, bạn lại bắt đầu lo đến những chuyện như tình trạng giao thông, hay sự sạch sẽ tại trung tâm, khiến cho bạn chẳng thể ngừng cảm thấy lo âu và tìm kiếm sự thư giãn.
4. Lo lắng liên quan đến ngôn ngữ và tinh thần, lo âu liên quan đến thể chất
Lo lắng là dựa trên suy nghĩ. Chắc chắn, nó có thể khiến chúng ta thức suốt đêm đến kiệt sức, nhưng nó hiếm khi là thứ mà cơ thể ta cảm thấy.
Lo âu không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ, nó có xu hướng gây ra vô số các triệu chứng thể chất khác bao gồm tim đập nhanh, đổ mồ hôi, khô miệng, nghiến răng hoặc cứng hàm, căng cơ vai, đau bụng, chóng mặt và nhức đầu. Trong thực tế, một tỷ lệ cao những người đi đến bác sĩ hoặc bệnh viện cho các vấn đề về tim thường được chẩn đoán là lo âu.
5. Lo lắng khiến ta căng thẳng, lo âu khiến ta lo sợ
Lo lắng có thể khiến bạn bồn chồn. Nhưng lo âu khiến bạn thực sự sợ hãi. Ngay cả khi ta tự trấn an về mặt tinh thần rằng không sợ, cơ thể vẫn sẽ có dấu hiệu sợ hãi như: nhảy dựng lên, tim đập thình thịch, gặp ác mộng khi ngủ.
6. Ta nói về lo lắng nhưng che giấu lo âu
Lo lắng được xã hội chấp nhận. Nói về những điều như lo lắng cho sức khỏe hoặc con cái là bình thường.
Lo âu lại gây ra sự xấu hổ, vì vậy người ta sẽ che giấu nó. Đáng buồn thay, bạn sống ở một xã hội mà cộng đồng không thể chấp nhận việc chia sẻ những gì bạn sợ hoặc trao đổi những suy nghĩ phi lý của bạn.
7. Lo lắng có thể quản lý được, lo âu vượt quá tầm kiểm soát
Ngay cả khi cực kỳ lo lắng về điều gì đó, ở một mức độ nhất định, bạn biết rằng "cơn ác mộng" sẽ kết thúc, hoặc bạn sẽ làm gì đó giải quyết tình huống này.
Dù người khác nói gì, hay dù chúng ta cố gắng làm điều gì đi chăng nữa, sự lo âu vẫn luôn hiện diện. Chúng ta cảm thấy không thể ngăn chặn được nó.
Hãy ngồi xuống với một người bạn tốt và lập danh sách các hành động giúp giải quyết những gì làm bạn khó chịu. Sau đó yêu cầu hỗ trợ trong việc thực hiện các bước đó. Nếu bạn cảm thấy tốt hơn, đó là lo lắng. Nếu tâm trí của bạn vừa tìm thấy thứ gì khác để ám ảnh, thì bạn đang ở trong tâm trạng lo âu.
8. Lo âu ảnh hưởng đến hoạt động của bạn
Lo lắng có thể gây phiền phức, nhưng nó không ngăn bạn khỏi cuộc sống hàng ngày. Bạn vẫn đi làm, vẫn hoạt động tốt và có một cuộc sống bình thường.
Lo âu thay đổi khả năng hoạt động của bạn. Bạn có thể bắt đầu làm việc kém ở nơi làm việc hoặc trường học, bắt đầu tránh bạn bè, bỏ qua phòng tập thể dục. Những suy nghĩ lo âu đang lấy hết tất cả năng lượng của bạn.
9. Lo lắng có thể khiến ta buồn bã, lo âu khiến ta đau khổ
Lo lắng có thể khiến bạn buồn bã, thậm chí có thể khóc khi nói về những nỗi lo lắng của bản thân, nếu bạn là một người dễ xúc động.
Lo âu có thể khiến bạn cảm thấy vô vọng và sẽ có suy nghĩ "bất hạnh, u ám" hoặc thực sự cảm thấy đang gặp nguy hiểm.
10. Lo lắng cuối cùng sẽ qua nhưng lo âu sẽ còn đó hoặc tồi tệ hơn
Lo lắng sẽ kết thúc. Cuối cùng, tình huống được giải quyết hoặc vượt qua và bạn cảm thấy tốt hơn.
Lo âu không bị ảnh hưởng bởi kết quả, ngay cả khi chúng là kết quả tích cực. Ví dụ, nếu bạn lo âu trong công việc, không có thành công hay thăng tiến nào sẽ ngăn chặn sự căng thẳng mà bạn cảm thấy hàng ngày.
Tại sao cần quan tâm đến lo âu nhiều hơn là lo lắng?
Lo lắng và lo âu đều đáng để nói chuyện với một tư vấn viên. Nhưng lo âu phổ biến và mất kiểm soát hơn nhiều. Theo thời gian, lo âu có thể phát triển thành các cơn hoảng loạn, rối loạn lo âu và trầm cảm nghiêm trọng. Tất cả đều có thể ảnh hưởng lớn đến khả năng hoạt động của bạn.
Điều quan trọng là phải nhận được sự hỗ trợ khi gặp chứng lo âu càng sớm càng tốt. Lo âu nói chung dễ điều trị hơn chứng rối loạn lo âu cần cảnh giác hoặc trầm cảm nghiêm trọng.
Một liệu pháp ngắn hạn có tác dụng tốt đối với chứng lo âu (và không khiến bạn phải vượt qua quá khứ) là liệu pháp nhận thức - hành vi (CBT)- phương pháp trị liệu tâm lý chuyên sâu khoa học. Nó giúp bạn nhận ra suy nghĩ lệch lạc của mình và thay đổi thành suy nghĩ cân bằng.