Bạn nhận thấy gần đây mình có những thói quen khác lạ và băn khoăn liệu đây có phải là dấu hiệu của bệnh trầm cảm? Bạn đang tự hỏi làm thế nào để biết được mình có phải đang bị trầm cảm hay không?

Bệnh trầm cảm gồm nhiều loại và có nhiều triệu chứng khác nhau. Bởi vậy, nếu thực sự quan tâm đến căn bệnh này, tốt nhất chúng ta nên đến gặp các chuyên gia tâm lý. Các chuyên gia sẽ đặt một số câu hỏi để kiểm chứng và giúp nhìn nhận rõ ràng hơn về việc liệu chúng ta bị trầm cảm hay căn bệnh khác.

Trong trường hợp muốn tự tìm hiểu thì đây là 12 câu hỏi giúp bạn kiểm chứng.

1. Bạn chán nản trong bao lâu rồi?

Chỉ vài tuần gần đây bạn mới cảm thấy không phải là chính mình hay tình trạng này đã diễn ra trong thời gian dài? Điều này có bất thường không hay bạn vẫn liên tục gặp phải những cảm giác lên xuống thất thường?

Nếu chỉ cảm thấy chán nản trong vài tuần trở lại đây, đó có thể là tình trạng sốc cảm xúc tạm thời. Trầm cảm xuất hiện khi chúng ta không cảm thấy là chính mình trong khoảng sáu tuần hoặc lâu hơn.

Nếu tuyệt vọng, chán nản trong khoảng 6 tuần trở lên, có thể chúng ta đã bị trầm cảm

Nếu tuyệt vọng, chán nản trong khoảng 6 tuần trở lên, có thể chúng ta đã bị trầm cảm (Nguồn ảnh: Internet)

Hãy quan sát chính mình trong một thời gian dài xem liệu tâm trạng của bản thân có xu hướng lên xuống thất thường không. Nếu luôn chán nản trong khoảng hai hoặc ba tuần mỗi tháng và tình trạng này đã diễn ra trong nửa năm nghĩa là chúng ta thực sự cần được giúp đỡ.

2. Mức độ hứng thú với các sở thích và hoạt động

Nếu bạn khóc rất nhiều nhưng vẫn cảm thấy vui vẻ ở phòng tập thể dục và cảm thấy tốt hơn khi ra ngoài gặp bạn bè, điều này cho thấy rằng, sự chán nản chỉ đơn thuần là trạng thái cảm xúc thôi.

Trầm cảm là khi cảm xúc chán nản ảnh hưởng đến những hoạt động, sở thích hàng ngày. Là khi bản thân phải nỗ lực để thực hiện các thói quen hoặc hoạt động mà trước đây từng yêu thích.

3. Bạn muốn biết nguyên nhân của tâm trạng tồi tệ là gì?

Bạn vừa trải qua cảm giác tồi tệ vài tuần trước. Đó có thể là cảm giác bản thân thừa thãi, vừa chia tay người yêu hoặc một bài thuyết trình bị đánh giá thấp? Bạn có thể đã bị căng thẳng cực độ.

Mặt tốt của tình trạng căng thẳng, không giống như trầm cảm, chúng ta có thể xác định được vấn đề và từ đó tiến hành các bước khắc phục. Một công việc mới, dành thời gian với bạn bè hoặc tham gia khóa học diễn thuyết trước công chúng,... hoàn toàn có thể giúp chúng ta giải quyết vấn đề

Căn bệnh trầm cảm, mặt khác có thể hiểu giống một màn sương mù. Có nhiều thứ cùng lúc diễn ra và đột nhiên chúng ta thấy mình “ở trong đó”. Chúng ta cảm thấy bất lực trước trầm cảm vì hiếm khi xác định được nguyên nhân chính xác, không biết nên bắt đầu thay đổi từ đâu. (Trầm cảm thậm chí còn cướp đi những nguồn động lực để cố gắng).

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, căng thẳng có thể trở thành trầm cảm nếu ta không đối phó với nguyên nhân gây căng thẳng. Vì vậy, chúng ta nên tìm kiếm sự hỗ trợ tốt nhất để lên kế hoạch cải thiện dứt điểm tình trạng đó.

4. Những căng thẳng trong tâm trí là gì?

Làm sao để biết mình bị trầm cảm? Những dấu hiệu của căn bệnh trầm cảm là gì? Hãy lưu ý nếu bạn suy nghĩ về các vấn đề của quá khứ, hiện tại hoặc tương lai. Nếu bị ám ảnh bởi một điều gì đó trong tương lai và không thể ngừng suy nghĩ về việc mọi thứ đi chệch hướng, nhiều khả năng chúng ta đang bị lo lắng quá đà chứ không phải trầm cảm.

Người bị trầm cảm thường bị ám ảnh về quá khứ thay vì lo lắng cho tương lai

Người bị trầm cảm thường bị ám ảnh về quá khứ thay vì lo lắng cho tương lai (Nguồn ảnh: Internet)

Trầm cảm có thể xóa tan mọi hy vọng cho tương lai. Thay vào đó, chúng ta thường bị ám ảnh về quá khứ, về tất cả những điều sai lầm trong cuộc sống mà chúng ta đã bỏ lỡ, những lần thất bại.

5. Cảm xúc chính gần đây là gì?

Bạn có cảm thấy nỗi sợ hãi chiếm ngự hàng ngày? Xin nhắc lại, cảm giác này chỉ là lo lắng, một tình trạng dựa trên sự sợ hãi.

Trầm cảm lại thường nhấn chìm chúng ta trong nỗi xấu hổ. Sự xấu hổ có thể có những biểu hiện như những cảm giác tội lỗi, sự buồn bã và thậm chí là những cơn giận dữ. Lưu ý rằng đôi khi bị trầm cảm, ta có thể thấy vô cảm, lạc lõng với mọi thứ xung quanh, hay còn gọi là tê liệt cảm xúc.

6. Các triệu chứng về thể chất là gì?

Căng cơ, co thắt dạ dày, lòng bàn tay đổ mồ hôi, tim đập nhanh là những triệu chứng của căng thẳng hoặc lo lắng.

Còn nếu cảm thấy quá mệt mỏi, tất cả mọi thứ dường như là quá sức, cơ thể như thể làm bằng cát hoặc chì, lúc nào cũng cảm thấy ớn lạnh hoặc thậm chí tê liệt hoàn toàn thì có thể bạn đã bị trầm cảm.

7. Giấc ngủ như thế nào?

Bạn có ngủ li bì, không thể dậy được khi đồng hồ báo thức kêu và đột nhiên dễ ngủ hơn vào cuối tuần không? Hoặc ngủ mê mệt và có những giấc mơ xấu, rất mệt mỏi khi thức dậy? Hoặc không thể ngủ được? Trầm cảm thường có xu hướng gây ra các vấn đề về giấc ngủ.

Lo lắng cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nhưng lý do không thể ngủ đủ giấc thường bởi vì tâm trí lo lắng và có cảm giác như một cơn hoảng loạn trong bóng tối.

8. Chế độ ăn uống thì sao?

Trầm cảm thường có nghĩa là chúng ta ăn quá ít hoặc quá nhiều.

9. Bạn đang nghĩ gì?

Nếu dành thời gian để lắng nghe suy nghĩ của mình, bạn sẽ nghe thấy gì? Đó có phải là công việc phải hoàn thành, các vấn đề cần xử lý hay không? Nếu đúng, nó là sự căng thẳng hoặc lo lắng. Hoặc nếu bản thân đang lặp đi lặp lại suy nghĩ về một tình huống nhất định, cố gắng để nhìn nhận đúng nhưng lại chỉ cảm thấy xúc động, điều này chỉ ra rằng có thể đó chỉ là một cơn buồn hoặc sốc về cảm giác.

Nhưng nếu toàn bộ suy nghĩ đều là sự tiêu cực và u ám thì bạn có thể đang bị trầm cảm. Suy nghĩ tiêu cực luôn đi kèm với trầm cảm, cũng như rối loạn nhận thức, làm cho chúng ta suy nghĩ về mọi thứ tồi tệ hơn so với thực tế. Nếu bị trầm cảm, suy nghĩ tiêu cực sẽ tệ đến mức ta có thể làm tổn thương chính mình hoặc người khác.

Khi toàn bộ suy nghĩ đều tiêu cực và u ám, có thể bạn đã bị trầm cảm

Khi toàn bộ suy nghĩ đều tiêu cực và u ám, có thể bạn đã bị trầm cảm (Nguồn ảnh: Internet)

Nếu đang ở trong trường hợp này, hãy tìm kiếm sự trợ giúp ngay lập tức. Hãy gọi đến trung tâm hỗ trợ bệnh trầm cảm hoặc nếu chuẩn bị thực hiện các hành vi làm tổn thương bản thân, hãy gọi các dịch vụ khẩn cấp.

10. Bạn đang nghĩ về ai?

Sự lo lắng thường hướng những suy nghĩ của bản thân về người khác, chẳng hạn, sếp, đồng nghiệp và gia đình họ đang nghĩ gì về bạn? Hoặc họ sẽ phản ứng như thế nào với những gì bạn làm.

Bệnh trầm cảm lại thường khiến chúng ta suy nghĩ về bản thân mình, về tất cả những điều đã làm sai, những điều khủng khiếp đã trải qua. Nếu suy nghĩ về những người khác, thông thường đó sẽ là liệu mình đã làm họ thất vọng, và sao họ không thể hiểu mình.

11. Sự tập trung cho các công việc

Với trầm cảm, lúc cố gắng làm việc, tâm trí thường có cảm giác như bị che mờ, trống rỗng, và mất tập trung. Chúng ta gặp khó khăn để hoàn thành các nhiệm vụ đơn giản do không thể tập trung, đồng thời, do bản thân không muốn bị làm phiền để có thể tập trung.

Mặt khác, căng thẳng và lo lắng lại thường đẩy chúng ta vào chế độ chiến đấu hoặc “chế độ bay”. Mật độ cortisol trong máu tăng đột biến và chúng ta dễ nhìn thấy bản thân tập trung quá mức, như đang trong phòng chiếu 3D chân thực.

12. Bạn có cảm thấy mình được thấu hiểu?

Lo lắng thường khiến chúng ta có xu hướng chia sẻ cảm nhận và suy nghĩ với bạn bè và những người thân dù đôi khi biết chính mình đang tự làm quá nó lên. Và chúng ta có xu hướng thích chia sẻ vì chúng ta đang sống trong một xã hội mà sự lo lắng và căng thẳng khá dễ được chấp nhận.

Trầm cảm có thể có tác dụng ngược lại. Nguyên do bởi trầm cảm được thúc đẩy bởi sự xấu hổ. Khi xấu hổ, bản năng của chúng ta là trốn tránh. Ngay cả khi lấy hết can đảm và chia sẻ việc chúng ta cảm thấy tồi tệ như thế nào với người thân, sự xấu hổ vẫn có thể khiến chúng ta chần chừ do lo sợ bị từ chối. Nếu bị trầm cảm thì cho dù người khác cố gắng thế nào, chúng ta vẫn luôn cảm thấy bị hiểu lầm.

Liệu bệnh trầm cảm của tôi có biến mất được không?

Trầm cảm không có xu hướng biến mất, ngay cả khi chúng ta có thay đổi hoàn cảnh sống đột ngột theo hướng tích cực. Nguyên do bởi trầm cảm được hình thành từ những trải nghiệm chưa được giải quyết trong quá khứ và ảnh hưởng một cách vô thức đến việc chúng ta tận hưởng những điều tốt đẹp. Nhưng trị liệu bằng cách nói chuyện có thể giúp kiểm soát trầm cảm, và sẽ ít bị tái phát lại trầm cảm trong tương lai. Bạn có thể chia sẻ, nói chuyện với những người mình tin tưởng hoặc tìm đến sự tư vấn tâm lý từ những bác sĩ chuyên môn để giải tỏa vấn đề khiến bạn rơi vào trạng thái trầm cảm.