Chia sẻ của 4 phụ nữ về trải nghiệm của họ với chứng trầm cảm, bao gồm các triệu chứng cụ thể cho biết họ đang đối mặt với một bệnh tâm thần chứ không phải chỉ là một ngày tồi tệ.
Ashley Wagner là một vận động viên trượt băng nghệ thuật, người đã 3 lần vô địch quốc gia của Hoa Kỳ. Năm 2016, sau cả thập kỷ Mỹ không giành được bất kỳ huy chương nào cho môn trượt băng nghệ thuật, cô đã giành huy chương bạc tại cuộc thi thế giới về nước mình. Nhưng việc không được tham gia đội tuyển Olympic năm 2018, một đợt “trầm cảm nghiêm trọng” đã khiến cô hầu như không thể sinh hoạt bình thường như trước.
Nữ vận động viên chia sẻ trong một video gần đây trên Instagram: “Ban đầu tôi chỉ thất vọng về bản thân vì đã để một sự kiện hủy hoại mọi thứ mà tôi tin là đúng về bản thân cũng như cách tôi nhìn nhận và cảm nhận về giá trị của mình”.
May mắn thay, mọi người xung quanh đã khuyên cô nên tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên môn. Wagner tiết lộ: “Cuối cùng, tôi đã tìm được các công cụ để giúp bản thân cảm thấy khá hơn”. Sự thừa nhận thẳng thắn của cô (vào ngày sức khỏe tâm thần thế giới tháng 10) cho thấy rằng nếu trầm cảm có thể khiến một vận động viên chuyên nghiệp thuộc đẳng cấp thế giới phải khốn đốn thì nó có thể tác động đến bất kỳ ai.
Vậy làm thế nào để bạn biết được mình đang gặp phải một vấn đề lớn hơn sự thay đổi tâm trạng tạm thời? Chúng tôi đã nhờ bốn phụ nữ chia sẻ những trải nghiệm rất khác nhau với chứng trầm cảm của họ, và những dấu hiệu cho họ biết họ đang đối mặt với một thứ gì đó nghiêm trọng hơn chứ không chỉ là tâm trạng không tốt.
1. "Đó không phải là nỗi buồn. Đó là cảm giác sợ hãi"
Jen, một tư vấn viên truyền thông ở thành phố New York, là kiểu người thích ở gần người khác. Tuy nhiên khi còn là sinh viên đại học, cô luôn cảm thấy tách biệt và cáu giận chứ không phải hướng ngoại như bây giờ. Khi không bực tức la lối, cô sẽ nhốt mình trong căn hộ, ngủ một mạch 18 tiếng đồng hồ, đôi khi có đến lớp, sau đó lại trốn ra ngoài. Jen bị tăng cân. Và cô đã khóc. Rất nhiều.
“Lúc đó tôi có bạn trai. Anh ấy luôn tỏ ra kiểu ‘chuyện gì đang xảy ra với em vậy?”, cô nhớ lại. Các bạn cùng phòng cũng nhận thấy Jen khác lạ. Nhưng vấn đề của cô đã được phát hiện trong một lần về thăm nhà. “Cha mẹ tôi có thể thấy được điều đó. Họ chỉ nhìn… một cái nhìn rất buồn và nghiêm nghị.”
Đi trị liệu và dùng đúng loại thuốc (Prozac, trong trường hợp này) đã tạo ra sự khác biệt. Cô giải thích rằng “Nó không thay đổi cuộc sống theo kiểu như đang chạy marathon và cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Nó chỉ khiến bạn cảm thấy là chính mình”, không khác gì khi dùng insulin nếu bạn bị tiểu đường.
Cuối cùng Jen đã ngừng điều trị. Vào sáu hay bảy năm trước, khi chứng trầm cảm lại xuất hiện, cô ấy đã trì hoãn việc chăm sóc sức khỏe tâm thần do thường xuyên phải đi công tác. Tâm trạng của cô ngày càng xấu đi khi không phải đến văn phòng mỗi ngày. cô Jen giải thích. “Tôi đã dành nhiều thời gian hơn cho bản thân mình và tôi không thể lờ đi các dấu hiệu đó được nữa”, Đến tháng 1 năm 2018, cô tái điều trị: cũng vẫn bác sĩ đó, nhưng với loại thuốc khác (lần này là Cymbalta).
Chứng trầm cảm của Jen xuất hiện như một cảm giác kỳ quặc trong đầu, như thể một bên não của cô không thể kết nối được với bên còn lại. Đó không phải là nỗi buồn. “Đó là cảm giác sợ hãi và không phải là sợ hãi như thể một điều gì đó tồi tệ sắp xảy ra. Đó là cảm giác sợ hãi rằng tôi phải thức dậy vào buổi sáng; Tôi phải hoạt động.
2. “Nếu bị rơi máy bay thì ít nhất tôi sẽ không phải cảm thấy như thế này nữa"
Khi Janet, một giám đốc kinh doanh tại Washington, D.C., được thăng chức vào năm 2003, cuộc sống của cô đột ngột thay đổi—nhưng không phải theo hướng tích cực. Janet trở nên lo âu và hay khóc, điều này thậm chí còn khiến chồng nghi ngờ liệu cô có đang ngoại tình không. Janet chưa bao giờ có khoảng thời gian tối tăm, “khó chịu” đến vậy. Cảm giác như thể đang cố gắng leo ra khỏi “một cái hố đen”, và nhìn thấy ánh sáng phía trên nhưng không thể với tới.
Janet chia sẻ: “Đã có lúc tôi đi máy bay và nghĩ rằng nếu máy bay bị rơi thì ít nhất tất cả sẽ kết thúc và tôi sẽ không phải cảm thấy như thế này nữa.” Đó chỉ là một suy nghĩ thụ động; không phải là một mong muốn tự sát. Tuy nhiên lại rất đáng sợ.
Vài tháng sau, Janet rơi nước mắt khi trải lòng với bác sĩ sản phụ khoa đáng tin cậy của mình, người đã khuyên cô trị liệu bằng cách nói chuyện và bắt đầu cho cô dùng Zoloft, một loại thuốc chống trầm cảm. Phải mất ba hay bốn tuần để thuốc phát huy tác dụng. Khi đó, cảm giác tệ hại bắt đầu giảm dần.
Điều mà bác sĩ và chuyên gia tâm lý của Janet nhận ra là trầm cảm có thể là triệu chứng tiền mãn kinh, khoảng 5 năm trước giai đoạn mãn kinh khi nồng độ hormone bắt đầu giảm mạnh. Nhìn lại, cô tin rằng sự xáo trộn hormone của mình, cộng với sự căng thẳng do trách nhiệm tại nơi làm việc mới, đã gây ra tình trạng trầm cảm cấp tính và lo âu.
Khi cô thử ngừng dùng thuốc, những cảm giác vô vọng đó lại xuất hiện. Bác sĩ cuối cùng đã thuyết phục Janet dùng thuốc mà không cảm thấy tội lỗi. Cô nhớ lại lời bác sĩ giải thích: “Mọi người đều có trải nghiệm riêng trong thời kỳ mãn kinh, và các trải nghiệm của cô có vẻ như là lo âu và trầm cảm.”
Giờ đây khi những cảm xúc đó dâng trào, Janet cảm tưởng như có một con mèo đang cào cô. Thay vì cố gắng đánh con mèo đó, cô ấy làm dịu nó với suy nghĩ rằng “được rồi, được rồi, ta thấy rồi, bình tĩnh nào.”
3. "Trong đầu tôi chỉ có sự hỗn loạn"
Cha mẹ Vanessa, sinh viên sau đại học sống tại Los Angeles, yêu thương con gái của mình nhưng biết có gì đó không ổn. Cô thường cáu kỉnh và quá xúc động, luôn ở một mình và chỉ có vài người bạn. Nhưng hết nhà trị liệu này đến nhà trị liệu khác lại bảo đảm với họ rằng Vanessa chỉ đơn thuần đang đối mặt với những bất an ở tuổi trẻ.
Vào cấp ba, Vanessa rất giỏi trong việc nói với các bác sĩ tâm thần những gì họ “muốn nghe”, cô nhớ lại. Và bằng tất cả các biện pháp bề ngoài, các học sinh danh dự đều rất ổn. “Tất cả những gì tôi biết là trong đầu tôi chỉ có sự hỗn loạn”, cô chia sẻ. Cô đã phải âm thầm vật lộn với chứng lạm dụng chất gây nghiện và tự hại.
Đỉnh điểm giới hạn xuất hiện sau đó vài năm. Người quản lý của Vanessa tại Victoria’s Secret rất nhạy bén với những suy nghĩ về việc tự rạch chân tay, trừng phạt và tự tử của cô. Nếu không thành thật, sẽ báo cho cha mẹ cô. Và vì đã rất chắc chắn, người quản lý của Vanessa đã gọi điện và chuyến về thăm nhà của cô đúng là thời khắc “thay đổi tâm thức”.
Sau khi nhập viện, Vanessa đã dành ba tháng điều trị nội trú tại Timberline Knolls ở Chicago. Ở tuổi 25, cuối cùng cô đã được chẩn đoán: rối loạn lưỡng cực loại II (liên quan đến các cơn trầm cảm, nhưng không phải hưng cảm hoàn toàn) và rối loạn nhân cách ở mức cơ sở (đặc trưng bởi các triệu chứng trầm cảm).
Những người bị trầm cảm thường bị coi là lười biếng, nhưng thực sự là “họ không thể hoạt động theo đúng nghĩa đen”, Vanessa nhớ lại những người bạn học phổ không còn liên hệ nữa, những người muốn rủ cô đi đây đó. Vanessa không hẳn coi cảm xúc của mình là trầm cảm. “Tôi chỉ nghĩ về cách thoát khỏi cảm xúc đó. Tôi có thể làm gì để trốn thoát ngày hôm đó: Liệu có nên tự hại bản thân? Hay nên uống rượu?
Cuộc sống của Vanessa đã trở lại đúng hướng. Dùng thuốc chống trầm cảm và ổn định tâm trạng. Điều trị ngoại trú và tập võ thuật hỗn hợp. Cô dành thời gian với bạn bè thân thiết, những người luôn quan tâm khi cô im lặng. Vanessa nỗ lực bình thường hóa chứng trầm cảm, kể cả ở nơi làm việc. Một hay hai năm trước, Vanessa đã nói với người quản lý của mình “Thậm chí tôi không còn hay nói tôi bị ốm. Tôi buồn. Tôi không thể ra khỏi giường được.”
4. "Đó là một hố đen chứa đầy phiền muộn mà tôi không nghĩ mình có thể thoát ra được"
Vào năm 2010, Jennifer đang học để trở thành một nhà vật lý trị liệu. Đó cũng là năm cô bắt đầu điều trị nội trú vì chứng rối loạn ăn uống đã “vượt khỏi tầm kiểm soát”. Vào thời điểm đó, cô sinh viên sau đại học trẻ tuổi đã không nhận ra mình bị trầm cảm. Jennifer chỉ biết mình cảm thấy không có khả năng và không xứng đáng với bất kỳ điều gì. “trong tâm trí tôi, không có gì đủ tốt cả”, cô cho hay.
Tất nhiên Jennifer vẫn mỉm cười và tỏ vẻ bình thường khi ở trường hoặc trong các đợt luân chuyển lâm sàng, nhưng lại phải về nhà vào buổi tối. Cô ấy chia sẻ: “Cách duy nhất có thể ép mình ăn là khi không thể cảm thấy bất kỳ điều gì, vì vậy tôi phải uống hoặc dùng thuốc”.
Đúng vậy đó, thuốc. Nói chính xác là thuốc điều trị lo âu do bác sĩ đa khoa kê toa. Một lần vô tình dùng quá liều đã khiến Jennifer phải vào khoa tâm thần của bệnh viện và sau đó là điều trị nội trú trong hai tháng, gián đoạn việc học. Cô khẳng định: “Lúc đó không phải muốn tự tử, tôi chỉ muốn không cảm thấy gì cả.”
Jennifer giờ đã nhận ra rằng chứng trầm cảm của cô đã biểu hiện như chứng rối loạn ăn uống và thông qua việc lạm dụng chất gây nghiện. Cô vẫn có những lúc buồn nhưng không còn cảm thấy vô vọng. Khi nhìn lại, Jennifer cho biết “đó giống như một hố đen chứa đầy nỗi buồn mà tôi không nghĩ mình có thể thoát ra được."
Bài viết được dịch theo How to Know If Your Bad Mood Is Actually Depression xuất bản ngày 25/10/2018 trên tờ Health News.