Tháng 5 năm 2018, Crystal Anderson - Quản lý điều hành trang Man Repeller (MR) đã kể về hành trình sức khỏe tâm thần của bản thân. Hôm nay, chúng tôi muốn chia sẻ câu chuyện này như một lời nhắc nhở rằng không ai trong chúng ta cô đơn hoặc không xứng đáng để được kết nối và điều trị bệnh tật.

Quản lý điều hành trang Man Repeller, cô Crystal Anderson đã đăng lên Instagram một bức ảnh từ hồi tháng 4 năm 2015, thời điểm chỉ vài ngày sau tốt nghiệp chương trình ngoại trú mà cô đã hoàn thành kể từ khi trải qua một tháng tại một cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần nội trú.

Cô ấy muốn chia sẻ câu chuyện của mình với những người có thể chưa nhận ra bản thân cũng ở trong hoàn cảnh tương tự. “Mọi người hẳn đang chờ đợi câu chuyện sẽ xảy đến với mình”. Cô nói khi trao đổi về câu chuyện của mình. Hãy cùng đọc về những điều mà Crystal đã trải qua, và năm điều cô ấy ước mình nên biết trước và sau khi thực hiện điều trị.

Tôi luôn là một đứa trẻ rất hay suy nghĩ, lo lắng vẩn vơ. Chỉ là những vấn đề như mình là ai, là người như thế nào. Khi còn nhỏ - có lẽ khoảng tám tuổi - tôi thấy một sĩ quan cảnh sát tại nhà hàng. Anh ta có một khẩu súng và trong khoảnh khắc đó, tôi tin rằng anh ta sẽ giết tất cả mọi người trong nhà hàng. Tôi bắt đầu thở gấp và phải đến bệnh viện. Những khoảnh khắc ấy vẫn rõ nét trong tâm trí.

Ở trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, tôi đã bắt đầu ngày càng có những biểu hiện của hội chứng OCD, ví dụ như đếm các bước đi, làm những thao tác vớ vẩn lặp lại nhiều lần. Tôi cũng có những nỗi sợ phi lý, như về mấy con sóc, hoặc mẹ sẽ chết nếu tôi không ho trong lớp toán vào lúc 2 giờ chiều. Tôi đã không biết rằng đó là hội chứng rối loạn sức khỏe tâm thần, mà chỉ nghĩ đó là một phần công việc hàng ngày của mình. Tôi biết những đứa trẻ khác không phải đối phó với tình trạng này, và khi học trung học, tôi không ước gì hơn là được bình thường như một cô gái trong cùng đội cổ vũ. Lúc đó, có vẻ như cô gái trong đội cổ vũ kia đã có cuộc sống tuyệt vời, và cô ấy không biết được những suy nghĩ vô cùng vớ vẩn và linh tinh mà tôi đã trải qua. Tôi ghen tị với tất cả những đứa trẻ có thể hoạt động bình thường mà không phải suy nghĩ vẩn vơ, giống như đi khiêu vũ mà không phải suy nghĩ về những điều như, “Ok, mình đang ở buổi khiêu vũ. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu sàn nhà sập xuống?”

Ngày qua ngày, tôi đã cố gắng đối phó tốt nhất có thể với tình trạng của mình. Vào đại học, tình hình bắt đầu trở nên khó khăn hơn vì có nhiều vấn đề bên ngoài tác động, tôi uống nhiều rượu hơn. Điều tồi tệ nhất mà tôi nghĩ đến là ở trong hộp đêm với chỉ có một lối thoát duy nhất (Vẫn những suy nghĩ ám ảnh như vậy). Tôi đã phải uống nhiều rượu để khiến bản thân có thể say, từ đó mới cảm thấy vui vẻ. Hoặc đơn giản nhằm giúp tôi không nghĩ về tất cả những thứ đó.

Đó là quãng thời gian tôi học đại học. “Tôi không muốn cảm nhận thêm bất kỳ cảm xúc nào tôi đã trải qua: một đứa con lai, tiếp đến là những vấn đề giới tính, tất cả những điều khác mà tôi phải đối mặt. Thiếu điều tôi muốn thốt lên: “Ê mấy bồ, tôi sợ phải đi club cùng mấy bồ!” Điều đó quả thật rất khó khăn. Nhưng đó vẫn chưa là gì so với những gì sau này tôi đã phải chịu đựng.

Tôi đã không được điều trị bằng thuốc. Trông tôi không giống một người cần được uống thuốc điều trị. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi chuyển đến New York và trải qua quãng thời gian dài cảm thấy khá ổn - như đã từng. Tôi tiếp tục sống ở New York, làm người mẫu, đi du lịch, và thực hiện tất cả những điều cảm thấy thú vị. Quãng thời gian này kéo dài trong năm năm, cho đến khi tôi bị đuổi việc – do một đợt giảm nhân sự, và lần đầu tiên kể từ khi 21 tuổi, tôi không có nơi nào để đi đến mỗi ngày, và không có việc gì để làm.

Đầu tiên mọi thứ đều ổn, nhưng rồi những suy nghĩ tồi tệ đó bắt đầu kéo đến, sau đó chúng giống như mặt đất dậy sóng. Tất cả đều đến cùng vào một lúc. Sự lo lắng, trầm cảm và hội chứng OCD như tụ họp với nhau như trong một bữa tiệc vậy. Phải mất khoảng ba tháng trước khi tôi tìm kiếm sự trợ giúp. Đó là thời điểm tôi bắt đầu có những suy nghĩ thực sự đen tối và phi lý khiến tôi rất sợ hãi và hoang mang – do đó tôi quyết định nhờ sự hỗ trợ chuyên nghiệp, tự vào bệnh viện để kiểm tra và thực hiện điều trị nội trú.

Tôi đã ở đó một tháng. Sau khi rời khỏi cơ sở điều trị nội trú, tôi chuyển sang cơ sở điều trị ngoại trú và mỗi ngày dành một phần tư thời gian của mình điều trị tại đây. Có thể khi ở trong môi trường được kiểm soát cẩn thận, kê đơn thuốc theo quy định, làm những gì cần làm và nói chuyện với các chuyên gia về những gì đã trải qua, tôi cảm thấy thoải mái hơn nhiều. Tôi không cảm thấy có gì xấu hổ khi phải ở đó, nhưng bản thân biết chắc mình không muốn quay lại.

Chắc chắn là không thể có chuyện đột nhiên cảm thấy tốt hơn, nhưng sau sáu tuần điều trị, tâm trạng tôi đã ổn hơn. Tôi tiếp tục sử dụng thuốc, gặp bác sĩ trị liệu mỗi tuần, nghĩ về quay lại làm việc; cảm thấy hạnh phúc, và đã quan hệ tình dục trở lại. Khi bạn bè đến chơi, tôi có mặt trong phòng khách thay vì đóng cửa trốn trong phòng ngủ. Tôi cũng cảm thấy yêu bản thân hơn so với một năm trước. Tính đến nay đã ba năm kể từ khi hoàn thành điều trị ngoại trú.

Điều tôi muốn mọi người rút ra từ câu chuyện kể trên đó chính là tôi không phải là trường hợp duy nhất, tôi không phải là siêu nhân, không mạnh mẽ hơn bất kỳ người nào khác, hay cũng không phải là một người phụ nữ đặc biệt có thể tự điều trị bệnh cho mình. Điều đặc biệt là tôi đã thực hiện điều trị theo hướng biết chính xác những gì là tốt cho bản thân. Dưới đây là năm điều mà tôi ước mình nên biết sớm hơn - trước, trong và thậm chí sau khi thực hiện điều trị.

1. Nên uống thuốc nếu bạn thực sự cần

Trong cả một quãng thời gian dài, tôi từ chối sử dụng thuốc như một hình thức giải tỏa vì nghĩ dùng thuốc là sự xác nhận rằng mình không thể tự xử lý vấn đề của mình.

Khi đến bệnh viện, tôi bắt đầu sử dụng thuốc và cảm thấy tốt hơn, nhưng ngay cả vào thời điểm đó, có những loại thuốc mà tôi không muốn dùng. Cho đến khi một người bạn lúc đó là người chiến đấu thành công căn bệnh ung thư vú nói: “Nè bồ, mình đã phải cắt bỏ một bên ngực vì bị bệnh. Điều đó cũng tương tự như những gì bồ phải làm. Người bị cúm cần phải uống thuốc. Và bồ cũng vậy, điều đó là hoàn toàn bình thường”.

Đó là lần đầu tiên tôi nhận rằng chứng rối loạn sức khỏe tâm thần không khác với bất kỳ căn bệnh thể chất nào cả. Nó là một trạng thái mất cân bằng về hóa học. Khi đã uống thuốc và cảm thấy khác biệt, tôi nhận ra rằng, điều này thật sự có ý nghĩa.

Mọi người có thể chữa lành hoặc đối phó với chứng rối loạn sức khỏe tâm thần của họ theo những cách khác nhau - và tôi tin mỗi người có thể tìm ra tất cả lựa chọn của mình với chuyên gia y tế. Vì tính chất của bệnh tâm thần, thực tế là tôi cảm thấy tốt hơn khi sử dụng thuốc. (Nhân tiện, tôi không thích sử dụng thuật ngữ “bệnh tâm thần” để mô tả những vấn đề về sức khỏe tâm thần của bản thân, tuy nhiên vì thuật ngữ kể trên được sử dụng rất phổ biến trong lĩnh vực này, nên đây là cách gọi tên dễ nhất cho những gì mà tôi đã trải qua.)

Dùng đến thuốc trị bệnh lý tâm thần khi bạn thật sự cần

Dùng đến thuốc trị bệnh lý tâm thần khi bạn thật sự cần

Tôi có thể phải uống thuốc trong suốt quãng đời còn lại, nhưng nếu thuốc khiến bản thân cảm thấy tốt hơn, tôi sẽ chọn sử dụng chúng. Và dĩ nhiên tôi không thể đi tụ tập và uống năm ly cocktail với bạn bè vì điều đó có thể làm mất tác dụng của thuốc. Dù có thể ổn với nhiều người nhưng với tôi thì không. Uống thuốc không phải là thừa nhận thất bại, không cho thấy rằng bản thân không thể xử lý được điều gì đó. Đó không phải là câu chuyện của riêng tôi, mà là những gì tôi cần làm để có cuộc sống hạnh phúc và khỏe mạnh.

2. Nên cắt đứt quan hệ với những người tác động tiêu cực tới sức khỏe tâm thần của bạn

Đây có thể là một trong những quyết định khó nhất mà tôi đã làm, một nỗ lực không ngừng nghỉ. Thật không dễ để nói: “chúng ta không nên nói chuyện hay qua lại với nhau nữa vì điều đó ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần của mình”. Nghe thì có vẻ ích kỷ, nhưng đó là một điều cần phải thực hiện trong quá trình phục hồi sức khỏe: hãy nói không. Tôi phải kiên quyết, kiên định và không để ai đó tác động tiêu cực đến bản thân nhằm làm thay đổi suy nghĩ.

Trong một thời gian dài tôi đã nói “đồng ý” với điều khiến mình rơi vào trạng thái lo lắng, không biết từ chối vào những ngày buồn rầu, hoặc qua lại với những người không tốt cho sức khỏe, và tôi luôn rời đi trong trạng thái nhiễu loạn. Cuối cùng nhận ra rằng điều này thật bất công. Tôi không cần phải chấp nhận chỉ vì điều đó khiến người khác cảm thấy thoải mái, trong khi đối với tôi đó không phải là quyết định khôn ngoan nhất.

Nếu một người nào đó không thể đi ra ngoài vì bị viêm họng liên cầu khuẩn, sẽ chẳng ai từ chối kiểu: “Cứ đến bar đi! Cậu vẫn ổn mà”. Nhưng nếu bạn trả lời là “Này, hôm nay tôi thật sự cảm thấy rất chán nản.”, mọi người sẽ đáp lại kiểu như, “Cậu chỉ cần ra ngoài và đi khiêu vũ thôi!” Bạn nên dứt khoát từ chối: “Không, tôi đang bị bệnh, một căn bệnh mãn tính” và bây giờ tôi hiểu rõ mình cần phải làm gì để tránh làm cho bệnh nặng hơn. Đó là điều đặc biệt ở căn bệnh này: bạn hẳn sẽ cảm thấy như không còn một chút sức lực nào, nhưng nếu có những điều mà bạn có thể chủ động thực hiện để bản thân cảm thấy tốt hơn hoặc khỏe mạnh hơn, lúc đó hãy dứt khoát nói không với những điều tiêu cực.

Mọi người nghĩ rằng ích kỷ khiến bạn trở nên tồi tệ, hoặc biến thành một con khốn - đặc biệt là với phụ nữ. Nhưng điều tốt nhất mà tôi có thể làm cho bản thân hàng ngày là nói không với ai đó, hoặc từ chối điều không phù hợp. Tôi đã từng chấp nhận những thứ đó trong thời gian dài - với tất mọi người: mẹ, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Bây giờ, nếu phải nói không, tôi thấy điều đó rất bình thường, và chẳng cảm thấy mình là một kẻ ngốc. Tôi đã vượt qua cảm giác phải chú ý đến thái độ của tất cả mọi người khi nói lời từ chối, bởi đó là điều cần phải làm để tốt cho sức khỏe tâm thần của bản thân.

Hiện tại, không ai, và không điều gì có thể ảnh hưởng tới tôi ngoại trừ chính bản thân. Hoàn toàn không có điều gì, từ gia đình, các mối quan hệ, cho đến tiền bạc, bạn bè. Tôi đã có thể tự quyết định mọi thứ cho mình. Mình phải quyết định tất cả những điều có ý nghĩa, những điều tốt cho bản thân.

3. Yêu cầu giúp đỡ không làm bạn trở nên yếu đuối

Bạn không cần phải chịu đựng trong im lặng. Đó là những gì tôi đã làm trong cả một thời gian dài - âm thầm chịu đau khổ dù trong phòng có đầy những người như cha mẹ, đồng nghiệp và bạn bè. Vẫn luôn có người ở bên cạnh, nhưng tôi không muốn để họ gánh chịu những vấn đề của mình. Một cô đồng nghiệp bị ung thư vú, và khi cô ấy phẫu thuật cắt bỏ vú, tôi phải sửa máy hút cho cô ấy, hút lấy chất lỏng, điều đó thực sự khó khăn, thậm chí ngay trong tình cảnh ấy, tôi vẫn có suy nghĩ kiểu như “Hừm, mình không muốn cô ấy phải chịu gánh nặng”.

Nhưng cuối cùng thì cô ấy nói: “Cắt bỏ nó, cũng ổn đấy chứ?” Cô ấy chính là lý do thực sự mà tôi đi đến kết luận rằng yêu cầu giúp đỡ không làm bạn trở nên yếu đuối. Nó chỉ có nghĩa là bạn cần giúp đỡ. Yêu cầu giúp đỡ có thể đơn giản là bạn nói với ai đó về tình trạng của mình, bạn đến gặp bác sĩ trị liệu hành vi nhận thức, hoặc bác sĩ tâm lý, hoặc bạn tự mình đi kiểm tra ở một cơ sở thần kinh. Tức là mỗi người có mỗi một hoàn cảnh khác nhau và cần hướng điều trị khác nhau. (Lưu ý: vui lòng tham khảo tư vấn từ chuyên gia y tế).

Khi đến bệnh viện vào tháng hai, tôi thật sự cần đến sự giúp đỡ. Tự lực bản thân là chưa đủ. Khi đó tôi phải nói thẳng với chính bản thân rằng: “Mình không thể tự mình làm điều đó”. Đây là cả một quá trình nhận thức rất khó khăn, nhưng khi đã làm được, tôi cảm thấy như mình được giải phóng. Được giúp đỡ là một điều tốt.

4. Chẳng có vấn đề gì khi bạn nói về các vấn đề về sức khỏe tâm thần của bản thân, ngay cả khi điều đó làm cho bạn bè/gia đình của bạn cảm thấy không thoải mái

Tôi đã có những cuộc trò chuyện thực sự khó khăn với mọi người về những vấn đề trong sức khỏe tâm thần của bản thân. Điều đó chẳng hề dễ dàng. Nhưng những cuộc trò chuyện này lại quan trọng không khác gì so với việc sử dụng thuốc.

Gia đình và bạn bè không phải là những người có thể đọc được ý nghĩ. Tôi cần những người xung quanh biết về vấn đề sức khỏe tâm thần mình gặp phải để họ biết tôi đang phải trải qua những gì, để họ hiểu tại sao tôi phải từ chối, tránh né điều gì đó, hoặc tại sao không thể hỗ trợ họ khi họ gặp phải đau thương. Chia sẻ với mọi người không có nghĩa là nói hết tất cả sự thật về mình, hay cảm xúc của bản thân khi mắc phải bệnh tâm thần, mà chỉ đơn giản là nói với mọi người tôi đang bị bệnh tâm thần.

Ví dụ như khi mắc phải hội chứng OCD. Với hội chứng này, những điều xảy ra có thể như sau. Theo cách hiểu hội chứng OCD thông thường (ví dụ: tôi mắc hội chứng OCD bởi hay dọn dẹp rác rưởi trong ngăn kéo của mình vào mỗi thứ ba), tôi làm điều đó bởi vì chứng OCD gây ra thói quen thực hiện hành động này. Tôi kể với bạn có thể vấn đề này xuất hiện trong tương lai, và tôi lại kể cho bạn về điều đó, bạn không thể nói, “Mình không biết”. Tôi đã cho bạn biết mọi thứ, và bạn đã không làm gì. Đó không phải lỗi của tôi. Và khi tôi phải dùng đến quy tắc khác của mình – đó là lí do tại sao tôi cần phải tránh xa bạn trong quãng đời còn lại.

Trò chuyện với người thân về bệnh lý tâm thần

Trò chuyện với người thân về bệnh lý tâm thần

Tôi phải học cách cảm thấy thoải mái khi có những cuộc trò chuyện khó khăn này không chỉ với bạn bè và thành viên trong gia đình, những người ủng hộ, mà còn cả với những người không ủng hộ. Đó thực sự là con đường mà những người mắc căn bệnh vô hình này phải trải qua. Mắc phải bệnh tâm thần không giống như cánh tay của bạn bị bó bột - khi mọi người nhìn là biết ngay bạn mắc bệnh. Đối với tôi, vấn đề rất đơn giản: Họ phải biết. Điều đó giống như tất cả đều thể hiện rõ ra bên ngoài.

Thỉnh thoảng cũng sẽ có người không muốn biết. Cách họ tiếp nhận và xử lí thông tin tôi cung cấp không phải vấn đề cần phải quan tâm, nhưng ít ra điều đó làm cho họ thoải mái hoặc khiến cho thông tin trở nên thông suốt dễ dàng; Điều quan trọng nhất là tôi đã trang bị cho những người trong cuộc sống của mình những công cụ cần thiết, đưa cho họ mọi thứ cần biết, để nếu lựa chọn rằng sẽ không giải quyết những khó khăn ấy, thì đó là vấn đề của họ.

5. Phải chi tôi biết rằng ngay cả sau khi thực hiện điều trị nội trú, thường xuyên gặp bác sĩ trị liệu và uống thuốc mỗi ngày, tôi vẫn sẽ phải trải qua những ngày thực sự tồi tệ

Tôi cho rằng mình đã làm tất cả mọi thứ để điều trị bệnh. Trong hai hoặc ba tháng sau khi rời bệnh viện, tôi đã cảm thấy khá áp lực bởi vẫn còn cảm giác như ở trong bệnh viện. Sau đó, khi đến kỳ kinh, tất cả những cảm xúc lúc trước như quay trở lại - tôi nghĩ điều đó lại xảy ra, và phải tự xét lại bản thân mình. Tôi trở nên suy sụp. Tôi nhớ mình đã nghĩ, “Tại sao lại xảy ra chuyện này?”

Tôi đã nói chuyện với bác sĩ trị liệu của tôi, và bà ấy đã nói, “À, bạn phải biết quá trình điều trị này sẽ kéo dài trong suốt cuộc đời. Sẽ có những khoảnh khắc tuyệt vời và tồi tệ, đó chính là cuộc sống. Đó không phải là bệnh tâm thần.” Tôi đã học được rằng ngay cả khi đã làm tất cả những việc như: uống thuốc, thực hiện trị liệu và làm mọi thứ bạn cần, những ngày kinh khủng vẫn có thể xảy ra. Sếp của bạn có thể là một kẻ không ra gì hoặc đến kỳ kinh. Ngay cả những người bình thường nhất trên trên thế giới cũng có những ngày không như ý. Và khi điều đó xảy ra với tôi, tôi tự nhắc nhở mình: đây chỉ là một ngày tồi tệ, không phải là cuộc sống tồi tệ. Đó là cách giúp tôi vượt qua những ngày ấy. Tôi biết điều này rất giống như môn khúc côn cầu, nhưng đôi khi bạn phải đặt một chân trước chân kia.

Thuốc và tất cả những phương pháp điều trị mà tôi đã nêu không phải là cánh cửa ngăn chặn những suy nghĩ tiêu cực, nỗi buồn hay sự tồi tệ mà hội chứng OCD gây ra. Hoàn toàn không có cánh cổng đó. Với bản thân, tôi sử dụng các công cụ như thuốc, thực hiện trị liệu, nói với mọi người tình trạng bệnh lý của mình, ngừng tiếp xúc những người ảnh hưởng tiêu cực, nói không khi cần, yêu cầu giúp đỡ - nhằm giảm thiểu hội chứng OCD, trầm cảm và sự lo lắng/hoảng loạn hết mức có thể, tôi tự nhắc nhở mình rằng nó sẽ ổn. Và tôi sẽ tốt thôi.