Suy nhược thần kinh cần được xem xét và điều trị cẩn thận như là một chứng bệnh tâm thần. Điều quan trọng là người bệnh phải được các chuyên gia sức khỏe tâm thần tiến hành đánh giá, thực hiện điều trị ngay lập tức, không ngắt quãng.
Các chương trình điều trị nội trú hiện nay giúp bệnh nhân vượt qua được sự suy nhược, trong đó quá trình trị liệu liên tục, thay đổi lối sống, kiểm soát căng thẳng, duy trì chăm sóc bản thân là những yếu tố quan trọng giúp họ phục hồi thể trạng sau suy nhược và giảm thiểu khả năng tái phát.
Suy nhược thần kinh là một thuật ngữ không chính thức dùng để chỉ vấn đề sức khỏe tâm thần gây ra bởi sự căng thẳng quá mức, trong khi người bệnh khó có thể ứng phó lại một cách phù hợp. Suy nhược không có một miêu tả chẩn đoán cụ thể, mà thường là một trạng thái sức khỏe tâm thần cần được chú ý và điều trị cẩn thận. Hậu quả của tình trạng suy nhược thần kinh là hiện tượng mất chức năng cơ thể. Bệnh nhân bị suy nhược thần kinh thường không thể hoạt động bình thường khi đang ở nhà, tại cơ quan làm việc, hay trong các tình huống khác một cách tạm thời.
Có rất nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng suy nhược thần kinh, nhưng những yếu tố chính vẫn là từ sự căng thẳng và khả năng ứng phó kém. Sự căng thẳng có thể xuất phát từ các công việc trong gia đình, chăm sóc người thân, những tổn thương trong quá khứ, căng thẳng trong công việc, hoặc một vài yếu tố khác tích lũy lại gây ra tình trạng căng thẳng không thể kiểm soát.
Các dấu hiệu đặc trưng của suy nhược thần kinh bao gồm trầm cảm, lo lắng hoặc bị choáng ngợp, thay đổi tâm trạng, bộc phát cảm xúc, giảm khả năng làm việc hoặc học tập, quên mất nhiệm vụ được giao, các cuộc hẹn, hay sử dụng các biện pháp ứng phó cực đoan, như giận dữ bộc phát hoặc sử dụng rượu bia. Suy nhược thần kinh cũng tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến các vấn đề về thể chất như thay đổi giấc ngủ, cân nặng, cùng những cơn đau trên khắp cơ thể nhưng không rõ nguyên nhân.
- Trợ giúp bệnh nhân bị suy nhược thần kinh
- Điều trị nội trú đối với tình trạng suy nhược thần kinh
- Điều trị khẩn cấp
- Liệu pháp liên tục trong điều trị suy nhược thần kinh
- Chẩn đoán và điều trị các chứng bệnh tiềm ẩn
- Các biện pháp kiểm soát căng thẳng và thư giãn
- Thay đổi lối sống và tự chăm sóc bản thân
1. Trợ giúp bệnh nhân bị suy nhược thần kinh
Những sự trợ giúp đóng vai trò hết sức quan trọng đối với bệnh nhân suy nhược thần kinh bởi họ khó có thể tự mình điều trị được bệnh. Khi bị suy nhược, bệnh nhân gần như mất các chức năng cơ thể bình thường, giảm cả khả năng yêu cầu giúp đỡ. Do vậy, điều cần thiết là bạn bè, các thành viên trong gia đình phải nhận ra được dấu hiệu bất ổn ở người bệnh, từ đó tìm kiếm sự trợ giúp từ những ai đã từng trải qua chứng bệnh này. Suy nhược thần kinh không phải là bệnh không thể điều trị nhưng đòi hỏi sự đánh giá cẩn thận từ những chuyên gia sức khỏe tâm thần và có các hướng dẫn xây dựng kế hoạch điều trị.
2. Điều trị nội trú đối với tình trạng suy nhược thần kinh
Suy nhược thần kinh là một vấn đề sức khỏe khá nghiêm trọng, do vậy, các biện pháp điều trị tâm lý chuyên sâu luôn là lựa chọn phù hợp nhất. Điều trị ngắn hạn tại một cơ sở điều trị nội trú cho phép bệnh nhân thoát khỏi những tác nhân sâu xa gây ra tình trạng căng thẳng và tập trung vào việc phục hồi sức khỏe . Thời gian điều trị nội trú phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của suy nhược thần kinh và khả năng tiến triển của bệnh nhân.
Kế hoạch điều trị nội trú thay đổi tùy theo nhu cầu của mỗi bệnh nhân, nhưng thường bao gồm các biện pháp như tâm lý trị liệu dành riêng cho từng người bệnh, trị liệu hỗ trợ theo nhóm, hướng dẫn áp dụng các kỹ thuật thư giãn và một số liệu pháp thay thế như châm cứu, liệu pháp nghệ thuật.
Tâm lý trị liệu dành riêng cho từng người bệnh đóng vai trò chủ chốt trong quá trình thực hiện điều trị. Chuyên gia trị liệu có thể sử dụng một hoặc nhiều các cách thức khác nhau để giúp bệnh nhân nhận thức rõ hơn về nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy nhược thần kinh, làm thế nào để hiểu và thay đổi những cảm xúc, hành vi tiêu cực. Chuyên gia cũng sẽ hướng dẫn bệnh nhân những phương pháp kiểm soát căng thẳng hiệu quả hơn, cách thư giãn khi bị căng thẳng, các biện pháp phù hợp trong ứng phó với tình trạng căng thẳng, ngăn ngừa tái phát suy nhược trong tương lai.
3. Điều trị khẩn cấp
Suy nhược được coi như là một chứng bệnh tâm thần, nhưng không nhất thiết phải điều trị khẩn cấp, ngoại trừ một số trường hợp. Nếu bạn bè hoặc các thành viên gia đình không chắc chắn tình trạng cụ thể của người bệnh, họ cần đặt yếu tố an toàn là trên hết và đưa người bệnh đi điều trị khẩn cấp. Một số dấu hiệu cho thấy cần đưa người bệnh đến bệnh viện ngay lập tức là tình trạng lãnh cảm, hay trở nên hung hăng, bạo lực hoặc các triệu chứng rối loạn tâm thần như ảo giác. Ngoài ra, bất kỳ dấu hiệu nào về ý định tự tử như đề cập đến cái chết, cũng cần được xem như là một trường hợp phải điều trị khẩn cấp.
4. Liệu pháp liên tục trong điều trị suy nhược thần kinh
Đối với hầu hết các bệnh nhân đã được điều trị khẩn cấp hoặc nội trú do suy nhược thần kinh, việc tiếp tục điều trị trong khoảng thời gian sau đó là rất cần thiết. Thường xuyên làm việc với chuyên gia trị liệu có thể giúp bệnh nhân kiểm soát, giảm thiểu, ứng phó với căng thẳng một cách hiệu quả, thực hiện thay đổi lối sống, biến những suy nghĩ và hành vi tiêu cực trước đây trở nên tích cực hơn.
Bên cạnh liệu pháp trò chuyện riêng biệt, một số liệu pháp điều trị tâm lý khác cũng có thể hữu ích đối với bệnh nhân đã trải qua tình trạng suy nhược thần kinh. Đầu tiên, liệu pháp điều trị theo nhóm cũng có tác dụng nhất định thông qua việc cho phép bệnh nhân chia sẻ và hưởng lợi từ những người cũng có những trải nghiệm tương đồng với mình. Tiếp đến là liệu pháp gia đình, trong đó có sự tham gia của những người thân, giúp bệnh nhân nhận được sự hỗ trợ tích cực tại nhà. Sau cùng là một số liệu pháp thay thế, như liệu pháp nghệ thuật, liệu pháp khiêu vũ, liệu pháp động vật, v.v. giúp người bệnh giảm căng thẳng và ứng phó tốt hơn với những cảm xúc tiêu cực.
5. Chẩn đoán và điều trị các chứng bệnh tiềm ẩn
Một trong những lý do quan trọng nhất để tiến hành điều trị chuyên sâu đối với tình trạng suy nhược thần kinh là bởi đây có thể là cơ sở để chẩn đoán các chứng bệnh tâm thần tiềm ẩn khác. Những triệu chứng của bệnh trầm cảm hoặc rối loạn lo âu cũng thể dẫn tới một số biểu hiện của suy nhược thần kinh. Do vậy, việc thực hiện chẩn đoán và điều trị các chứng bệnh tiềm ẩn này sẽ giúp bệnh nhân nhanh chóng phục hồi, ngăn ngừa những vấn đề nghiêm trọng khác xảy ra trong tương lai.
Quá trình điều trị các chứng bệnh thần kinh phổ biến gồm kết hợp giữa sử dụng thuốc và các biện pháp trị liệu. Biện pháp đơn thuần sử dụng thuốc không phải là cách điều trị tốt nhất cho hội chứng lo âu, trầm cảm, nhưng khi áp dụng cùng với liệu pháp liên tục có thể giúp bệnh nhân kiểm soát sức khỏe tâm thần, ngăn ngừa suy nhược thần kinh trong tương lai. Các phương pháp điều trị khác trong phục hồi sau suy nhược, như biện pháp thư giãn, tự chăm sóc bản thân, cũng cần được lưu ý.
6. Các biện pháp kiểm soát căng thẳng và thư giãn
Nắm bắt các biện pháp, kỹ thuật ứng phó phù hợp để thư giãn đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát căng thẳng và phục hồi sau suy nhược, cũng như giúp ngăn chặn tái phát suy nhược thần kinh. Bệnh nhân có thể học các biện pháp này trong quá trình điều trị, và tiếp tục thực hiện sau khi trở về nhà. Một số biện pháp, kỹ thuật phù hợp để thư giãn và ứng phó với căng thẳng đó là:
- Tập Yoga hoặc Thái cực quyền
- Thiền
- Tập thở và thở sâu
- Tưởng tượng theo định hướng
- Massage
- Châm cứu
- Thư giãn cơ bắp liên tục
- Thư giãn tự sinh
- Liệu pháp hương thơm
Đây là những kỹ thuật thư giãn cụ thể được thiết kế để áp dụng khi sự căng thẳng nhen nhóm và đe dọa đến sức khỏe. Những kỹ thuật này cũng có thể được thực hiện thường xuyên để làm giảm căng thẳng, tạo cảm giác thư giãn mỗi ngày bất kể yếu tố tác động. Ngoài các kỹ thuật trên, sử dụng đa dạng các biện pháp ứng phó căng thẳng cũng góp phần hỗ trợ điều trị bệnh thành công.
Ví dụ: Dành một buổi tối với đi giao du với bạn bè sau ngày làm việc căng thẳng là một biện pháp phù hợp để ứng phó và kiểm soát những vấn đề dẫn đến tình trạng bị cô lập. Tập thể dục, đi dạo ngoài trời cùng với một chú cún, viết nhật ký, dành thời gian cho những sở thích cá nhân, tham gia vào nhóm hỗ trợ, đọc thầm một cuốn sách, hay tắm nước ấm cũng là những biện pháp điển hình giúp kiểm soát căng thẳng một cách có hiệu quả.
7. Thay đổi lối sống và tự chăm sóc bản thân
Một phần quan trọng trong quá trình phục hồi sau suy nhược là thay đổi lối sống để duy trì những tiến triển trong quá trình điều trị và ngăn chặn tình trạng căng thẳng tích lũy. Những bệnh nhân đã từng bị suy nhược thần kinh cần phải thực hiện các bước cụ thể để giảm căng thẳng trong cuộc sống của mình. Trong đó, không đơn thuần dừng lại ở việc áp dụng các biện pháp ứng phó căng thẳng, mà người bệnh còn cần thực hiện việc loại bỏ, hoặc thay đổi các tác nhân chính gây ra suy nhược. Từ đó, người bệnh có thể phục hồi và ngăn chặn tái phát suy nhược trong tương lai. Những vấn đề cần phải thay đổi tùy thuộc vào mỗi cá nhân, điển hình như:
- Giảm thời gian làm việc
- Giảm trách nhiệm công việc hoặc thậm chí thay đổi công việc
- Thoát khỏi hoàn cảnh sống căng thẳng
- Cắt đứt quan hệ với những người gây ra căng thẳng cho bản thân
- Nhận trợ giúp tại nhà để cùng chia sẻ trách nhiệm
Những thay đổi lối sống khác cũng quan trọng không kém, như người bệnh phải biết tự chăm sóc bản thân tốt hơn. Có không ít các bệnh nhân lãng quên mất những nhu cầu của bản thân trong thời gian dài. Điều quan trọng là họ cần đặt việc chăm sóc bản thân lên trên những trách nhiệm khác. Một số cách thức chăm sóc bản thân thiết yếu giúp cải thiện sức khỏe tâm thần và ngăn ngừa suy nhược trong tương lai bao gồm:
- Ngủ đủ giấc mỗi đêm
- Tập thể dục thường xuyên
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh
- Dành đủ thời gian để nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động giải trí
- Dành thời gian giao lưu với bạn bè
- Tránh xa ma túy và rượu
- Dành thời gian cho riêng mình
Điều trị suy nhược thần kinh có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp người bệnh khôi phục, đồng thời ngăn chặn tái phát bệnh trong tương lai. Điều đầu tiên nên làm nhất là tìm kiếm sự hướng dẫn của chuyên gia sức khỏe tâm thần. Tiếp đến là thực hiện theo kế hoạch điều trị cá nhân, bao gồm điều trị nội trú, liệu pháp, hỗ trợ theo nhóm, thay đổi lối sống, trị liệu liên tục và tự chăm sóc bản thân. Với quá trình điều trị ban đầu bền bỉ, liên tục, người bệnh có thể quay trở lại cuộc sống thường ngày và ứng phó tốt hơn với tình trạng căng thẳng trong tương lai.