Hiện nay, tuy nhận thức cộng đồng về sức khỏe tâm thần đã được nâng cao nhưng vẫn rất khó nhận biết chứng bệnh này. Nguyên do bởi khủng hoảng sức khỏe tâm thần phát triển từ từ. Bên cạnh đó, nhiều người bệnh rất mặc cảm với chứng bệnh và tìm cách che dấu nên việc phát hiện bệnh lại càng khó khăn hơn
1. Dấu hiệu khủng hoảng sức khỏe tâm thần
Dưới đây là một số dấu hiệu của căn bệnh khủng hoảng sức khỏe tâm thần. Lưu ý: Những dấu hiệu này không phải cơ sở chẩn đoán bệnh, chỉ là thông tin nhắc nhở bạn nên quan tâm đến người thân nhiều hơn.
1 Tự cách ly bản thân
Một trong những dấu hiệu thường thấy của khủng hoảng sức khỏe tâm thần là tự cách ly bản thân khỏi những hoạt động thường nhật như:
- Ở trong phòng một mình
- Không gặp gỡ bạn bè
- Không trả lời tin nhắn
- Tránh các buổi ăn uống, tụ họp gia đình
- Không muốn đi học (với những trẻ đang trong độ tuổi đến trường)
Tự cách ly phản ánh tình trạng năng lượng cơ thể, động lực sống chạm mức thấp - dấu hiệu đặc trưng của bệnh trầm cảm. Đây cũng có thể là biểu hiện của tình trạng sợ hãi, tránh né - dấu hiệu phổ biến của chứng lo âu cực độ.
2 Sử dụng rượu và các chất kích thích
Những thay đổi trong thói quen sử dụng rượu và các chất kích thích (đặc biệt là cần sa) cũng có thể là một biểu hiện của bệnh, điển hình như:
- Sử dụng chất kích thích thường xuyên hơn. Ví dụ: uống rượu vào các buổi tối cuối tuần
- Sử dụng chất kích thích với liều lượng lớn.
- Sử dụng chất kích thích một mình. Ví dụ: Hút cần sa một mình trong phòng.
Rượu và các chất kích thích thường được sử dụng để làm dịu cơn đau gây ra bởi trầm cảm, tổn thương, hoặc muốn quên đi cảm giác lo âu. Sự thay đổi mang tính tiêu cực trong việc sử dụng rượu và các chất kích thích cũng phản ánh xu hướng nghiện ngập. Bạn cần đặc biệt cẩn trọng nếu người thân của bạn có tiền sử lạm dụng chất kích thích.
3 Phải trải qua căng thẳng tột độ trong cuộc sống
Việc người thân phải trải qua căng thẳng, áp lực trong cuộc sống là một trong những dấu hiệu cảnh báo tốt nhất về các vấn đề sức khỏe tâm thần, bao gồm trầm cảm. Căng thẳng trong cuộc sống xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
- Thất nghiệp
- Gặp phải các vấn đề về sức khỏe
- Gặp tai nạn xe cộ
- Khó khăn trong học tập
- Mối quan hệ với ai đó bị đổ vỡ, ví dụ như ly hôn.
- Bị hành hung
- Người thân qua đời
- Gặp khó khăn về tài chính
- Bị bắt nạt
Mọi người thường có xu hướng phản ứng chậm với những căng thẳng trong cuộc sống. Ví dụ, một vài trường hợp sau khi trải qua những tổn thương nghiêm trọng, như bị tấn công, có nguy cơ mắc phải hội chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) “cùng hiện tượng bộc lộ cảm xúc chậm chạp”. Tình trạng này thường không xuất hiện một cách đầy đủ sau ít nhất 6 tháng tính từ thời điểm gặp phải tổn thương.
Khi tình trạng căng thẳng diễn ra trong thời gian dài, như mắc phải căn bệnh mãn tính hoặc thất nghiệp lâu ngày, thường có những ảnh hưởng mang tính tích lũy. Bởi thế, dù người thân của bạn có vẻ đã vượt qua những thách thức to lớn một cách an toàn nhưng cơ thể và tâm trí của họ có thể vẫn đang chống chọi với tình trạng căng thẳng, hệ thần kinh luôn ở mức cảnh báo cao độ. Bạn hãy lập ra một kế hoạch định kỳ kiểm tra xem người thân của bạn cảm thấy như thế nào.
Khi bạn cũng bị ảnh hưởng bởi căng thẳng, rất khó để có thể nhận biết phản ứng của người thân. Ví dụ như, khi bạn phải đối phó với việc thay đổi chỗ ở, bạn hẳn sẽ khó nhận ra sự thay đổi của các thành viên trong gia đình. Trong trường hợp đó, bạn cần chủ động kiểm tra cảm nhận của họ.
4 Khó khăn trong việc hoàn thành các nhiệm vụ
Đó có thể là quên hạn chót thực hiện công việc, nộp giấy tờ, hay các nhiệm vụ khác. Họ cũng rất bị động khi thực hiện công việc nhà, như rửa chén, đổ rác. Thậm chí họ có thể bỏ lỡ cuộc hẹn đã lên lịch hoặc khó đến đúng giờ.
Những công việc chậm trễ ấy thường sẽ có lý do chính đáng. Chẳng hạn, họ không thể nộp báo cáo đúng giờ bởi đơn giản trang điện tử mà họ cần đến bị sập, hay họ bỏ lỡ buổi hẹn lúc sáng do đặt nhầm giờ báo thức vào buổi chiều. Hãy làm theo trực giác của bạn và luôn ghi nhớ những hành động bất thường.
5 Lơ là chăm sóc bản thân
Khi đối mặt với khó khăn to lớn trong cuộc sống, việc tự chăm sóc cho bản thân thường bị lơ là. Họ chẳng buồn tắm gội cho đến khi toàn thân bốc mùi hoặc nhận ra tóc tai bù xù. Thậm chí họ còn quên chăm sóc răng miệng.
Bạn có thể nhận ra sự thay đổi trong cách lựa chọn đồ ăn thức uống của họ. Chẳng hạn, trước đây họ hay ăn thực phẩm tốt cho sức khỏe nhưng giờ lại sống nhờ thức ăn nhanh hay đồ nhiều đường. Họ cũng ngừng tập thể dục. Thật không may, sự thay đổi này khiến sức khỏe bị tổn hại và càng khiến họ lơ là chăm sóc bản thân.
6 Thay đổi về quan điểm
Một số sự thay đổi khác mà bạn có thể để là việc thay đổi quan điểm nhìn nhận thế giới. Họ trở nên lạc quan hoặc hoài nghi hơn, nhưng sau đó lại nhanh chóng thay đổi, chỉ nhìn chăm chăm vào những mặt xấu của người khác. Thay vì nhìn thế giới qua một lăng kính màu hồng, người đó lại chọn một lăng kính đen tối. Bên cạnh đó còn có sự khác biệt về âm điệu khi họ nói chuyện với bạn, sự thay đổi trong cách nhìn nhận về bản thân, về thế giới và những người khác.
7 Cảm thấy tuyệt vọng
Một trong những thay đổi đặc trưng là họ rất dễ tuyệt vọng. Các câu mà họ thường nói là:
- “Tôi chẳng thấy thứ gì tốt lên cả.”
- “Tôi cảm thấy như chỉ muốn từ bỏ tất cả.”
- “Tôi chẳng hiểu tại sao tôi lại phải cố gắng—chẳng giải quyết được gì.”
- “Thật vô nghĩa—mọi thứ sẽ chẳng thể nào tốt hơn được.”
- “Tôi cảm thấy vô cùng tuyệt vọng.”
Dù chẳng những câu nói này không khẳng định rằng người thân của bạn đang khủng hoảng nhưng bạn vẫn rất cần lưu tâm đến dấu hiệu này. Mất hy vọng làm giảm mong muốn tìm kiếm sự sự đỡ, tham gia vào các hoạt động hay tạo mối quan hệ để cảm thấy tốt hơn. Tuyệt vọng cũng là một dạng trải nghiệm gần như phổ biến với những đối tượng có ý định thực hiện tự tử. Một số trường hợp dù rất muốn kết thúc cuộc sống của bản thân nhưng không dám làm. Nhưng nguy cơ tự tử của họ sẽ dần cao lên khi sự tuyệt vọng lên đến tột độ.
2. Biện pháp giúp đỡ
Vậy làm thế nào để giúp đỡ người thân của mình khi bạn biết rõ, hoặc nghi ngờ rằng họ đang ở trong tình trạng khủng hoảng?
1 Đừng giải quyết một mình
Đầu tiên, hãy trao đổi với người cũng biết rõ về người thân của bạn. Hãy nói cho người đó biết những gì mà bạn đã quan sát được, những gì mà bạn đang nghi ngại và để họ chia sẻ lại những gì mà họ cũng chú ý đến. Sẽ rất khó để bạn có thể hiểu ra làm thế nào để ứng phó tình trạng khủng hoảng mà người thân của bạn có nguy cơ gặp phải, thế nên, hãy hợp tác với một người khác.
Đảm bảo quyền riêng tư của mỗi cá nhân nhiều nhất có thể là điều vô cùng quan trọng, thế nhưng, trong một chừng mực nào đó, những lo lắng về sự an toàn của họ cần được ưu tiên hơn. Cho nên, dù bạn tôn trọng quyền riêng tư của người thân trong gia đình, nhưng vẫn hãy chia sẻ những thông tin về họ khi bạn cần phải miêu tả về lý do khiến bạn cảm thấy lo lắng.
2 Tiếp cận với người mà bạn đang lo lắng
Hãy trò chuyện về những nghi ngại của bản thân với người mà bạn đang lo lắng. Hãy sắp xếp khoảng thời gian phù hợp cho cả hai (trừ khi người ấy luôn lảng tránh bạn), kể lại những gì mà bạn quan sát được, ít sử dụng những ngôn từ mà tính phán xét nhiều nhất có thể, và khuyến khích họ trả lời lại cho bạn. Mục đích của cuộc trò chuyện là nhằm để họ biết rõ bạn luôn sẵn sàng giúp đỡ họ khi cần thiết và sẽ cùng họ vượt qua điều này.
Ví dụ, bạn có thể nói: “Mình để ý thấy dạo này bạn thường xuyên uống rượu vào mỗi tối, mà còn uống rất nhiều nữa. Bạn đã thay đổi rất nhiều rồi đấy. Mình lo lắng cho bạn lắm. Bạn đang cảm thấy thế nào, gặp phải vấn đề gì à?” Những lời nói này sẽ khuyến khích người thân của bạn phản hồi một cách tích cực và hợp tác hơn so với kiểu: “Gần đây bạn uống quá nhiều rồi đấy, nếu không dừng lại, bạn sẽ gặp rắc rối đó. Có chuyện gì xảy ra à?”
Hãy chuẩn bị sẵn các tình huống mà người thân của bạn sẽ phản ứng lại, ví dụ như:
Thể hiện rõ sự hoang mang, dù họ vẫn cảm thấy ổn.
- Trở nên khó chịu, có thể bởi bạn lo lắng thái quá, hoặc sự lo lắng của bạn là chính xác.
- Hiểu được sự lo lắng của bạn, và kể cho bạn nghe về tình trạng của họ.
- Chối bỏ mọi thứ, có thể do bản thân họ cảm thấy xấu hổ.
3 Dự tính đến sự xấu hổ
Xem xét các vấn đề liên quan đến sự xấu hổ là rất quan trọng, bởi điều này thường ngăn cản người đó bày tỏ những khó khăn mà họ gặp phải. Sự xấu hổ càng hiện rõ khi người đó không thể hoàn thành nhiệm vụ, cảm thấy tội lỗi. Họ cũng cảm thấy hổ thẹn khi có những hành vi chẳng lấy gì làm hay ho như uống rượu quá mức và cho rằng bạn đang tố cáo họ. Hãy giải thích rõ ràng nhất có thể rằng bạn luôn yêu quý họ, và sẵn sàng giúp đỡ bất kể vấn đề mà họ đang phải đối phó là gì.
4 Lưu tâm đến chính sự lo lắng của bản thân bạn
Hãy chú ý đến chính sự lo lắng của bản thân bạn về tình hình sức khỏe của người thân. Bởi khi lo lắng cho một ai đó, chúng ta dễ tức giận khi người thân chưa sẵn sàng thay đổi, từ đó khiến họ càng khó bày tỏ vấn đề của mình. Tất nhiên, chúng ta không thể giữ được sự bình tĩnh một cách hoàn hảo. Nhưng việc nhận thức rõ sự lo lắng của bản thân cũng sẽ giúp chúng ta kiểm soát cơn giận dữ một cách hiệu quả hơn.
5 Trao đổi về phương pháp mà bạn có thể giúp đỡ
Nếu người thân của bạn đang ở trong tình trạng khủng hoảng, hãy trò chuyện với họ về cách mà họ muốn được giúp đỡ. Các lựa chọn đó là:
Thường xuyên lắng nghe mỗi khi họ muốn chia sẻ, biết những gì nên và không nên nói với người mắc bệnh trầm cảm.
Giúp họ lên kế hoạch tự ứng phó với khủng hoảng trong trường hợp họ chưa cần đến sự hỗ trợ từ những chuyên gia.
Tìm kiếm những nguồn hỗ trợ hữu ích khác, như các buổi họp mặt dành cho những ai đang phải đối phó với hội chứng rối loạn sử dụng rượu.
Hỗ trợ một cách thiết thực, như thay họ gánh vác một số trách nhiệm để họ có thời gian thực hiện điều trị bệnh.
Tìm kiếm các nhà tâm lý trị liệu, các chuyên gia hỗ trợ cho người thân của bạn.
Đồng hành cùng họ đến các buổi gặp mặt nếu họ muốn.
3. Nếu người thân của bạn không muốn nhận được sự giúp đỡ thì xử lý thế nào?
Người thân của bạn ở trong tình trạng khủng hoảng không có nghĩa là họ luôn sẵn sàng để nhận được sự giúp đỡ. Hãy luôn ghi nhớ những quy tắc sau đây trong trường hợp họ từ chối để được hỗ trợ:
- Bình tĩnh nhất một cách có thể. Xoa diu cơn giận dữ của họ sẽ phù hợp hơn là tiếp tục cố gắng giúp đỡ họ.
- Đánh giá dưới góc độ tương lai. Bởi việc họ chưa sẵn sàng, chưa tự nguyện chấp nhận sự giúp đỡ tại thời điểm hiện tại không có nghĩa là trong tương lai họ vẫn sẽ như vậy. Quy tắc này áp dụng trong trường hợp chưa thật sự khẩn cấp như nguy cơ sắp tự làm tổn thương bản thân.
- Tiếp tục hỗ trợ. Đảm bảo rằng người đó hiểu rõ tình cảm mà bạn dành cho họ, cũng như quan tâm một cách tích cực, không phụ thuộc vào việc họ có tiếp nhận sự giúp đỡ mà bạn nghĩ là họ cần đến hay không.
- Luôn ghi nhớ quyết định sau cùng là thuộc về họ. Luôn phải dõi theo người thân của chúng ta trong khi họ lại chẳng muốn được giúp đỡ là một điều cực kỳ khó khăn. Hãy cẩn thận với những suy nghĩ giống như “Họ cần phải được giúp đỡ”, hay “Tôi phải thuyết phục họ để họ chấp nhận sự giúp đỡ.” Điều tốt nhất mà bạn có thể làm là khuyến khích họ tự chăm sóc bản thân. Đặc biệt là đối với trẻ em, hãy để trẻ cảm thấy bản thân được tự ra quyết định cho mình.
- Chú ý đến bản thân. Bạn có thể sẽ phải cần đến sự trợ giúp từ phía bên ngoài để ứng phó với tình trạng khủng hoảng của người thân. Hãy cố gắng nhờ đến sự giúp đỡ từ những người mà bạn thân thiết nhất và đừng ngại ngần tìm kiếm các liệu pháp điều trị tâm lý mà bạn cho rằng là có hiệu quả. Một chuyên gia trong lĩnh vực này sẽ đưa ra những lời hướng dẫn bổ ích.