9 phương pháp này chỉ dành cho những gia đình đang có mối quan hệ vợ chồng lành mạnh, tức là cả hai đều tôn trọng lẫn nhau, yêu thương và cùng chia sẻ niềm hạnh phúc. Những lời khuyên sau đây không hướng đến những người phụ nữ cho rằng vấn đề của cuộc hôn nhân không xuất phát từ hội chứng PMDD.

Bài học số 1: Đừng để chồng cũng rối loạn

Khi chìm đắm trong sự lo âu, thay đổi cảm xúc thất thường, chúng ta thường quên mất rằng chồng mình cũng đang phải trải qua tình trạng rối loạn tâm trí.

Nếu họ nói rằng: “Anh mệt quá”, hay “Anh cảm thấy căng thẳng quá”, ta thường sẽ đáp lại rằng: “Vâng, em cũng vậy!” bởi đó là những gì mà bạn đã chịu đựng trong suốt nửa tháng, thậm chí nhiều hơn thế. Thay vào đó, hãy trả lời với anh ấy là: “Em xin lỗi vì đã để anh phải chịu mệt mỏi, em có thể giúp gì được cho anh không?”, và đồng thời ôm lấy anh ấy.

Nếu lúc nào cũng cảm thấy như vậy, đừng để cảm xúc của chồng cũng thay đổi theo để rồi cả hai bị rơi vào tình trạng trầm cảm sau hôn nhân. Thay vào đó, hãy tìm hiểu điều chồng mình mỗi khi họ buồn. Liệu họ muốn được yêu thương nhiều hơn hay muốn có khoảng thời gian dành riêng cho bản thân? Mỗi khi họ vui, hãy cố gắng tìm hiểu điều đó, bởi rất khó để người khác hiểu bạn muốn gì mỗi khi cảm thấy buồn bã.

Đừng để những khó khăn của bạn tạo quá nhiều áp lực lên anh ấy

Đừng để những khó khăn của bạn tạo quá nhiều áp lực lên anh ấy

Bài học thứ 2: Chấp nhận rằng chồng không phải lúc nào cũng phản hồi theo cách mà bạn muốn

Với căn bệnh PMDD- một trong những loại bệnh trầm cảm, trò chuyện về vấn đề và cảm nhận bản thân là một phần quan trọng trong quá trình phục hồi sức khỏe. Bằng cách chia sẻ và nói rõ những điều sẽ xảy ra, bạn có thể dễ dàng giải thích được tình hình cũng như cảm xúc cho người chồng.

Thế nhưng, vấn đề lại nằm ở chỗ, trò chuyện với người chồng chưa hẳn là đã đủ. Chúng ta luôn cần được an ủi, hỗ trợ, cũng như hiểu rõ những điều ta chia sẻ. Ta cần được lắng nghe, thấu hiểu, dù cho chồng có đồng tình, hay thậm chí cảm thấy những gì ta nói đều vô nghĩa. Nhưng khi không có được những điều mà mình mong muốn, chúng ta sẽ dễ bị tổn thương. Có thể anh ấy sẽ xem nhẹ tình trạng của bạn bằng cách trêu chọc, giữ khoảng cách, hoặc tảng lờ đi.

Điều đó hiện đã từng xảy đến đối với tôi. Khi tôi kể những vấn đề khiến tâm trạng khó chịu, chồng tôi chỉ phản hồi một cách đơn giản và qua quýt. Điều mà tôi thật sự muốn vào lúc ấy phải là: “Ôi trời, vất vả cho em quá! Anh không đổ lỗi cho em đâu! …”. Bởi không được chồng mình đáp lại như thế, tôi cảm thấy bị tổn thương, bị hiểu lầm. Cách mà tôi bày tỏ thực tế lại làm cho anh ấy nghĩ rằng phải có trách nhiệm khiến tôi cảm thấy tốt lên và phải luôn nói ra chính xác những điều tôi muốn. Thay vì gây áp lực cho anh ấy, tôi nhận ra rằng mình đã mắc phải sai lầm, và ngay lập tức xin lỗi vì đã đặt kỳ vọng vào chồng mình một cách phi lý.

Tất nhiên, cũng có những lúc chồng tôi thể hiện thái độ hỗ trợ, sẵn sàng an ủi tôi, và quả thật điều ấy hết sức tuyệt vời! Chúng ta cần phải nhớ rằng người bạn đời của mình không thể lúc nào cũng phản hồi theo cách mà chúng ta muốn. Kỳ vọng tất cả vào chồng mình là chuyện rất viển vông. Lúc này, trò chuyện cùng người thân hoặc với một ai đó mình tin tưởng lại là một phương án phù hợp hơn. Vì thế, hãy dành thời gian cho bạn bè, và giảm áp lực lên người chồng của mình.

Nên nói gì nếu như chuyện đó xảy ra:

Khi trò chuyện với chồng, nếu bạn cảm thấy họ không hiểu hay không phản hồi theo cách mình muốn, hãy tạm dừng cuộc trò chuyện lại. Không phải tảng lờ mà chỉ tạm dừng để chú ý đến cảm giác của chính mình khi ấy. Tôi thường để ý thấy nhịp tim của tôi tăng lên và cảm giác nóng nảy, bực tức chảy thành luồng trên trán.

Hãy hít thở thật sâu một cách thư thả (đừng nghiêm trọng hóa!) và tự nhủ rằng sau đó sẽ nghĩ lại về vấn đề này. Bằng cách đó, bạn sẽ có thể cân nhắc kỹ lưỡng hơn về vấn đề, cảm xúc của mình và tìm ra lý do tại sao chúng lại quan trọng quá mức để tháo gỡ. Chúng ta phải biết rằng không ai có trách nhiệm phải hiểu rõ những cảm xúc của bản thân, trừ chính mình.

Sau đó, chúng ta có thể nói một vài câu với chồng mình, đại loại như: “Xin lỗi, em không biết tại sao vấn đề này lại khiến em bận tâm quá mức như vậy. Cảm ơn anh vì đã lắng nghe em, nhưng chắc em sẽ gạt chúng sang một bên trước khi lại cảm thấy buồn bã. À, anh có thấy chú chó đội mũ đứng ở đằng kia không?”

Bài học thứ 3: Chồng không phải lúc nào cũng ở bên cạnh

Điều này cũng giống như việc người chồng sẽ không liên tục phản hồi theo cách chúng ta muốn. Quan trọng là bạn cần nhận ra anh ấy vẫn có công việc riêng của mình và không thể lúc nào cũng ở bên.

Tôi vẫn đang đối phó với vấn đề này, dù đã cảm thấy tốt hơn khi hiểu ra rằng đôi khi chồng tôi không còn chỗ để đáp lại những cảm xúc tôi bày tỏ. Anh ấy trở nên xa cách, thậm chí còn khiến tôi nghĩ rằng tôi không được tốt. Trong những lúc như thế, tôi biết mình không nên tạo ra áp lực thêm cho chồng mình và đừng hy vọng rằng anh ấy sẽ an ủi, và yêu thương tôi nhiều hơn.

Trong những ngày đấu tranh với hội chứng PMDD không phải lúc nào người ấy cũng bên cạnh bạn

Trong những ngày đấu tranh với hội chứng PMDD không phải lúc nào người ấy cũng bên cạnh bạn

Đôi khi tôi quên mất điều này và đổ mọi vấn đề của bản thân lên người chồng mình, dù rằng anh ấy không được khỏe. Tuy nhiên, khi vui vẻ và sẵn sàng hỗ trợ, anh ấy lại vô cùng cởi mở, luôn an ủi để tôi cảm thấy hạnh phúc.

Nếu chồng gặp rắc rối, hãy ở bên họ bất cứ khi nào mà ta có thể. Đổi lại, họ sẽ ở bên ta vào những lúc ta cần. Nếu như bạn cảm thấy họ không ở bên cạnh, đó sẽ là vấn đề cần phải cân nhắc kỹ vào những lúc tâm trạng ổn định nhất trong tháng.

Nên nói gì nếu như chuyện đó xảy ra:

Một dấu hiệu rõ ràng cho thấy chồng không thể ở bên cạnh là khi họ trở nên xa cách, hoặc cảm thấy khó chịu khi bạn lại gần. Trong trường hợp tồi tệ hơn, họ sẽ bảo rằng họ cảm thấy không ổn mỗi khi chúng ta kể về điều khiến bản thân buồn bã.

Trong những lúc như thế, hãy tạm ngừng cuộc trò chuyện lại như trong Bài học thứ 2. Hãy hít thở thật sâu, thật nhẹ, và nói rằng: “Em xin lỗi, có lẽ đây không phải lúc để nói chuyện – anh đã phải lo lắng đủ mọi thứ rồi”. Sau đấy, bạn có thể thay đổi chủ đề trò chuyện, hoặc để họ một mình. Chân thành mà nói, ta cần thể hiện sự kiên nhẫn, không nên nhõng nhẽo mà lao ra khỏi phòng.

Bài học thứ 4: Không phải mọi thứ đều do bạn

Dù nghe có chút nghiệt ngã, nhưng chúng ta cần phải chấp nhận sự thật này. Khi cảm thấy tồi tệ hết sức, chúng ta thường mường tượng rằng cả thế giới đang quay lưng lại với mình. Giống như khi bị vấp ngã lúc bước lên cầu thang, chúng ta thường nghĩ rằng đó là tín hiệu cho thấy tất cả đều ghét mình vô cùng vô tận. Điều đó cũng tương tự với trường hợp bạn nghĩ rằng những lời càu nhàu, hay tâm trạng buồn bực của chồng mình là do chính mình gây ra.

Lúc trước, mỗi khi chồng tôi trở nên kích động hay căng thẳng, tâm trí tôi ngay lập tức nghĩ rằng “Ôi không, tôi lại làm sai điều gì đó rồi!” và liền hỏi anh ấy tôi đã gây ra chuyện gì. Rất hiếm khi tôi thật sự khiến anh ấy tức giận, nhưng trong phần lớn các trường hợp là do chồng tôi đang gặp phải khó khăn trong cuộc sống bên ngoài. Tôi cảm thấy khá hơn khi không ngay lập tức đổ lỗi bản thân, hay cố giải thích cho anh ấy, dù đúng là đôi khi tôi cũng gây ra một chút sai lầm. Bởi đơn giản tôi là con người, chứ không phải là thần thánh.

Nên nói gì nếu như chuyện đó xảy ra:

Trị liệu viên của tôi từng khuyên rằng: “Trong lần tới, khi chồng cảm thấy tồi tệ, hãy cùng nhau trò chuyện, và đưa ra những lời gợi mở như ‘Anh đang bị căng thẳng à, em có thể giúp được gì không?’. Điều này thể hiện rằng bạn hiểu rõ về họ, đồng thời, tạo cơ hội để họ bày tỏ vấn đề mà mình gặp phải, hoặc liệu chúng ta có thể giúp đỡ họ được hay không.

Nếu chồng có tính bảo thủ, gia trưởng, thường họ sẽ nói lại rằng “Anh vẫn tốt”, đây là dấu hiệu cho thấy họ muốn tự đối mặt với vấn đề của bản thân. Đây là lúc bạn cần tỏ ra bận rộn, và để cho họ một khoảng không gian để thở, vì điều đó sẽ tốt cho cả hai. Trong trường hợp ngược lại, nếu họ nói ra vấn đề, hãy sẵn sàng để chủ động lắng nghe, và đừng nghĩ nhiều đến chuyện đúng hay sai.

Bài học thứ 5: Cả hai đều cần một khoản thời gian riêng cho bản thân

Giống như những gì mà tôi đã học được, điều này có thể áp dụng trong mọi mối quan hệ, và với PMDD thì còn quan trọng hơn.

Rất đơn giản, nếu họ muốn ra ngoài giao du với bạn bè hoặc điều gì tương tự, hãy coi đây là khoảng thời gian để chăm sóc bản thân. Hãy cố gắng đừng để cảm thấy bị tổn thương vì mong muốn của họ khiến chúng ta cảm thấy cô đơn trong thoáng chốc. Hãy nhìn nhận điều đó sẽ khiến cả hai gắn kết với nhau hơn khi gặp mặt trở lại, ngay cả khi khoảng thời gian xa nhau chỉ kéo dài trong 2 giờ.

Hãy chắc chắn rằng bạn cũng có một kế hoạch cho riêng mình. Ăn trưa với người thân hoặc tham dự một buổi triển lãm nghệ thuật mà chồng chẳng ưa thích mấy. Hãy làm bất cứ việc gì để có khoảng thời gian nghỉ ngơi và trở về với chính bản thể của mình.

Một khoảng thời gian riêng cho cả hai người là rất cần thiết để giải tỏa căng thẳng, áp lực

Một khoảng thời gian riêng cho cả hai người là rất cần thiết để giải tỏa căng thẳng, áp lực

Nên nói gì nếu như quá khó để thực hiện:

Ngay cả khi bạn là người thích dành thời gian ở bên chồng, hãy nghĩ lại điều đó. Nếu giống tôi, hẳn sẽ có nhiều lúc bạn cảm thấy chỉ đang cố gắng bám theo sở thích của họ. Hãy phân biệt rõ những gì chúng ta muốn và không muốn. Ví dụ như trong trường hợp anh ấy hỏi “Em có muốn xem bộ phim với đầy những cảnh xe cộ cháy nổ hay không?”, trong thâm tâm nghĩ rằng “Không anh à”, ấy vậy, ước muốn được ở bên cạnh người thương lại chiếm trọn trong tâm trí. Lúc này, hãy lắng nghe suy nghĩ của tâm trí và cố gắng nói ra điều đó cùng với tình cảm yêu thương và sự nồng ấm.

Điều này không có nghĩa là chúng ta phải ngay lập tức nói lời từ chối trong mọi lời đề nghị từ chồng mà thi thoảng bạn hãy thực hiện. Nếu anh ấy không cảm thấy tội lỗi về việc bày tỏ chân thành sở thích của họ, tại sao chúng ta lại không cùng làm với anh ấy?

Bài học thứ 6: Luôn nghĩ trước khi nói

Trước đây, tôi thường hay xoi mói và cộc cằn hơn trong thời gian bị PMDD và điều này vô cùng nguy hại. Nghĩ trước khi nói là bài học rất quan trọng. Nghe có vẻ lạ lùng khi chúng ta phải tự kiểm soát lời nói bản thân và thậm chí khiến cuộc trò chuyện bị chậm lại, thế nhưng việc làm này rất hiệu quả.

Ví dụ, nếu chồng tôi có nói “Thôi chết, hôm nay anh quên đổ rác mất rồi”, thì tôi, lúc đang bị PMDD, sẽ ngay lập tức muốn rít lên rằng “Thế tôi phải đổ rác thay cho anh à??”, nhưng tôi đã dừng suy nghĩ ấy lại trước khi buộc miệng thốt ra. Cằn nhằn về một vấn đề nào đó giúp chúng ta cảm thấy dễ chịu trong giây đầu tiên, nhưng tôi thề là ngay giây sau đó ta sẽ cảm thấy vô cùng tồi tệ.

Cho nên, hãy kiềm chế bản thân trước khi định cằn nhằn về một điều nhỏ nhặt gì đó. Luôn nhớ hãy luyện tập thường xuyên và dần dần chúng ta sẽ trở nên thành thạo.

Một phương pháp hữu ích khác là cố gắng ít phàn nàn lại. Rất dễ để bạn cảm thấy bị bất lực, như thể cả thế giới trở nên hỗn độn. Thế nhưng, với một số người, họ sẽ rất mệt mỏi khi phải nghe những điều tiêu cực cứ 5 phút một lần. Đây là lúc mà một người thân, hay một quyển sổ sẽ giúp ích cho bạn. Khi viết ra những cảm xúc của chất chứa trong tâm trí, những năng lượng tiêu cực sẽ được giải phóng mà không ảnh hưởng đến người khác. Điều này không có nghĩa là chúng ta phải giả vờ là một thằng ngốc không biết nói ra những lời chê trách, nhưng giảm bớt sẽ tốt cho hạnh phúc gia đình.

Nên nói gì nếu như chuyện đó xảy ra:

Nếu lỡ nói ra một điều gì đó làm tổn thương người chồng, đừng nghĩ rằng mọi thứ đã là quá muộn. Hãy xin lỗi. Bạn cần cho họ biết chúng ta thật sự xin lỗi, và ước rằng bản thân đã không nói ra điều ấy. Đồng thời, hãy giải thích với anh ấy đó không phải là ý định thật sự, vì khi ấy, chúng ta không còn là chính con người của mình như thường lệ.

Bài học thứ 7: Đừng đưa ra bất kỳ quyết định nào về mối quan hệ trong những ngày phải chịu PMDD

Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của PMDD là cảm giác trầm cảm. Chúng hút dần sinh lực sống, làm ta quên đi những thứ mà ta từng yêu thích, quý mến, trong đó có cả người bạn đời.

May mắn thay, điều này sẽ không còn xảy ra đối với tôi nữa. Trước đây, tôi rất hay tự hỏi về mối quan hệ của mình. Liệu rằng sẽ tốt hơn nếu như tôi sống một mình? Khi sống bên nhau, chúng tôi có hạnh phúc hơn không?

Dù tôi không cho anh ấy biết về những ý nghĩ ấy, thế nhưng tôi đã suýt thốt ra. Nếu trong đầu chúng ta có những nghi ngại về chồng mình, đừng để bản thân bị tra tấn về chuyện ấy. Hãy vượt qua chúng và tiến về phía trước.

Trong những ngày phải chịu PMDD bạn không nên đưa ra bất kỳ quyết định nào về mối quan hệ với chồng mình

Trong những ngày phải chịu PMDD bạn không nên đưa ra bất kỳ quyết định nào về mối quan hệ với chồng mình

Nên nói gì nếu như chuyện đó xảy ra:

Thêm một lần nữa, hãy tâm sự vào một quyển sổ và chắc chắn rằng chồng không thể nhìn thấy. Hãy liệt kê ra những lo lắng tiêu cực nghiêm trọng nhất, nhủ thầm rằng chúng ta sẽ xem lại những điều ấy vào thời điểm ổn định hơn để từ đó đánh giá đúng được vấn đề.

Đừng để căn bệnh kiểm soát và đánh lừa ta theo hướng phải quyết định ngay lập tức. Khi trở về trạng thái bình thường, bạn sẽ cảm thấy thoải mái khi dễ dàng vượt qua những cảm xúc vớ vẩn ấy.

Một cách thức khác là gợi nhớ lại những khoảnh khắc hạnh phúc với người chồng của mình. Hãy nghĩ về lần cuối anh ấy khiến mình cười, hay nấu món ăn mà bạn thích trong bữa tối. Rất khó để tìm lại những cảm xúc tích cực ấy ngay từ lần đầu, nhưng điều đó sẽ giúp chúng ta cảm thấy thoải mái hơn.

Bài học thứ 8: Tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài

Phụ thuộc vào một người duy nhất trong quãng thời gian đối mặt với PMDD có rất nhiều điểm bất lợi. Đầu tiên là không công bằng với chồng mình. Bởi những cảm xúc và mong muốn của chúng ta không những làm chúng ta mệt mỏi, mà còn khiến họ cảm thấy kiệt sức.

Kế đến, ta sẽ bỏ lỡ rất nhiều ý kiến, ý tưởng và trải nghiệm từ những người khác. Do vậy, hãy cố gắng giữ liên lạc thường xuyên với bạn bè. Tôi nhận thấy rằng đi ra ngoài gặp gỡ với mọi người là điều vô cùng quan trọng, đặc biệt là khi tôi cần được giãi bày. Đó cũng là thời điểm để lắng nghe những vấn đề mà người bạn thân của mình đang gặp phải, dù rằng tôi không phải là người thích nghe chuyện đó. Đây chỉ đơn thuần là việc chia sẻ những trải nghiệm cá nhân và nhận ra rằng chúng ta không hề cô độc.

Bên cạnh đó, bạn có thể tìm sự hỗ trợ từ nhóm PMDD. Những người phụ nữ trong nhóm sẽ giúp chúng ta cảm thấy yên tâm trong quãng thời gian triệu chứng của bệnh phát tác.

Bài học thứ 9: Kết nối với bản thân là điều then chốt

Kết nối với bản thân là yếu tố quan trọng đối với tất cả mọi người. Thế nhưng, tôi cho rằng với phụ nữ, yếu tố này lại càng đặc biệt quan trọng, bởi chúng ta thường có xu hướng dễ hài lòng và dễ cảm thấy tội lỗi quá mức.

Vậy phải làm những gì với PMDD? Đầu tiên, hãy nghĩ rằng PMDD là một bản sao bé nhỏ đang trong trạng thái hoảng sợ, mệt mỏi, cô độc và lo âu. Tôi biết rất nhiều vấn đề rắc rối mà phụ nữ gặp phải là do hoóc môn gây ra, nhưng phần lớn trong số chúng lại có thể kiểm soát được thông qua việc luyện tập những bài học mà tôi đã nêu, đồng thời thông qua cách kết nối với bản thân. Khi đã thật sự hiểu và yêu chính mình, bạn sẽ được trang bị tốt hơn để xoa dịu cô bé PMDD thích xuất hiện bất thình lình ấy.

Cũng có khi tôi tự hình dung trong đầu chia chính mình ra làm hai. Một nửa là phiên bản bé nhỏ, nơi sẽ bộc lộ sự buồn bã và sợ hãi của mình. Nửa kia, đã trưởng thành và chín chắn, sẽ bảo với nửa còn lại rằng mọi thứ rồi sẽ ổn. Tôi đã chẳng thể nào tiếp cận được với bên nửa đã trưởng thành ấy nếu như không thể tự kết nối với chính mình.

Sau đây là những cách mà tôi sử dụng để tự kết nối và yêu chính mình hơn. Tất nhiên, đây chỉ là những lời gợi ý mang tính cá nhân.

Gặp trị liệu viên. Việc gặp gỡ, trao đổi với trị liệu viên, bác sĩ tâm lý chuyên môn đã giúp ích cho tôi rất nhiều. Đầu tiên, tôi được phép nói ra cảm xúc của bản thân, dù cho những suy nghĩ và hành động khi ấy nghe có vẻ điên rồ đến mấy đi chăng nữa. Kế đến, tôi có thể sắp xếp lại những vấn đề gây ra tổn thương trong quá khứ. Nhờ vậy, tôi có được nhiều kiến thức mới từ các trị liệu viên mà tôi đã gặp.

Có lối sống lành mạnh. Ăn những thực phẩm sạch và đầy đủ dinh dưỡng khiến tôi cảm thấy tốt hơn hẳn. Tôi đã từng phải trả giá cho việc ăn uống thiếu lành mạnh trước đây. Tập thể dục cũng quan trọng không kém bởi cơ thể sẽ tiết ra nhiều hoóc môn endorphins trong khi vận động. Sự khỏe khoắn sẽ khiến bạn tự tin, tự hào về chính mình mình nhiều hơn.

Có một tình bạn bền chặt và được thường xuyên vun đắt. Hãy luôn nhớ rằng chất lượng vẫn quan trọng hơn số lượng.

Dành nhiều thời gian cho chính mình. Ví dụ: tự mình đi đến một quán cà phê, nhà hàng, đọc một quyển sách trong công viên, hay một mình xem bộ phim. Luôn thực hiện điều đó cho đến khi cảm thấy thoải mái và thật sự thưởng thức khoảnh khắc riêng tư ấy. Đừng bao giờ cảm thấy tội lỗi về điều đó.

Tự chăm sóc chính mình. Tương tự với cách thức trên, phương pháp này thiên về việc tập trung chăm sóc cơ thể. Ví dụ như tắm rửa một cách thư thái, mua loại trà, hay loại thực phẩm vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe, đi mát-xa, tập yoga, hay làm một điều gì đó sảng khoái, tham gia lớp học, hoặc ăn hết những món bạn muốn.

Lắng nghe cơ thể. Nếu cảm thấy mệt mỏi, hãy nghỉ ngơi ngay lập tức. Nếu cảm thấy năng lượng tiêu cực bị dồn nén lại, hãy đi dạo vòng quanh đâu đó. Còn nếu cảm thấy bất lực, hãy tìm một nơi yên tĩnh, ngồi xuống, và ngẫm nghĩ lại mọi thứ trong đầu. Tôi hiểu sẽ có rất nhiều yếu tố cản trở, nhưng hãy dành ra một chút thời gian để thực hiện những điều trên, dù chỉ là năm phút.

Học cách bày tỏ sự ưa thích, và không ưa thích. Tôi biết việc này nghe chừng có vẻ khá là ngớ ngẩn. Khi đã là người lớn, chúng ta vẫn nghĩ mình hiểu rõ những thứ thích và không thích, hay đồng tình và không đồng tình. Thế nhưng, đôi khi, tôi chấp nhận một ý kiến nào đó chỉ vì áp lực từ một người bạn, hay người thân của mình. Rồi sau này, tôi nhận ra “Khoan đã, tôi thật sự không tin vào điều ấy.” Rất nhiều tình huống tương tự có thể xảy ra, như khi chúng ta không dám mua một món hàng trong cửa hàng tạp hóa bởi chồng không thích. Hãy mua và thưởng thức món hàng ấy! Hãy là chính mình, thay vì làm vừa ý chồng.

Làm thật nhiều điều mà bạn thích. Là một người rất năng động, tôi luôn giữ những sở thích nhiều nhất có thể. Khi bắt đầu cảm thấy đánh mất chính mình, tôi sẽ làm một thứ gì đó thật sáng tạo để lấy lại cảm giác ấy một lần nữa.

Cảm nhận tâm trạng và cảm xúc của bản thân- đừng che giấu chúng. Rất nhiều lời khuyên mà tôi đưa ra nghe chừng có vẻ giống với việc tôi đang cố nói với bạn rằng hãy tự kiểm soát chính mình. Điều này không hoàn toàn đúng; mà thiên về việc tự hiểu cảm xúc và đối mặt với chúng một cách lành mạnh. Tôi nhận ra rằng càng đơn giản hóa mọi thứ và chờ đợi cho chúng tan biến, thì tôi càng nhanh chóng ổn định trở lại. Hãy cười và hài lòng với việc cảm xúc buồn bã trôi qua một cách chậm chạp và chắc chắn rằng bạn sẽ vui trở lại. Đối diện với cơn giận dữ, nhưng không để chúng kiểm soát. Đừng hành động dựa theo cảm tính. Ép buộc cảm xúc tồi tệ trôi qua chỉ khiến mọi thứ trầm trọng hơn, thế nên, hãy cứ để ở đấy và rồi chúng sẽ biến mất như những cơn sóng biển đến rồi lại đi.

Là người cổ động cho chính mình. Tôi không thể quên trước đây, có những đêm tôi chìm đắm trong cảm giác thương hại chính mình, khóc trong nhiều giờ liền chỉ vì nghĩ mình hết sức tồi tệ và nhớ lại những thứ mà tôi làm xáo trộn. May mắn thay, điều đó đã không còn xảy ra trong một quãng thời gian dài, bởi tôi đã dễ tính hơn với chính mình. Khi mắc phải sai lầm, đầu tiên, tôi thường cảm thấy khó chịu, nhưng sau đó, tôi không để chính mình bị nhấn chìm vào trong bóng tối. Khi ấy, tôi chỉ đơn thuần nghĩ rằng “Ôi, lần tới sẽ phải thực hiện theo cách khác vậy.” Cảm thấy tự hào về những điều mà mình đạt được cũng rất quan trọng. Bạn sẽ chẳng làm được điều ấy mà không có chính mình!

Học cách thiền định, hay chỉ đơn giản là ngồi im lặng. Tôi đã từng thử ngồi cạnh cửa sổ trong nhà, nhìn ra khung cảnh bên ngoài, chẳng nghĩ đến bất cứ điều gì, mà chỉ đơn thuần là quan sát những thứ đang hiện diện. Tôi rất thích những lúc thực hiện phương pháp luyện tập giảm stress sau hôn nhân như thế.

Hiểu rằng bản thân là tất cả những gì mà chúng ta cần. Thật tuyệt vời khi được yêu, được ngóng chờ, và đợi ai đó đáp lại, tiếp lời cho nhau. Thế nhưng, để tận hưởng hoàn toàn cuộc sống của mình thì lại phải xuất phát từ chính mình. Khoảng trống nho nhỏ bên trong nội tâm, thứ khiến bạn cảm thấy mất mát, thực tế lại chẳng cần để ai khác bù đắp, bởi tự mình cũng có thể thực hiện được.