Bài viết đề cập tới tình trạng quấy rối tình dục trong các tổ chức nghiên cứu liệu pháp gen nói riêng và các tổ chức y tế, khoa học, xã hội nói chung.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi Ilies et al, vào năm 2003 đã chỉ ra tỷ lệ quấy rối tình dục trong môi trường học thuật chỉ đứng sau môi trường quân đội, với tần suất còn cao hơn so với khu vực chính phủ và khu vực tư nhân. Đã có rất nhiều bằng chứng rõ ràng cho thấy những tổn thương cả về tinh thần lẫn thể chất do tình trạng quấy rối tình dục gây ra.
Trong năm 2016, sự trỗi dậy của phong trào #MeToo đã góp phần giảm thiểu hiện tượng tiêu cực này trong xã hội. Do vậy, cần phải thực hiện nghiên cứu, xác định rõ những địa điểm, nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng quấy rối tình dục, để từ đó đề xuất các biện pháp ứng phó thích hợp.
Năm 2018, National Academies of Science, Engineering, and Medicine (tạm dịch: “Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y tế Quốc gia”) cho ra mắt một bản báo cáo thống nhất chung có tên “Sexual Harassment of Women: Climate, Culture and Consequences in Academic Sciences, Engineering, and Medicine” (tạm dịch: “Quấy rối tình dục ở phụ nữ: Xu hướng nhận thức, Tư tưởng và Hậu quả trong các lĩnh vực Khoa học, Kỹ thuật và Y tế”).
Báo cáo mang tính bước ngoặt này được thực hiện bởi Committee on the Impacts of Sexual Harassment in Academia (tạm dịch: “Ủy ban về Các tác động của Quấy rối Tình dục trong môi trường học thuật”), do Chủ tịch Paula A. Johnson thuộc Đại học Wellesley, và Giáo sư Sheila E. Windall thuộc Viện Công nghệ Massachusetts đồng chủ trì. Nhiệm vụ của họ là thực hiện nghiên cứu về ảnh hưởng của quấy rối tình dục đến phụ nữ trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và y tế.
Kết quả cho thấy tình trạng quấy rối tình dục ở phụ nữ đang lan rộng trong các lĩnh vực kể trên. Minh họa trong Hình 1, các cuộc khảo sát tại một số trường đại học tiêu biểu, như Hệ thống Đại học Texas, đã chỉ ra có đến 17% sinh viên nữ trong ngành khoa học và 45% sinh viên nữ trong ngành y tế phải chịu thái độ thù địch về giới tính, 8-18% phải đối mặt với các hành vi phân biệt giới tính một cách thô thiển, và 2-4% gặp phải các trường hợp quấy rối nghiêm trọng, dưới các hình thức quan tâm hoặc ép buộc tình dục không mong muốn.
Các cuộc điều tra tương tự tại Hệ thống Đại học Bang Pennsylvania cho thấy tỷ lệ các sinh viên đại học, sau đại học và sinh viên y khoa bị các giảng viên, nhân viên trong khoa quấy rối tình dục còn cao hơn.
Hiện vẫn chưa có một nghiên cứu cụ thể nào thực hiện trong lĩnh vực liệu pháp gen, do đó chưa thể khẳng định được về mức độ phổ biến của tình trạng quấy rối tình dục là ít hay nhiều trong các phòng thí nghiệm hàn lâm, và các nhóm nghiên cứu lâm sàng trong nghiên cứu liệu pháp gen. Bởi đây là một lĩnh vực đặc thù, vì vậy, chúng ta cần nắm bắt và hiểu rõ ý nghĩa của những kết quả trên đối với tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, ủng hộ các hành vi ứng xử văn minh hơn.
Hiểu rõ nguyên nhân tại sao quấy rối tình dục trở nên phổ biến trong các lĩnh vực khoa học và y tế chính là chìa khóa để giải quyết vấn đề này. Thứ nhất, sự lệ thuộc vào các giảng viên và chuyên gia để đảm bảo khả năng thăng tiến trong sự nghiệp dẫn đến sự khác biệt về phân cấp quyền lực. Thứ hai, lĩnh vực khoa học và y tế thuộc về hệ thống công, do vậy thường không chú trọng đến vấn đề suy giảm năng suất, bất kể vì lý do gì.
Thứ ba, khoa học thúc đẩy chủ nghĩa cô lập, khiến các sinh viên dễ ở trong tình trạng sợ bị “công khai”. Thứ tư, vẫn còn đó tư tưởng bất bình đẳng giới trong các vị trí lãnh đạo. Và cuối cùng, các mối quan hệ thân thiết trong ngành và lĩnh vực chuyên môn cho phép nhiều cá nhân kiểm soát các cuộc đối thoại liên quan tới vấn đề này.
Một điều đáng chú ý khác, báo cáo nhấn mạnh rằng dấu hiệu rõ nhất về khả năng xảy ra quấy rối tình dục nằm ở xu hướng nhận thức - các thành viên thuộc một tổ chức chỉ có hai thái cực, hoặc chấp nhận, hoặc không thể chấp nhận tình trạng quấy rối tình dục. Đây chính là cơ sở để tìm ra cách thức nhằm thay đổi xu hướng nhận thức về tình trạng quấy rối tình dục trong lĩnh vực khoa học và y tế, đó là làm cho xu hướng này không còn phổ biến.
Nhận thức được điều này, Ủy ban đã đưa ra 15 khuyến nghị dành cho mọi thành viên trong lĩnh vực khoa học và y tế (Bảng 1). Những khuyến nghị này có tính bao quát, và đặt ra những ưu tiên thực hiện cho nhiều đối tượng, bao gồm cơ quan chính phủ, lãnh đạo các trường Đại học, nghiên cứu viên, thực tập sinh, sinh viên và các nhân viên khác.
Ví dụ như thực hiện chiến lược nhằm xóa bỏ những khác biệt về quyền lực, ngăn chặn hành vi cô lập bằng hoạt động hỗ trợ từ các phòng, ban thay vì chỉ có sự giúp đỡ của một nghiên cứu viên duy nhất, cũng như từ hệ thống giảng dạy và hướng dẫn; có cơ chế tiếp cận đối với các đối tượng bị quấy rối, đồng thời xây dựng đội ngũ lãnh đạo vững mạnh.
Ủy ban cũng lưu ý đến sự cần thiết của những lập trường tích cực chống lại các hành vi quấy rối tình dục thông qua các chương trình đào tạo cho từng cấp độ thành viên trong tổ chức, đảm bảo sự minh bạch, thể hiện rõ thái độ không khoan nhượng đối với hành vi quấy rối tình dục. Đặc biệt, Ủy ban cho rằng việc cung cấp các đãi ngộ, như tài trợ cho các chương trình đào tạo, sẽ khuyến khích sự thay đổi thái độ một cách tích cực và hiệu quả hơn.
1. Tạo môi trường khác biệt, bao quát và tôn trọng lẫn nhau.
2. Ứng phó với hình thức quấy rối tình dục phổ biến nhất: quấy rối phân biệt giới tính.
3. Đặt ra thêm các quy định pháp luật nhằm giải quyết vấn đề trong xu hướng nhận thức và tư tưởng.
4. Cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm.
5. Xóa nhòa sự phân cấp và mối liên hệ phụ thuộc giữa học viên và giảng viên.
6. Đảm bảo sự hỗ trợ cho việc thực hiện mục tiêu.
7. Đa dạng hóa và làm vững mạnh đội ngũ lãnh đạo.
8. Đánh giá sự tiến bộ.
9. Khuyến khích thay đổi.
10. Khuyến khích sự tham gia của các đơn vị có chuyên môn trong xã hội, cùng những tổ chức khác.
11. Khởi động thực hiện xây dựng luật lệ, ban hành quy định.
12. Xử lý những thất bại khi thực thi quy định nghiêm cấm hành vi phân biệt giới tính thuộc Quyền VII.
13. Tăng cường hoạt động và hợp tác giữa các cơ quan liên bang.
14. Tiến hành các hoạt động nghiên cứu cần thiết.
15. Đảm bảo mọi thành viên trong cộng đồng học thuật chịu trách nhiệm cho việc giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng quấy rối tình dục.
Ngoài các mục tiêu áp dụng cho các tổ chức, Ủy ban còn đưa ra định hướng dành cho các đơn vị có chuyên môn và hoạt động của các cơ quan liên bang, kèm với khuyến nghị mới nhất, trong đó “cam kết rằng cộng đồng học thuật sẽ chịu trách nhiệm trong việc giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng quấy rối tình dục”. Chúng ta không được phép phủ nhận mức độ phổ biến của tình trạng quấy rối tình dục, hay không nhận thức rõ các hình thức quấy rối phân biệt giới tính tinh vi, bị che đậy kỹ càng giống như phần chìm của “tảng băng”. Những hành vi phân biệt giới tính đó không phải lúc nào cũng thể hiện rõ ràng, do vậy, đòi hỏi mỗi người phải xem xét kỹ lưỡng về văn hóa và cách ứng xử chuyên nghiệp của bản thân.
Ngoài ra, việc tăng cường tuyển dụng và giữ chân các nghiên cứu viên chính, các trưởng phòng, trưởng khoa và giám đốc quản lý công nghệ sinh học là một bước quan trọng để giải quyết vấn đề đáng ngại này. Đây cũng là đề xuất mà chúng tôi muốn gửi đến tất cả các độc giả và cộng tác viên của chúng tôi. Nói tóm lại, mỗi chúng ta phải nỗ lực hơn nữa trong việc không chấp nhận các hành vi quấy rối tình dục. Nếu tất cả chúng ta thực hiện tốt các trách nhiệm của mình, điều này chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho toàn bộ cộng đồng trị liệu gen, chuyên khoa tâm lý cả hiện tại và trong tương lai.