Tỷ lệ báo cáo tự kỷ đang gia tăng, theo một báo cáo mới từ Centers for Disease Control and Prevention - Trung tâm kiểm soát và phòng tránh bệnh tật (CDC).
Theo báo cáo này, vào năm 2014 có gần 1,7% (hoặc 1/59) số trẻ 8 tuổi trên 11 tiểu bang khắp nước Mỹ có thể được xác định mắc chứng tự kỷ ở trẻ nhỏ. Đây là sự gia tăng nhỏ nhưng để so sánh với ước tính mới nhất về tỷ lệ mắc tự kỷ được công bố vào năm 2016 và dựa vào dữ liệu từ năm 2012, khoảng 1,5% (hoặc 1/68) trẻ thì đây vẫn là tỉ lệ cao nhất từng có.
Số liệu được ghi nhận từ mạng lưới (Autism and Developmental Disabilities Monitoring - ADDM), Cơ quan giám sát khuyết tật và tự kỷ, một hệ thống theo dõi rộng rãi tỉ lệ hiện hành và đặc điểm của rối loạn phổ tự kỷ (ADS) trong số hơn 300.000 trẻ 8 tuổi. (bản báo cáo này được khảo sát trên khoảng 8% trẻ 8 tuổi trên cả nước).
Mặc dù mức gia tăng này đánh dấu tỉ lệ cao nhất từng được ADDM ghi nhận, song không có nghĩa là ngày nay có nhiều trẻ em mắc tự kỷ hơn trong quá khứ. Thay vào đó, theo CDC, sự gia tăng có liên quan nhiều hơn đến việc xác định và báo cáo tự kỷ trong các cộng đồng người da đen và Mỹ La tinh, vốn có tỷ lệ phát hiện tự kỷ thấp trong quá khứ.
“Có một sự thu hẹp khoảng cách giữa trẻ em da trắng và da đen mắc tự kỷ, và giữa trẻ da trắng với trẻ gốc Mỹ La tinh, giữa các báo cáo trong quá khứ và báo cáo hiện tại,” tiến sĩ Stuart Shapira, phó giám đốc khoa học và giám đốc y tế tại Trung tâm về khuyết tật bẩm sinh và khuyết tật phát triển Quốc gia thuộc CDC (National Center on Birth Defects and Developmental Disabilities - NCBDDD) cho biết. “Khả năng cao là do các dịch vụ nhận diện, sàng lọc và tham chiếu có hiệu quả hơn.”
Trong khi những cải thiện trong hoạt động chẩn đoán là đáng khích lệ, thì báo cáo cũng nêu bật nhu cầu tiếp tục phát hiện và can thiệp sớm. Gần một nửa số trẻ trong ADDM được chẩn đoán mắc tự kỷ dưới 4 tuổi và – mặc dù có nhiều lo ngại về sự phát triển được ghi nhận trong hồ sơ y tế của trẻ 3 tuổi – chỉ có 42% được đánh giá phát triển đầy đủ ở độ tuổi đó.
“Một đứa trẻ được chẩn đoán và tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ tự kỷ càng sớm thì kết quả điều trị sẽ đạt hiệu quả càng cao,” tiến sĩ Daisy Christensen, trưởng nhóm giám sát tại chi nhánh khuyết tật phát triển của NCBDDD cho hay. “Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu các tham gia dịch vụ, song chúng ta cần thật sự nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc bắt đầu tham gia các dịch vụ này càng sớm càng tốt.”
ADDM chỉ dành riêng cho trẻ 8 tuổi vì sự phân tích chuyên sâu của nó – bao gồm theo dõi các hồ sơ sức khỏe và giáo dục – khiến việc xem xét các độ tuổi lớn hơn gặp nhiều khó khăn, và vì phần lớn các trẻ được chẩn đoán mắc tự kỷ vào năm 8 tuổi, Christensen cho biết.
Tuy nhiên một số nhóm nghiên cứu ước tính rằng tỉ lệ mới nhất cao hơn trong một khoanh vùng rộng hơn. Chẳng hạn, báo cáo nghiên cứu được công bố trên JAMA vào năm 2016, ước tính trong hơn 30.000 trẻ ở độ tuổi từ 3 đến 17, có 2,24% số trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ.