Mắc phải hội chứng ADHD lúc nhỏ có thể dẫn đến các vấn đề về tâm lý trong cuộc sống sau này

Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, các bé gái mắc hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) có nguy cơ thực hiện các hành vi tự tử, hoặc tự làm tổn thương bản thân khi thành niên cao hơn so với các bé không mắc phải chứng bệnh.

Các bé gái được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý khi đến độ tuổi thành niên, đặc biệt là có các dấu hiệu sớm của chứng kích động, có nguy cơ thực hiện các hành vi tự tử cao từ 3 đến 4 lần, và nguy cơ tự làm tổn thương bản thân cao từ 2 đến 3 lần so với những bé gái còn lại trong nhóm đối chiếu, theo kết quả nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Tư vấn và Tâm lý học lâm sàng (Journal of Consulting and Clinical Psychology®) online.

Các bé gái được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý khi đến độ tuổi thành niên có nguy cơ thực hiện các hành vi tự tử cao từ 3 đến 4 lần

Các bé gái được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý khi đến độ tuổi thành niên có nguy cơ thực hiện các hành vi tự tử cao từ 3 đến 4 lần

“ADHD có thể là dấu hiệu của các vấn đề về tâm lý trong tương lai khi các bé gái trưởng thành,” Tiến sĩ Stephen Hinshaw, Nhà Tâm lý học, Đại học California, Berkeley, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cho biết. “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi củng cố ý kiến cho rằng chứng ADHD ở các bé gái đặc biệt nghiêm trọng, và có những tác động nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng.”

Lượt nghiên cứu đầu tiên thực hiện trên 228 bé gái trong độ tuổi từ 6 đến 12 tại Khu vực Vịnh San Francisco, trong đó 53% là người da trắng, 27% là người gốc Phi, 11% là người La tinh, và 9% là người gốc Á. Các bé được tuyển chọn từ các trường học, trung tâm sức khỏe tâm thần, phòng khám nhi khoa và từ quảng cáo cộng đồng.

Các bé gái trải qua các cuộc đánh giá, chẩn đoán chuyên sâu, và cho ra kết quả có đến 140 bé được chẩn đoán mắc phải hội chứng ADHD. Các bé còn lại được xếp vào trong nhóm đối chiếu. 47 bé mắc phải chứng ADHD-mất tập trung, một dạng của hội chứng ADHD, trong đó các bé thường tỏ ra thụ động, ngồi im một chỗ, nhưng lại rất khó tập trung. 93 bé gái còn lại mắc chứng ADHD-tổng hợp, bao gồm các triệu chứng tăng động, bốc đồng, mất tập trung. Chứng ADHD-tổng hợp là dạng phổ biến nhất của hội chứng ADHD trong điều trị.

Mắc chứng ADHD-mất tập trung, các bé thường tỏ ra thụ động, ngồi im một chỗ nhưng lại rất khó tập trung

Mắc chứng ADHD-mất tập trung, các bé thường tỏ ra thụ động, ngồi im một chỗ nhưng lại rất khó tập trung

Sau lượt chẩn đoán ban đầu, các nhà nghiên cứu tiếp tục thực hiện chẩn đoán toàn diện các đối tượng sau 5 năm và 10 năm, nếu cần thiết có thể thực hiện bằng biện pháp phỏng vấn qua điện thoại hoặc ghé thăm trực tiếp. Có 95% các cô gái trong mẫu nghiên cứu ban đầu tham gia vào lần chẩn đoán sau 10 năm, với độ tuổi trong khoảng từ 17 đến 24. Họ cùng gia đình của mình được yêu cầu trả lời về các vấn đề trong cuộc sống, bao gồm việc lạm dụng thuốc, thực hiện các hành vi tự tử, tự làm tổn thương bản thân, và các dấu hiệu trầm cảm. Riêng các cô gái còn được kiểm tra thêm về thành tích học tập và hoạt động tâm thần kinh.

Với những cô gái chẩn đoán mắc chứng ADHD-tổng hợp, 22% nói rằng đã từng có ý định tự tử một lần trong 10 năm, so với 8% cô gái mắc chứng ADHD-mất tập trung, và 6% trong nhóm đối chiếu. Trong khi đó, tỷ lệ tự làm tổn thương bản thân trong nhóm ADHD-tổng hợp cao hơn một cách đáng kể, với 51% đã từng thực hiện các hành vi như cào cấu, tự cắt tay, tự làm bỏng, hoặc đánh đập bản thân, so với 19% trong nhóm đối chiếu, và 29% trong nhóm ADHD-mất tập trung.

51% những cô gái chẩn đoán mắc chứng ADHD-tổng hợp đã từng thực hiện các hành vi như cào cấu, tự cắt tay, tự làm bỏng, hoặc đánh đập bản thân

51% những cô gái chẩn đoán mắc chứng ADHD-tổng hợp đã từng thực hiện các hành vi như cào cấu, tự cắt tay, tự làm bỏng, hoặc đánh đập bản thân

Nghiên cứu khám phá ra rằng dù không có sự khác biệt rõ ràng trong việc sử dụng thuốc điều trị giữa các nhóm; tuy nhiên, các cô gái được chẩn đoán mắc phải hội chứng ADHD khi còn trẻ dễ duy trì các triệu chứng của bệnh hơn, dễ gặp phải các vấn đề về tâm thần hơn, và cần đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần nhiều hơn.

“ADHD ở các bé gái và phụ nữ dẫn đến nguy cơ nội tâm hóa cao, đặc biệt là hành vi tự làm tổn thương bản thân mình,” Tiến sĩ Hinshaw nói. “Chúng ta biết rõ các bé gái mắc phải chứng ADHD-tổng hợp dễ bị kích động và khó kiểm soát hành vi của bản thân, và đây chính là cơ sở để giải thích cho những vấn đề kể trên.”