Nhìn nhận cuộc sống với lăng kính lạc quan, tươi sáng cũng là cách bảo vệ chính mình, đó là kết quả trong một nghiên cứu kéo dài suốt 18 năm của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ.
Từ một nghiên cứu áp dụng với hàng ngàn người Mỹ trong suốt 18 năm, những người không từ bỏ mục tiêu (hoặc đã thay đổi tích cực từng ngày vì kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình) đều có triển vọng giảm bớt lo lắng, trầm cảm, ít hoảng loạn hơn. Và thật ngạc nhiên, ý thức kiểm soát, tự chủ lại không gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của người tham gia.
Nghiên cứu được Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ công bố trên Tạp chí Tâm lý học dị thường (Journal of Abnormal Psychology).
Thạc sĩ khoa học Nur Hani Zainal, Đại học bang Pennsylvania và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết: Sự kiên trì với mục tiêu cuộc sống là cách tự tạo ra khả năng phục hồi, chống lại hoặc làm giảm mức độ rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu tổng quát và rối loạn hoảng sợ. Có cái nhìn lạc quan, tích cực ngay cả trong tình huống không may mắn cũng mang lại hiệu quả tương tự đối với sức khỏe tâm thần con người, bởi ta cảm nhận được ý nghĩa cuộc sống, thấu hiểu và kiểm soát mọi thứ trong tầm tay.
Theo người đồng tác giả của thạc sĩ Zainal, Tiến sĩ Michelle G. Newman cùng làm việc tại Đại học bang Pennsylvania: “Trầm cảm, lo lắng và rối loạn hoảng loạn là những vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến, có thể dẫn đến bệnh mãn tính, suy nhược cơ thể, gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và sinh kế của người bệnh. Ông Newman nói thêm: “Thông thường, những người mắc các chứng rối loạn này bị ám ảnh bởi những suy nghĩ và hành vi tiêu cực, khiến họ cảm thấy tồi tệ hơn. Chúng tôi muốn tìm hiểu những phương pháp chữa trị hữu ích nhằm giảm tỷ lệ trầm cảm, lo lắng và hoảng loạn.”
Hai nhà khoa học Zainal và Newman đã thực hiện trong suốt hơn 18 năm, trên 3.294 người lớn, độ tuổi trung bình là 45, gần như tất cả đều là người da trắng và gần một nửa số họ đều có trình độ đại học. Dữ liệu được thu thập ba lần, vào năm 1995-1996, 2004-2005 và 2012-2013.
Mỗi giai đoạn, những người tham gia tự đánh giá khả năng kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình (ví dụ: Khi gặp vấn đề, tôi không từ bỏ, kiên trì đến cùng và giải quyết chúng triệt để), khả năng tự làm chủ (ví dụ, tôi có thể làm bất cứ điều gì nếu dồn toàn bộ tâm trí vào nó) và khả năng nhìn nhận tích cực (ví dụ, tôi có thể nhìn nhận điều tích cực, ngay cả trong tình huống tồi tệ nhất). Từ đó, các nhà nghiên cứu thu thập các chẩn đoán tình trạng rối loạn trầm cảm, lo lắng và hoảng loạn chính trong mỗi khoảng thời gian đó của người bệnh.
Theo các tác giả, những ai thể hiện nhiều sự kiên trì và lạc quan với mục tiêu cuộc sống trong giai đoạn đầu thì trong suốt 18 năm đều giảm đáng kể chứng trầm cảm, lo lắng và rối loạn hoảng loạn. Và những ai ít gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần hơn lại càng kiên trì hơn đối với mục tiêu cuộc đời mình, đồng thời, tập trung vào yếu tố tích cực, lạc quan. Dù trong hoàn cảnh không may mắn thì họ cũng không cần đến các buổi tư vấn hay điều trị tâm lý.
Bà Zainal nói thêm: “Phát hiện của chúng tôi chỉ ra rằng mọi người có thể cải thiện sức khỏe tâm thần của chính mình bằng cách duy trì hoặc phát triển mức độ bền bỉ, khả năng phục hồi và sự lạc quan cao độ.
Mong muốn theo đuổi mục tiêu cá nhân, sự nghiệp có thể khiến mọi người thấy cuộc sống ý nghĩa hơn. Mặt khác, khi từ bỏ nỗ lực hoặc bất cần với những mục tiêu cuộc sống có thể phải trả giá bằng những vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng.
Không giống như trong nghiên cứu trước đây, Zainal và Newman không nhận thấy ảnh hưởng của khả năng tự chủ, hay cảm xúc tự chủ đối với sức khỏe tâm thần của những tình nguyện viên tham gia nghiên cứu trong suốt 18 năm.
Ông Newman nói thêm: “Thông thường, hiện tượng này có thể do những người tham gia không thay đổi gì khi sử dụng quyền tự chủ của mình.” Các tác giả tin rằng những phát hiện của họ sẽ có ích cho việc điều trị tâm lý cho bệnh nhân mắc chứng trầm cảm, lo âu và rối loạn hoảng loạn.
Từ đó, các bác sĩ sẽ giúp người bệnh nhận ra vòng luẩn quẩn khi họ từ bỏ chính những khát vọng cá nhân và sự nghiệp. Bà Zainal cho rằng: “Từ bỏ có thể mang lại cảm giác nhẹ nhõm tạm thời nhưng làm tăng nguy cơ thất bại, hối tiếc và thất vọng.
Cổ vũ bệnh nhân trở nên lạc quan và kiên cường hơn, với quyết tâm hành động biến giấc mơ thành hiện thực, bất kể trở ngại ra sao, điều đó sẽ mang đến tâm trạng tích cực hơn và ý thức mạnh mẽ về mục đích cuộc sống trong họ.”