Nếu đã từng trải qua việc bị gaslighting, bạn có thể hiểu những tổn thương nó gây ra. Người thao túng tinh thần sẽ làm bạn bắt đầu nghi ngờ về chính mình, thậm chí cả lý trí của bạn. Họ thường sử dụng các cách như nói dối trắng trợn, lái người khác chống lại bạn, tấn công bạn để bảo vệ hành vi xấu.
Khi bị lạm dụng kiểu này bạn cần có thời gian để hồi phục. Đây là những điều bạn phải ghi nhớ khi muốn điều trị:
Ý nghĩa tên gọi
Nhiều người thấy tên thao túng tinh thần rất hợp vì nó giống như trải nghiệm mà họ cảm thấy nhưng không thể mô tả được. Người bệnh không biết sự thật những gì đã xảy ra vì nghi ngờ nhận thức của chính mình, nghi ngờ thực tế. Có thể nói rằng, thao túng tinh thần là căn bệnh tâm lý nên hành vi tâm lý cũng là yếu tố căn bản để điều trị căn bệnh này.
Giữ khoảng cách an toàn
Chừng nào còn tiếp xúc với người thao túng, người bệnh càng dễ bị kiểm soát. Nếu có thể, hãy ngừng liên lạc với người đó. Tất nhiên, điều này khó khăn hơn khi đó là thành viên trong gia đình hoặc người mà người bệnh khó né tránh. Trong trường hợp này, họ có thể hạn chế tiếp xúc thay vì né tránh hoàn toàn. Xin lưu ý rằng trong một vài trường hợp, cắt đứt hoàn toàn tương tác với người này có thể nguy hiểm; hãy trao đổi với người thân đáng tin cậy và người của cơ quan thực thi luật pháp nếu cần, đồng thời có biện pháp phòng ngừa thích hợp.
Tôn trọng chính mình
Nhiều người quay sang dằn vặt bản thân khi nhận ra họ bị thao túng, tự trách mình vì đã không nhận ra điều đó và tự cô lập. Hãy nhớ rằng loại tự phê bình này là kết quả phổ biến khi bị gaslighting. Cố gắng đừng tự trách bản thân và phải hiểu rằng những kẻ thao túng tinh thần rất thành thạo kỹ thuật thao túng tâm lý người khác. Điều quan trọng nhất là bạn đã nhận ra điều đó và rút kinh nghiệm.
Chia sẻ với người thân
Không có gì đau khổ hơn khi bị lạm dụng trong một mối quan hệ, và không có gì có thể hàn gắn vết thương tâm lí này ngoài tình yêu thương. Hãy dành nhiều thời gian nhất có thể với những người yêu thương và tôn trọng bạn. Nói chuyện với họ về những lo lắng, sợ hãi trong cuộc sống và đặc biệt trong mối quan hệ với kẻ thao túng tinh thần. Cho phép họ biết về hoàn cảnh của mình khi bạn thường tự nghi ngờ bản thân. Hãy để những mối quan hệ này nuôi dưỡng tâm hồn bạn.
Học hỏi từ kinh nghiệm bản thân
Sau khi đã kết thúc một mối quan hệ mà bạn bị gaslighting, bạn đã hiểu biết hơn để nhận ra các dấu hiệu cảnh báo. Nếu một người quan trọng của bạn là người thao túng tinh thần, hãy cẩn thận khi bước vào một mối quan hệ mới. Tự trang bị kiến thức thông qua sách báo và các nguồn tài liệu khác để tránh được những người này trong tương lai.
Cuối cùng, nhớ rằng bạn có thể giữ thái độ cẩn trọng với bất kì ai trong một khoảng thời gian nhất định trước khi tin tưởng, đó hoàn toàn là lý do chính đáng. Chấn thương sau khi bị gaslighting có thể dẫn đến tâm lý sợ tới già và có thể khiến bạn luôn trong trạng thái phòng vệ. Hãy nhớ không phải hành vi không đồng tình là một triệu chứng của bệnh. Thay vào đó, bạn hãy rút kinh nghiệm và hiểu các trạng thái tâm lý khác nhau của mình.
Cố gắng cân bằng giữa một bên là tự tin vào bản thân và một bên là khả năng nhận thức về môi trường xung quanh. Hãy tham khảo ý kiến của những người mà bạn tin tưởng nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về mối quan hệ với một người thao túng tinh thần và đừng bao giờ để bản thân bị cô lập khỏi các mối quan hệ khác.
Thật không dễ phục hồi sau khi bị gaslighting, nhưng bạn phải học cách tin tưởng lại bản thân mình, biết giá trị của mình.