Bệnh PTSD (rối loạn căng thẳng sau sang chấn) và trầm cảm thường xảy ra đồng thời. Bệnh này có thể ảnh hưởng làm phát triển bệnh kia hoặc sang chấn cho người bệnh. Mỗi tình trạng làm cơ thể suy nhược, nhưng cùng xuất hiện cùng lúc có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hoạt động của cơ thể.

Cách tốt nhất để đối phó với PTSD, trầm cảm là tìm đến các chuyên gia, giải quyết cả hai tình trạng bệnh cùng lúc và sử dụng các phương pháp trong quá trình điều trị để tiếp tục cải thiện sức khỏe.

Cuộc sống với người mắc một căn bệnh về tâm thần có thể bị xáo trộn, đầy thử thách và tổn thương, nhưng nếu mắc cả hai chứng bệnh này thì còn khó khăn hơn. Bệnh PTSD và trầm cảm đều là những bệnh tâm thần rất nghiêm trọng gây ra sự rối loạn chức năng. Tuy nhiên, tin tốt là cả hai bệnh này đều có thể điều trị được.

Tình trạng sẽ chuyển biến tốt khi được chuyên gia điều trị cả hai bệnh. Sau đó, bạn có thể sử dụng các phương pháp bạn học được trong quá trình điều trị, áp dụng chúng vào cuộc sống, đưa ra những lựa chọn tích cực và nhận được sự hỗ trợ từ những người thân yêu.

1. Rối loạn căng thẳng sau sang chấn là gì?

Rối loạn căng thẳng sau sang chấn, hay PTSD, là một bệnh tâm thần nghiêm trọng được gây ra do các tổn thương mà người bệnh đã trải qua. Nó do chủ quan người bệnh nhưng có thể bao gồm chấn thương khi phục vụ quân sự trong thời gian dài, chứng kiến ​​bạo lực, bị lạm dụng, tấn công, hoặc trải qua một tai nạn, thảm họa. Không phải tất cả những người trải qua tổn thương đều phát triển bệnh PTSD, nhưng có thể xảy ra, đặc biệt là đối với những người không có được sự hỗ trợ tốt hoặc đang bị mắc các bệnh tâm thần khác.

PTSD và trầm cảm sẽ để lại hậu quả nếu không kịp thời điều trị

PTSD và trầm cảm sẽ để lại hậu quả nếu không kịp thời điều trị

Có bốn loại triệu chứng chính liên quan đến PTSD và chúng có thể bắt đầu phát triển vào bất cứ lúc nào, bất kể một tháng hoặc nhiều năm sau chấn thương:

  • Nhớ lại những ký ức tổn thương: Bạn có thể trải qua những hồi ức chân thực, cơn ác mộng và không thể ngừng suy nghĩ về chuyện đã qua.
  • Tránh né: Để cố gắng kìm nén những ký ức khó chịu, bạn luôn từ chối thảo luận, tránh đi đến bất kỳ nơi nào hoặc không gặp những người nhắc bạn nhớ về nó.
  • Suy nghĩ và tâm trạng tiêu cực: PTSD có thể thay đổi cách suy nghĩ của bạn về bản thân và thế giới, khiến bạn cảm thấy vô vọng, tức giận, xấu hổ, cô lập, thờ ơ với mọi thứ xung quanh.
  • Phản ứng không phù hợp: Bạn dễ giật mình, sợ hãi, phản ứng rất nhanh và luôn đề phòng nguy hiểm hoặc có thể thực hiện các hành vi tự hủy hoại bản thân mình.

Các triệu chứng của PTSD có thể làm suy nhược cơ thể, thậm chí dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn sử dụng chất gây nghiện, rối loạn ăn uống, tự tử và các bệnh tâm thần khác, như trầm cảm.

2. Trầm cảm là gì?

Trầm cảm còn được gọi là rối loạn trầm cảm, trầm cảm lâm sàng là một trong những bệnh tâm thần phổ biến nhất. Có khoảng 15 đến 20% người bị trầm cảm ít nhất một lần trong đời.

Trầm cảm là một rối loạn cảm xúc, nghĩa là nó thay đổi cách suy nghĩ, cảm nhận của bạn về bản thân và thế giới nói chung. Các triệu chứng trầm cảm bao gồm cảm giác buồn bã, vô vọng, trống rỗng, dễ tức giận, thất vọng, mất hứng thú với các hoạt động bạn từng yêu thích, mệt mỏi, thay đổi thói quen ăn uống, lo lắng, cảm thấy tội lỗi, vô dụng, khó tư duy và xuất hiện suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử.

Với người bình thường đôi khi cũng cảm thấy những điều này, nhưng để được chẩn đoán mắc trầm cảm, cần phải dựa trên các triệu chứng nghiêm trọng có khả năng ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày. Các triệu chứng cũng phải xuất hiện dai dẳng mỗi ngày trong hai tuần hoặc lâu hơn.

3. Khi PTSD và trầm cảm xảy ra cùng một lúc

Mặc dù không có nguyên nhân rõ ràng giải thích cho việc mắc bệnh trầm cảm, tuy nhiên, một trong số những yếu tố rủi ro là việc trải qua các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống. Các sự kiện tổn thương gây ra căng thẳng mức độ cao, do đó, không có gì bất thường nếu một người bị mắc bệnh PTSD bị trầm cảm. Và cũng có thể một người bị trầm cảm sẽ có nguy cơ bị PTSD cao hơn sau khi trải qua chấn thương.

Nhiều người mắc PTSD phải đối mặt với căn bệnh trầm cảm

Nhiều người mắc PTSD phải đối mặt với căn bệnh trầm cảm

Mắc cả hai chứng bệnh về sức khỏe tâm thần cùng lúc không phải là hiếm. Thống kê cho thấy khoảng một nửa số người được chẩn đoán mắc PTSD cũng bị trầm cảm. Thậm chí có thể coi PTSD với trầm cảm là một dạng phụ của rối loạn sang chấn. Mắc cả hai trầm cảm và PTSD hoặc mắc một trong hai loại đều làm tăng các rối loạn chức năng. Nói cách khác, nếu đang mắc phải cả hai cùng lúc, cuộc sống bình thường sẽ càng trở nên khó khăn..

4. Điều trị cả hai tình trạng bệnh là điều rất cần thiết

Điều tốt nhất có thể làm để kiểm soát sức khỏe tâm thần khi bị PTSD và trầm cảm là điều trị chuyên sâu. Nếu chưa được chẩn đoán nhưng bạn có những lo ngại về các biểu hiện của mình, bước đầu tiên phải có được sự chẩn đoán phân biệt. Các chuyên gia sức khỏe tâm thần có kinh nghiệm có thể xác định các triệu chứng thuộc tình trạng bệnh nào và loại trừ cho các bệnh khác.

Để có kết quả điều trị hiệu quả nhất, bạn cần biết mình đang ở tình trạng nào. Chỉ sau đó, tất cả các vấn đề sức khỏe tâm thần mới được giải quyết, và đây là cách tốt nhất để cải thiện. Hai tình trạng bệnh này có liên hệ mật thiết với nhau, vì vậy, việc chỉ điều trị một trong hai loại bệnh thì chỉ giải quyết được một nửa vấn đề.

Chỉ điều trị cho PTSD cũng có thể có ích, nhưng nếu trầm cảm kéo dài và không được điều trị sẽ tiếp tục gây ra vấn đề. Trên thực tế, các triệu chứng trầm cảm không được kiểm soát có thể làm tái phát lại chứng bệnh PTSD. Cách tốt nhất, hiệu quả nhất để giải quyết hai chứng bệnh này là điều trị chúng cùng một lúc.

5. Lợi ích của điều trị tại cơ sở chăm sóc tư nhân

Không phải tất cả các nhà trị liệu ngoại trú đều được đào tạo chuyên sâu để điều trị cho bệnh nhân mắc phải hai tình trạng bệnh nghiêm trọng liên quan đến sang chấn tâm thần. Cách điều trị tốt nhất mà có thể giải quyết cả hai bệnh tâm thần này là điều trị tại cơ sở điều trị tư nhân cùng với một nhóm các chuyên gia.

Cơ sở điều trị tư nhân mang đến cho bạn một môi trường điều trị an toàn và một khoảng thời gian nhất định để tập trung vào việc hồi phục sức khỏe. Các chuyên gia có thể đưa ra các kế hoạch điều trị khác nhau, được cá nhân hóa theo nhu cầu và sở thích cụ thể của người bệnh.

Để kiểm soát bệnh PTSD và trầm cảm, bạn sẽ cần trị liệu dựa trên sang chấn chuyên sâu, trị liệu hành vi và điều trị y tế. Các cơ sở điều trị tốt nhất có thể cung cấp các dịch vụ này cũng như các liệu pháp, dịch vụ bổ sung như nghệ thuật, âm nhạc trị liệu, giải trí, yoga và thiền định, các hệ thống y khoa toàn diện và liệu pháp thay thế.

6. Đối phó với bệnh PTSD và trầm cảm sau khi điều trị

Ngay cả việc điều trị ở cơ sở tốt nhất sẽ không thể chữa khỏi hoàn toàn các căn bệnh này, nhưng nó sẽ cung cấp các phương pháp hiệu quả giúp bạn xử lý, đối phó với sang chấn và ngăn ngừa các triệu chứng trầm cảm. Một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm để đối phó với những căn bệnh tâm thần này là sự quan tâm, hỗ trợ từ gia đình, bạn bè. Hỗ trợ xã hội là một trong những yếu tố quan trọng nhất để có sức khỏe tâm thần tốt.

Những việc khác bạn có thể làm bao gồm thực hiện các liệu pháp ngoại trú thường xuyên, tham dự các cuộc họp nhóm hỗ trợ, lựa chọn lối sống lành mạnh, tránh xa rượu, ma túy, tham gia các hoạt động yêu thích, sử dụng biện pháp đối phó lành mạnh để kiểm soát căng thẳng như thở sâu hoặc thiền định. Hãy lắng nghe câu chuyện về Ben, người đã phục hồi sau khi điều trị PTSD và trầm cảm:

“Tôi đã trải qua cuộc điều trị khá tốt, nhưng mỗi khi về nhà, tôi cảm thấy mọi thứ đều quá sức. Tôi đã bị PTSD sau khi . gặp tai nạn xe hơi nghiêm trọng khiến người bạn thân nhất qua đời. Còn tôi thì sống sót, hầu như không có một vết xây xước nào, điều này khiến tôi cảm thấy hoàn toàn tội lỗi và chán nản, cũng như bị sang chấn. Trong cơ sở điều trị, tôi đã trải qua liệu pháp tiếp xúc, học cách đối mặt với những ký ức về vụ tai nạn và liệu pháp hành vi để kiểm soát những suy nghĩ tiêu cực, trầm cảm của tôi.

Nhưng khi ngừng điều trị, trầm cảm đã quay trở lại gần như ngay lập tức. Tôi luôn cảm thấy tội lỗi, xấu hổ. Tôi hầu như không thể ra khỏi giường mỗi ngày và đi học vì cảm thấy vô dụng, buồn bã. Bố mẹ thuyết phục tôi tham gia nhóm hỗ trợ hàng tuần cho những người đã trải qua sang chấn. Tôi cũng có một người bạn đã giúp mình tham gia trở lại cuộc thi ba môn thể thao phối hợp, điều mà tôi đã từng rất giỏi.

Sự hỗ trợ từ những người thân biết những gì tôi đã phải trải qua, cộng với sự kiên trì của bố mẹ, bạn bè thực sự đã giúp tôi cảm thấy bớt vô vọng. Việc tập thể dục thường xuyên cũng thúc đẩy tâm trạng. Đó không phải là điều dễ dàng, nhưng việc điều trị đã đưa tôi đến con đường hồi phục và chính những nỗ lực để đối phó với những vấn đề này đã giúp tôi ngày một tốt hơn.”

PTSD và trầm cảm có thể được điều trị dưới sự hướng dẫn của chuyên gia sức khỏe tâm thần

PTSD và trầm cảm có thể được điều trị dưới sự hướng dẫn của chuyên gia sức khỏe tâm thần

Nếu bạn hoặc người thân đang đối mặt với các sang chấn, cảm giác chán nản hoặc cả hai, hãy tìm đến sự giúp đỡ chuyên nghiệp. Những tình trạng bệnh này có thể được điều trị và kiểm soát, nhưng phải có hướng dẫn của các chuyên gia. Một cơ sở điều trị tốt có thể giúp bạn học cách đối phó với sang chấn và bắt đầu tận hưởng cuộc sống một lần nữa.