Chia sẻ của Areva Martin, nữ ký giả chuyên về mục bình đẳng giới của TIME. Cô là một luật sư, người ủng hộ, người dẫn chương trình truyền hình, nhà bình luận và tác giả các vấn đề xã hội và pháp lý.
Ai rồi cũng sẽ có những lúc nhận phải ô “tin xấu” trong vòng quay may rủi và rồi đối mặt với bi kịch, tan vỡ, mất mát, chối bỏ, thất vọng – những khó khăn chưa từng trải.
Bằng cách nào đó, ta không chỉ sống sót mà còn trở nên mạnh mẽ và khôn ngoan hơn. Nếu dành một chút thời gian nhìn lại, những gì hình thành nên ta bây giờ – tình yêu thương, sự mạnh mẽ và kiên cường trong nội tâm – đều đến từ mẹ.
Dù mẹ luôn dành một tình yêu hoàn hảo cho con cái, nhưng những đứa trẻ thì còn lâu mới hoàn thiện bản thân. Ai rồi cũng có những yếu đuối của con người. Khi chẳng may gặp những bất lợi – giống như bao người – ta cũng có lúc gục ngã. Mất đi sự bình tĩnh, mất đi vòng tay che chở của mẹ, trở nên dễ tổn thương và chất vấn tất cả mọi người và mọi thứ xung quanh.
Tôi hiểu rõ điều đó vì tôi là một người trong cuộc. Giai đoạn đầu sự nghiệp luật, con trai thứ ba của tôi, Marty, được chẩn đoán bị mắc chứng tự kỷ. Tôi đã hoàn toàn suy sụp.
Như bao bậc cha mẹ khác, tôi đã mơ về một cuộc đời tươi sáng cho con trai mình. Có thể thằng bé sẽ trở thành CEO cho một trong những công ty sáng giá thuộc top 500 Fortune hay một giáo sư khảo cổ học có tiếng, rong ruổi khắp thế giới như Indiana Jones, hay có lẽ nó sẽ trở thành Tổng thống.
Song với chẩn đoán tự kỷ, tôi tự hỏi liệu những mơ ước vĩ đại kia có còn khả thi hay không. Không nghi ngờ gì nữa, cuộc sống của thằng bé sẽ rất khác so với những gì tôi đã hình dung.
Bằng nhận thức tàn nhẫn ấy, tôi đã rơi vào trầm cảm tồi tệ, đến mức tôi không thể nói ra từ “tự kỷ” mà không vô thức rơi nước mắt. Tôi trượt vào dòng xoáy của sự nghi ngờ và tự thương hại mình, liên tục hỏi những câu hỏi như, tại sao chuyện này lại xảy ra với mình? Tôi đã làm gì sai? Có phải do làm việc quá nhiều giờ không? Có phải do thức ăn không tốt lúc mang thai? Tôi đã làm gì để đáng bị nhìn thấy thế giới hoàn hảo của mình sụp đổ?
Trong một thời gian, tôi đã không biết mình phải sống tiếp kiểu gì. Tôi lên giường sớm và chẳng buồn dậy, không màng gì đến thế giới xung quanh. Và rồi bỗng một ngày, suy nghĩ từ những ngày còn bé hiện lên, tôi nhớ lại lời mẹ dạy: “Đừng hỏi, hãy kiên nhẫn!”.
Tôi nhớ đã nghe đi nghe lại cụm từ này rất nhiều lần, mỗi khi nghĩ mình bị đối xử bất công. Tại sao những đứa trẻ khác được sống trong những ngôi nhà lớn và được ngồi trong những chiếc xe sang trọng, trong khi tôi sống ở nhà trợ cấp? “Đừng hỏi, hãy kiên nhẫn!” Tại sao những đứa trẻ khác có xe đạp mới coóng và búp bê Barbie còn tôi thì không? “Đừng hỏi, hãy kiên nhẫn!”
Do đó, tôi ngừng đặt những câu hỏi về chẩn đoán của Marty. Thay vào đó, kiên nhẫn. Tôi quyết tâm sẽ tạo ra một cuộc sống tốt nhất có thể cho con trai mình, dù thế nào chăng nữa. Tôi tự học tất cả những kiến thức về tự kỷ, tiến đến một cuộc tìm kiếm phương án chăm sóc tốt nhất cho Marty.
Và tôi nhận ra trong lúc trò chuyện với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe hay cha mẹ của những đứa trẻ tự kỷ khác, là còn nhiều thứ để hi vọng, rằng với liệu pháp can thiệp sớm, thiết lập giáo dục thích hợp và nhiều thật nhiều tình yêu thương cùng sự hỗ trợ, Marty, cũng như nhiều đứa trẻ thuộc phổ tự kỷ, vẫn có thể phát triển mạnh mẽ.
Lời khuyên bảo phải kiên nhẫn của mẹ đã dẫn tôi từ nỗi thống khổ đến sự vận động tích cực, không chỉ cho Marty, mà còn cho hàng triệu đứa trẻ khác mắc rối loạn phổ tự kỷ trong công việc phi lợi nhuận của tôi tại Special Needs Network và các tổ chức tuyên truyền vận động về tự kỷ khác.
Khi nhìn lại, tôi nhận ra bản thân đã ích kỷ đến nhường nào. Tôi không nhận ra rằng những điều xảy đến với mình là một món quà tuyệt vời nhất, một phước lành lớn nhất mà một người mẹ có thể mong cầu. Hiện nay, con trai Marty của tôi là một thiếu niên điển trai đang hướng đến một cuộc sống hoàn thiện và hiệu quả. Tôi vô cùng yêu và tự hào về con người mà con đã trở thành.
Khi suy ngẫm về Ngày của Mẹ, tôi nhớ đến lời khuyên của tác giả Gail Tsukiyama: “Các bà mẹ và những đứa con nằm trong cùng một phạm trù của riêng họ. Không liên kết nào trên thế giới có thể mạnh mẽ đến vậy. Không có tình yêu nào tức thời và vị tha đến vậy.”
Bất cứ người phụ nữ nào hạ sinh một đứa trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ - người nuôi con từ từng dòng sữa nóng, thay tã, tắm rửa, dạy con từ những sai lầm và yêu thương con vô điều kiện – đều biết chính xác ý nghĩa của những lời này.