Một hình ảnh rất cụ thể của Công nương Diana xuất hiện trong tâm trí khi chúng ta nhận ra kỷ niệm 20 năm ngày mất của bà. Chúng ta nhớ đến bà như là “công nương của người dân” — từ đám cưới vàng ngọc đến những giây phút cuối cùng trong đường hầm ở Paris.
Bà đã băng qua những cánh đồng trải đầy bom mìn, ôm một bệnh nhân bị AIDS, giới thiệu cho mọi người về sự kiên cường của ngành báo chí và là hiện thân của những khía cạnh huy hoàng nhất của thời trang thập niên 1980.
Nhưng điều thường bị lãng quên là Diana cũng là một nghịch lý: ẩn sau hình ảnh đĩnh đạc mà bà thể hiện với thế giới, là giai đoạn phải vật lộn với chứng rối loạn ăn uống, tự làm tổn thương bản thân và liên tục cảm thấy vô giá trị.
Đầu những năm 1990, khi sắp kết thúc cuộc hôn nhân của mình, Diana đã thực hiện một loạt các bài phỏng vấn và hứa hẹn sẽ chia sẻ “câu chuyện thật của mình” Năm 1992, Andrew Morton xuất bản cuốn Diana: Her True Story (dựa trên các bản ghi âm bí mật Diana nhờ người trung gian giao cho tác giả), trong đó tiết lộ rằng công nương đang sống với chứng rối loạn ăn uống. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1995 với BBC, bà đã mô tả như một “triệu chứng của những gì đang xảy ra trong cuộc hôn nhân của tôi.”
Tiết lộ thẳng thắn trong các cuộc phỏng vấn này có thể là một quá khứ không được thừa nhận. Sự trung thực đã giúp giảm bớt sự kỳ thị đối với vấn đề sức khỏe tâm thần và khuyến khích những người khác tìm kiếm sự giúp đỡ. Không quá khi nói rằng hàng nghìn người đã thay đổi cuộc sống của họ vì Diana đã nói về cuộc sống của chính mình.
Ngày nay, gần một phần sáu người trưởng thành ở Anh và một phần năm người trưởng thành ở Hoa Kỳ phải chung sống với bệnh tâm thần. Hàng triệu người ở Anh và Mỹ hiện đang bị rối loạn ăn uống, tình trạng thường đi kèm với trầm cảm hoặc rối loạn lo âu. Nhưng chỉ một tỷ lệ tương đối nhỏ thực sự tìm kiếm phương pháp điều trị. Một trong những rào cản lớn nhất không phải là không có khả năng tiếp cận với sự giúp đỡ, mà là sự sợ hãi, xấu hổ và bối rối. Khác với một số người nổi tiếng, bao gồm Demi Lovato và Catherine Zeta-Jones, đã lên tiếng về việc sống chung với hội chứng tâm thần trong thời gian gần đây thì những tiết lộ thẳng thắn như vậy không thực sự phổ biến vào thời điểm Diana lần đầu mở lòng về những trải nghiệm trong cuộc sống của bà.
Điều bất ngờ hơn nữa là sự rõ ràng, trung thực và sâu sắc của Diana khi mô tả về chứng cuồng ăn. “Nó giống như một căn bệnh giấu mặt,” bà đã nói với BBC trong cuộc phỏng vấn năm 1995. “Bạn tự gây ra điều đó bởi vì lòng tự tôn, và nghĩ rằng mình không xứng đáng hay có giá trị. Lấp đầy dạ dày bốn hoặc năm lần một ngày, một số người thậm chí còn ăn nhiều lần hơn, và điều đó mang lại cảm giác thoải mái. Nó giống như có một vòng tay vậy nhưng tất cả chỉ là tạm thời, tạm thời thôi.”
Bà tự nhủ mình sau những sự kiện chính thức và “cảm thấy khá trống rỗng”. Cảm thấy vô cùng áp lực khi phải duy trì cuộc hôn nhân mặc cho những vấn đề đã được ghi chép lại cụ thể giữa hai vợ chồng. “Tôi đã kêu cứu, nhưng lại đưa ra những tín hiệu sai lầm, và mọi người coi chứng cuồng ăn của tôi như một chiếc áo khoác treo trên móc: họ quyết định rằng đó chính là vấn đề — Diana không ổn định”.
Đối với những người không hiểu được tại sao một người lại cảm thấy phải ăn thật nhiều và ói ra thì những diễn giải gây sốc của Diana đã đưa ra một câu trả lời đơn giản. Việc ăn thật nhiều giúp giải phóng áp lực và các vấn đề dường như không thể vượt qua. Sự kỳ thị đối với vấn đề sức khỏe tâm thần thường trở nên trầm trọng hơn do thiếu kiến thức, cuộc phỏng vấn thẳng thắn của Diana đã giúp nhiều người đồng cảm và hiểu được việc phải sống với chứng cuồng ăn là như thế nào.
Tiết lộ của Diana thậm chí còn có giá trị hơn đối với những người mắc chứng rối loạn ăn uống. Trong nửa sau của thế kỷ 20, tỷ lệ mắc chứng rối loạn ăn uống ở các quốc gia công nghiệp hóa phương Tây đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ vẫn coi chứng rối loạn ăn uống là riêng tư và đáng xấu hổ cần phải che giấu.
Đáng chú ý, trong những năm công nương Diana công khai về chứng rối loạn ăn uống của mình, tỷ lệ phụ nữ tìm kiếm phương pháp điều trị chứng rối loạn ăn uống ở Vương quốc Anh đã tăng hơn gấp đôi. Báo chí gọi là hiện tượng này là “Hiệu ứng Diana.” Các bác sĩ sức khỏe tâm thần đã ghi nhận sự chuyển đổi này là nhờ nhận thức cộng đồng tốt hơn và các cuộc đối thoại về chứng rối loạn ăn uống, cũng như những người phụ nữ giống với công nương Diana. Nếu một công nương có thể mắc chứng rối loạn ăn uống thì họ cũng có thể. Nếu bà ấy có thể giải thích tại sao bà ấy tự làm tổn thương mình thì họ cũng có thể nhận ra khía cạnh đó của chính họ. Nếu bà ấy có thể khắc phục chứng rối loạn ăn uống của mình thì họ cũng có thể.
Sự tiết lộ, đặc biệt là của những người có vị thế quyền lực, có thể thay đổi cách người khác tiếp cận với sức khỏe tâm lý của họ. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc biết người khác mắc bệnh tâm thần có thể khuyến khích người bệnh tìm kiếm sự giúp đỡ. “Đáng chú ý là cái chết của Công nương vào năm 1997 trùng với thời điểm bắt đầu suy giảm tỷ lệ mắc chứng rối loạn ăn uống,” các nhà nghiên cứu đã viết trong một nghiên cứu năm 2005 được công bố trên Tạp chí Tâm thần học Anh về xu hướng rối loạn ăn uống. “Việc nhận ra rằng một người nổi tiếng bị mắc chứng rối loạn ăn uống có thể giúp xóa bỏ tạm thời sự xấu hổ đi kèm với căn bệnh và khuyến khích những người phụ nữ lần đầu tìm kiếm sự giúp đỡ.”
Thật không may, sau cái chết của công nương Diana vào năm 1997 tỷ lệ đó dần trở lại mức ban đầu. Đến năm 2000, “hiệu ứng Diana” đã biến mất. Hiện tại, ở Hoa Kỳ, mọi người đang trong giai đoạn khủng hoảng sức khỏe tâm thần mới. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nhi khoa năm ngoái đã phát hiện rằng từ năm 2005 đến 2014 đã gia tăng 37% số lượng cá nhân trong độ tuổi 12-20 có các cơn trầm cảm. Nhưng chưa có mức tăng tương ứng về tỷ lệ điều trị.
Hy vọng rằng, kỷ niệm 20 năm ngày mất của Diana sẽ tái hiện những cuộc trò chuyện về lý do tại sao điều quan trọng là phải trao đổi cởi mở về sức khỏe tâm thần và khuyến khích người khác tìm kiếm sự giúp đỡ. Các con trai của bà đã đảm nhận nhiệm vụ đó. Đầu năm nay, Hoàng tử Harry đã thẳng thắn nói về việc xin tư vấn để vượt qua nỗi đau mất mẹ. Trong khi đó, Hoàng tử William đã xuất hiện trong một bộ phim tài liệu về chứng chán ăn tâm thần và thảo luận về trải nghiệm với chứng rối loạn ăn uống của mẹ ngài.
“Chúng ta cần bình thường hóa các cuộc trò chuyện về sức khỏe tâm thần,” Hoàng tử William nói trong bộ phim tài liệu. “Chúng ta cần phải thực sự quan tâm đến vấn đề này, và không che giấu nó trong bóng tối.”
Công nương Diana không dự định trở thành người ủng hộ vấn đề sức khỏe tâm thần. Bà chỉ đơn giản chia sẻ sự thật của chính mình và câu chuyện đã gây được tiếng vang. Ngày nay, chúng ta thực sự cần những người dám nói sự thật như bà.