Một nghiên cứu đã chỉ ra bằng chứng chưa rõ ràng về việc thú nuôi trong nhà giúp tăng cường kỹ năng xã hội cho trẻ tự kỷ.

Đây là một trong những phát hiện đầu tiên nhằm nghiên cứu liên kết giữa thú cưng và kỹ năng xã hội ở trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ - một nhóm các rối loạn phát triển ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và xã hội của trẻ.

Thú cưng có thể đóng vai trò phát triển kỹ năng xã hội cho trẻ tự kỷ

Thú cưng có thể đóng vai trò phát triển kỹ năng xã hội cho trẻ tự kỷ

Gretchen Carlisle, một nhà nghiên cứu tại Đại học Thú y thuộc Đại học Missouri và Trung tâm rối loạn phát triển tự kỷ và thần kinh Thompson cho biết: “Việc nghiên cứu tác động của thú cưng dành cho trẻ tự kỷ rất mới và hạn chế. Nhưng có lẽ các con vật đã đóng vai trò như cầu nối giao tiếp, cho trẻ tự kỷ một chủ đề để nói chuyện với người khác. Chúng ta đều biết rằng việc này xảy ra ngay cả với người lớn và trẻ em đang phát triển bình thường”.

Bà cho biết nghiên cứu đã thể hiện sự khác biệt đáng kể trong kỹ năng xã hội ở trẻ tự kỷ sống cùng với thú cưng. Tuy nhiên, theo chuyên gia tự kỷ, tiến sĩ Glen Elliott, trưởng khoa tâm thần và giám đốc y tế Hội đồng sức khỏe trẻ em ở Palo Alto, California cho biết, các liên kết này khá yếu. “Chắc chắn không thể chỉ dựa vào nghiên cứu này mà cho rằng việc sở hữu một chú chó sẽ cải thiện kỹ năng xã hội của trẻ tự kỷ” ông nói.

Một điều quan trọng khác cần lưu ý là mặc dù nghiên cứu phát hiện ra sự khác biệt về kỹ năng xã hội ở trẻ tự kỷ có thú nuôi trong nhà, nhưng nó không được thiết kế để chứng minh liệu việc nuôi động vật có thực sự tạo ra những khác biệt trên hay không.

Một số lượng lớn bài nghiên cứu khác đã phát hiện người chủ nuôi chó có mối liên hệ chặt chẽ với con vật của mình. Một nghiên cứu cũ cũng chỉ ra thú cưng có thể hỗ trợ cảm xúc cho trẻ đang phát triển.

“Vật nuôi cũng đã được chứng minh trong việc giúp tạo điều kiện tương tác xã hội. Và các con thú được liên hệ với sự đồng cảm và tự tin xã hội tốt hơn ở trẻ đang phát triển bình thường. Nghiên cứu cũ về trẻ tự kỷ chỉ tập trung vào cún dịch vụ trị liệu, liệu pháp hỗ trợ điều trị tự kỷ dựa vào ngựa và cá heo”, Carlisle nói.

Có nhiều tranh luận trong việc thú nuôi hỗ trợ trẻ cải thiện kỹ năng xã hội

Có nhiều tranh luận trong việc thú nuôi hỗ trợ trẻ cải thiện kỹ năng xã hội

Carlisle muốn xem liệu thú cưng có tạo ra khác biệt với trẻ tự kỷ hay không. Để làm được điều này, bà thực hiện một khảo sát qua điện thoại với 70 cặp phụ huynh có trẻ được chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ. Các cặp cha mẹ trả lời các câu hỏi về sự gắn bó của con với thú cưng và kỹ năng xã hội của con, như giao tiếp, trách nhiệm, quyết đoán, đồng cảm, gắn kết và tự kiểm soát.

Carlisle cũng phỏng vấn những đứa trẻ từ 8 đến 18 về sự gắn bó của chúng với vật nuôi. Theo nghiên cứu, mỗi trẻ có chỉ số IQ ít nhất là 70. Ngoài ra, 57 gia đình có thú cưng bao gồm 47% nuôi chó và 36% nuôi mèo. Các con vật khác bao gồm cá, gia cầm, động vật gặm nhấm, thỏ, bò sát, một con chim và một con nhện.

Các kết quả nghiên cứu chỉ ra không có sự khác biệt đáng kể về mặt tổng quan hay kỹ năng xã hội cá nhân giữa trẻ nuôi chó và trẻ không. Tuy vậy, nghiên cứu cũng cho biết việc sở hữu chó trong một khoảng thời gian dài có một chút liên hệ với việc kỹ năng xã hội mạnh hơn và ít các vấn đề về hành vi hơn sau khi tính toán tuổi của trẻ.

Nghiên cứu không thể chỉ ra liệu việc nuôi chó ảnh hưởng đến kỹ năng xã hội của trẻ hay những đứa trẻ có kỹ năng xã hội tốt hơn thì nhiều khả năng sẽ sở hữu một chú chó.

So với 13 trẻ không có thú cưng, những trẻ có vật nuôi – dù là chó hay các con vật khác – tỏ ra quyết đoán hơn một chút, như sẵn sàng tiếp cận hoặc trả lời người khác. Tuy nghiên, nghiên cứu chỉ bao gồm những trẻ có cha mẹ nói rằng con họ sẽ trả lời câu hỏi qua điện thoại. Không có sự khác biệt nào khác trong kỹ năng xã hội hay các hành vi có vấn đề tồn tại giữa trẻ nuôi thú cưng và trẻ không nuôi.

Elliott nói: “Mặc dù tác giả đưa ra một trường hợp với những lợi ích có thể có trong việc nuôi thú cưng, cụ thể là nuôi chó, đối với trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ, tuy nhiên cha mẹ nên theo dõi cẩn trọng các kết quả này và hoàn cảnh của chúng”.

Theo Elliott, ông lưu ý rằng dữ liệu nghiên cứu đang không thể hiện kết quả có ý nghĩa thống kê. Nghiên cứu này cũng không tính đến việc trẻ nuôi thú cưng có thể có các ảnh hưởng tiêu cực.

“Mức độ ảnh hưởng không quá lớn và có thể chỉ đơn giản là kết quả của việc những trẻ tự kỷ có năng lực xã hội cao hơn thì yêu thích các chú chó, và đây vốn được coi là tương tác xã hội tương đối an toàn, yêu cầu thấp nhưng hiệu quả cao,” Elliott lưu ý. Ông cũng nói thêm là thú cưng ít phức tạp và yêu cầu hơn con người. Một số trẻ tự kỷ có khả năng rèn luyện kỹ năng xã hội tốt hơn với đúng loại vật nuôi, song bằng chứng chưa cho thấy hành vi này mở rộng sang tương tác với con người.

Một số trẻ tự kỷ có khả năng rèn luyện kỹ năng xã hội tốt hơn với đúng loại vật nuôi

Một số trẻ tự kỷ có khả năng rèn luyện kỹ năng xã hội tốt hơn với đúng loại vật nuôi

Cả Elliott và Carlisle đều cho rằng cha mẹ cần xem xét khả năng chăm sóc thú cưng của họ trước khi quyết định nuôi. “Việc suy nghĩ về thời gian dành cho vật nuôi, giác quan của trẻ, lối sống của gia đình khi chọn lựa con vật là rất quan trọng trong việc tăng khả năng hòa nhập của thú nuôi. Ví dụ, một đứa trẻ nhạy cảm với tiếng động lớn có thể yêu thích những con vật yên tĩnh hơn”.

Song Elliott nói rằng cha mẹ không nên lầm tưởng rằng việc đưa thú cưng vào gia đình sẽ là câu trả lời cho những trở ngại xã hội của trẻ.

“Ý tưởng về việc các con vật – chó, ngựa, cá heo,… có thể “gắn bó” đặc biệt với trẻ tự kỷ không hề mới. Đây dường như chắc chắn là một nguồn vui đối với một số trẻ tự kỷ và cả với những người không mắc tự kỷ - nhưng đây không phải là phương thức điều trị cho một rối loạn tiềm ẩn.”