Một nghiên cứu gần đây cho thấy rèn luyện chánh niệm có thể là chìa khóa quan trọng trong chữa trị chứng rối loạn tâm lý lưỡng cực, rối loạn cảm xúc, nhờ vào việc tăng khả năng kết nối giữa các khu vực trong não, làm thay đổi mật độ mô tại những khu vực trọng yếu.

Các bằng chứng cho thấy khi con người chỉ quan tâm đến thời điểm hiện tại – tham chiếu kinh nghiệm vô thức – họ sử dụng một mạch thần kinh riêng khác với khi họ nhớ lại về những kinh nghiệm trong quá khứ, nhà thần kinh học, Tiến sĩ Norman Farb, Trường Đại học Toronto phát biểu sau khi thực hiện nghiên cứu về não bộ của những thiền giả bằng phương pháp chụp cắt lớp fMRI (Tạp chí Khoa học thần kinh nhận thức và ảnh hưởng xã hội (Social Cognitive and Affective Neuroscience), 2007).

Chánh niệm là liệu pháp giúp hỗ trợ điều trị rồi loạn cảm xúc

Chánh niệm là liệu pháp giúp hỗ trợ điều trị rồi loạn cảm xúc

Liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm thúc đẩy bệnh nhân mắc chứng rối loạn cảm xúc chú ý hơn đến cảm giác và xúc động hơn là những suy nghĩ mang tính ước lượng. Đồng thời, phương pháp này còn giúp người bệnh rèn luyện và làm vững chắc các mạch thần kinh dùng để tham chiếu kinh nghiệm vô thức.

“Chánh niệm làm thay đổi bộ não bằng cách cho phép con người tiếp cận với các mạch thần kinh ghi nhận thời điểm hiện tại.” Giáo sư – Tiến sĩ Zindel Segal, Đại học Toronto cho biết. “Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong nghiên cứu về trạng thái buồn bã.”

Nếu không được rèn luyện chánh niệm, Tiến sĩ Segal bổ sung, người bệnh sẽ tiếp tục sử dụng đến các mạch thần kinh dùng để kiểm soát và gợi nhớ, và mạch dùng để ghi nhận thời điểm hiện tại sẽ trở nên yếu dần.

Các nhà khoa học hiện đang tìm hiểu làm thế nào mà khả năng chú tâm đến hiện tại có thể duy trì sau khi kết thúc các buổi rèn luyện chánh niệm. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Veronique Taylor và các đồng nghiệp tại Đại học Montreal, trong đó sử dụng phương pháp chụp cắt lớp fMRI để so sánh não bộ của các thiền giả lâu năm và những người mới bắt đầu tập luyện ngồi thiền, đã khám phá ra rằng trong trạng thái nghỉ ngơi, các suy nghĩ tham chiếu vô thức trong não bộ của các thiền giả lâu năm diễn ra ít hơn (Tạp chí Khoa học thần kinh nhận thức và ảnh hưởng xã hội (Social Cognitive and Affective Neuroscience), 2013).

Rèn luyện chánh niệm thậm chí cũng có thể thay đổi mật độ mô trong một số khu vực của não bộ. Nhà thần kinh học, Tiến sĩ Sara Lazar, Đại học Harvard, và các đồng nghiệp đã chụp cộng hưởng từ não bộ của 16 người chưa bao giờ ngồi thiền, và thực hiện lại sau khi những người này tham gia một khóa học ngồi thiền, giảm căng thẳng trong 8 tuần. Kết quả cho thấy mật độ chất xám trong vùng hạch hạnh nhân đã co lại nhờ vào việc giải tỏa căng thẳng; dù không có nhóm kiểm soát nào cho nghiên cứu này. Đồng thời, vùng hạch hạnh nhân còn có liên quan đến chứng rối loạn cảm xúc. Đây chính là cơ chế của phương pháp rèn luyện chánh niệm được ứng dụng nhiều trong các phương pháp làm giảm căng thẳng và trầm cảm, Tiến sĩ Lazar kết luận.

Rèn luyện chánh niệm trong thời gian dài làm giảm căng thẳng và trầm cảm

Rèn luyện chánh niệm trong thời gian dài làm giảm căng thẳng và trầm cảm

Một kết quả khác mà nhóm nghiên cứu trên có được đó chính là sự gia tăng mật độ mô trong não tại hai khu vực: vùng vỏ não sau - liên quan đến khả năng tập trung chú ý, và vùng hải mã trái - khu vực kiểm soát cảm xúc (Tạp chí Nghiên cứu Tâm thần học: Neuroimaging (Psychiatry Research: Neuroimaging), 2011). Ngoài ra, các nhà khoa học nhận thấy sự thay đổi những khu vực trên thân não có mối liên hệ đến hoạt động sản sinh serotonin – chất góp phần tạo ra cảm giác hưng phấn ở con người (Tạp chí Biên giới trong nghiên cứu thần kinh người (Frontiers of Human Neuroscience), 2014).

Sự thay đổi trong hệ thần kinh nhờ phương pháp rèn luyện chánh niệm tuân theo những quy luật cơ bản của tính khả biến thần kinh được sử dụng nhiều trong các dịch vụ tư vấn và điều trị tâm lý, Tiến sĩ Lazar phát biểu.

“Khi bạn thực hành một điều gì đó mới mẻ, bạn có thể nâng cao khả năng kết nối trong hệ thống thần kinh của mình,” Tiến sĩ giải thích. “Điều này minh chứng cho sự gia tăng các khớp thần kinh, hay sự thay đổi trong việc giải phóng chất truyền dẫn thần kinh nhằm cải thiện khả năng hoạt động của hệ thống.”

Tuy nhiên, Tiến sĩ Lazar cảnh báo việc rèn luyện chánh niệm không phải là một phương pháp chữa trị mang lại kết quả nhanh chóng. Sự thay đổi của hệ thống thần kinh chỉ là tạm thời, do đó, cần duy trì rèn luyện một cách thường xuyên và liên tục.