Ở trong một mối quan hệ tình cảm nguy hại cũng giống như sống trong địa ngục. Bạn không thể biết mình hay người còn lại mới bị điên loạn. Bạn không thể biết nên làm những gì, ai có thể giúp đỡ, làm thế nào để hiểu rõ được tình huống của bản thân.
Nếu bạn nghi ngờ mình đang mắc kẹt trong một mối quan hệ nguy hại, bài viết sau đây sẽ giúp bạn làm sáng tỏ sự nghi ngờ đó, và đưa ra cho bạn những lựa chọn cho những hành động tiếp theo. Hãy bắt đầu bằng định nghĩa cơ bản về vấn đề này.
- Mối quan hệ tình cảm nguy hại là gì?
- 27 dấu hiệu về một mối quan hệ tình cảm nguy hại
- Sự khác biệt giữa quan hệ tình cảm nguy hại và quan hệ tình cảm lạm dụng
- Nguyên nhân dẫn đến mối quan hệ tình cảm nguy hại?
- Liệu mối quan hệ tình cảm nguy hại có trở nên tốt hơn?
- Câu hỏi về mối quan hệ tình cảm nguy hại
- Tại sao một số người lại tiếp tục duy trì mối quan hệ tình cảm nguy hại?
- Làm thế nào để kết thúc (cứu vãn) mối quan hệ nguy hại?
- Nắm lấy thời cơ để bắt đầu lại tất cả, trở thành một con sói cô độc
1. Mối quan hệ tình cảm nguy hại là gì?
Quan hệ tình cảm nguy hại là tình trạng quan hệ khiến bạn bị tổn thương về mặt tinh thần, cảm xúc và tâm hồn, và được đánh giá dựa trên mức độ sợ hãi, phục tùng/áp đặt (hoặc không công bằng), và sự lừa dối.
2. 27 dấu hiệu về một mối quan hệ tình cảm nguy hại
Hãy chú ý những dấu hiệu đáng báo động sau:
Luôn cẩn thận quá mức để tránh gây phật lòng – bạn nhận ra bản thân luôn cẩn thận làm mọi việc quá mức để tránh gây phật lòng cho người còn lại.
Không thể nói chuyện một cách thẳng thắn – bạn không thể nói ra hết mọi suy nghĩ, cảm xúc, và mong muốn của bản thân mà không sợ những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra.
Luôn vì người ấy – bạn luôn cố gắng hỗ trợ, lắng nghe, làm cho họ vui – thế nhưng lại chẳng bao giờ được báo đáp lại.
Bỏ quên những giá trị – bạn tự làm giảm giá trị của bản thân, từ bỏ sở thích, phá hoại tình bạn, … chỉ để duy trì mối quan hệ ấy
Cảm thấy kiệt sức và suy sụp – bạn gần như lúc nào cũng cảm thấy kiệt sức, suy sụp, mệt mỏi khi ở cạnh người ấy.
Trở thành một ông bố/bà mẹ, hoặc trị liệu viên – bạn nhận ra rằng bản thân đang trở thành một ông bố/bà mẹ, một trị liệu viên cho người ấy, thay vì chỉ là một người bình thường.
Bị cười nhạo – anh ta/cô ta cười nhạo những sai sót, hay sự nhạy cảm của bạn một cách thụ động (thông qua cách đối xử hời hợt với bạn), hoặc một cách chủ động (gọi tên hoặc lăng mạ)
Lợi dụng – người ấy lợi dụng bạn về chuyện tiền bạc, tình cảm, tinh thần hoặc thậm chí là tình dục.
Luôn đồng ý với người ấy – bạn cảm thấy luôn phải đồng ý với mọi ý kiến của họ (nếu không sẽ có hậu quả tiêu cực xảy ra)
Bi kịch kéo dài – bạn hay cảm giác như có một mối nguy hiểm nào đó xảy ra xung quanh người ấy, bởi những bi kịch/hỗn loạn thường bám lấy họ.
Luôn đóng vai trò quan trọng – bạn cảm thấy mình cần phải đóng một vai trò nào đó, mà nếu như thay đổi, mối quan hệ của bạn sẽ bị tan vỡ hoàn toàn (còn được biết đến với cái tên enmeshment (tình trạng mắc kẹt)
Ghen tị với thành công của bạn – thay vì chúc mừng cho sự thành công của bạn, người ấy lại muốn kéo bạn xuống cùng với mình.
Gây ra những điều tồi tệ nhất cho bạn – thay vì giúp bạn để trở thành con người hoàn hảo nhất có thể, họ lại khiến những thói hư, tật xấu trở nên nhiều hơn, và thích thú nhìn bạn tự hủy hoại chính mình.
Ngày càng thụt lùi thay vì phát triển – cả về mặt cá nhân và tâm hồn của bạn đều bị thụt lùi thay vì phát triển, và sự trưởng thành của bản thân bị đình trệ lại mỗi khi ở bên người ấy.
Không được hỗ trợ – bạn không được họ hỗ trợ cả về mặt cảm xúc lẫn tinh thần trong những lúc bạn cần đến
Không đáng tin cậy – bạn không thể tin tưởng người ấy khi đề xuất hỗ trợ tài chính, giúp đỡ một tay, khi thực hiện lời hứa, thậm chí là đến hẹn đúng giờ.
Lừa dối, nghi ngờ, và hoang tưởng – mối quan hệ ẩn chứa sự thiếu trung thực và bạn phát hiện ra anh ta/cô ta rất hay nói dối.
Mải mê cho riêng mình – họ luôn lo nghĩ về những vấn đề, mục tiêu, ao ước của riêng mình, và bạn cũng vậy. Cả hai đều không có bất kỳ một điểm chung nào để kết nối.
Khinh miệt – có một sự tức giận âm ỉ và chỉ chực chờ bùng phát trong mối quan hệ của bạn, thường thể hiện dưới dạng những lời mỉa mai, giọng nói tiêu cực và trầm thấp, môi cong, mắt đảo liên tục.
Không tôn trọng ranh giới – bạn cố gắng để duy trì những ranh giới về mặt thể chất, cảm xúc, tinh thần và tâm hồn, thế nhưng người ấy lại rất thích xâm phạm những ranh giới đó.
Phục tùng/áp đặt – có vấn đề về sự kiểm soát trong mối quan hệ, khi anh ta/cô ta rất thích áp đặt, sai khiến, lừa dối bạn về mặt cảm xúc lẫn tâm lý.
Không ngừng gặp phải khó khăn – tất cả các mối quan hệ tình cảm đều trải qua những giai đoạn khó khăn, gập ghềnh, nhưng với bạn thì những giai đoạn ấy lại không bao giờ dứt.
Cảm thấy không xứng đáng – giá trị của bản thân bị tụt xuống đến mức thấp nhất, và bạn luôn cảm thấy mình chẳng còn có chút giá trị nào khi ở bên cạnh họ.
Luôn ghi nhớ những sai sót – thay vì bỏ lại quá khứ, người ấy lại sửa chữa một cách sai lầm, luôn ghi nhớ, nhắc lại những mâu thuẫn, tranh cãi xa xưa.
Thiếu tinh thần trách nhiệm – họ không tự chịu trách nhiệm cho những lỗi lầm, hay niềm vui của bản thân.
Biện minh cho hành vi sai trái – bạn nhận ra bản thân luôn cố gắng xin lỗi, hoặc biện minh cho những hành vi ích kỷ, trẻ con, xấu xa của người ấy.
Phân công công việc không đồng đều – bạn cảm thấy mình phải làm tất cả mọi thứ trong chuyện tình cảm, trong khi anh ta/cô ta lại trở nên thô tục, lạnh nhạt với bạn, không đáng tin cậy, hoặc trẻ con quá mức.
Có bao nhiêu dấu hiệu xảy ra với bạn trong mối quan hệ của mình? Càng có nhiều những dấu hiệu ấy, mối quan hệ của bạn lại càng trở nên nguy hại.
3. Sự khác biệt giữa quan hệ tình cảm nguy hại và quan hệ tình cảm lạm dụng
Với nhiều người, có thể đây chỉ là vấn đề về mặt ngữ nghĩa. Khái niệm “nguy hại” và “lạm dụng” thường được sử dụng thay thế cho nhau – vậy liệu có sự khác biệt giữa chúng hay không? Liệu bạn có ở trong một mối quan hệ tình cảm nguy hại, nhưng không phải là lợi dụng, hoặc ngược lại?
Đáp án là có thể, bởi có một sự khác biệt nhỏ giữa sự nguy hại và sự lợi dụng. Tuy nhiên, chúng có thể trùng lặp lẫn nhau. Hai mối quan hệ này có thể phân biệt như sau:
Mọi mối quan hệ lạm dụng đều là nguy hại, nhưng không phải mối quan hệ nguy hại nào cũng là lạm dụng.
Ví dụ, không có tinh thần trách nhiệm là biểu hiện của một mối quan hệ tình cảm nguy hại, nhưng không nhất thiết phải là lạm dụng. Tương tự với trường hợp những người có tính trẻ con hoặc không đáng tin cậy – đó cũng là mối quan hệ tình cảm nguy hại nhưng không hẳn là lạm dụng.
Lạm dụng là hành vi với mục đích cố ý, trong khi nguy hại là hậu quả từ một hành vi không tốt.
Hẳn bạn sẽ tự hỏi “liệu có một sự tiêu cực nào đó là do cố ý tạo ra trong mối quan hệ của mình hay không?” Hãy nghĩ về việc bạn hoặc người ấy có cố ý làm tổn thương cho người còn lại hay không. Nếu câu trả lời là có thì mối quan hệ của bạn là sự lạm dụng. Ngược lại, vấn đề phát sinh trong chuyện tình cảm của bạn là kết quả của việc giao tiếp kém, tự ti, non nớt, thì tức là bạn đang bị kẹt trong một mối quan hệ tình cảm nguy hại.
Tất nhiên, bạn cũng có thể ở trong tình trạng quan hệ tình cảm vừa bị lạm dụng, và vừa nguy hại. Bài viết cũng sẽ đề cập đến cả hai vấn đề này (nhưng không bao gồm bạo lực gia đình). Nếu bạn đang phải chống chọi với những hành vi bạo lực gia đình, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia, hoặc gọi theo đường dây nóng về bạo lực gia đình.
4. Nguyên nhân dẫn đến mối quan hệ tình cảm nguy hại?
Có bốn nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng quan hệ tình cảm nguy hại, đó là:
- Giao tiếp kém, và ranh giới cá nhân không rõ ràng
- Sự non nớt về mặt cảm xúc và tinh thần
- Những thương tổn từ thuở nhỏ
- Yêu bản thân quá mức, hoặc mắc phải hội chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội
Đôi khi hai người bình thường cũng tạo ra một mối quan hệ tình cảm nguy hại, đơn giản chỉ bởi họ không biết làm thế nào để trao đổi một cách cởi mở. Ngoài ra còn là do một chút sự non nớt về mặt cảm xúc, tinh thần, khi một trong hai, hoặc cả hai không biết cách xử lý những sở thích, ước muốn, giá trị, niềm tin đối lập với bản thân mình.
Bị tổn thương là nguyên nhân phổ biến dẫn đến rối loạn trong quan hệ tình cảm. Khi một trong hai, hoặc cả hai gặp phải những tổn thương từ thuở nhỏ nhưng chưa được xử lý, sẽ có rất nhiều những vấn đề phát sinh, như enmeshment (tình trạng mắc kẹt), lệ thuộc quá mức, sự xấu hổ gây nguy hại, hay phóng chiếu.
Nhưng tồi tệ nhất là tình trạng yêu bản thân quá mức, hoặc mắc phải hội chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Có tình cảm với một người yêu bản thân quá mức, hoặc mắc phải hội chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội là nguồn gốc cho việc phải chịu đựng đau khổ, và lạm dụng nghiêm trọng. Những người ở trong tình huống này cảm thấy như mình bị mắc bẫy, trở nên điên loạn. Họ rất khó để phân biệt được thực tại với ảo giác (được biết tới với tên gọi gaslighting – lạm dụng tâm lý), và bị kiểm soát hoàn toàn bởi những trò lừa tâm lý từ những kẻ muốn lạm dụng họ.
Hãy dành ra một chút thời gian để xem xét lại. Bạn cho rằng nguyên nhân sâu xa nào dẫn đến những bất thường trong chuyện tình cảm của mình?
5. Liệu mối quan hệ tình cảm nguy hại có trở nên tốt hơn?
Điều này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu bạn là một người bình thường nhưng không biết cách giao tiếp phù hợp thì vẫn có thể giải quyết thông qua một vài cách thức, ví dụ như liệu pháp quan hệ. Nếu bắt nguồn từ những tổn thương từ thuở nhỏ, thực hiện trị liệu nội tâm, tham vấn tình yêu sẽ góp phần cải thiện được chuyện tình cảm của bạn. Tuy nhiên, nếu là do yêu bản thân quá mức, hoặc mắc phải hội chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội, hãy chấm dứt mối quan hệ ấy sớm nhất có thể.
Mong muốn cứu vãn tình cảm là điều hết sức bình thường, đặc biệt là khi bạn đã bỏ ra rất nhiều năm trời cho mối quan hệ ấy. Thế nhưng, sau cùng vẫn cần đến sự hợp tác từ cả hai phía để cải thiện mối quan hệ. Bạn không nên sửa chữa, hay cố gắng “cứu lấy” người ấy vì điều đó sẽ khiến họ chẳng phải chịu trách nhiệm của bản thân. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc phục hồi, và trở nên trưởng thành hơn. (Tất nhiên, cách thức này không bao gồm trường hợp yêu bản thân quá mức, hoặc mắc phải hội chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội, khi mà mối quan hệ của bạn sẽ không bao giờ có thể chữa lành, khi chúng ngay từ đầu đã bị đổ vỡ).
Cuối cùng, cách tốt nhất là bạn hãy tự hỏi “liệu mối quan hệ này có đáng để cứu vãn?” và “mối quan hệ này sẽ khiến tôi cảm thấy được yêu thương, an toàn và hạnh phúc hay không?”
Hãy lắng nghe cơ thể và trái tim của bạn – bạn có cảm thấy một sự co bóp, hay một tia hy vọng ấm áp? Cơ thể bạn chính là nơi sẽ bộc lộ ra cảm xúc và suy nghĩ thật sự.
6. Câu hỏi về mối quan hệ tình cảm nguy hại
Nếu bạn vẫn còn thắc mắc rằng liệu mối quan hệ của bạn có thật sự nguy hại hay không, hãy tự trả lời những câu hỏi sau:
- Tôi có thích được ở bên cạnh người ấy hay không?
- Tôi có cảm thấy an toàn khi ở bên người ấy?
- Người ấy có coi trọng những ranh giới đạo đức/tình dục/cảm xúc của tôi không?
- Tôi có lắng nghe, thấu hiểu, và tôn trọng người ấy?
- Tôi có bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ của mình một cách thẳng thắn khi ở bên người ấy hay không?
- Người ấy có nói lời xin lỗi, hay cảm thấy hối hận khi gây ra lỗi lầm?
- Có sự công bằng giữa tôi và người ấy không?
- Tôi có thường xuyên cảm thấy thư giãn và bình lặng khi ở cạnh người ấy?
- Người ấy có vun đắt cả cảm xúc lẫn tinh thần cho tôi không?
- Tôi có thể lệ thuộc vào người ấy không?
- Tôi có cảm thấy thoải mái khi thay đổi và phát triển chuyện tình cảm lên tầm cao mới hay không?
- Cả hai có chung mong muốn bỏ qua những mâu thuẫn trước kia?
Càng nhiều những câu trả lời là “không”, mối quan hệ của bạn càng có nguy cơ trở nên nguy hại.
7. Tại sao một số người lại tiếp tục duy trì mối quan hệ tình cảm nguy hại?
Và đây là những lời chống chế phổ biến, giải thích cho việc một số người không muốn thay đổi, từ bỏ mối quan hệ tình cảm nguy hại:
- Tôi không muốn sống một mình.
- Tôi vẫn yêu người ấy.
- Đây là mối quan hệ nghiêm túc đầu tiên của tôi.
- Đó là những gì tốt nhất mà tôi có thể làm.
- Còn có con, nhà cửa, và công việc. Tôi cảm thấy mình không thể thoát ra được nữa.
- Chuyện tình cảm của chúng tôi không khởi đầu giống như thế. Tôi tin mọi thứ sẽ tốt lên.
- Tôi sợ rằng sẽ có quá nhiều hậu quả tiêu cực xảy đến với tôi.
Như đã đề cập (trong Mục “Liệu mối quan hệ tình cảm nguy hại có trở nên tốt hơn?”), không phải mọi mối quan hệ tình cảm nguy hại nào cũng sẽ đổ vỡ. Ví dụ, nếu chỉ đơn thuần là do giao tiếp kém, hoặc sự non nớt trong sinh hoạt, bạn vẫn có thể cải thiện tình hình thông qua liệu pháp quan hệ.
Nhưng trong trường hợp yêu bản thân quá mức hoặc mắc phải hội chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội, điều tốt nhất mà bạn phải làm là kết thúc mối quan hệ sớm nhất có thể.
Dưới đây là một số cách giúp bạn cải thiện, hoặc chấm dứt mối mối quan hệ tình cảm nguy hại.
8. Làm thế nào để kết thúc (cứu vãn) mối quan hệ nguy hại?
Không phải mọi mối quan hệ tình cảm nguy hại nào đều giống với nhau. Một số thì có thể cứu vãn được thông qua các cách giải quyết bế tắc trong hôn nhân hàn gắn tình cảm. Nhưng số còn lại (ví dụ như những ai mắc phải hội chứng yêu bản thân quá mức, hoặc rối loạn nhân cách chống đối xã hội nghiêm trọng) thì cần phải kết thúc nhanh nhất có thể.
Nếu bạn vẫn chưa chắc chắn người ấy có yêu bản thân quá mức/bị rối loạn nhân cách chống đối xã hội hay không, tôi khuyên bạn nên tìm hiểu một số dấu hiệu của những chứng bệnh này trên các trang điện tử về tâm lý đáng tin cậy (ví dụ như Psychology Today (Tâm lý học ngày nay)). Hoặc tốt hơn, bạn có thể đọc một số cuốn sách như Psychopath Free (Giải tỏa hội chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội)
1 Cách cứu vãn mối quan hệ độc hại
Đến gặp các tư vấn viên để được tư vấn về chuyện tình cảm
Dành thời gian nghiên cứu các kỹ năng giao tiếp phi bạo lực
Học cách lắng nghe chủ động
Tìm những sở thích, đam mê mà cả hai đều có
Thường xuyên tạo ra những khoảng không gian thân mật, tràn đầy tình cảm
Luyện tập tĩnh tâm
Thiết lập những ranh giới cá nhân rõ ràng
Tất nhiên, để cứu vãn mối quan hệ, cả hai bên đều phải tự nguyện thực hiện, và cùng cố gắng phấn đấu. Nếu bạn là người duy nhất thực hiện điều đó, có lẽ mối quan hệ tình cảm của bạn đã thật sự tan vỡ. Khi ấy, hãy nghĩ đến một kế hoạch trốn tránh để giải thoát tất cả.
2 Cách chấm dứt mối quan hệ độc hại
Cự tuyệt – Có phải một phần trong con người bạn vẫn khao khát “được hạnh phúc mãi về sau”? Bạn vẫn không chịu từ bỏ mối quan hệ ấy? Khi suy nghĩ về mức độ tỉnh táo của bản thân, hãy nhớ rằng có thể bạn đang bị ép buộc vào việc ngờ vực bản thân trong chuyện tình cảm. Đây chính là hiện tượng gaslighting – một hình thức lạm dụng. Hãy tin tưởng vào bản năng. Sau khi đọc bài viết này, nếu phát hiện có vấn đề gì đó trong cuộc sống, đây chính là lúc mà bạn cần giải thoát bản thân.
Đừng để bị điều khiển – Nếu người ấy, kẻ gây hại cho bạn, nhận ra rằng bạn muốn chấm dứt mối quan hệ, họ có thể sẽ mê hoặc để khiến bạn quay trở lại. Bạn cần hiểu rõ những thủ thuật điều khiển ấy, và định hướng, giữ vững cho mình những mục tiêu rõ ràng (như cần phải rời bỏ để một lần nữa được sống hạnh phúc).
Nhờ vả – Liệu bạn có một người bạn thân, hoặc thành viên trong gia đình – lý tưởng nhất là một trị liệu viên - mà bạn tin rằng sẽ giúp bạn giải thoát tất cả hay không? Nếu không (hoặc không thể giúp được bạn), hãy tìm đến một số nhóm hỗ trợ trực tuyến cho các trường hợp rối loạn nhân cách chống đối xã hội, hoặc lạm dụng gây nguy hại (ví dụ như trên Facebook). Bạn sẽ tìm được rất nhiều nguồn lực trợ giúp trên mạng, hoặc trò chuyện qua các đường dây nóng về sức khỏe tâm thần.
Lên kế hoạch trốn tránh – Sắp xếp mọi thứ theo thứ tự (bao gồm đồ đạc, tiền bạc, con cái), và xác định nơi bạn sẽ ở (như nhà bạn thân) sau khi rời đi. Nếu bạn lo lắng cho sự an toàn của mình, hãy thực hiện trong bí mật, tốt nhất là khi anh ta/cô ta đi vắng. Ngoài ra, bạn cũng có thể cài đặt cuộc gọi khẩn cấp cho cảnh sát trên điện thoại di động của mình.
Nghĩ về cuộc sống 5 năm sau này của bạn – Nếu bạn vẫn chẳng có động lực để chấm dứt mối quan hệ, hãy nghĩ đến tương lai. Liệu bạn có thể chịu được cảnh phải sống thêm 5 năm với người bạn đời của mình? Bạn có chịu được việc bị lạm dụng cả về cảm xúc lẫn tinh thần, và cuộc sống trở nên trì trệ?
Thiết lập các mục tiêu hướng tới – Một phương pháp khác để tạo động lực cho bản thân là tưởng tượng cuộc sống mà bạn ao ước – và sau đó so sánh với cuộc sống hiện tại. Đối chiếu để nhận ra những điểm trái ngược lớn sẽ thúc giục bạn nhanh chóng thực hiện quyết định giải thoát bản thân. Bạn xứng đáng có được một cuộc sống tốt đẹp. Và đừng quan tâm đến những gì người khác nói.
Quả quyết trong đầu những quyền lợi chính đáng – Sau khi kết thúc một mối quan hệ tình cảm nguy hại, chúng ta dễ bị suy sụp tinh thần, cạn kiệt năng lượng, thậm chí nghi ngại rằng bản thân không còn là một con người đúng nghĩa. Để thoát khỏi tình cảnh ấy, hãy quả quyết trong đầu những câu nói tràn đầy cảm hứng để bạn tìm thấy niềm hy vọng trong cuộc sống. Ví dụ như “Tôi xứng đáng được hưởng hạnh phúc,” “Tôi có quyền sống theo ý thích của bản thân,” “Tôi có quyền được quyết định,” “Tôi là một người mạnh mẽ,” “Tôi có thể làm bất cứ điều gì mà mình muốn.”
9. Nắm lấy thời cơ để bắt đầu lại tất cả, trở thành một con sói cô độc
Tóm lại, tôi mong bạn hãy thực hiện những quyết định đúng với những gì mà trái tim và tâm hồn mong đợi (tuy nhiên, hãy cẩn thận để tránh nhầm lẫn giữa tiếng nói của trực giác, và tiếng nói của sự sợ hãi)
Có rất nhiều người trên thế giới này, và cũng có rất nhiều thứ bên ngoài để bạn thực hiện và trải nghiệm. Cần nhớ rằng bạn sẽ rất dễ bị nhầm lẫn giữa sự thân mật, quen thuộc, với “sự an toàn” trong mối quan hệ tình cảm nguy hại.
Rất khó để có thể từ bỏ, bởi cuộc sống của bạn được bồi đắp trên chính mối quan hệ tình cảm ấy – và khi rời xa, bạn sẽ bắt đầu lại tất cả. Lúc đó, hãy tự hỏi liệu rằng xây dựng một ngôi nhà mới trên một vùng đất xa xôi, hay vẫn sống trong căn nhà cũ, và chết mòn mỗi ngày thì sẽ tốt hơn?