Các nhà nghiên cứu cho hay nữ giới có nhiều khả năng mắc trầm cảm và lo âu, trong khi số lượng nam giới được phát hiện sử dụng chất kích thích cao hơn. Theo phân tích mới từ một nhà tâm lý học lâm sàng tại Đại học Oxford, nữ có nguy cơ mắc các bệnh tâm thần cao hơn đến 40% so với nam.
Theo giáo sư Daniel Freeman, phát hiện này dựa trên phân tích nghiên cứu dịch tễ học từ Anh, Mỹ, Châu Âu, Úc và New Zealand đã đem lại những kết quả đáng kể cho sức khỏe cộng đồng. Ông cho rằng chính vì hàng triệu người ở Anh bị mắc bệnh lý tâm thần mà hậu quả của chênh lệch giới tính đã lan rộng. Các nhà vận động sức khỏe tâm thần cho rằng các bác sĩ cần nhận thức được sự chênh lệch này khi quyết định cách thức tận dụng các nguồn tài nguyên cho điều trị và hỗ trợ.
Theo nghiên cứu của Freeman, tỷ lệ nữ giới được phát hiện đang phải vật lộn với trầm cảm gần đây cao hơn nam giới với xấp xỉ 75%, và tỷ lệ nữ giới được phát hiện mắc rối loạn lo âu cao hơn khoảng 60%.
Nam giới thông thường được ghi nhận mắc các rối loạn lạm dụng thuốc cao gấp 2.5 lần so với nữ giới. Các hội chứng như ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý) và tâm thần phân liệt không có nhiều khác biệt đáng kể về mặt thống kê giữa hai giới tính ở người trưởng thành.
Freeman cho biết bởi vì các hội chứng tâm lý ảnh hưởng nặng nề nhất đến phụ nữ thường phổ biến hơn các hội chứng ảnh hưởng đến đàn ông, do đó xét trên tổng thể thì các bệnh lý tâm thần thường phổ biến ở phụ nữ hơn, theo hệ số từ 20% đến 40%.
Kết quả này dựa trên phân tích của 12 nghiên cứu dịch tễ học quy mô lớn được thực hiện trên toàn thế giới từ năm 1990, cho cuốn sách mới của Freeman The Stressed Sex được nhà xuất bản Đại học Oxford phát hành. Phân tích chỉ sử dụng các nghiên cứu quy mô lớn, xem xét dân số nói chung, nhằm kiểm soát việc đàn ông ít có khả năng tìm kiếm sự hỗ trợ điều trị các chứng rối loạn tâm lý hơn phụ nữ.
Tuy nhiên, mặc dù các tiêu chí trước đây được sử dụng để lựa chọn xem nghiên cứu nào được thông qua và loại trừ, thì các nghiên cứu này không phải là phân tích số liệu chính thức, không được coi là tiêu chuẩn vàng của bằng chứng.
Freeman cho rằng khác biệt giới tính trong các loại hội chứng được báo cáo khá thú vị. Ông nói: “Có một mô hình nào đó bên trong – phụ nữ có xu hướng chịu đựng nhiều hơn cái mà chúng ta gọi là các vấn đề “nội tại” như trầm cảm hay mất ngủ. Dường như họ tự mình giải quyết các vấn đề, còn đàn ông có các vấn đề bên ngoài, họ mang chúng ra môi trường bên ngoài, ví dụ như các vấn đề về nghiện rượu hay tức giận”.
Freeman cho biết thêm rằng khả năng có một sự hòa trộn phức tạp các yếu tố góp phần tạo nên những khác biệt giữa hai giới – liên quan không chỉ đến yếu tố tâm sinh lý mà còn cả yếu tố xã hội.
Ông cho biết thêm “bởi vì các vấn đề sức khỏe tâm thần cực kỳ phổ biến, nếu bạn thực sự nhìn thấy nó mất cân bằng, thì đó là một sự mất cân bằng liên quan đến hàng triệu người, do đó đây là một vấn đề quan trọng của sức khỏe cộng đồng. Những bước đi ban đầu mà chúng ta cần làm là thiết lập hoàn thiện việc này ở Anh, đồng thời cố gắng giải quyết câu hỏi tại sao. Các vấn đề sức khỏe tâm thần rất phức tạp, chúng phát sinh từ một loạt các yếu tố, song chúng ta nên làm nổi bật yếu tố môi trường, vì ta biết rằng sự tương phản thể hiện rõ ràng nhất tại nơi mà môi trường đóng vai trò quan trọng nhất. Ở nơi chúng tôi nghĩ rằng nó có tác động đặc biệt lên lòng tự trọng và tự tôn của phụ nữ: Nữ giới có xu hướng nhìn nhận bản thân tiêu cực hơn nam giới, và đó là một yếu tố dễ bị tổn thương khơi mào cho nhiều vấn đề sức khỏe tâm lý.”
Các học giả khác cho thấy sự hoài nghi với phát hiện của Freeman. Giáo sư Kathryn Abel, thuộc trung tâm sức khỏe tâm thần phụ nữ tại Đại học Manchester, nói rằng khi tìm kiếm các nghiên cứu nhằm chứng minh cho một luận điểm cụ thể, có nguy cơ là tác giả chỉ lựa chọn những bằng chứng có lợi cho luận điểm muốn chứng minh.
Abel cho rằng mặc dù khác biệt giữa tỷ lệ của các hội chứng được thiết lập khá tốt trong nghiên cứu, nhưng bà chưa thấy được bằng chứng của những khác biệt quan trọng trong tỷ lệ tổng quát của các rối loạn tâm thần trong cả cuộc đời bệnh nhân. Bà nói thêm rằng tuổi tác cũng là một yếu tố quan trọng, đặc biệt, là những thay đổi về thể chất và xã hội ở từng giai đoạn cuộc đời. Bà cũng lưu ý nhờ có dịch vụ chăm sóc sức khỏe và xã hội hiện đại, đặc biệt là ở các nước phát triển nơi sản sinh ra phần lớn dữ liệu về rối loạn tâm thần, mà tỷ lệ “căng thẳng” theo định nghĩa chính thức của nó (căng thẳng sinh tồn) đạt mức thấp nhất trong lịch sử ở cả nam giới và nữ giới.
Bà cũng lưu tâm đến câu hỏi liệu một số hội chứng sức khỏe tâm thần nghiêm trọng có phải là một phần kết quả từ một môi trường có mức độ căng thẳng tương đối thấp khi so sánh với quá khứ hay không.
Bà phát biểu: “Về mặt sinh tồn, chúng ta không gặp nhiều khó khăn như tổ tiên mình. Người ta ước tính rằng trong suốt cuộc đời họ gần 1/4 phụ nữ sẽ mắc một căn bệnh về trầm cảm. Xét trên toàn dân số, chúng ta cực kỳ khỏe mạnh, và mặc dù bất bình đẳng vẫn tiếp diễn, chúng ta chưa bao giờ được tận hưởng môi trường sống tốt như hiện tại: phụ nữ sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn bao giờ hết – đàn ông cũng vậy”.
Một vài quốc gia cho thấy tỷ lệ mắc các hội chứng liên quan đến căng thẳng đang ở mức thấp; tại những nước đó, phụ nữ và đàn ông vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Able cũng lưu ý có rất ít bằng chứng chất lượng cho phép chúng ta hiểu rõ hơn về việc liệu sự khác biệt giới tính có liên quan đến bất cứ yếu tố sinh lý cụ thể nào trong các hội chứng sức khỏe tâm thần hay không, vì chưa có nhiều nghiên cứu cụ thể được thực hiện.