Trước tình trạng phụ nữ lớn tuổi chưa quan tâm đúng mức về tình trạng xương của mình, nghiên cứu mới đây cho thấy lo lắng có thể làm tăng nguy cơ gãy xương.

Dựa trên một phân tích được thực hiện trên gần 200 phụ nữ sau mãn kinh tại Ý, kết luận này bổ sung thêm cho các nghiên cứu trước đây về mối liên hệ giữa sự lo lắng với nguy cơ mắc bệnh tim và các vấn đề về đường tiêu hóa cao hơn.

"Phát hiện của chúng tôi khá bất ngờ vì mối liên quan giữa mức độ lo lắng và tình trạng xương chưa từng được báo cáo trước đây", tiến sĩ Antonino Catalano cho biết, mặc dù nghiên cứu không chứng minh rằng sự lo lắng khiến nguy cơ gãy xương tăng lên.

Những nghiên cứu khoa học cho thấy việc lo lắng quá mức làm tăng nguy cơ gãy xương ở  phụ nữ

Những nghiên cứu khoa học cho thấy việc lo lắng quá mức làm tăng nguy cơ gãy xương ở phụ nữ

Catalano là chuyên gia về nội khoa, chuyển hóa xương và loãng xương thuộc khoa y học lâm sàng và thực nghiệm tại Bệnh viện Đại học Messina ở Ý. Để giải thích mối liên hệ, Catalano chỉ ra một số yếu tố. Ông nói: "Theo chúng tôi phụ nữ lo lắng có nhiều khả năng tham gia vào các hành vi có hại cho sức khỏe, chẳng hạn như hút thuốc hoặc chế độ ăn uống kém. Hơn nữa, tác động tiêu cực của hormone căng thẳng lên xương cũng có thể làm tăng nguy cơ gãy xương."

Catalano nói thêm rằng những phụ nữ phải đối phó với mức độ lo lắng cao hơn cũng được phát hiện có mức vitamin D thấp hơn. Theo ông, tình trạng vitamin D kém có liên quan đến nguy cơ gãy xương cao hơn.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng loãng xương là bệnh xương chuyển hóa phổ biến nhất trên thế giới. Ước tính 33% nữ giới và 20% nam giới sẽ bị gãy xương liên quan đến loãng xương tại một số thời điểm trong cuộc đời họ.

Nhóm nghiên cứu cũng cho biết 7% dân số thế giới bị rối loạn lo âu. Để xem xét mối liên hệ giữa hai vấn đề trên, các nhà nghiên cứu đã tập trung nghiên cứu trên các bệnh nhân tham gia một phòng khám loãng xương ở Ý vào năm 2017. Trung bình, những người tham gia nghiên cứu đã gần 68 tuổi. Tất cả đã trải qua kiểm tra sức khỏe chuyên sâu để đánh giá tiền sử gãy xương trước đó, chẩn đoán viêm khớp, sức khỏe tim phổi, thói quen hút thuốc, uống rượu, kiểm tra mật độ xương.

Các nhà nghiên cứu cũng đi sâu vào tìm hiểu các vấn đề về sức khỏe tâm thần, bao gồm trầm cảm, căng thẳng, mất ngủ, trí nhớ và mức độ lo lắng từ trung bình đến nặng. Các nhà phân tích xác định rằng những phụ nữ thường xuyên lo lắng phải đối mặt với nguy cơ gãy xương cao hơn đáng kể so với những phụ nữ có mức độ lo lắng thấp.

Mức lo lắng cao có thể làm tăng 4% nguy cơ gãy các xương lớn trong khoảng thời gian 10 năm và tăng 3% nguy cơ gãy xương hông trong cùng khung thời gian đó, Tiến sĩ JoAnn Pinkerton, giám đốc điều hành của Hiệp hội mãn kinh Bắc Mỹ cho biết.

Nghiên cứu này được công bố trực tuyến ngày 9 tháng 5 trên tạp chí của Hiệp hội mãn kinh Bắc Mỹ. Mức lo lắng cao hơn cũng liên quan đến điểm mật độ khoáng xương thấp ở cả vùng lưng dưới (được gọi là cột sống thắt lưng) và ở vùng cổ xương đùi (ngay dưới khớp hông). Các nhà nghiên cứu cho rằng phát hiện này sẽ khuyến khích các bác sĩ khám phá mức độ lo lắng ở phụ nữ lớn tuổi khi đánh giá nguy cơ gãy xương.

Pinkerton nhấn mạnh một số bước phụ nữ có thể thực hiện để giảm thiểu rủi ro gãy xương khi có tuổi. Pinkerton cho biết: "Phụ nữ đạt khối lượng xương cao nhất ở giai đoạn khoảng 35 tuổi. Vì vậy, điều quan trọng đối với phụ nữ mãn kinh và tiền mãn kinh là có đủ lượng canxi”. Các chuyên gia khuyến nghị nên cung cấp cho cơ thể 1.200 miligam canxi mỗi ngày, theo chế độ ăn uống hoặc bằng thực phẩm chức năng hỗ trợ sức khỏe.

Theo bà, việc hấp thụ đủ lượng magiê và vitamin D từ hoạt động phơi nắng hoặc thực phẩm bổ sung cũng rất quan trọng, bên cạnh việc rèn luyện sức khỏe và sức đề kháng thường xuyên bao gồm đi bộ, nâng tạ hoặc sử dụng máy elip.

Phụ nữ tập luyện thường xuyên không chỉ giúp giảm thiểu lo lắng mà còn đẩy lùi được nguy cơ gãy xương

Phụ nữ tập luyện thường xuyên không chỉ giúp giảm thiểu lo lắng mà còn đẩy lùi được nguy cơ gãy xương

Pinkerton cho biết phụ nữ cũng nên tránh hút thuốc, uống rượu, ít vận động, dùng thuốc thay thế tuyến giáp quá mức và/hoặc các loại thuốc như steroid, thuốc ức chế bơm proton.

Đối với những phụ nữ đặc biệt quan tâm đến sự lo lắng, bà đề nghị chuyển sang "chánh niệm, trị liệu nhận thức, các phương pháp tịnh tâm, yoga hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ thông qua dịch vụ tư vấn và điều trị tâm lý, nếu cần thì có thể dùng thuốc", bà nói.

Đối với liệu pháp hormone, Pinkerton nhấn mạnh rằng mặc dù đây không phải là phương pháp điều trị trầm cảm hay lo âu, "nhưng đôi khi nó có thể hữu ích ở phụ nữ, và đôi khi được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp, tùy thuộc vào việc phụ nữ có các triệu chứng mãn kinh hay đáp ứng thuận lợi với thử nghiệm liệu pháp hormone. "