Bài viết này hướng đến việc gieo hạt giống để chúng có thể đâm chồi thành sự thấu hiểu “bất cứ khi nào chúng sẵn sàng”
Hãy thử nghe xem những điều này có quen thuộc với bạn hay không: Con trai là không được khóc lóc. Con trai không được ủy mị, kể lể chuyện gia đình. Con trai là phải mạnh mẽ lên. Những điệp khúc này (tôi đã nghe tất cả những câu trên ít nhất một lần, vài lời trong đó tôi còn được nghe cách 1 tháng đây) chỉ là một trong số nhiều phản hồi mà những người đang phải chiến đấu với những thách thức về tâm lý trong cộng đồng Mỹ la tinh biết rất rõ. Tới gặp chuyên gia trị liệu tâm lý hay phải chịu đựng bệnh tâm lý có thể được coi là dấu hiệu của sự yếu đuối hoặc bạn đang bị “điên”. Điều này cùng với sự thiếu thốn các dịch vụ sức khỏe tâm thần và chất lượng bảo hiểm y tế, thì không có gì lạ khi người Mỹ La tinh, những người cũng có khả năng phải chịu đựng bệnh tâm lý tương tự người da trắng, bị mất đi một nửa cơ hội khi tìm kiếm cách thức điều trị.
Khi Adriana Alejandre, một chuyên gia tâm lý ở thung lũng San Fernando, Los Angeles, bắt đầu hành nghề vào năm 2017, cô đã cố gắng tìm kiếm các thông tin có thể truy cập cho các bệnh nhân phần lớn là người Mỹ La tinh của mình – những tài liệu có thể áp dụng trực tiếp vào cuộc sống của họ. “Tôi đã vô cùng nản lòng vì không thể tìm được bất cứ tài liệu nào liên quan cho khách hàng của mình, những tài liệu hiện đại và không có quá nhiều biệt ngữ lâm sàng,” cô nói.
Vì thế vào năm ngoái, cô bắt đầu thực hiện thu âm các bài nói (podcast) nhằm chia sẻ và giúp những bệnh nhân Mỹ La tinh của mình nhìn nhận các nhà trị liệu theo cách “đồng cảm hơn”. Ngay lập tức cô nhận được hàng tá các phản hồi mong muốn có thêm thông tin, và chủ yếu là, các nội dung bằng tiếng Tây Ban Nha. Alejandre bắt đầu thu âm nhiều nội dung bằng tiếng Tây Ban Nha cũng như tiếng Anh. Giờ đây, Latinx Therapy là một nền tảng hoàn thiện với danh bạ các chuyên gia trị liệu và các xét nghiệm sàng lọc miễn phí về trầm cảm, chứng rối loạn ăn uống và các bệnh tâm lý phổ biến khác.
Tại buổi trò chuyện, Alejandre nói, mọi người vẫn thường nói với cô những câu như “Tôi không bị điên”, hay “Mấy thứ này không dành cho chúng tôi, cho gia đình tôi. Vấn đề của chúng tôi thì chúng tôi sẽ tự giải quyết.” Cô giải thích rằng cộng đồng Mỹ La tinh có xu hướng tập thể hóa, nghĩa là họ coi trọng tập thể hơn cá nhân, đôi khi gây tổn hại tới cá nhân. Nói cách khác, nếu các thành viên trong gia đình chống lại các liệu pháp trị liệu hay nói về những khó khăn tâm lý, “thì việc phá vỡ nó là rất khó,” Alejandre nói. “Sự suy sụp là thứ mà họ phải chịu đựng trong im lặng.”
Nhà hoạt động vì sức khỏe tâm thần Dior Vargas, 31 tuổi, cũng từng là một trong số những người như vậy. “Tôi không hề nói bất cứ điều gì về bệnh tâm lý với gia đình,” cô chia sẻ về cuộc vật lộn với lo âu và trầm cảm sớm của mình. “Mọi chuyện lên đến đỉnh điểm khi tôi cố kết thúc cuộc đời ở tuổi 18. Đó là một trải nghiệm khai sáng đối với gia đình tôi.”
“Tất cả chúng tôi đều bị cuốn vào trải nghiệm đau buồn này,” cô nói thêm. Gia đình cô đã “đi từ không có kiến thức đến hiểu biết nhiều điều.”
Một trong những vấn đề là việc Vargas gặp khó khăn trong việc coi những trải nghiệm của bản thân là một điều bình thường. Cô lớn lên song song với những câu chuyện về nhiều thành viên trong gia đình trưởng thành trong hoàn cảnh nghèo khó ở Ecuador, bao gồm cả ông nội của cô, người đã di cư tới Hoa Kỳ sau này với trình độ giáo dục của học sinh lớp ba.
“Có quá nhiều tổn thương mà ông ấy đã trải qua mà không hề xử lý nó, không hề nói về nó,” cô nói. Lắng nghe những vất vả của ông nội khiến cô nghĩ rằng: “Mình làm gì tư cách nói về chuyện cảm thấy suy sụp. Ai mà chẳng có lúc như vậy.”
Song những tổn thương qua nhiều thế hệ là một lý do quan trọng cho những người Mỹ La tinh tìm đến trị liệu, Alejandre nói. Nếu không làm như thế nghĩa là đang “cho phép vòng lặp này lặp lại mãi – dù đó là tổn thương, trầm uất, lo âu hay bạo lực gia đình,” cô nói.
Cô gợi ý việc giải thích trị liệu với gia đình bằng cách so sánh nó với những phương pháp điều trị sức khỏe tâm lý phổ biến khác: “Khi chúng ta bị ho, ta sẽ uống siro ho để cảm thấy dễ chịu hơn. Khi tâm trí ta mệt mỏi, ta tìm tới trị liệu tâm lý.” Cô cũng nói rằng điều quan trọng cần làm rõ là trị liệu tâm lý không phải chỉ dành cho những giai đoạn khủng hoảng. “Trị liệu tâm lý là một không gian nơi bạn có thể học cách xây dựng những kỹ năng, từ giao tiếp đến thấu hiểu bản thân, kiến tạo nên những ranh giới.”
Đối với tôi, việc thiết lập ranh giới nghĩa là không nói với bất cứ ai trong gia đình rằng tôi đã tìm đến trị liệu tâm lý được hơn một năm. Nó giúp tôi cảm thấy đó là chuyện của riêng mình, để không phải trả lời bất cứ ai hay bị hỏi về những gì đã diễn ra ở đó. Cách tiếp cận của Vargas là chia sẻ “những thứ chung nhất để họ cảm thấy như mình là một phần của quá trình, nhưng không mở rộng ra để mức cho họ biết quá nhiều, vì thời gian giữa tôi và chuyên gia tâm lý là thời gian của riêng tôi.”
Alejandre chia sẻ: “Thật khó khăn khi gia đình coi bạn là vô ơn chỉ vì những hành vi lành mạnh như thiết lập ranh giới. Song hệ thống đó sẽ không thay đổi nếu không có một người khởi xướng thay đổi.”
Và những cuộc trò chuyện sớm về trị liệu tâm lý giống như việc gieo hạt vào cộng đồng của chúng ta. Những hạt giống này sẽ lớn lên thành sự thấu hiểu bất cứ khi nào chúng sẵn sàng.”