Chúng ta đột nhiên không thể suy nghĩ về vấn đề đang dang dở, thậm chí quên mất chúng ta đã làm gì. Bạn nghe điều này có quen thuộc không?
1. Thế nào là quá tải thông tin?
Đây là hiện tượng mà não bộ của chúng ta phải xử lý quá nhiều thông tin đến nỗi phải tạm dừng hoạt động, giống như cầu chì tự động bị đứt khi dòng điện bị quá tải.
1 Quá tải thông tin trong thời đại kỹ thuật số
Mức độ quá tải thông tin trong những cuộc trò chuyện ở thời đại kỹ thuật số ngày nay là như thế nào?
Theo Dự án Real Time Statistics Project (tạm dịch: Thống kê Thời gian thực), tính đến tháng 1 năm nay, có đến gần 2 tỷ trang mạng thông tin điện tử, 175 triệu dòng tweets được đăng tải mỗi ngày và 30 tỷ nội dung được chia sẻ hàng tháng trên Facebook.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn phải xử lý toàn bộ lượng thông tin điện tử này? Điều đó giống hệt như bạn phải xem 200 tỷ bộ phim ở định dạng độ nét cao (HD). Khoan, từ từ đã. Đây là số liệu của 7 năm về trước, nên phải bổ sung thêm một vài bộ phim vào nữa. Hẳn là bạn cảm thấy choáng ngợp rồi chứ?
2 Quá tải thông tin tại nơi làm việc
Nhiều người trong chúng ta thường muốn dành cả buổi chiều để lên mạng, vờ như thể đang tìm kiếm các cách thức để nâng cao sức khỏe, nhưng thật ra là đọc những bài viết về thế giới của sao, nghe đài radio, và trả lời những dòng tin nhắn.
Nhưng chúng ta sẽ không thể làm được điều đó khi môi trường làm việc hiện đại ngày nay bắt ép chúng ta làm hàng tá các công việc một cách không thực tế.
Một bản cáo được thực hiện bởi Microsoft tại Vương quốc Anh chỉ ra rằng có đến 55% người lao động tại Anh cảm thấy quá tải thông tin. Đây là một vấn đề cần phải được lưu tâm. Quá tải thông tin khiến họ cảm thấy căng thẳng và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
3 Yêu thích sự quá tải thông tin, thậm chí… bị nghiện!
Bạn thức dậy với quyết tâm tập trung cao độ trong ngày hôm nay. Bạn kiểm tra mạng xã hội chỉ một lần, sau đó, lướt qua vài đoạn video về chú mèo dễ thương. Khi đồng hồ điểm 5 giờ chiều, bạn nhận ra rằng, hôm nay lại là một ngày làm việc phân tâm.
Nguyên lý hoạt động cơ bản của não bộ là không chỉ phản hồi lại các mối đe dọa, mà còn phản hồi với cơ hội. Những điều được đánh giá là cơ hội trong xã hội ngày nay có thể là một tin nhắn trên facebook hoặc một bài tuyển dụng về vị trí trong mơ trong group kín. Vậy nên, khi chúng ta phản hồi lại những ‘cơ hội’ ấy trong xã hội hiện đại ngày nay, chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái hơn.
Khi bạn kiểm tra mạng xã hội hoặc kênh tin tương tự, não bộ sẽ phản hồi lại bằng cách tiết ra hooc môn dopamine giúp bạn cảm thấy dễ chịu. Chính vì thế, bạn có thể sẽ cho rằng việc kiểm tra liên tục các thông tin giúp bạn trở nên hưng phấn hơn.
Ngoại trừ một sự thật nho nhỏ rằng điều đó rất dễ gây nghiện. Mỗi khi phân tâm, dopamine được tiết ra sẽ khiến bạn dần lâm vào tình trạng bị nghiện loại hoóc môn này. Và đó là mối nguy hiểm thật sự từ video về mấy chú mèo…
2. Ảnh hưởng tiêu cực từ việc quá tải thông tin
Vậy chúng ta phải đánh đổi cho việc quá tải thông tin là gì?
1 Mất trí nhớ
Anthony Wagner, Giáo sư Tâm lý học, Đại học Stanford, đã thực hiện một bản báo cáo kết quả nghiên cứu xoay quanh việc nhận thức, ảnh hưởng từ truyền thông đa phương tiện trong vòng hơn một thập kỷ. Kết luận quan trọng nhất của bản báo cáo này là khả năng ghi nhớ của những người thường xuyên sử dụng nhiều thiết bị truyền thông cùng một lúc trở nên kém đi.
Trong một bài phỏng vấn trên Tờ ‘Báo cáo Stanford’ (The Stanford Report), Giáo sư Wagner nhấn mạnh rằng: “Đã có nhiều công trình nghiên cứu được công bố về mối liên hệ mật thiết giữa khả năng ghi nhớ với thực thi nhiều công việc cùng một lúc”.
2 Hiệu quả công việc giảm sút
Các nhà Tâm thần học đã vô cùng hứng thú với ảnh hưởng của việc thực hiện đa tác vụ trong cùng một lúc lên não bộ. Một số nghiên cứu đã được triển khai vào những năm 1990 và các kết luận đều giống nhau. Điều chúng ta phải trả giá, hay được gọi là ‘chi phí chuyển đổi’, chính là thời gian. Chúng ta thường mất nhiều thời gian để chuyển hướng sự tập trung, cố gắng để tập trung lại lần nữa. Chúng ta cũng mất thời gian cho việc sửa chữa sai sót - điều chúng ta dễ mắc phải hơn khi thực hiện đa tác vụ.
Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APA) đã chỉ ra rằng, “Mặc dù chi phí chuyển đổi này không thật sự đáng kể, đôi khi chỉ mất một vài phần trăm giây cho mỗi lần chuyển đổi, nhưng nếu bạn liên tục thay đổi, lặp lại các tác vụ, việc này có thể chiếm đến 40% giờ làm việc của bạn.”
3 Mắc sai lầm khi đưa ra các quyết định quan trọng
Daniel J. Levitin, nhà thần kinh học, tác giả quyển sách “Tư duy được tổ chức: Suy nghĩ vào thẳng vấn đề trong Thời đại Quá tải Thông tin” (The Organised Mind: Thinking Straight in the Age of Information Overload), giải thích trong quyển sách của mình rằng khi thực hiện đa tác vụ, chúng ta cần phải xử lý những quyết định lặt vặt nhiều lần trong một thời gian ngắn. Ví dụ như chúng ta phải quyết định rằng liệu nên trả lời hay bỏ qua những dòng tin nhắn, email? Chúng ta nên phản hồi lại như thế nào? Liệu có nên để tâm đến những đoạn video ngớ ngẩn hay không?,...
Những quyết định nhỏ nhặt đó khiến “Hệ thống thần kinh của bạn trở nên khó xử lý các quyết định hơn, đồng thời, những quyết định lặt vặt ấy lại tiêu tốn mức năng lượng ngang với những quyết định quan trọng.” Levitin giải thích. “Sau khi phải xử lý hàng tá các quyết định vô nghĩa, chúng ta dễ mắc phải sai lầm khi đưa ra những quyết định quan trọng.”
3. Quá tải thông tin có gây ra những vấn đề về tâm thần?
Ảnh hưởng rõ ràng nhất từ việc quá tải thông tin chính là tình trạng căng thẳng. Nếu bạn đang phải đối phó với nhiều căng thẳng trong cuộc sống, ví dụ như ly hôn, nợ nần, việc căng thẳng do quá tải thông tin có thể khiến bạn trở nên quá lo lắng, phiền muộn.
Còn nếu bạn đã ở trong tình trạng lo lắng một thời gian dài mà không tham gia tư vấn và điều trị tâm lý, việc quá tải thông tin sẽ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Tình trạng lo lắng bóp méo suy nghĩ của bạn, khiến bạn cho rằng nơi nào cũng đầy rẫy nguy hiểm, kích hoạt trạng thái ‘chiến đấu hoặc chạy trốn’ của não bộ, và làm bạn có cảm tưởng mình đang ngồi trên tàu lượn cao tốc, lúc lên cao, lúc lại xuống thấp. Quá tải thông tin cũng gây ra hiện tượng bài tiết cortisol, làm tình trạng lo lắng trở nên trầm trọng hơn.
Sự tự tin cũng sẽ bị ảnh hưởng. Người mắc chứng quá tải thông tin dễ có cảm giác mọi người xung quanh làm việc rất tập trung và đạt hiệu quả cao trong khi bản thân là người duy nhất không thể theo kịp. Điều đó chắc chắn khiến họ cảm thấy mình thật kém cỏi.
Trong lúc rảnh rỗi, nếu bạn phải tiếp nhận lượng thông tin quá tải từ các phương tiện truyền thông xã hội thì bạn rất dễ bị ảnh hưởng. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hiện tượng tự so sánh bản thân do các phương tiện truyền thông xã hội tạo ra và kể cả khi chúng ta nhận thức rõ, điều này vẫn ảnh hưởng đến sự tự tin của bản thân.
Việc xử lý thông tin quá tải có thể phá hủy hoàn toàn sự tự tin của bạn nếu bạn mắc phải hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở người lớn. Môi trường làm việc hiện đại ngày nay khiến bạn dễ cảm giác rằng những khả năng bẩm sinh, ví dụ như sự sáng tạo, khả năng động não, tư duy phi tuyến tính, dần bị mai một, bởi não bộ không được thiết kế để phục vụ nhu cầu chứa đựng dữ liệu.
Trầm cảm và quá tải thông tin có thể hình thành mối quan hệ cộng sinh. Nếu chúng ta coi việc kiểm tra tin tức liên tục là một cách để quên đi trầm cảm, điều này sẽ khiến chúng ta cảm thấy tồi tệ hơn, thay vì tốt lên.