Một báo cáo đăng trên Tạp chí Tư vấn và Tâm lý học lâm sàng (Tập 72, số 2) (Journal of Counseling and Clinical Psychology) phát hành vào mùa xuân cho biết tình cảm từ người mẹ có liên quan đến việc giảm tỷ lệ mắc hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở các cặp song sinh bị thiếu cân.
Nghiên cứu trên 2.232 cặp sinh đôi 5 tuổi với một nửa trong số đó bị thiếu cân khi sinh, các nhà khoa học nhận ra mối liên hệ rõ rệt giữa cân nặng khi sinh của trẻ và tình cảm từ người mẹ, khi yêu cầu người mẹ và giáo viên thực hiện đánh giá các triệu chứng ADHD xuất hiện trên trẻ, Giáo sư Terrie Moffitt, Nhà Tâm lý học thuộc Trường Đại học King, và Trường Đại học Wisconsin-Madison, người đứng đầu thực hiện cuộc nghiên cứu, cho hay.
Bằng cách quan sát các vấn đề về tăng động và sụt giảm trí tuệ ở những đứa trẻ mồ côi người Ru-ma-ni được nhận nuôi bởi các gia đình người Anh, Giáo sư Michael Rutter, Bác sĩ Tâm thần thuộc Viện Tâm thần Luân Đôn, cho rằng việc những người chăm sóc tại trại trẻ mồ côi thiếu tình cảm đối với trẻ là một trong các nguyên nhân trọng yếu dẫn đến hội chứng tăng động. Giáo sư Moffitt cùng các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu sâu hơn về quan điểm trên.
“Từ những nghiên cứu trước đây, chúng tôi cho rằng tình cảm từ các bậc phụ huynh có tác động tích cực đến việc nuôi dạy trẻ, và đồng thời cũng là một yếu tố giúp ngăn chặn hội chứng tăng động và sụt giảm trí tuệ ở những trẻ có nguy cơ cao, đặc biệt là những trẻ sinh thiếu cân,” Tiến sĩ cho biết thêm.
Nghiên cứu hiện tại đã thực hiện đánh giá mức độ tình cảm từ người mẹ từ băng ghi âm câu trả lời các câu hỏi mở về tình cảm của họ dành cho những đứa con. Sau đó, cả giáo viên lẫn phụ huynh được yêu cầu đánh giá các triệu chứng ADHD xuất hiện trên trẻ.
Mỗi trẻ còn được thực hiện một bài kiểm tra đánh giá chỉ số thông minh IQ. (Nghiên cứu không tìm ra được sự tác động đáng kể nào của tình cảm người mẹ đến chỉ số thông minh IQ)
Các nhà khoa học đánh giá mức độ đánh giá tình cảm của người mẹ dựa trên âm điệu giọng nói, tính tự nhiên, sự cảm thông và đồng cảm với trẻ. Người mẹ đạt được đến mức độ “Tình cảm to lớn” và “Tình cảm vừa phải” khi họ bày tỏ một cách rõ ràng tình cảm, sự quan tâm và yêu thích của mình dành cho trẻ, ví dụ như các lời nhận xét “con bé là niềm hạnh phúc, là niềm vui, là ánh sáng mặt trời trong cuộc đời của tôi. Tôi rất thích dẫn con bé đi dạo mỗi khi có thể.” Trong khi đó, mức độ “Có một chút tình cảm” được hiểu khi người mẹ thể hiện thái độ tương đối lạnh lùng và tách biệt, với chỉ một chút hoặc không có tình cảm nào trong giọng nói, nhưng vẫn thấu hiểu, quan tâm, cảm thông con mình ở mức vừa phải. “Rất ít tình cảm” là khi chỉ có một chút cảm thông, thấu hiểu, quan tâm đến con cái từ phía người mẹ.
Trong mẫu khảo sát, 20% các cặp sinh đôi có người mẹ đạt được mức độ “Rất ít tình cảm”, 37% ở mức “Tình cảm vừa phải”, và 43% ở mức “Tình cảm to lớn”. Kết quả trường hợp các cặp sinh đôi có cùng một mẹ, nhưng thái độ người mẹ dành cho mỗi trẻ lại khác nhau có ý nghĩa đặc biệt với các nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Moffitt nói.
Những trẻ sinh thiếu cân nhưng lại nhận được nhiều tình yêu thương từ phía người mẹ khó gặp phải các triệu chứng ADHD theo miêu tả của giáo viên và phụ huynh, đồng thời một kết quả khác cũng chỉ ra tình cảm của người mẹ ở mức độ cao giúp bảo vệ trẻ tránh xa khỏi các hành vi không đúng mực tốt hơn. Ngoài ra, mức độ tình cảm thấp có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về hành vi liên quan đến việc trẻ sinh thiếu cân.
“Vài nhà nghiên cứu sau đó có phản bác rằng cha mẹ có rất ít tác động đến con cái,” Tiến sĩ Moffitt tiếp tục cho biết ý kiến. “Một số khác lại nói bố mẹ có những ảnh hưởng đến trẻ, nếu như hành động đối với trẻ là rất nghiêm trọng, ví dụ như lạm dụng trẻ em.
Thế nhưng, nghiên cứu này lại cung cấp một vài bằng chứng ban đầu để giải thích cho những ý kiến trái chiều trên. Đó chính là khuynh hướng thể hiện tình cảm một cách tự nhiên mà giản dị của cha mẹ dành cho con cái có tác động nhất định đến hành vi của trẻ.”
Từ đó, các nghiên cứu đề xuất rằng nên bổ sung thêm các bài học thể hiện tình cảm với con cái trong các chương trình giảng dạy hướng dẫn làm cha làm mẹ.
“Các chương trình đào tạo làm cha mẹ đã được chứng minh là có hiệu quả to lớn trong việc nuôi dạy trẻ. Tuy nhiên, với việc bổ sung thêm các bài học về cách thể hiện, kiểm soát và giữ sự nhất quán, các bậc phụ huynh sẽ được khuyến khích thể hiện tình cảm của mình đối với con cái một cách nhiều hơn.” Tiến sĩ Moffitt kết luận.