Kích thích từ xuyên sọ đang trở thành một liệu pháp hữu hiệu trong điều trị chứng trầm cảm.
1. Thay đổi hệ thống thần kinh
Kích thích từ xuyên sọ (TMS) có thể được thực hiện bởi một bác sĩ hoặc y tá. Các thao tác điều trị bao gồm đặt một thiết bị đặc biệt xung quanh đầu bệnh nhân. Sau đó, thiết bị sẽ phát ra các sóng từ tính ngắn, cường độ cao, hướng vào trong não nhằm tạo ra dòng điện.
Các sóng này sẽ tập trung về phía phần vỏ não trán bên trái, khu vực có những hoạt động điện tích bất thường ở những bệnh nhân mắc chứng trầm cảm. Một lần trị liệu bằng phương pháp TMS gồm có 20 đến 30 đợt, với từ 3 đến 5 đợt mỗi tuần, kéo dài trong 4 đến 6 tuần. Chi phí thực hiện trị liệu trong khoảng 6.000 đến 12.000 Đô la Mỹ. Trong quá trình trị liệu, bệnh nhân luôn ở trong trạng thái tỉnh táo, được ngồi trên ghế để bác sĩ, hoặc y tá có thể đặt thiết bị lên trên đầu.
TMS đã trở thành một liệu pháp điều trị thay thế cho khoảng 30% đến 50% bệnh nhân mắc chứng trầm cảm nhưng không thể điều trị bằng thuốc. Một lựa chọn khác đối với các bệnh nhân này là liệu pháp điện di (ECT), trong đó, dòng điện sẽ được truyền vào trong não để tạo ra một cơn co giật ngắn.
ECT đã được áp dụng tại Mỹ trong hơn 70 năm qua. Liệu pháp này được thực hiện trong nhiều lần mỗi tuần, kéo dài từ 3 đến 4 tuần, và có hiệu quả cao trong điều trị chứng rối loạn trầm cảm nặng.
Tuy nhiên, liệu pháp ECT tồn tại một số nhược điểm đáng kể: làm cho bệnh nhân nhầm lẫn, hoặc mất trí nhớ. Ngoài ra, liệu pháp chỉ được thực hiện sau khi đã gây mê bệnh nhân, dẫn đến nhiều rủi ro, cũng như tốn thời gian cho việc chuẩn bị và hồi phục sức khỏe trong mỗi đợt điều trị.
Bà Gray là một trong số các bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp ECT, nhưng bác sỹ của bà đã chấm dứt điều trị theo liệu pháp này khi bà mắc phải chứng mất trí nhớ nghiêm trọng. “Tôi hoàn toàn không nhớ những gì đã xảy ra trong khoảng thời gian 2 tuần” Bà cho biết “Tôi sống một mình nên điều này khiến tôi rất sợ hãi.”
Ngược lại, liệu pháp TMS được thực hiện trong tình trạng bệnh nhân vẫn tỉnh táo. “Bạn chỉ việc ngồi lên trên ghế, đợi 30 phút, sau đó có thể tỉnh dậy và lái xe về nhà.” McDonald nói. Nhược điểm của liệu pháp này không đáng kể, người bệnh chỉ cảm thấy những cơn đau đầu và nhức cơ. So sánh với các phương pháp điều trị trầm cảm bằng thuốc, xác suất xảy ra các cơn co giật trong quá trình điều trị theo liệu pháp TMS là rất nhỏ. Còn so sánh với ECT, bà Gray cho biết, “TMS không khác gì là một chuyến đi dạo trong công viên cả.”
Tuy nhiên, giống với liệu pháp điều trị trầm cảm bằng thuốc và ECT, hiện vẫn chưa rõ cơ chế hoạt động của liệu pháp TMS trong não bộ. “Một giả thiết được đặt ra đó là khi sóng từ thực hiện kích thích trong vỏ não trán bên trái, chúng thâm nhập sâu vào khu vực bên trong, vùng kiểm soát cảm xúc. Khi chúng ta thực hiện nhiều lần như vậy, kích thích của sóng từ giúp chữa lành lại các mạch thần kinh gây ra triệu chứng trầm cảm,” Bác sĩ Ananda Pandurangi, Bác sĩ Thần kinh thuộc Trường Đại học Y Virginia Commonwealth cho biết.
“Ngoài ra, liệu pháp TMS còn giúp thiết lập lại hệ thống thần kinh, giống với ECT. Tuy nhiên, thay vì lan truyền khắp não bộ ngay từ lúc bắt đầu như cách thức của liệu pháp ECT, phương pháp từ tính có mục tiêu rõ ràng hơn.” Bác sĩ Megan Schabbing, Bác sĩ Thần kinh thuộc Bệnh viện OhioHealth Riverside Methodist, người điều trị cho bà Gray bằng liệu pháp TMS, nói. “Rõ ràng rằng đây là một liệu pháp rất dễ chịu đối với bệnh nhân, đồng thời mở ra một cách tiếp cận mới khi nghiên cứu về sự chuyển đổi trong hệ thống thần kinh.”
2. Kết quả thực tế
Bác sĩ Mark George, Bác sĩ Thần kinh/Nhà thần kinh học thuộc Trường Đại học Y Nam Carolina, biên tập viên Tạp chí Kích thích Não (Brain Stimulation), đã tìm hiểu về liệu pháp TMS trong điều trị trầm cảm từ những năm đầu của thập niên 90. Vào thời điểm đó, phần lớn các nhà thần kinh học cho rằng việc kích thích não bộ chỉ thành công khi gây ra một cơn co giật, giống như liệu pháp ECT.
Tuy nhiên, bác sĩ George tin rằng các dòng điện yếu hơn được tạo ra theo liệu pháp TMS vẫn có hiệu quả nếu được truyền vào não bộ nhiều lần. Những thay đổi nhỏ dần được tích lại, và nhờ vậy, những bài tập lặp đi lặp lại đó sẽ giúp các cơ yếu nhất cũng có thể trở nên cứng cáp. Và trong điều trị trầm cảm, tâm lý trị liệu chuyên sâu với các chuyên gia đầu ngành cũng là một phương pháp đạt hiệu quả cao theo thời gian. “Các mạch thần kinh trong não bộ có thể được tập thể dục bằng cách thường xuyên rèn luyện suy nghĩ.” Bác sỹ George phát biểu. “Chúng ta đều hiểu rõ rằng hệ thống thần kinh sẽ trở nên khỏe mạnh hơn nhờ những thay đổi nhỏ được lặp đi lặp lại nhiều lần.”
Bác sĩ George là người đồng sáng lập nghiên cứu thử nghiệm liệu pháp TMS một cách ngẫu nhiên tại nhiều địa điểm khác nhau, được tài trở bởi Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia. Nghiên cứu thực hiện trên các bệnh nhân điều trị chứng rối loạn trầm cảm nghiêm trọng từ năm 2004 đến năm 2009. Sau 3 tuần điều trị theo liệu pháp TMS, hoặc điều trị giả, các bệnh nhân tiếp tục được điều trị bổ sung theo liệu pháp TMS trong ba tuần. Các nhà khoa học nhận ra những người điều trị theo liệu pháp TMS trong 4 lần đều có dấu hiệu thuyên giảm so với những người được điều trị giả (Tạp chí Lưu trữ về Đại cương Tâm thần học (Archives of General Psychiatry), 2010). Nhưng Bác sĩ George cho hay kết quả đạt được là khá khiêm tốn, sau sáu tuần điều trị, tỷ lệ thuyên giảm của liệu pháp TMS đạt khoảng 30%, so với tỷ lệ khoảng 60% với liệu pháp ECT.
Tuy vậy, tính đến thời điểm hiện tại, liệu pháp TMS lại hiệu quả hơn so với các thử nghiệm trước đó. Bác sĩ Linda Carpenter, Bác sĩ Tâm thần thuộc Trường Đại học Y Brown, và các đồng nghiệp đã áp dụng liệu pháp TMS vào trong thực tế. Với 42 địa điểm điều trị theo liệu pháp TMS khắp nước Mỹ, có đến 58% bệnh nhân cải thiện tình trạng, trong đó có đến 37% bệnh nhân thuyên giảm hoàn toàn (Trầm cảm và lo lắng (Depression and Anxiety), 2012)
Các bác sĩ khá ngạc nhiên xen lẫn vui mừng bởi sự thành công của phương pháp trị liệu này. Trong khi cuộc thử nghiệm được tài trợ bởi NIH chỉ cho thấy có 2 trong số 10 bệnh nhân điều trị theo liệu pháp TMS là thuyên giảm bệnh, các bác sĩ George, Pandurangi, và Schabbing đều khẳng định rằng tỷ lệ thuyên giảm ở những bệnh nhân mà họ chữa trị lại cao hơn. Bác sỹ Schabbing còn nói “Điều này thật sự vượt quá những gì mà tôi đã mong đợi.”
Các điều kiện nghiêm ngặt tại những khu vực thử nghiệm có thể là nguyên nhân dẫn đến sự sai lệch kể trên. Các bệnh nhân tham gia thử nghiệm được yêu cầu ngừng sử dụng thuốc trong suốt quá trình thực hiện điều trị theo liệu pháp TMS. Họ có thể sử dụng tâm lý trị liệu, nhưng không được phép gia tăng tần suất các đợt điều trị.
Bác sĩ Pandurangi cho biết thực tế, các bệnh nhân điều trị theo liệu pháp TMS có nhiều sự lựa chọn hơn. Họ có thể tiếp tục sử dụng thuốc uống, và thực hiện trị liệu bất cứ khi nào mà họ muốn. Những sự lựa chọn trên góp phần cải thiện kết quả điều trị. “Chúng tôi kết hợp tất cả mọi thứ mà chúng tôi có để giúp bệnh nhân cảm thấy tốt hơn.”
3. Cùng liên kết, cùng tăng cường cho nhau
Tiếp tục thử nghiệm phương pháp kích thích bộ não bằng từ trường trong thực tế, các nhà khoa học hiện đang tìm hiểu xem liệu có các công dụng khác của phương pháp này hay không. Tâm lý trị liệu và thuốc chống trầm cảm có tác dụng rất tốt đối với nhiều bệnh nhân trầm cảm, đồng thời rất thuận tiện, và ít tốn kém. Vì thế, liệu pháp TMS khó có thể trở thành phương pháp trị liệu trầm cảm tốt nhất khi so với các phương pháp khác, tuy nhiên, lại có rất nhiều tiềm năng khi áp dụng cho các trường hợp ngoại lệ.
Ví dụ như chứng trầm cảm mạch máu kèm đột quỵ, khi các nhà khoa học phát hiện ra liệu pháp TMS có tác dụng rất tốt trong việc chữa trị (Tạp chí Lưu trữ về Đại cương Tâm thần học (Archives of General Psychiatry), 2008). Liệu pháp này hiện cũng đang được áp dụng trong việc chữa trị các chứng rối loạn, bao gồm tâm thần phân liệt, rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn căng thẳng sau chấn thương. “Cùng với sự thành công trong điều trị trầm cảm, gần như tất cả những ai đang trị liệu các chứng bệnh về não đang suy nghĩ về việc có nên sử dụng liệu pháp TMS hay không.” Bác sĩ George cho biết.
Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa thật sự rõ ràng. “Một trong những thử nghiệm tiếp theo là thực hiện điều trị các cơn đau,” Bác sĩ George nói thêm. Các dữ liệu chỉ ra rằng liệu pháp TMS rất hữu ích trong việc trị liệu các cơn đau cấp tính và mãn tính, như chứng đau cơ xơ – nhưng đến thời điểm hiện tại, FDA vẫn chưa chấp thuận việc áp dụng cách thức điều trị này.
Trong khi đó, các nhà khoa học còn nghiên cứu xem làm thế nào để thu hút thêm các bệnh nhân để tối đa hóa hiệu quả điều trị trầm cảm của liệu pháp TMS. “Có một học thuyết đó là: ‘Những tế bào thần kinh nào dùng sóng điện liên lạc với nhau sẽ kết hợp và tăng cường cho nhau,’” Bác sĩ George nói. Theo học thuyết này, các tế bào não sẽ dễ tiếp nhận các phương pháp trị liệu hơn khi chúng cùng tích cực thực hiện một công việc nào đó.
Điển hình, một nghiên cứu sơ bộ cho thấy tình trạng bệnh sẽ thuyên giảm nhiều hơn khi bệnh nhân đồng thời sử dụng liệu pháp TMS cùng với liệu pháp nhận thức-hành vi. Nếu tiếp tục phát triển theo phương hướng mới này, các nhà tâm lý học sẽ đóng vai trò rất quan trọng khi cung cấp các phương pháp điều trị tâm lý xã hội tại thời điểm mà bệnh nhân thực hiện điều trị theo liệu pháp TMS trên ghế.
Nghiên cứu liệu pháp TMS hiện mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu. Các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu các phương pháp kích thích não bộ khác, bao gồm sử dụng sóng siêu âm và kích thích quang di truyền. Các nghiên cứu có thể sẽ mở ra một phương pháp mới trong điều trị chứng rối loạn cảm xúc và các loại bệnh tâm thần, Bác sĩ Pandurangi cho hay. “Tôi rất mong chờ vào kết quả của những cuộc nghiên cứu này.”