Sự lo lắng hoặc những suy nghĩ ám ảnh có thể khiến cho một mối quan hệ gặp không ít áp lực.
Nếu mắc chứng lo âu hoặc rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), có thể bạn sẽ cảm thấy rất cô lập và rất khó khăn khi mở lời giải thích với đối tác của mình về những vấn đề đang phải chịu đựng- thậm chí tìm cách im lặng.
Tuy nhiên, đôi khi người bạn đời của chúng ta cũng chẳng sung sướng gì. Họ có thể cảm thấy căng thẳng thậm buồn bã khi thấy chúng ta phải chịu đựng hoặc cảm thấy thất vọng vì không thể giúp được gì.
1. Lo âu và OCD là gì?
Các triệu chứng của lo âu và OCD rất đa dạng, có thể từ nhẹ đến nặng. Nhưng nói chung:
Lo âu là cảm giác sợ hãi hoặc lo lắng về tương lai. Nếu bị rối loạn lo âu, bạn có thể lo lắng quá mức về các sự kiện hàng ngày hoặc các tình huống xã hội, khó thư giãn hoặc bị ám ảnh rằng mọi thứ đều sẽ đổ vỡ. Nếu mắc chứng rối loạn lo âu tổng quát, bạn có thể gặp phải cảm giác lo âu chung nhưng không nhất thiết phải liên tới bất kỳ sự kiện nào. Đó có thể là cảm giác mệt mỏi và căng thẳng, và theo thời gian nó có thể gây ra vấn đề với sức khỏe thể chất.
OCD là kiểu suy nghĩ hoặc hành vi ám ảnh hoặc lặp đi lặp lại. Các suy nghĩ hoặc hành vi có thể bao gồm rửa tay nhiều lần hoặc luôn thực hiện các việc làm nhất định trong ngày. Những suy nghĩ và hành vi đó khiến bạn không thể dễ dàng sống một cuộc sống bình thường vì lúc nào cũng cảm thấy thấy khó khăn - hoặc thậm chí là không thể thoải mái chừng nào mọi thứ chưa theo đúng ý và cảm thấy buộc phải tiếp tục phải thực hiện cho đến mọi thứ thật chỉn chu.
2. Lo âu ảnh hưởng như thế nào đến các mối quan hệ?
Nếu cảm thấy lo lắng, bạn sẽ cảm thấy không thể thư giãn, thoải mái, luôn soi mói hành vi của họ hoặc trở nên hoang tưởng về các khía cạnh nhất định trong mối quan hệ của mình. Chẳng hạn, sợ người vợ/chồng sẽ bỏ rơi mình hoặc bị ám ảnh bởi những bình phẩm nào đó.
Nếu bị rối loạn lo âu tổng quát, bạn có thể thấy khó khăn trong việc cảm nhận hoặc thể hiện sự hài lòng của mình trong các mối quan hệ, luôn cằn nhằn, phê phán hoặc luôn đòi hỏi được trấn an: không thể bình tĩnh nếu không có những biểu hiện yêu thương lặp đi lặp lại.
Nếu đang có mối quan hệ với một người có tâm trạng lo âu, có thể chúng ta sẽ cảm thấy phân vân, tự hỏi phải chăng mình đang khiến cho anh ấy/cô ấy cảm thấy căng thẳng, hoặc mình đã làm điều gì đó sai trái để họ hành động như vậy.
Nếu bị OCD, chúng ta thường cảm thấy như có gánh nặng, dù nhận thức được rằng bản thân đang lặp lại các hành vi không hợp lý, nhưng vẫn không thể dừng lại. Chúng ta có thể bị cô lập trong nỗi ám ảnh, không thể kiểm soát chúng, ngay cả khi nhận thức được tác động tiêu cực mà chúng có thể gây ra cho cuộc sống và mối quan hệ của mình. Cũng giống như lo âu, nếu bị OCD, bạn sẽ thấy mình liên tục nghĩ về những điều tiêu cực xảy ra trong cuộc sống hoặc mối quan hệ hàng ngày - chẳng hạn như bị lừa dối hoặc bị bỏ rơi
Gánh nặng phải lặp lại các hành vi này cũng có thể ảnh hưởng đến người thân của bệnh nhân như khiến họ trở nên bực tức hoặc kiệt sức .
3. Tìm kiếm sự giúp đỡ
Có không ít người trên thế giới vẫn đang phải vật lộn với căn bệnh này, chúng ta không đơn độc. Lo âu và OCD vẫn có thể chẩn đoán được: Hiện nay, 4,7 trên 100 người mắc một số dạng lo âu và 1,3 trên 100 người mắc OCD.
Nếu cảm thấy các chứng bệnh tâm thần này đang trở thành một vấn đề thực sự, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ, những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm lý cùng chuyên gia tâm thần là gợi ý bạn nên cân nhắc. Hơn thế, còn có nhiều tổ chức cung cấp hỗ trợ và thông tin về chứng lo âu và OCD có thể giúp đỡ bạn.
Còn nếu cảm thấy chưa sẵn sàng, bạn có thể chia sẻ và tìm giải pháp với gia đình hoặc người mà ta tin cậy. Ít nhất, việc này sẽ giúp chúng ta cảm thấy bớt cô đơn. Mặc dù sẽ có chút lúng túng hoặc lo lắng nhưng bạn sẽ rất ngạc nhiên khi nhận được sự sẵn lòng giúp đỡ và quan tâm của mọi người xung quanh.
4. Hiểu lẫn nhau
Nếu bạn cảm thấy lo lắng hoặc OCD ảnh hưởng đến mối quan hệ của mình, thì việc giải quyết vấn đề cùng nhau sẽ luôn dễ dàng hơn là tự mình giải quyết.
Đôi khi, chỉ cần cuộc trò chuyện cởi mở và trung thực để cả hai hiểu những gì đối phương đang phải trải qua có thể mang tới những thay đổi lớn.
Nếu bạn là người gặp phải tình trạng này, mục đích của việc trao đổi là để đối phương giúp tìm ra những ảnh hưởng của căn bệnh. Có thể là họ không biết rõ - hoặc không hiểu hoàn toàn - những gì bạn đã trải qua khi bị lo lắng hoặc ám ảnh. Mặc dù chúng ta thường muốn đối phương hiểu những gì chúng ta đang cảm nhận mà không cần phải nói, nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đúng. Cách tốt nhất để đối phương hiểu là hãy nói với họ.
Còn nếu bạn đang gắn bó với một người nào đó bị ảnh hưởng bởi căn bệnh tâm thần này, điều quan trọng nhất là cần thể hiện sự quan tâm và muốn giúp đỡ họ. Đừng đổ lỗi hoặc quy chụp những hành động của họ, thay vào đó hãy tập trung vào những gì cảm nhận được: ‘Anh nhận thấy em dường như đang vật lộn với điều gì đó và anh muốn biết mình có thể làm gì cho em.” Khi nói theo cách này, đối phương sẽ không cảm thấy như đang bị tấn công hay tỏ ra đề phòng.
Nếu đang hỗ trợ bạn đời đối mặt với chứng lo âu hoặc OCD, thì việc tự chăm sóc chính mình cũng quan trọng không kém. Hãy nói chuyện với người thân và gia đình nếu cảm thấy bị cô lập hoặc choáng ngợp. Đồng thời, hãy tìm hiểu thêm về OCD và chứng lo âu để hiểu rõ hơn những gì người bệnh đã phải trải qua.