Tất cả chúng ta đều có đôi lúc lo lắng về các tình huống xã hội, và nhiều người trưởng thành vẫn cảm thấy ngượng ngùng khi ở cạnh những người xa lạ. Tuy nhiên chứng rối loạn lo âu xã hội thực sự là một loại ám ảnh phức tạp – một hội chứng có ảnh hưởng nặng nề lên cuộc sống.

Nếu mắc phải chứng này, còn được biết đến dưới cái tên “ám ảnh xã hội”, bất cứ việc gì từ gọi điện thoại đến ăn uống nơi công cộng đều có thể trở thành điều gì đó quá sức chịu đựng.

Và không chỉ lo lắng về các tình huống xã hội, bạn phiền muộn và gần như ám ảnh nhiều ngày rồi phân tích kỹ lưỡng những điều mình đã nói hay làm nhiều tuần sau đó. Nỗi lo âu về các tình huống xã hội hoàn toàn mất cân bằng, còn những suy nghĩ thì bất hợp lý.

1. Chứng rối loạn lo âu xã hội phổ biến đến mức nào?

Rối loạn lo âu xã hội thực sự là một trong những hội chứng sức khỏe tâm thần phổ biến. Đại học tâm thần học Hoàng Gia ước tính 1/20 người mắc hội chứng này, các nguồn tin khác thì cho rằng tỷ lệ này có thể cao đến mức 1/10.

Mặc dù bất cứ ai cũng có thể mắc phải chứng rối loạn này nhưng số lượng các phụ nữ theo báo cáo mắc rối loạn này nhiều hơn. Trẻ nhỏ và vị thành niên cũng có thể mắc, dẫn đến những khó khăn tại trường lớp.

2. Các dấu hiệu nhận biết rối loạn lo âu xã hội

  • Suy nghĩ lo lắng không ngừng về cả trước, trong và sau các tình huống xã hội
  • Liên tục lo sợ những gì người khác nghĩ về mình và sợ họ chỉ trích mình
  • Cảm thấy khiếp sợ khi phải đối mặt với các tình huống xã hội như:
  • Gặp người lạ
  • Nói trước đám đông
  • Gọi điện thoại
  • Ăn hoặc uống nơi đông người
  • Ra ngoài mua sắm
  • Nói chuyện với những người phụ trách như sếp hay thầy cô giáo
  • Có khách đến chơi nhà
  • Chuyện phiếm
  • Có mặt trong những lớp học mà bạn bị yêu cầu tham gia
  • Suy nghĩ tiêu cực về bản thân, lòng tự trọng thấp
  • Có xu hướng tránh giao tiếp bằng mắt và dễ bị đỏ mặt
  • Không chắc chắn về cảm nhận của người khác đối với bản thân hay liệu những người khác có thích mình không
  • Thường cảm thấy hoang mang và có thể phải chịu đựng những cơn hoảng loạn
  • Trầm cảm có thể do cô đơn
  • Có thể sử dụng các chất kích thích để thoát khỏi nỗi lo âu như rượu, ma túy, ăn uống vô độ
  • Mệt mỏi, cảm thấy kiệt sức với mọi loại tương tác xã hội
  • Các triệu chứng khác, một số về mặt thể chất liên quan đến lo âu.

3. Hiểu lầm lớn nhất về chứng rối loạn lo âu xã hội?

Mắc chứng lo âu xã hội không có nghĩa là phải cảm thấy lo lắng trước tất cả những tình huống xã hội mà bạn đối mặt. Lo âu có thể chỉ xảy ra ở một vài tình huống nhất định, với một số người nhất định.

Ví dụ, một sinh viên không gặp khó khăn nào trong phần lớn các tình huống xã hội có thể trở nên tê liệt vì lo âu khi được yêu cầu thuyết trình trước lớp. Tương tự vậy, một người hoàn toàn thoải mái khi ăn cùng bạn bè hoặc gia đình có thể trở nên vô cùng lo lắng trước viễn cảnh ăn uống nơi công cộng.

4. Các tình trạng sức khỏe tinh thần liên quan đến chứng rối loạn lo âu xã hội

Nhiều người mắc chứng này đồng thời phải chịu đựng chứng rối loạn hoảng loạn hay những cơn hoảng loạn bất thình lình.

Việc bị trầm cảm do cô đơn hay tự ti gây ra bởi việc né tránh các tình huống xã hội cũng là điều phổ biến.

Nếu chuyển sang dùng chất kích thích để giảm lo âu, bạn có thể bị nghiện thuốc, nghiện rượu hay gặp vấn đề với chứng ăn uống vô độ.

Các vấn đề về sức khỏe tinh thần có thể xảy ra đồng thời với rối loạn lo âu xã hội bao gồm rối loạn lo âu nói chung và rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).

Rối loạn lo âu có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần và thể chất

Rối loạn lo âu có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần và thể chất

5. Một ngày của người mắc rối loạn lo âu xã hội diễn ra như thế nào?

Một ngày của bạn có thể bị quấy rầy bằng những căng thẳng lo lắng về những gì đồng nghiệp nghĩ về mình – họ có phán xét, có thích bạn không? Bạn tự nói với bản thân là mình đang làm quá lên, rằng người khác nghĩ gì không quan trọng, nhưng vô tác dụng. Nỗi lo không chấm dứt. Bạn thậm chí bắt đầu thấy sợ rằng mình sẽ làm hoặc nói điều gì đó sai lầm, nghe có vẻ ngu ngốc hay tự làm mình bẽ mặt trước người khác.

Với đủ những suy nghĩ rượt đuổi trong đầu, cùng với việc biết rằng phải thực hiện một buổi thuyết trình vào chiều hôm đó, bạn cảm thấy khiếp sợ và chạy trốn với cơn hoảng loạn, toát mồ hôi, tim đập liên hồi và run rẩy.

Buổi thuyết trình diễn ra ổn thỏa, đồng nghiệp mời đi ăn mừng, nhưng cảm giác như mọi thứ bạn nói đều sai và họ chỉ đang tỏ ra tử tế chứ không hề thích mình. Vì thế sau khi uống vài ly bạn bỏ chạy về nhà một mình song điều này lại khiến bản thân thấy rất cô đơn, và rồi vào cuối ngày thậm chí có thể cảm thấy hơi suy sụp, tự mình uống quá chén để né tránh cảm giác thất bại và đơn độc. Tự nhủ giá như mình có thể giống như những người khác.

Bạn tự hứa với mình rằng ngày mai sẽ không lo lắng về những gì người khác nghĩ nữa. Nhưng tới ngày hôm sau, trên xe bus tới nơi làm việc, một người đàn ông nhìn chằm chằm vào mình, và chắc chắn rằng anh ta đang đánh giá mình, và rồi những suy nghĩ và cảm xúc bắt đầu quay trở lại.

6. Nguyên nhân của rối loạn lo âu xã hội

Giống như nhiều hội chứng sức khỏe tâm thần khác, rối loạn lo âu xã hội được cho là do các yếu tố môi trường kết hợp với gen di truyền gây ra. Nói cách khác, bạn sẽ có nhiều khả năng mắc rối loạn lo âu xã hội nếu bố hay mẹ từng mắc bệnh này, hoặc nếu được nuôi dạy theo một cách thức nhất định khiến bạn trở thành một đứa trẻ lo lắng và thiếu tự tin.

Rối loạn lo âu xã hội đặc biệt liên kết với tuổi thơ khi bố mẹ hoặc người bảo hộ luôn chỉ trích, đe nẹt rằng bạn có thể làm sai điều gì đó, bảo vệ quá mức, lạnh lùng, và/hoặc quá cầu toàn về những điều như cách cư xử hay sự thể hiện của bản thân.

7. Rối loạn lo âu xã hội được chẩn đoán như thế nào?

Tương tự như phần lớn các hội chứng sức khỏe tâm thần, chẩn đoán rối loạn lo âu xã hội do bác sĩ thực hiện dựa trên cơ sở của một báo cáo thống kê về cả những vấn đề hiện tại lẫn trong quá khứ. Một phần chẩn đoán sẽ có liên quan đến một hoặc nhiều bảng câu hỏi khảo sát mức độ lo âu.

Một chẩn đoán không được đưa ra ngẫu nhiên – các chuyên gia sức khỏe tâm thần phải tham khảo các chỉ dẫn và sổ tay sức khỏe được chứng nhận của quốc gia nơi bạn cư trú. Tại vương quốc Anh, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần sử dụng hướng dẫn về rối loạn lo âu xã hội do Viện Chăm sóc Sức khỏe Quốc gia (NICE) quy định. Họ cũng có thể tham khảo Phân loại thống kê quốc tế về các loại bệnh và các vấn đề sức khỏe có liên quan (ICD-10).

Tại Hoa Kỳ, các bác sĩ dựa vào Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần (DSM-V) để đưa ra chẩn đoán.

8. Điều trị rối loạn lo âu xã hội như thế nào?

Tham vấn và điều trị rối loạn lo âu xã hội có thể rất khó khăn vì suy nghĩ về tình huống làm việc một-một với một chuyên viên trị liệu khiến cho nhiều người đang mắc hội chứng này cảm thấy lo lắng. Vì thế trở ngại đầu tiên trong việc điều trị đơn giản là bệnh nhân không muốn tìm kiếm sự giúp đỡ.

Tin tốt là nếu bạn đang tìm kiếm sự giúp đỡ thì rối loạn lo âu xã hội hoàn toàn có thể điều trị được.

Hội chứng rối loạn lo âu có khả năng phục hồi cao nếu bạn kết hợp thuốc với các phương pháp sống lành mạnh khác

Hội chứng rối loạn lo âu có khả năng phục hồi cao nếu bạn kết hợp thuốc với các phương pháp sống lành mạnh khác 

Với một số bệnh nhân đang chịu đựng căn bệnh này, các dược phẩm cực kỳ có ích, ví dụ như thuốc chẹn beta hoặc thuốc chống trầm cảm. Tuy nhiên, kết quả tốt nhất khi dùng thuốc là kết hợp với trị liệu tâm lý, vì mặc dù dược phẩm có thể giúp giảm mức độ lo âu nhưng không thể giải quyết triệt để nỗi sợ hãi và các vấn đề tâm lý tiềm ẩn dẫn đến rối loạn này.

Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) là một trong số các phương thức trị liệu phổ biến cho chứng bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu xã hội. CBT giải quyết những lối suy nghĩ tiềm ẩn kích hoạt lo âu. Một bác sĩ tâm lý CBT làm việc cùng với bạn để xác định các mô hình tư duy tiêu cực, những ý tưởng sai lầm và các hành vi phi thực tế dẫn đến lo âu.

Các chương trình tự lực cũng thường được cung cấp nhằm giúp đỡ các bệnh nhân và có thể thực sự trở thành lựa chọn hàng đầu trong điều trị rối loạn lo âu xã hội. Thông thường dưới hình thức của một chương trình máy tính hoặc sách bài tập, những chuyên gia trị liệu này giúp bạn định hướng nhằm xây dựng các kỹ năng và thay đổi mô thức tư duy nhằm giảm thiểu cảm giác lo âu xuống mức thấp nhất. Đó có thể là bước đi cần thiết để bạn cảm thấy thoải mái hơn khi tham gia tư vấn sâu bằng cách thức một- một với bác sĩ tâm lý.

9. Những người nổi tiếng và diễn viên mắc rối loạn lo âu xã hội

Nhiều ngôi sao nổi tiếng thế giới gặp khó khăn với chứng rối loạn lo âu xã hội tại một vài thời điểm trong cuộc đời họ. Marilyn Monroe phải vật lộn với cả chứng lo âu và trầm cảm, và Brian Wilson, một trong các thành viên của ban nhạc nước Mỹ nổi tiếng The Beach Boys, cũng được báo cáo mắc phải hội chứng này. Ngôi sao nổi tiếng khác cũng đang phải xử lý chứng lo âu xã hội là diễn viên Johnny Depp, thường chụp ảnh với kính râm, người đã thuê một đội ngũ chuyên gia trị liệu tâm lý giúp anh vượt qua những nỗi lo âu để anh có thể tiếp tục sự nghiệp diễn xuất.