Tất cả chúng ta đều muốn được yêu mến. Đó là động lực khiến ta tìm kiếm, duy trì các mối quan hệ và phát triển bản thân mình. Nhưng đối với người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội (SAD), khả năng kết nối với xã hội lại vô cùng khó khăn.
Lo âu xã hội hay còn gọi là nỗi sợ xã hội, khiến người mắc chứng này trở nên lo lắng thái quá với những điều bình thường, chẳng hạn, sợ bị quan sát trong khi ăn, sợ gặp người lạ hoặc sợ giao tiếp trước mặt mọi người. Sự sợ hãi này luôn bị đánh giá là tiêu cực. Họ luôn lo lắng rằng “Mọi người sẽ nghĩ tôi không tốt, không giỏi, không đẹp” và “nếu tôi mắc lỗi nhỏ nhất, mọi người sẽ từ chối”. Tất nhiên, việc tránh những gì khiến ta sợ hãi là bản năng, là sự tự vệ tự nhiên. Nhưng nếu đó không phải là một mối đe dọa thực sự, chẳng hạn như đi ăn tối với đồng nghiệp, thì việc tránh né sẽ chỉ khiến nỗi sợ ngày càng lớn. Và bạn không thể vượt qua nỗi sợ hãi nếu cứ mãi trốn tránh.
Những người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội luôn tìm cách tránh các tương tác xã hội. Nhưng chính các tương tác này lại là cơ hội tốt để xây dựng các kỹ năng xã hội giúp họ thoải mái hơn.
Rối loạn lo âu xã hội ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống, bao gồm mối quan hệ xã hội, trường học, công việc – nên có thể dẫn đến các dạng lo lắng khác và thậm chí là dẫn đến trầm cảm.
Điều này được thể hiện ở những khách hàng tìm đến dịch vụ trị liệu tâm lý vì lý do lo lắng hoặc trầm cảm. Ryan, 26 tuổi, tìm đền trị liệu vì các triệu chứng trầm cảm đang khiến việc hoàn thành chương trình đại học và tìm việc làm trở nên khó khăn. Anh bị cô lập, cô đơn và cảm thấy bản thân vô giá trị. Nhưng khi trao đổi, bác sĩ của anh nhận ra rằng, không phải trầm cảm mà chứng lo âu xã hội nghiêm trọng mới là vấn đề chính của anh. Chứng lo âu khiến Ryan phải ở nhà chơi điện tử hoặc xem TV. Ryan sẽ nghỉ buổi học nếu hôm đó anh ấy phải thuyết trình, làm việc nhóm hoặc tính điểm đánh giá môn. Ryan chán nản vì cảm thấy bản thân vô giá trị trong cuộc đời.
1. Lời tiên tri ứng nghiệm
Những người mắc rối loạn lo âu xã hội thường tự tưởng tượng ra những đánh giá tiêu cực và thấy mình thua kém người khác. Thật không may, khi ai đó tự thấy mình không được chào đón, những người xung quanh sẽ cảm nhận được thông điệp này và việc không được chào đón sẽ trở thành một lời tiên tri tự ứng nghiệm. Những người lo âu thường khó tạo ấn tượng tích cực khi gặp gỡ người lạ, điều này sẽ củng cố sự tiêu cực và lòng tự trọng thấp đến mức tuyệt vọng, gây ra trầm cảm.
Họ cũng có xu hướng xây dựng niềm tin của mình bằng cách tự tưởng tượng những câu chuyện về cách họ làm hỏng mọi thứ và mọi người chán ghét họ. Điều này khiến họ diễn giải các sự kiện và thông tin theo cách tiêu cực, từ đó các tín hiệu xã hội bị hiểu lầm là mối đe dọa, làm tăng thêm sự lo lắng.
2. Hiệu ứng quả cầu tuyết của việc né tránh xã hội
Trong trường hợp Ryan, khi còn nhỏ, anh bị đau bụng và cảm thấy mệt mỏi khi đến giờ đi học. Bố mẹ anh đưa anh đến thăm khám nhiều nơi. Ryan đã cắt bỏ ruột thừa và cắt bỏ túi mật nhưng cơn đau dạ dày vẫn tồn tại và cuối cùng, anh được học tại nhà. Cha mẹ Ryan nghĩ rằng, họ đang bảo vệ Ryan bằng cách để anh ấy ở nhà. Vô tình, họ đã khiến anh ấy học cách đối phó với khó khăn bằng tránh né.
Thay vì học hết cấp ba ở trường, Ryan lấy chứng chỉ phát triển giáo dục tổng quát (GED). Cuộc sống của anh ngày càng chật chội do ảnh hưởng của nỗi lo lắng, anh ấy không bao giờ học lái xe, có ít bạn bè và mọi mối quan hệ đều bị ảnh hưởng.
3. Điều trị rối loạn lo âu xã hội
May mắn rằng, các chuyên gia đã tìm ra một số liệu pháp hiệu quả để điều trị rối loạn lo âu xã hội. Một số liệu pháp hiệu quả nhất hiện nay bao gồm:
- Trị liệu nhận thức - hành vi (CBT) và liệu pháp tương đối mới CBT-R, kết hợp CBT với liệu pháp quan hệ tương tác, giúp giảm bớt hành vi tránh né và đối phó với những niềm tin tiêu cực.
- Liệu pháp luyện tập thư giãn và tiếp xúc (GEAR) được sử dụng để phát triển hệ thống các kịch bản xã hội gây lo lắng và sau đó học kỹ thuật thư giãn trong từng tình huống.
- Các chương trình dựa trên chánh niệm như liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm (MBCT) và liệu pháp cân bằng cảm xúc dựa trên chánh niệm mới (MBEB) giúp điều chỉnh cảm xúc. Những kỹ thuật này giúp học cách chịu đựng những cảm giác khó khăn, không thoải mái thông qua việc chấp nhận, phát triển khả năng đối phó.
Ngoài ra, một số trường hợp sẽ được bác sĩ sẽ kê thuốc chống trầm cảm.
Ryan đã hoàn toàn choáng ngợp khi tham gia trị liệu. Nhưng khi kết thúc chương trình trị liệu, anh đã bắt đầu tham gia đại học cộng đồng và làm việc bán thời gian trong một quán cà phê địa phương. Ryan được hướng dẫn kết hợp liệu pháp tiếp xúc, liệu pháp cân bằng nhận thức và cảm xúc dựa trên chánh niệm và hướng dẫn nhóm để tìm hiểu và thay đổi các hành vi tránh né.
Lưu ý: Nếu con bạn có dấu hiệu rối loạn lo âu xã hội, điều trị sớm là rất quan trọng. Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ một nhà trị liệu.