Đã bao giờ các bậc phụ huynh nghe nhắc đến hội chứng rối loạn TIC ở trẻ em. Đây là tình trạng đang có xu hướng ngày càng gia tăng hiện nay. Chính vì vậy, chúng ta cần phải nắm được rối loạn TIC là gì cũng như mức độ nguy hiểm của nó và chủ động phòng ngừa, chữa trị sớm.
1. Hội chứng TIC ở trẻ em là gì?
Theo nghiên cứu mới nhất, phải có khoảng từ 5 -10% trẻ nhỏ hiện nay đã và đang mắc phải hội chứng rối loạn TIC. Đây là hội chứng dùng để chỉ những cử động bất thường của các cơ mà trẻ nhỏ không thể kiểm soát được. Chúng lặp đi lặp lại thường xuyên mỗi ngày ngoài mục đích của não bộ. Hiện nay, TIC được phân thành 2 loại, là TIC vận động xảy ra đối với các cơ vận động và TIC âm thanh xảy ra đối với các cơ liên quan đến hô hấp.
2. Dấu hiệu nhận biết chứng rối loạn TIC ở trẻ em
1. Rối loạn TIC vận động
Rối loạn TIC vận động thường được biểu hiện ở các cơ mặt, tay và chân. Phụ huynh có thể dễ dàng nhận thấy những biểu hiện dưới đây:
1.1. Biểu hiện ở mắt
Khi trẻ mắc phải TIC vận động, biểu hiện đầu tiên mà phụ huynh dễ bắt gặp nhất chính là việc cơ mắt của trẻ liên tục có những hoạt động chớp mắt, nháy mắt, co giật, nheo và đảo mắt liên tục trong một khoảng thời gian, hoặc theo từng cơn. Tuy nhiên những biểu hiện này bố mẹ thường nhầm lẫn với việc mắt trẻ gặp vấn đề và đưa con đi khám mắt chuyên khoa.
1.2. Biểu hiện ở đầu và mặt
Tiếp theo đó, chúng ta có thể quan sát thấy cơ đầu mặt, thái dương có hiện tượng giật, mép miệng thường xuyên nhếch. Kèm theo một số dấu hiệu như xoay đầu xoay cổ, chun mũi, giật mũi, lè lưỡi, nghiến răng bất thường.
1.3. Biểu hiện ở vai, tay
Đối với trẻ mắc TIC vận động, sẽ không tránh khỏi việc cử động các cơ liên quan đến vai, tay. Khi đó, các cơ không kiểm soát sẽ dẫn đến dấu hiệu giật ngón tay, bàn tay và cẳng tay, nhún vai, vẫy tay liên tục. Thường xuyên cảm thấy muốn vuốt tóc, xoắn tóc hoặc chạm tay vào người rồi rụt lại nhanh chóng…
1.4. Biểu hiện ở chân
Khi mắc hội chứng TIC, cơ chân của trẻ có xu hướng nhún lên nhảy xuống và vận động liên tục như bị tăng động. Tuy nhiên, đó là do các cơ bị mất kiểm soát dẫn đến đá chân nhún nhảy và giậm chân tại chỗ.
2. Rối loạn TIC âm thanh
2.1. Thường ho, khạc hoặc tằng hắng
Rối loạn TIC âm thành liên quan đến đường hô hấp của trẻ, chính vì vậy mà những biểu hiện thường thấy nhất chính là tình trạng ho khạc và tằng hắng liên tục. Điều này có thể là do trẻ cảm thấy khó chịu hay bị tắc nghẽn, cản trở đường thở.
2.2. Ngáp hoặc khịt mũi
Có thể nhiều người cho rằng biểu hiện ngáp hoặc khịt mũi là rất bình thường đối với trẻ. Tuy nhiên bỗng dưng trẻ lại làm điều đó thường xuyên dù không buồn ngủ hoặc không bị bệnh cảm thì chúng ta cần phải lưu ý xem lại
2.3. Tặc lưỡi
Tặc lưỡi thường là một phải xạ có điều kiện xảy ra ở người lớn trước một hiện tượng sự việc để bày tỏ cảm xúc. Tuy nhiên, nếu bắt gặp trẻ em tặc lưỡi thường xuyên mà không có nguyên do thì là điều bất thường đấy nhé.
2.4. Thở rít lên, gầm gừ
Thở rít lên, gầm gừ, hậm hực và khó chịu cũng chính là một trong những dấu hiệu rõ rệt của hội chứng TIC âm thanh. Phụ huynh cần quan sát kỹ càng và không nên bỏ qua những biểu hiện bất thường này.
2.5. Nói tục, chửi bậy
Sự tác động của TIC âm thanh lên trẻ cũng khiến cho chúng bỗng dưng mất kiểm soát khi phát ngôn. Cụ thể, trẻ sẽ nghe và tiếp thu những từ ngữ nói tục chửi bậy bên ngoài môi trường và vô tình “mất kiểm soát” nói ra những lời đó mà không suy nghĩ.
2.6. Lặp đi lặp lại những câu nói vô nghĩa
Có thể, hội chứng này đã tác động phần nào đến hệ thần kinh khiến cho trẻ thường xuyên lặp đi lặp lại những câu nói vô nghĩa, không có chủ ngữ vị ngữ hay mục đích nhất định. Điều này được thực hiện như là một phản xạ vô thức không chủ đích.
3. Nguyên nhân gây rối loạn TIC ở trẻ em
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể kết luận một cách chính xác những nguyên nhân đã dẫn đến chứng rối loạn TIC ở trẻ em. Tuy nhiên, một số yếu tố được cho là nguy cơ làm bệnh phát sinh là:
1. Tâm trạng căng thẳng
Tâm trạng căng thẳng, những áp lực cuộc sống hoặc gia đình có thể khiến tâm lý trẻ bị tác động. Từ đó hình thành những hành vi của hội chứng TIC. Chính vì vậy, phụ huynh không nên bỏ bê con cái vì quá bận rộn với công việc hằng ngày.
2. Do tác động của chứng tăng cơ động
Chứng tăng cơ động xuất phát từ việc hạch cơ sở giúp điều chỉnh các hoạt động của nhóm cơ bị rối loạn. Khi đó quá trình dẫn truyền thông tin sẽ bị phá vỡ dẫn đến rối loạn vận động. Trẻ em đột nhiên sẽ cảm thấy trong người và ở các nhóm cơ bị thôi thúc, muốn thực hiện hành động lặp đi lặp lại để giải tỏa bản thân
3. Chứng trầm cảm, tự kỷ cũng là nguyên nhân gây bệnh
Việc trẻ mắc phải tình trạng tăng động giảm chú ý, trầm cảm hay tự kỷ khiến cho khả năng nói hạn chế và chậm phát triển trí tuệ cũng sẽ là nguyên nhân khiến TIC xuất hiện.
4. Chậm nói, chậm phát triển trí tuệ
Trẻ chậm nói, chậm phát triển trí tuệ cũng là một yếu tố cơ sở làm phát sinh tình trạng rối loạn TIC. Vì lúc này, hệ thần kinh của trẻ có thể đã bị tổn thương từ trong bụng mẹ hoặc do môi trường sống.
5. Áp lực học hành, thi cử
Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng TIC ở trẻ “bùng phát” nặng hơn và gây ra những biểu hiện tiêu cực.
6. Ngủ ít, khó ngủ
Ngủ ít, khó ngủ là triệu chứng phản ánh việc trẻ đang chịu những tổn thương tinh thần hoặc bệnh lý nào đó cần được giải quyết. Vì nếu tình trạng này kéo dài lâu sẽ có nguy cơ dẫn đến hội chứng TIC.
7. Do tác động của gen di truyền
Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, hội chứng rối loạn TIC ở trẻ em có liên quan đến yếu tố di truyền. Nếu các thành viên trong gia đình có tiền sử mắc bệnh này, thì nguy cơ trẻ bị TIC sẽ cao hơn so với những trường hợp bình thường. Ngoài ra, đối với trường hợp song sinh cùng trứng, thường cả hai trẻ đều sẽ bị chung một tình trạng TIC như nhau.
8. Đột biến gen
Mặc dù vẫn chưa có thể xác định được chính xác là gen nào đã góp phần gây nên sự bất thường khiến cho trẻ mắc phải hội chứng TIC, tuy nhiên đột biến gen có thể khiến cho não bộ bị ảnh hưởng khi trẻ sinh ra.
9. Sự thay đổi nồng độ của một số chất sinh học trong não
Đối với một số trẻ bị TIC, não bộ sẽ có sự thay đổi nồng độ của chất sinh học, mà cụ thể đó là Dopamin - một trong những chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ, tác động lên não làm xáo trộn và kích thích hành vi TIC.
4. Hội chứng rối loạn TIC ở trẻ em có nguy hiểm không? Cách điều trị như thế nào?
1. Hậu quả của chứng rối loạn TIC
Nhiều phụ huynh tỏ ra lơ là và chủ quan đối với những triệu chứng TIC ở trẻ em vì cho rằng không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nó có thể gây ra một số hậu quả khôn lường ảnh hưởng tâm lý và tương lai của trẻ.
1.1. Trẻ bị tự ti
Trẻ bị rối loạn TIC lâu ngày nếu không được điều trị sẽ dẫn đến tình trạng bị tự ti, ngại giao tiếp với bạn bè. Vì thông thường chúng sẽ có những hoạt động hay biểu hiện bất thường, mất kiểm soát khiến bạn bè xa lánh và không thể hòa nhập.
1.2. Ảnh hưởng đến kết quả học tập
Rối loạn TIC không nguy hiểm đến tính mạng hoặc không thể trở nên quá trầm trọng ảnh hưởng sức khỏe. Tuy vậy, bệnh có thể tồn tại dai dẳng, tiến triển đến mãn tính và ảnh hưởng kết quả học tập cũng như khả năng tiếp thu sau này.
1.3. Ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển của bé
Trẻ bị TIC mà không điều trị có thể khiến cho tâm lý trở nên bất thường, bị tổn thương hoặc thậm chí là mắc các bệnh tâm thần nặng như tự kỷ, trầm cảm, tăng động giảm chú ý. Không chỉ có vậy, sự phát triển của trẻ cũng sẽ gặp phải khó khăn khi trẻ thường xuyên bỏ bữa, biếng ăn, mệt mỏi, ít vận động, khó ngủ, không nghe lời người lớn, dẫn đến chậm phát triển và ảnh hưởng tư duy não bộ.
2. Các phương pháp chữa trị rối loạn TIC
2.1. Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT)
Đây là một trong những liệu pháp tích cực được khuyến nghị sử dụng để điều trị chứng rối loạn TIC ở trẻ em. Theo đó, khi xuất hiện những triệu chứng của TIC, trẻ sẽ được chỉ dẫn để nhận thức hành vi của mình và thay thế bằng những hành động lành mạnh khác. Ví dụ như những hành động khò khè, ho khạc sẽ được thay bằng việc hít thở sâu hoặc nhắm mắt thư giãn.
2.2. Liệu pháp đảo ngược hành vi
Với phương pháp này, phụ huynh hoặc các chuyên gia tâm lý học sẽ yêu cầu trẻ đứng trước gương để tự mô phỏng lại những hành vi, hoạt động tương tự như khi bị chứng rối loạn TIC của mình.
Theo thời gian, trẻ sẽ bắt đầu làm quen và có thể ý thức được những gì mình đang làm. Từ đó giúp kiểm soát hoạt động và hành vi thay vì sự rối loạn không ý thức như trước.
2.3. Dùng thuốc điều trị rối loạn TIC
Hiện nay, để khắc phục chứng rối loạn TIC ở trẻ em, có một số loại thuốc đang được sử dụng là: thuốc giãn cơ, thuốc chống rối loạn ám ảnh cưỡng chế và trầm cảm, thuốc hỗ trợ chống động kinh, tiêm botox cơ.
Tuy nhiên, chúng ta cần biết rằng, việc sử dụng thuốc chỉ được xem là một phương pháp hữu hiệu cuối cùng trong trường hợp mãn tính. Bởi vì, đối với trẻ em thuốc có những thành phần gây tác dụng phụ nguy hiểm đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ em.
Chính vì vậy, để có thể sử dụng phương pháp này phụ huynh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
2.4. Kích thích não sâu
Kích thích não sâu thường được áp dụng khi trẻ không có phản ứng hoặc tình trạng TIC không cải thiện đối với những phương pháp khác. Theo đó, một thiết bị chuyên dụng chạy bằng pin sẽ được cấy ghép trực tiếp vào phần vỏ não.
Khi trẻ có hoạt động bất thường, các xung điện phát ra thông qua thiết bị sẽ ngăn chặn các dẫn truyền bất thường gây nên TIC.
2.5. Thăm khám định kỳ
Trẻ em từ 5 - 11 tuổi sẽ bước vào một giai đoạn hoàn thiện trí não, thể chất và tinh thần. Chính vì vậy mà phụ huynh nên quan tâm, chăm sóc, và đưa con đi thăm khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện những bất thường trong tâm lý, cơ thể.
Bên cạnh đó, nếu phát hiện những triệu chứng trẻ bị rối loạn TIC, các bậc cha mẹ nên đăng ký khám tư vấn chuyên khoa ở những địa chỉ tâm thần hoặc điều trị tâm lý uy tín hiện nay. Từ đó khắc phục kịp thời và giúp con trẻ phát triển một cách bình thường nhất.
Rối loạn TIC ở trẻ em không quá nguy hiểm và hoàn toàn có thể được điều trị khỏi nếu như phụ huynh chịu khó quan tâm để ý trẻ ngay từ những giai đoạn phát triển đầu đời.