Hôn nhân là việc trọng đại của đời người mà hầu như bất kỳ ai cũng sẽ phải trải qua. Chính vì mức độ “quan trọng” của nó mà nhiều người trong giai đoạn này sẽ gặp phải tình trạng stress tiền hôn nhân. Vậy, những dấu hiệu của trạng thái tâm lý này là gì, có nguy hiểm không?
1. Stress tiền hôn nhân là gì?
Stress tiền hôn nhân là một trạng thái tâm lý mà rất nhiều người trải qua khi đứng trước sự kiện trọng đại của mình. Trong lúc này, những lo tính về việc tổ chức đám cưới, về nghi lễ, khách mời, chi phí, địa điểm hay tâm lý sẽ thay đổi và bắt đầu một cuộc sống mới với người bạn đời khiến cho nhiều người không khỏi bồn chồn lo lắng.
Diễn biến tâm lý này thực sự là điều bình thường mà bất kỳ cặp đôi nào cũng trải qua. Tuy nhiên, nó sẽ trở thành bất thường nếu những suy nghĩ căng thẳng trở nên “tiêu cực” ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như buổi lễ kết hôn.
2. Dấu hiệu cho thấy bạn đang khủng hoảng tâm lý tiền hôn nhân
1. Đau dạ dày
Thông thường, triệu chứng đau dạ dày cũng đã thường xuất hiện khi bạn gặp phải một vấn đề căng thẳng hoặc thức quá khuya. Thì đối với stress tiền hôn nhân cũng vậy, việc thường xuyên bị đau dạ dày cho thấy bạn đang bị “cuốn xoáy” vào những căng thẳng lo lắng về dự định kết hôn sắp tới của mình.
2. Đau đầu
Đau đầu stress không giống như cảm giác đau mà bạn vẫn thường trải qua trong cuộc sống. Vì cơn đau sẽ bắt đầu đi từ tiền đình đến thái dương và dừng lại ở giữa đầu, âm ỉ kéo dài, có thể khắc phục được bằng thuốc nhưng sau đó nếu bạn lại suy nghĩ quá nhiều thì cơn đau vẫn sẽ xuất hiện, thậm chí trầm trọng hơn trước.
3. Khó ngủ
Thường xuyên mất ngủ hay khó ngủ cũng chính là một trong những dấu hiệu cơ bản của việc bạn đang bị stress. Những lo lắng, bồn chồn, cộng thêm cơ đau nhức đầu dai dẳng sẽ khiến bạn “không tài nào” ngủ được hoặc ngủ chập chờn không ngon giấc, thường xuyên tỉnh dậy lúc giữa đêm.
4. Kém tập trung
Stress là một trong những “chất xúc tác” đến thần kinh và não bộ của con người khiến cho chúng ta gặp vấn đề về tư duy. Bạn sẽ cảm thấy bỗng dưng đầu óc trở nên “mụ mị” hoặc lười biếng, không thể tập trung giải quyết một công việc nhất định, khiến mọi thứ trì trệ, dở dang.
5. Ủ rũ
Bạn sẽ không biết vì sao mình buồn, bởi quá nhiều lý do và nỗi lo lắng cứ không ngừng đổ dồn về phía bạn. Trạng thái “cạn kiệt năng lượng” và ủ rũ chính xác là những gì bạn sẽ trải qua khi gặp phải vấn đề rối loạn tâm lý tiền hôn nhân.
6. Cáu gắt
Thông thường, bạn khá vui vẻ hòa đồng, thậm chí dễ tính xuề xòa với mọi người. Nhưng dường như việc stress đã “xào nấu” bạn thành một con người khác. Bạn trở nên cáu gắt thậm chí đến mức khó ưa chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt không đáng có. Điều này đang cho thấy bạn đã gặp phải vấn đề căng thẳng tâm lý tiền hôn nhân rồi đấy.
7. Suy nghĩ dồn dập và thường lập đi lập lại đến mức ám ảnh
“Hôn nhân không phải chuyện đùa, hôn nhân là một việc hệ trọng, cần làm gì để hoàn hảo bữa tiệc của mình” chính là những vấn đề mà bạn luôn đau đáu trong đầu. Những suy nghĩ này cứ đến dồn dập và thường lặp đi lặp lại khiến bạn cảm thấy ám ảnh, ức chế và muốn “nổ tung”. Lúc này, những căng thẳng trước ngày cưới có thể làm bạn mệt nhừ đấy!
3. Nguyên nhân của chứng stress tiền hôn nhân
1. Quá nhiều việc phải suy nghĩ và quyết định trước đám cưới
Việc phải “xử lý” một khối lượng công việc trước đám cưới chính là nguyên nhân khiến cho “bộ não” của bạn quá tải và stress. Tuy nhiên, khi đứng trước quyết định trọng đại, đa số chúng ta ai cũng vậy. Nhưng với một số người, việc quá lo lắng, quá căng thẳng khiến họ rơi vào cảm giác mệt mỏi, khó chịu.
2. Quá nhiều kỳ vọng về kết hôn
Trong thời kỳ trước đám cưới, có rất nhiều quyết định căng thẳng, nhất là việc kỳ vọng về một vai trò mới. Nhiều người không nhận ra sự căng thẳng này có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc và các mối quan hệ của họ.
Một mặt, kỳ vọng rằng đám cưới sẽ là thời gian của hạnh phúc và thỏa mãn nhất. Mặt khác, sự cầu toàn về sắp xếp đám cưới là rất phổ biến và có thể là một nguyên nhân gây stress tiền hôn nhân.
3. Các yếu tố căng thẳng bổ sung khác
Các yếu tố phổ biến có thể gây ra căng thẳng trước khi kết hôn bao gồm công việc, cam kết quá mức, di chuyển, du lịch, bệnh tật và mất một thành viên gia đình, bạn bè hoặc thú cưng. Đối với những người bắt đầu một cuộc hôn nhân thứ hai và cha mẹ đơn thân, các yêu cầu của việc nuôi dạy con cái và các biến chứng tài chính có thể là yếu tố căng thẳng.
4. Hậu quả của căng thẳng trước ngày cưới
Những căng thẳng về việc chuẩn bị tâm lý trước khi cưới sẽ không phải là vấn đề quá đáng sợ nếu như vợ chồng biết dung hòa thấu hiểu cho nhau. Tuy nhiên, nếu không quan tâm bản thân và người bạn đời, để tình trạng này trở nên trầm trọng, thì sẽ ảnh hưởng đến cả sức khỏe lẫn tâm lý của đôi bên.
Vì stress khiến cơ thể suy kiệt, mệt mỏi, chán nản. Thậm chí nếu không khắc phục, sẽ dễ dẫn đến những cuộc cãi vã, bất đồng quan điểm ảnh hưởng đến đám cưới, thậm chí là “hủy hôn”.
5. Cách giúp bạn giảm lo lắng trước khi kết hôn
1. Chia sẻ khó khăn với người bạn đời của mình
Nói chuyện với “người bạn đời” của bạn và đảm bảo rằng kế hoạch đám cưới đã và đang diễn ra thuận lợi đúng với mong muốn của cả hai. Tất nhiên, một đám cưới hoành tráng là tuyệt vời, miễn là nó thực sự xứng đáng với công sức và chi phí cho bạn.
Tuy nhiên, một số cặp vợ chồng bắt đầu vẽ ra một kế hoạch đám cưới phức tạp mà không dừng lại để suy nghĩ xem liệu những điều này có thực sự là mong muốn của vợ hoặc chồng mình hay không.
Nếu một đám cưới lớn nằm trong kế hoạch của bạn và ngân sách của bạn cho phép, hãy xem xét việc thuê một người lên kế hoạch để xử lý nhiều chi tiết cần thiết mà không cần phiền đến chính mình.
2. Chia sẻ với người thân
Đôi khi, việc bạn chia sẻ những lo lắng của mình đối với người thân cũng là cách “trút bỏ” bớt gánh nặng cho mình. Đặc biệt là đối với những người bạn thực sự tin tưởng hoặc đã từng có kinh nghiệm trong việc tổ chức đám cưới. Họ sẽ là người đưa ra cho bạn những lời khuyên bổ ích, hoặc ít nhất, có thể ngồi cạnh và lắng nghe tâm sự của bạn lúc cần.
3. Ủy thác một số công việc bạn đang giải quyết cho người khác
Bạn có thể ủy thác một số công việc hoặc nhiệm vụ cho người khác. Đừng ngại yêu cầu đối tác, bạn bè hoặc người thân của bạn giúp bạn một vài chuyện trong “đống hỗn độn” này. Đôi khi, bạn có thể thuê thêm người trợ giúp để dọn dẹp hoặc chăm sóc trẻ em, lên kế hoạch ngay cả khi bạn có thể sẽ chi tiêu nhiều hơn một chút so với kế hoạch trong một thời gian giới hạn.
Hãy để các nhà cung cấp dịch vụ cưới của bạn “đỡ đần” một số công việc, sau tất cả họ mới là chuyên gia tổ chức đám cưới có kinh nghiệm. Hãy chọn lọc về những nhiệm vụ mà bạn thực sự cần phải giám sát cá nhân.
4. Chấp nhận sự không hoàn hảo trong đám cưới của bạn
Bạn cần phải học cách chấp nhận rằng sẽ có những “lỗ hổng” đối với đám cưới của mình. Vì bất kỳ sự kiện nào liên quan đến rất nhiều người khác sẽ có một vài điểm không hoàn hảo. Mặc dù vậy, thì bạn vẫn cần chấp nhận và hài lòng với nó.
5. Có chiến lược quản lý thời gian hợp lý
Quản lý thời gian là một phương tiện để khẳng định sự kiểm soát lớn hơn đối với việc sử dụng thời gian và năng lượng của bạn. Bằng cách sử dụng các kỹ thuật quản lý thời gian, bạn đảm bảo rằng các hoạt động sẽ đi vào trình tự hợp lý nhất. Quản lý thời gian sử dụng hai công cụ chính là danh sách các nhiệm vụ và lịch trình. Những công cụ này cho phép bạn phân tích, hiểu, sắp xếp và ưu tiên sử dụng thời gian của chính mình.
6. Giảm những việc không cần thiết
Bạn có thể sắp xếp để giảm khối lượng công việc của bạn hoặc nghỉ làm một chút trong thời gian trước đám cưới. Bạn có thể cần nghỉ ngơi nhiều hơn thời gian dự định, sau đó sẽ “kiếm tiền” và tạo lại thu nhập trong thời gian sau khi cưới.
7. Luôn giữ tinh thần lạc quan cho bất kỳ điều gì đang xảy ra
Cuộc sống này luôn ẩn chứa muôn vàn những bất ngờ và khó khăn, chính vì vậy dù cho bất cứ điều gì xảy ra, bạn vẫn cần phải giữ một tinh thần lạc quan để giúp bản thân vượt qua thời gian căng thẳng này.
8. Ngủ đủ giấc
Tập thói quen ngủ đủ giấc là một trong những cách hữu hiệu nhất để bạn “đẩy lùi” dấu hiệu stress do tiền hôn nhân gây ra. Giấc ngủ sẽ điều chỉnh nguồn năng lượng, sức khỏe của bạn, để tinh thần cảm thấy thoải mái, minh mẫn hơn.
9. Tập thể dục hàng ngày
Mỗi ngày, bạn nên dành ra một vài tiếng để tập thể dục nâng cao sức khỏe của mình. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc vận động thể dục thể thao thường xuyên có thể là cách khiến bạn vượt qua stress trong công việc và cuộc sống đấy.
10. Ăn đúng bữa và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng
Bạn không nên thờ ơ với việc ăn uống hàng ngày, nhất là khi sắp tới ngày trọng đại của mình mà cần đảm bảo bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, lựa chọn thực phẩm không chứa hóa chất độc hại, giàu dưỡng chất kết hợp các thực phẩm bổ dưỡng, bồi bổ sức khỏe, đồng thời ưu tiên sử dụng thực phẩm giảm stress chống u uất.
Stress tiền hôn nhân sẽ làm “đóng băng” tinh thần bạn nếu như không có cách khắc phục kịp thời. Chính vì vậy, thông qua những dấu hiệu bệnh lý trên đây, Hy vọng bạn sẽ nhận biết và có hướng xử lý tình trạng này kịp thời, bảo vệ tâm lý và hạnh phúc gia đình. Chúc các bạn có thể vượt qua tình trạng stress trước thềm hôn nhân này để có được ngày vu quy trọn vẹn và hạnh phúc nhất.