Tìm hiểu những ảnh hưởng của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế có tác động như thế nào tới sự thiếu ngủ.

OCD có khiến bạn trở nên khó ngủ hay không?

Hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) tác động như thế nào đến giấc ngủ? Là một trong những dạng rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế ảnh hưởng một cách nghiêm trọng đến hoạt động sinh hoạt thường ngày của bạn. Nhưng liệu hội chứng có khiến bạn trở nên khó ngủ, hay thậm chí là thiếu ngủ hay không? Triệu chứng phổ biến nhất của chứng bệnh tâm thần này là gì? Liệu OCD có đồng thời làm suy giảm khả năng đi vào giấc ngủ của bạn mỗi tối? Hãy tham khảo những sự thật, triệu chứng, và các phương pháp điều trị bệnh có hiệu quả ngay sau đây.

1. Triệu chứng và dấu hiệu của bệnh

Hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một dạng rối loạn lo âu có thể khởi phát ngay khi bệnh nhân vẫn còn nhỏ tuổi. Vì thế, bệnh có thể ảnh hưởng đến cả trẻ em, và thường xảy ra nhiều hơn ở những cậu bé được chẩn đoán mắc phải hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Lứa tuổi vị thành niên, hay vừa bước vào giai đoạn trưởng thành cũng có nguy cơ mắc bệnh. Bên cạnh đó, tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới và nữ giới trưởng thành là ngang nhau, với mức 0,5-1% dân số mắc bệnh mỗi năm. Hai đặc trưng điển hình của bệnh là sự ám ảnh và sự cưỡng chế.

Mọi độ tuổi, giới tính đều có thể mắc OCD

Mọi độ tuổi, giới tính đều có thể mắc OCD

Sự ám ảnh được hiểu là những suy nghĩ, hình ảnh phá rối tâm trí, sự thôi thúc bản thân một cách phi lý, nhưng chúng lại luôn xuất hiện dai dẳng trong đầu bạn. Những ám ảnh đó thường đi liền với tình trạng lo âu và kiệt sức. Một dạng ám ảnh phổ biến có thể kể đến như ám ảnh sạch sẽ - luôn tin rằng bất kỳ đồ vật nào cũng bị nhiễm vi trùng. Hay một vài người bệnh lo ngại rằng công việc của họ vẫn chưa được hoàn thành, hoặc thực hiện sai. Số khác lại trằn trọc đến chuyện đã tắt lò bếp, đã khóa chặt cửa nẻo hay chưa, dù rằng mọi thứ đều đã được thực hiện. Từ đó, họ buộc phải có những suy nghĩ, hoặc thực hiện hành động - hay còn được gọi là sự cưỡng chế - để giảm bớt hoặc triệt tiêu đi nỗi ám ảnh.

Sự cưỡng chế được định nghĩa là các hành vi lặp đi lặp lại một cách cố ý để đối phó với nỗi ám ảnh mà bệnh nhân gặp phải. Nhờ vậy mà mọi suy nghĩ ám ảnh trong đầu của họ sẽ tạm thời triệt tiêu. Những hành vi cưỡng chế thường được thực hiện theo một cách thức dễ đoán, được nghi thức hóa, hoặc thậm chí là mê tín. Để giải tỏa nỗi sợ hãi về vi trùng, vi khuẩn, người bệnh buộc phải rửa sạch cơ thể. Hay để đảm bảo cửa nẻo đã khóa, họ phải kiểm tra mọi thứ đến ba lần. Các hành vi cưỡng chế phổ biến có thể kể đến như:

  • Rửa tay
  • Kiểm tra
  • Sắp xếp
  • Đếm số lượng
  • Cầu nguyện
  • Lặp lại câu từ
  • Gõ nhẹ

Những dạng hành vi kể trên có thể giúp người bệnh giải tỏa tạm thời, nhưng chẳng mấy chốc, sự lo âu lại trỗi dậy lần nữa, buộc họ phải thực hiện lại các hành vi đó. Khi tổng thời gian dành cho những hành vi cưỡng chế chiếm đến hơn 1 giờ mỗi ngày, đồng thời cản trở sinh hoạt thường nhật, các bác sĩ sẽ chẩn đoán đây là trường hợp mắc phải OCD.

2. OCD tác động đến giấc ngủ, và gây ra tình trạng thiếu ngủ như thế nào?

Bạn hẳn sẽ kết luận rằng những suy nghĩ, hành vi gắn liền với OCD có thể phá hủy giấc ngủ của bạn. Khi đang cố để chìm vào giấc ngủ, nhưng bỗng dưng bạn nghĩ đến việc phải kiểm tra một thứ gì đó, thì lúc này, bạn sẽ dễ lâm vào tình trạng thiếu ngủ. Thực tế, việc kiểm tra để chắc chắn mọi thứ khiến bạn phải rời khỏi chỗ ngủ của mình, từ đó khiến giấc ngủ bị gián đoạn.

Chưa thể kết luận mối liên hệ giữa OCD và hiện tượng gián đoạn giấc ngủ

Chưa thể kết luận mối liên hệ giữa OCD và hiện tượng gián đoạn giấc ngủ

Thế nhưng, đáng ngạc nhiên thay, hiện vẫn chưa có nhiều bằng chứng cho thấy OCD dẫn đến những bất thường được nêu trong một công trình nghiên cứu về giấc ngủ có tên polysomnogram. Một vài nhà khoa học cho rằng hiện tượng người bệnh ngủ ít đi, hoặc giấc ngủ thường xuyên bị gián đoạn lại không xuất hiện liên tục. Điều này có thể không chỉ đơn thuần là do OCD gây ra, mà còn liên quan đến trầm cảm, chứng bệnh thường xảy ra đồng thời với OCD.

Do vậy, cần có thêm những cuộc nghiên cứu khác để xác định rõ mối liên hệ giữa OCD và hiện tượng gián đoạn giấc ngủ.

3. Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị OCD

Có rất nhiều các phương pháp điều trị bệnh đạt hiệu quả cao dành cho những người mắc bệnh. Điều này đặc biệt quan trọng khi OCD ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của họ qua từng ngày.

Các loại thuốc như chống trầm cảm ba vòng (chứa clomipramine), ức chế tái hấp thu có chọn lọc serotonin (SSRIs) thường được sử dụng nhiều hơn. Trong đó, một số loại SSRIs được áp dụng điều trị phổ biến như:

  • Fluoxetine
  • Fluvoxamine
  • Paroxetine
  • Sertraline

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, bệnh nhân cũng có thể trao đổi, làm việc với bác sĩ chuyên khoa tâm thần, một nhà tâm lý học đã được đào tạo về giải mẫn cảm và liệu pháp nhận thức hành vi để điều trị bệnh. Ngoài ra, rất hiếm các trường hợp buộc phải thực hiện phẫu thuật để cấy máy kích thích não sâu nhằm làm giảm các triệu chứng bệnh.

4. Kết luận

Nếu bạn cho rằng bản thân đang mắc phải hội chứng OCD, hãy trao đổi với bác sĩ riêng của mình, để họ giới thiệu cho bạn những bác sĩ tâm thần, người sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Khi giấc ngủ của bạn bị gián đoạn, tâm trạng, suy nghĩ, các chức năng trong cơ thể cũng sẽ nhanh chóng bị ảnh hưởng theo. Do vậy, thông qua việc điều trị bệnh, sau cùng, bạn sẽ được nghỉ ngơi một cách thư thái, từ đó lạc quan hơn về cuộc sống cũng như sức khỏe của bản thân.