Ở một số người, các triệu chứng trầm cảm rất dễ nhận biết, nhưng với nhiều người khác thì các triệu chứng bên ngoài thường không rõ ràng.
Nếu đang phải vật lộn với chứng trầm cảm tiềm ẩn, bạn có thể trải qua nhiều nỗi buồn, mệt mỏi hoặc thờ ơ trong khi vẫn cố gắng để kiểm soát cuộc sống, cảm xúc. Bạn thậm chí có thể đang cố gắng che giấu các triệu chứng trầm cảm từ chính mình.
Trầm cảm là một rối loạn tâm trạng thường liên quan đến nỗi buồn và sự tuyệt vọng đến mức khiến bạn hầu như không thể rời khỏi giường hoặc hoạt động trong cuộc sống hàng ngày. Các triệu chứng trầm cảm có thể thay đổi khá nhiều từ người này sang người khác. Trong khi một số người tràn đầy nỗi buồn và tuyệt vọng, thì ở những người khác, các triệu chứng có thể không rõ ràng.
Một số người sống với nỗi trầm cảm ở bên trong, mặc dù họ vui vẻ và hài lòng ở bên ngoài. Điều này được gọi là trầm cảm cười hoặc trầm cảm ẩn. Điều đó cũng đôi khi được gọi là trầm cảm đi bộ, bởi vì những người bị chứng trầm cảm này có thể tiếp tục đi bộ, nói chuyện và mỉm cười bất chấp chứng trầm cảm của họ. Nếu bạn bị trầm cảm đi bộ, người khác sẽ hầu như không biết bạn đang vật lộn với các triệu chứng trầm cảm.
1. Các triệu chứng của dạng trầm cảm ẩn
Nếu đã mắc chứng trầm cảm ẩn, bạn đang nỗ lực để chiếu một hình ảnh hạnh phúc mặc dù bên trong đang trải qua rất nhiều nỗi buồn. Bạn có thể cố gắng gạt bỏ cảm xúc, hoặc có thể cảm thấy thiếu kiên nhẫn với chính mình.
Các triệu chứng trầm cảm cười bao gồm các triệu chứng trầm cảm dễ nhận biết nhất như:
• Mệt mỏi
• Thờ ơ
• Khó tập trung
• Mất hứng thú với các hoạt động đã từng mang lại niềm vui
Điều làm cho hình thức trầm cảm này trở nên đặc biệt là mặc dù trải qua những triệu chứng này, bạn vẫn đang trải qua một cuộc sống bình thường. Về bề ngoài, bạn có thể đang có một công việc ổn định, cuộc sống gia đình tốt, và có vẻ là người vui vẻ, lạc quan. Dường như không có ai biết bạn bị trầm cảm, ngoại trừ chính bản thân.
2. Cuộc đấu tranh nội tâm của dạng trầm cảm ẩn
Khi mắc chứng trầm cảm ẩn, mặc dù đang hoạt động bình thường và có các biện pháp ứng phó nhưng bạn vẫn đang trải qua rất nhiều cuộc đấu tranh nội tâm. Bạn có thể có những suy nghĩ tương tự như sau:
• Không được bộc lộ dấu hiệu trầm cảm với người khác, vì điều đó sẽ bộc lộ điểm yếu tính cách.
• Bạn không muốn những người xung quanh cảm thấy không vui bằng cách nói cho họ biết cảm xúc thật và những cuộc đấu tranh nội tâm.
• Không có gì sai trong cuộc sống của bạn, vì vậy không nên phàn nàn.
• Mọi người xung quanh có lẽ sẽ thấy tốt hơn nếu không có bạn.
3. Tại sao dạng trầm cảm cười nguy hiểm?
Thực tế, bạn có thể có một cuộc sống bình thường - một lợi thế so với người bị trầm cảm lâm sàng và hoàn toàn không thể thực hiện chức năng thường nhật. Bạn có thể phủ nhận các triệu chứng ngay cả với chính mình, và không liên hệ với bác sĩ hoặc người thân để được giúp đỡ. Cố gắng bỏ qua các triệu chứng trầm cảm cười có thể dẫn đến các vấn đề khác. Một số vấn đề bạn có thể gặp phải nếu bạn cố gắng giả vờ không có gì sai bao gồm:
• Giảm cân hoặc tăng cân do mất cảm giác ngon miệng hoặc chuyển sang tiêu dùng thực phẩm để cảm thấy thoải mái hơn
• Lạm dụng rượu hoặc các chất khác
• Đau đớn hoặc bệnh tật
• Cách ly xã hội
• Xung đột trong các mối quan hệ
• Hành vi tự hủy hoại như tự cắt cơ thể
4. Nguy cơ tự tử
Một vấn đề nghiêm trọng hơn nữa là trầm cảm dạng ẩn có thể dẫn đến sự tuyệt vọng nội tâm mà hầu như không thể nói với ai. Khi cảm giác buồn bã và tuyệt vọng của bạn tăng lên, bạn có thể cân nhắc việc tự tử.
Ở trầm cảm dạng ẩn, nguy cơ tự tử có thể cao hơn so với hội chứng trầm cảm chính. Với chứng trầm cảm chính, bạn có suy nghĩ kết liễu đời mình nhưng có lẽ sẽ không có năng lượng để thực hiện điều này. Với dạng trầm cảm cười, hành động thôi thúc tự tử là một khả năng thực sự.
5. Nhận trợ giúp cho dạng trầm cảm đi bộ
Mở lòng với những người xung quanh là một bước quan trọng để vượt qua trầm cảm dạng ẩn. Thay vì cố gắng che giấu cảm xúc khó chịu, hãy liên hệ với một thành viên gia đình hoặc bạn bè đáng tin cậy và bắt đầu tập thói quen thảo luận về cảm xúc. Những người yêu bạn có khả năng muốn được hỗ trợ, và chia sẻ cảm xúc của bạn là một phần quan trọng để đối phó với những suy nghĩ, cảm xúc trầm cảm.
Chỉ vì các triệu chứng trầm cảm không hoàn toàn làm suy giảm khả năng hoạt động bình thường, không có nghĩa là bạn không nên nhận sự giúp đỡ. Làm việc với một nhà trị liệu có thể giúp bạn xác định các kiểu suy nghĩ và hệ thống niềm tin đang góp phần gây ra cảm giác trầm cảm, cũng như giúp bạn tìm hiểu những công cụ nào có thể sử dụng để cải thiện tâm trạng. Những công cụ này bao gồm thiền, tập thể dục và học các kỹ năng chánh niệm.
Một lựa chọn khác là đến một trung tâm điều trị nội trú, nơi bạn hoàn toàn có thể tập trung vào việc giúp đỡ cho chứng trầm cảm ẩn trong một khoảng thời gian. Điều này cho phép bạn tham gia vào các nhóm hỗ trợ và làm việc với một nhà trị liệu có chuyên môn, giàu kinh nghiệm mà không có sự làm phiền và căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày. Đó là một cách tuyệt vời để tiếp xúc với những cảm xúc sâu xa trong một môi trường an toàn.
Không nên bỏ qua các triệu chứng trầm cảm tiềm ẩn với hy vọng rằng chúng sẽ biến mất. Trầm cảm, bao gồm trầm cảm chức năng cao, là một tình trạng rất có thể điều trị. Với sự giúp đỡ, bạn có thể học các kỹ năng mới để đối phó với chứng trầm cảm của mình, và có thể mỉm cười ở bên ngoài cũng như với nội tâm bên trong.