Trầm cảm là căn bệnh phổ biến nhất mà cả đàn ông và phụ nữ đều có khả năng mắc phải. Hầu hết những người cố gắng tự tử đều mắc chứng rối loạn sức khỏe tâm thần. Chứng bệnh này khiến họ dễ bị tuyệt vọng và có những hành động bốc đồng.

1. Trầm cảm dẫn đến tự tử

Tự tử là tiếng kêu cứu cuối cùng và ý nghĩ tự tử là một dấu hiệu cho thấy người bệnh rất cần được điều trị sức khỏe tâm thần. May mắn là việc điều trị trầm cảm, trong hầu hết trường hợp, đều có hiệu quả. Nếu được tư vấn kịp thời, sự khủng hoảng tinh thần (dẫn đến nguy cơ tự tử) có thể được xoa dịu.

Trong một cuộc Khảo sát quốc gia về sử dụng thuốc và chăm sóc sức khỏe năm 2016, tỷ lệ người trên 18 tuổi mắc bệnh trầm cảm ở Hoa Kỳ chạm mức 6,7%, tương đương với 16,2 triệu người trên 18 tuổi. Phần lớn trong số này (chiếm 64%) đều phải trải qua tuyệt vọng nghiêm trọng và những người đã trải qua mức độ tuyệt vọng này có nguy cơ tự tử rất cao.

Tự tử là dấu hiệu cho thấy người bệnh rất cần được điều trị sức khỏe tâm thần

Tự tử là dấu hiệu cho thấy người bệnh rất cần được điều trị sức khỏe tâm thần

Đối với những người trải qua các vấn đề về sức khỏe tâm thần, sự hỗ trợ từ các chuyên gia được đào tạo chuyên nghiệp sẽ tạo ra những tác động sâu sắc đến cuộc sống của họ. Trầm cảm là một chứng bệnh có thể điều trị được cho dù là trầm cảm nghiêm trọng và 70-80% những người được điều trị đều có phản ứng tích cực với điều trị. Tự tử là trường hợp xấu nhất, nhưng hoàn toàn có thể tránh được nếu có các biện pháp điều trị thích hợp khi các dấu hiệu trầm cảm đầu tiên trở nên rõ ràng.

2. Trầm cảm dẫn đến tự tử: Dấu hiệu trầm cảm trở nên nghiêm trọng

Số ca tự tử tỉ lệ thuận với số ca trầm cảm và gia tăng trong những năm gần đây. Trong năm 2016, gần 45.000 người Mỹ đã tự kết liễu đời mình và các nghiên cứu đã tiết lộ rằng, khoảng 50% trong đó bị trầm cảm nặng. Khó có thể nhận định rằng trầm cảm dẫn đến nguy cơ tự tử. Tuy nhiên, một số dấu hiệu hoặc hành vi nhất định liên quan đến trầm cảm làm gia tăng hành vi tự tử.

Những dấu hiệu đó bao gồm:

Sự vô vọng. Hầu hết những người trải qua các triệu chứng trầm cảm sẽ bày tỏ mong muốn được giúp đỡ. Nhưng nếu họ từ chối hoặc liên tục bi quan hoặc không có nguyện vọng yêu cầu giúp đỡ, sự tuyệt vọng của họ đã khá nghiêm trọng. Họ dễ có suy nghĩ tự tử hoặc có sự thôi thúc để tự tử.

Thay đổi cách vệ sinh và vẻ bề ngoài. Khi bị lãnh đạm và thờ ơ vì trầm cảm, mọi người dường như mất hết hứng thú, không muốn duy trì vệ sinh thân thể và chăm sóc vẻ bề ngoài. Khi bước đến giai đoạn này, họ có thể bắt đầu có ý định tự tử.

Cách ly cực độ và rút khỏi xã hội. Cô lập liên kết với những người thân yêu có thể khiến người ta tuyệt vọng. Nếu điều này diễn ra quá lâu thì khó tránh khỏi bị trầm cảm. Có những người bạn đồng hành để chia sẻ, chăm sóc, gần gũi là nguồn động lực cho những người đang gặp khủng hoảng. Ngược lại, sự cô lập làm cho một người trầm cảm tách biệt khỏi sự quan tâm hỗ trợ của mọi người.

Cách ly cực độ với xã hội có thể là một dấu hiệu cho thấy bệnh trầm cảm đã trở nên nghiêm trọng

Cách ly cực độ với xã hội có thể là một dấu hiệu cho thấy bệnh trầm cảm đã trở nên nghiêm trọng

Lạm dụng chất gây nghiện. Trong khi rối loạn tâm trạng là nguy cơ gây tự tử hàng đầu, thì lạm dụng ma túy và rượu là nguy cơ số hai. Khi mọi người cố gắng đối phó với trầm cảm bằng cách chuyển sang sử dụng ma túy và rượu, nó có thể nhanh chóng gây nghiện và tăng nguy cơ tự tử.

Các vấn đề cuộc sống do trầm cảm gây ra. Mất việc, thất bại về tài chính, các vấn đề nghiêm trọng trong mối quan hệ xã hội và một loạt các vấn đề về sức khỏe thể chất đều có thể xuất phát từ những cơn trầm cảm kéo dài. Nếu trầm cảm không được điều trị thì những vấn đề trên là không thể tránh khỏi. Chúng có thể gây ra sự lo lắng và tuyệt vọng cao độ khiến người bệnh cảm thấy bị quá sức. Sức khỏe tâm thần nói chung bị suy giảm khi một người bị căng thẳng, và họ sẽ hay có những hành động bộc phát, bốc đồng để tìm cách thoát khỏi những rắc rối đó.

Ý định tự sát. Khi một người nói hoặc làm bất cứ điều gì liên quan đến việc tự tử, thì được gọi là có ý định tự sát. Nếu họ có dấu hiệu quan tâm về chủ đề này, đừng gạt bỏ và coi nó chỉ là những câu nói vô nghĩa. Ý định tự tử được nuôi dưỡng bởi những ý nghĩ tiêu cực. Việc này càng kéo dài thì càng nhiều khả năng sẽ dẫn đến tự sát thực sự.

Những lần tự tử hụt trước đó. Những vụ tự tử thành công chiếm chưa đến 10% tổng số lần tự tử hụt. Nhưng sẽ là sai lầm khi kết luận rằng những người tự tử hụt không thực sự nghiêm túc trong việc tự tử. Những lần tự tử không thành công không giúp các vấn đề về sức khỏe tâm thần biến mất. Trong một nghiên cứu toàn diện trong 22 năm theo dõi hành vi của một nhóm người có nguy cơ tự tử cao, một phần ba những người đã tự sát vẫn sống sót sau những lần tự tử đầu tiên. Tuy vậy, sự đau đớn dai dẳng và những khó khăn về sức khỏe tâm thần không hề mất đi mà vẫn ám ảnh họ.

3. Ngăn ngừa tự tử thông qua điều trị trầm cảm

Việc nhận thức về dấu hiệu tự tử ở người trầm cảm chưa được người thân - những người cần hiểu biết về điều này quan tâm đúng mực và thường thiếu hụt, không đầy đủ. Nếu được người thân thuyết phục và can thiệp kịp thời, việc điều trị trầm cảm sẽ đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, điều này còn khá hiếm hoi.

Tại một số nước tiên tiến, trong các tình huống khẩn cấp, đường dây nóng phòng chống tự sát có thể hỗ trợ người có chuyên môn ngăn chặn tự tử xảy ra. Khi nói chuyện với các chuyên gia phòng chống tự tử - những người có chuyên môn trong việc này, bệnh nhân có thể vượt qua khủng hoảng ngay lập tức và được giới thiệu sử dụng các dịch vụ điều trị trầm cảm gần nơi họ sống. Những đường dây nóng này đã chứng minh tính hiệu quả và sẵn sàng cung cấp bất kỳ sự trợ giúp cần thiết nào.

Trầm cảm tự tử là một chứng rối loạn có thể điều trị được

Trầm cảm tự tử là một chứng rối loạn có thể điều trị được

Trầm cảm tự tử là một chứng rối loạn nghiêm trọng, nhưng nó có thể điều trị được như mọi loại trầm cảm khác. Theo Học viện Suicidology Hoa Kỳ, nguy cơ tự tử kéo dài đối với những người bị trầm cảm không được điều trị là 20%, nhưng tỉ lệ này giảm xuống chỉ còn 0,141% (tương đương với cứ 700 người thì có một người) đối với những người đã tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp với tình trạng của họ.

Các phương pháp điều trị dựa trên bằng chứng cho chứng trầm cảm chủ yếu bao gồm liệu pháp Nhận thức hành vi (CBT), liệu pháp tâm lý và thuốc chống trầm cảm như những loại thuốc thuộc nhóm SSRI. Những người bị rối loạn tâm thần thường có phản ứng tích cực với các liệu pháp tổng thể (như thiền, yoga...), nhờ giảm căng thẳng và thúc đẩy trạng thái cảm xúc cân bằng hơn. Dịch vụ điều trị chẩn đoán kép cũng được yêu cầu trong nhiều trường hợp, vì nhiều người bị trầm cảm tự tử đồng thời cũng bị rối loạn do sử dụng chất gây nghiện.

Các chương trình phục hồi ngoại trú và nội trú chuyên sâu nhằm giải quyết các triệu chứng trầm cảm tự tử là các dịch vụ tiêu chuẩn tại các trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần. Tự tử là kết quả của tình trạng sức khỏe tâm thần nghiêm trọng, nhưng việc điều trị có thể làm giảm nguy cơ tự tử cho những người chủ động yêu cầu giúp đỡ.