Một nghiên cứu mới đưa ra giả thuyết rằng những người mắc chứng trầm cảm thường có nồng độ amino axit trong máu liên quan đến các chức năng não bộ đặc biệt thấp.
Chất này được gọi là acetyl-L-carnitine (LAC) được sản xuất tự nhiên trong cơ thể. Nó hỗ trợ quá trình trao đổi chất, và các nghiên cứu trên động vật cho rằng chất này giúp ngăn chặn “sự đốt cháy quá mức” tế bào trong các phần nhất định của não bộ.
LAC cũng được bán dưới dạng thực phẩm chức năng bổ sung. Sản phẩm thường được tiếp thị cho nhiều hội chứng khác nhau từ mất trí nhớ liên quan đến tuổi tác cho đến tổn thương thần kinh do tiểu đường.
Bác sĩ Natalie Rasgon, giảng viên tâm lý tại Đại học Y dược Stanford, California, người tham gia vào nghiên cứu cho biết các thử nghiệm cũng đã kiểm tra hiệu quả của thực phẩm bổ sung này với bệnh trầm cảm, song các kết quả chưa rõ ràng,
Bác sĩ và nhóm đồng sự tiếp cận vấn đề này từ nhiều góc độ khác nhau. Nhóm nghiên cứu không chắc là những bệnh nhân trầm cảm trên thực tế có liên quan đến việc thiếu LAC hay không. Do đó họ đã đo nồng độ amino acid trong máu của 28 bệnh nhân mắc trầm cảm mức độ vừa phải và 43 bệnh nhân trầm cảm nặng. Sau đó họ so sánh chúng với kết quả của 45 người trưởng thành tương tự về độ tuổi, giới tính,... không bị trầm cảm.
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu phát hiện ra những bệnh nhân trầm cảm đúng là có nồng độ LAC thấp hơn. Và nồng độ này đặc biệt thấp ở những người trầm cảm nặng. Điều tương tự cũng đúng với những người đã kháng thuốc, và những người mắc trầm cảm ở giai đoạn sớm trong đời.
Rasgon nhấn mạnh “Chúng tôi không nói rằng đây là nguyên nhân gây ra trầm cảm, đây chỉ là một sự tương quan. Mọi người không nên ra ngoài mua loại thực phẩm bổ sung này và nghĩ đây là thuốc chữa bách bệnh, là giải pháp cho vấn đề của họ.”
Thay vào đó, nồng độ LAC trong máu thấp có thể dùng làm dấu hiệu cho chứng trầm cảm nghiêm trọng, khó điều trị. Nếu điều này đúng, các bác sĩ sẽ có khả năng sử dụng nồng độ LAC trong chẩn đoán trầm cảm.
Tiến sĩ Brian Brennan là một chuyên gia tâm lý tại bệnh viện McLean thuộc Belmont, Massachusetts, đồng thời là trợ lý giáo sư tại đại học Y Harvard. Trước đây, ông đã tổ chức một thử nghiệm nhỏ kiểm tra nồng độ LAC trong việc làm giảm các triệu chứng trầm cảm lưỡng cực. Kết quả là ông phát hiện ra chất bổ sung này không khác gì những viên thuốc giả dược.
Điều “đáng mong chờ” ở phát hiện mới này là họ đưa ra giả thuyết rằng LAC có thể giúp xác định những người đang mắc các chứng trầm cảm loại nghiêm trọng hơn, Brennan giải thích: “Trong tâm thần học, chúng ta thiếu những chất có thể đóng vai trò là dấu hiệu chẩn đoán”.
Brennan, người không liên quan tới nghiên cứu, cũng nhấn mạnh rằng kết quả này không chứng minh được các thực phẩm bổ sung LAC có thể giúp điều trị trầm cảm nặng.
Tiến sĩ lưu ý: “Các bằng chứng hiện tại chưa rõ ràng. Nó có khả năng trở thành một mục tiêu trong điều trị, song vẫn còn rất lâu nữa mới có thể xác định được.”
Brennan nói, trong tương lai, các thử nghiệm điều trị có thể chỉ bao gồm các bệnh nhân trầm cảm có nồng độ LAC đặc biệt thấp.
Tiến sĩ James Potash, một giảng viên tâm lý tại Đại học Johns Hopkins cũng tán thành ý tưởng này. “Sẽ tốt hơn nếu tập trung vào các bệnh nhân này, vì họ có thể có phản hồi tốt nhất với các thực phẩm bổ sung”.
Ông cho rằng những nghiên cứu kiểu này rất quan trọng vì càng hiểu rõ hơn về “sinh học trầm cảm”, thì các phương thức điều trị có chọn lọc càng có cơ hội phát triển. Hiện tại, Potash cho hay, “tôi hi vọng các bệnh nhân sẽ thử các liệu pháp điều trị đã được chứng minh hiện có. Có nhiều phương pháp điều trị đã được minh chứng rõ ràng, không phải chỉ chỉ có mỗi các loại thuốc chống trầm cảm” Thuốc chống trầm cảm được sử dụng phổ biến nhất là thuốc ngăn ngừa hấp thụ ngược serotonin (SSRIs). Thuốc này tác động lên serononin, một “sứ giả hóa học” trong não bộ. tuy nhiên, thuốc không phải là phương pháp hiệu quả với mọi bệnh nhân trầm cảm.
Bệnh trầm cảm ở mỗi người không giống nhau – và bản chất sinh học của nó cũng vậy, Brennan nói. “Do đó không thể nào đơn giản đến mức đưa cho tất cả mọi người cùng một liệu pháp điều trị trầm cảm giống nhau.”
Rasgon nói rằng LAC ảnh hưởng gián tiếp lên serotonin. Do đó liên kết giữa amino acid và trầm cảm không phủ nhận bất cứ vai trò nào của serotonin, bà lưu ý: “Điều trị trầm cảm rất phức tạp, chúng ta biết rằng có rất nhiều mảnh ghép trong bức tranh này. Và còn một mảnh ghép nữa vẫn đang còn thiếu.”
Nghiên cứu này được công bố trực tuyến vào ngày 30 tháng 7 trên Chuyên đề viện Hàn lâm khoa học Quốc gia.