Bước tới ngưỡng cửa tuổi 40, các chức năng trong cơ thể con người dần đi vào giai đoạn lão hoá. Vì vậy, nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống, theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, dù bạn không có bất kỳ triệu chứng bệnh tật nào cũng nên đi sàng lọc những loại ung thư phổ biến sau đây.
1. Sàng lọc ung thư vú (Nữ giới)
Ung thư vú là một trong những loại ung thư phổ biến ở nữ giới hiện nay. Tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh ung thư vú trong ngưỡng cửa 4x thường cao hơn các độ tuổi khác, bởi vậy, nếu bạn nằm trong độ tuổi từ 40 - 44 tuổi nên thực hiện sàng lọc ung thư vú hàng năm bằng cách chụp nhũ ảnh (X-quang vú). Từ 45 - 54 tuổi nên tiến hành phương pháp này mỗi năm một lần. Ở độ 55 tuổi trở lên, bạn nên chụp X-quang vú 2 năm/lần hoặc tiếp tục sàng lọc hàng năm để phát hiện bệnh sớm nhất có thể.
Đến độ tuổi ngoài 40, bạn có thể thường xuyên tự kiểm tra ngực của mình để nhận biết dấu hiệu bị ung thư vú như: đau buốt; đau ở vai, lưng trên hoặc cổ; thay đổi về hình dạng vú, kích thước như ngực to hơn, trễ thấp hơn, có hình dạng khác thường và rõ ràng nhất là khi bạn sờ thấy khối u ở ngực.
2. Ung thư tuyến tiền liệt (Nam giới)
Ở ngưỡng cửa của tuổi 40, nếu như phụ nữ lo ngại với ung thư vú thì đàn ông lại cần đặc biệt chú ý về ung thư tuyến tiền liệt - một tuyến trong hệ sinh dục nam. Các triệu chứng sớm của bệnh ung thư tuyến tiền liệt gồm: tiểu tiện khó khăn, đau rát khi tiểu, có máu trong nước tiểu,... Hiện nay có 2 cách để dò tìm ung thư tuyến tiền liệt là khám trực tràng (còn gọi là DRE) và thử máu tìm PSA.
- Khám trực tràng: để khám trực tràng, bác sĩ sẽ luồn ngón tay vào ruột thẳng của bạn và dò tìm cục bướu ở tuyến tiền liệt. Cục bướu này có thể là ung thư. Cách này có vẻ bất tiện nhưng lại không gây đau và chỉ cần một khoảng thời gian ngắn.
- Thử máu tìm PSA: PSA là chất do tuyến tiền liệt tạo ra. Ung thư tiền liệt tuyến có thể làm cho lượng PSA trong máu tăng lên. Nếu kết quả thử PSA không bình thường bác sĩ có thể sẽ đề nghị thực hiện sinh thiết tuyến tiền liệt để biết chắc bạn có bị ung thư hay không.
3. Ung thư ruột kết, ung thư trực tràng và các khối u (hai giới)
Do lối sống vội vã cùng với vấn nạn thực phẩm bẩn, đường ruột, trực tràng cùng các bộ phận tiêu hoá khác rất dễ mắc bệnh. Từ độ tuổi 40 trở đi, cả nam giới và nữ giới nên thực hiện các xét nghiệm phát hiện các khối u và ung thư ruột kết, ung thư trực tràng...để đảm bảo chất lượng cuộc sống. Các xét nghiệm phát hiện ung thư bao gồm: xét nghiệm máu ẩn trong phân hàng năm (gFOBT), xét nghiệm hoá miễn dịch phân hàng năm (FIT) hoặc xét nghiệm DNA trong phân (sDNA) 3 năm 1 lần. Nếu như gia đình bạn có tiền sử bị polyp hay ung thư trực tràng thì nên sàng lọc thường xuyên hơn.
Bên cạnh đó, một số cách phương pháp y khoa khác như: Soi đại tràng sigma 5 năm/lần, nội soi đại tràng 10 năm/lần, chụp cản quang đại trực tràng (double contrast barium enema) 5 năm/lần hay chụp cắt lớp đại trực tràng (CT colonography) 5 năm/lần cũng hết sức hiệu quả khi bạn muốn phát hiện bệnh từ sớm.
4. Ung thư phổi
Ung thư phổi là một trong những căn bệnh cần quan tâm khi bước qua tuổi 45, đặc biệt, với những người thường xuyên hút thuốc lá, hay tiếp xúc với không gian khói bụi ô nhiễm hoặc gia đình có tiền sử về bệnh. Với những đối tượng này, việc thực hiện sàng lọc bằng phương pháp chụp CT liều thấp (low-dose CT scan hay LDCT) cho ngực hàng năm là điều cần thiết.
Tuy vậy, với riêng ung thư phổi, Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo rằng những người có nguy cơ ở mức từ thấp đến trung bình thì không nên làm các xét nghiệm sàng lọc. Các tiêu chí quan trọng để thực hiện xét nghiệm này là: người trong độ tuổi 55- 74, có sức khoẻ tốt, người hút thuốc ít nhất 30 bao/năm (kể cả vẫn còn hút hay đã bỏ trong khoảng 15 năm qua).
Trên đây là 4 loại bệnh cần sàng lọc ung thư khi bước qua tuổi 40. Trên thực tế, ngoài các bệnh ung thư liên quan đến yếu tố tuổi tác, còn có các bệnh ung thư do di truyền. Đồng thời, với thực trạng ung thư ngày càng “trẻ hoá" và không trừ độ tuổi nào, việc sàng lọc ung thư nên được thực hiện càng sớm càng tốt khi bạn có điều kiện.