Cho dù bạn có lối sống lành mạnh thì bạn vẫn có nguy cơ cao mắc các bệnh ung thư do di truyền từ bố mẹ. Vậy cách thức nào giúp bạn thoát “cửa tử"? Hãy tìm hiểu về loại ung thư này với những thông tin hữu ích dưới đây.
1. Sống lành mạnh vẫn có khả năng bị ung thư?
Một sự thật mà các nhà khoa học của trường Đại học Washington - Mỹ chỉ ra trong nghiên cứu mới nhất rằng có tới 12 loại ung thư có thể di truyền và 50% số con cái sẽ nhận các tổn thương gen từ bố mẹ.
Chúng ta đều biết, gene là tập hợp chứa đựng toàn bộ thông tin di truyền của một cơ thể sinh vật được mã hóa trong DNA, hay nói dân dã hơn là nó mang những đặc tính di truyền từ cha mẹ sang con. Vì thế, chúng ta giống những đấng sinh thành từ màu da, mái tóc, chiều cao… và thậm chí là cả nguy cơ hình thành ung thư từ bố mẹ.
Thế nên, dù bạn có lối sống lành mạnh thì vẫn có khả năng mắc căn bệnh quái ác này. Thêm vào đó, sự thay đổi gen (còn gọi là đột biến) có thể làm cho tế bào tạo ra các protein ảnh hưởng đến việc phát triển tế bào và phân chia thành tế bào mới. Một số đột biến làm cho các tế bào phát triển mất kiểm soát, dẫn đến nguy cơ ung thư rất cao.
2. Có tới 12 loại ung thư có thể di truyền
Như đã nói ở trên, thật không may là có tới 12 loại ung thư có khả năng di truyền từ bố mẹ sang con. Đây đều là những căn bệnh ung thư phổ biến. Trong đó, đột biến gen có tỉ lệ di truyền cao nhất là ung thư buồng trứng với khả năng di truyền lên tới 19%, tiếp theo là ung thư dạ dày với 11% và ung thư vú 9%.
Xếp hàng kế tiếp là 4 loại ung thư có đột biến di truyền 8% là ung thư tuyến tiền liệt, đầu và cổ, thần kinh đệm và phổi loại 1 (ung thư phổi không phải tế bào nhỏ). Ung thư phổi loại 2 (tế bào nhỏ) và nội mạc tử cung chiếm 7% trong khi u nguyên bào đệm và bạch cầu tủy cấp đều có 4%. Khi đã nắm bắt được những thông tin này rồi, nếu bạn nằm trong trường hợp dễ mắc ung thư di truyền thì nhất định không được chủ quan với căn bệnh này.
3. Liệu pháp để thoát “cửa tử"
Một trong những trường hợp mắc ung thư di truyền nổi tiếng thế giới chính là nữ minh tinh người Mỹ Angelina Jolie. Angelina mang gen lỗi BRCA1 - bộ gen mà những người sở hữu sẽ có khả năng mắc ung thư vú trung bình là 65%. Với riêng Angelina, bác sĩ nói tường hợp của cô nguy cơ lên tới 87% và cô cũng có 50% nguy cơ ung thư buồng trứng. Mẹ cô - bà Marcheline Bertrand - đã qua đời ở tuổi 56 vì căn bệnh này.
Bởi vậy, ngay khi cô phát hiện ra mình mang bản sao lỗi của gen BRCA1, Angelina quyết định cắt bỏ các mô mang mầm bệnh. Cô chia sẻ: “Tôi muốn khuyến khích những người phụ nữ, đặc biệt nếu trong gia đình đã có người mắc bệnh ung thư, hãy tìm hiểu thông tin và tìm đến các chuyên gia y học - những người có thể giúp bạn vượt qua điều này, và hãy đưa ra quyết định đúng đắn của chính bạn”.
Không ai muốn mình mang bộ gen dễ nhiễm ung thư. Và càng không bậc phụ huynh nào muốn mình là nguyên nhân khiến con cái mắc phải căn bệnh quái ác này. Tuy vậy, với những gia đình có tiền sử ung thư, việc sàng lọc ung thư di truyền là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện càng sớm càng tốt.
Hiện nay, sàng lọc ung thư công nghệ gen là phương pháp tối ưu, được coi như bước đột phá của y học, dựa vào việc phân tích ADN trong máu để xác định các khả năng nhiễm ung thư di truyền. Ở Việt Nam, không phải bệnh viện nào cũng đủ khả năng thực hiện công nghệ hiện đại này. Tuy nhiên, người Việt hiện không cần phải sang Singapore, Nhật Bản, Mỹ,… để sàng lọc ung thư di truyền bởi Bệnh viện Quốc tế Vinmec đã triển khai sàng lọc ung thư bằng việc kết hợp 4 công nghệ: xét nghiệm gen, nội soi, siêu âm và xét nghiệm miễn dịch. Đây được coi như chiếc chìa khóa để sớm phát hiện bệnh, cách thoát khỏi “cửa tử" cho những người mang nguy cơ ung thư di truyền.