Nếu bệnh ung thư đại tràng được phát hiện và điều trị sớm ở giai đoạn đầu thì tiên lượng sống sẽ lên tới 90%. Có rất nhiều bệnh nhân đã sống thêm tới 20 năm sau khi điều trị ung thư đại tràng từ giai đoạn này. Vậy làm thế nào có thể nhận biết được sớm các dấu hiệu ung thư đại tràng giai đoạn đầu?
1. Dấu hiệu ung thư đại tràng giai đoạn đầu
Ung thư đại tràng giai đoạn đầu là gì? Và làm sao để có thể chữa trị kịp thời tránh để bệnh tiến triển xấu? Hãy lưu ý các dấu hiệu bên dưới và đến ngay trung tâm y tế gần nhất để kiểm tra nếu không may mắc phải.
1. Chán ăn, đầy bụng
Người mắc bệnh ung thư đại tràng giai đoạn đầu thường cảm thấy trướng bụng, chán ăn và khó tiêu hóa thức ăn. Nếu tình trạng này diễn ra trong một thời gian dài, bệnh nhân sẽ cảm thấy rất mệt mỏi và bị sút cân nghiêm trọng.
2. Cân nặng giảm bất thường
Nếu bị sút nhiều cân trong một thời gian ngắn mà không phải do ăn kiêng hay tập luyện thì bạn cũng đừng nên chủ quan. Đây là dấu hiệu thường gặp của căn bệnh ung thư dạ dày, ung thư gan hay ung thư đại tràng.
3. Táo bón
Nếu bạn chỉ đi ngoài từ 2 tới 3 lần một tuần và mắc chứng táo bón thì hãy nên đi khám sức khỏe tổng quát, thực hiện sàng lọc ung thư ngay. Vì đây có thể là một biểu hiện ung thư đại tràng giai đoạn đầu đang lây lan bên trong cơ thể bạn đấy!
4. Đi ngoài phân nhỏ
Có rất nhiều người không hề biết rằng kích thước của chất thải cũng sẽ giúp chúng ta phát hiện được những bất thường trong hệ tiêu hóa đấy nhé! Điển hình như nếu phân bị quá mỏng thì có thể nguyên nhân là do có một vật cản như khối u gây nên.
Hoặc nếu phân có kích thước chỉ giống như một chiếc bút chì hoặc hình lá thì bạn càng phải cảnh giác hơn với bệnh ung thư đại tràng. Lời khuyên là bạn nên thực hiện các xét nghiệm ung thư đại tràng để xem có thật sự mình đã mắc bệnh không và chữa trị kịp thời.
5. Đi ngoài kèm máu
Đa số những người mắc bệnh ung thư đại tràng ở giai đoạn đầu khi đi đại tiện, phân sẽ có màu đỏ tươi và nhỏ giọt đi kèm. Có rất nhiều bệnh nhân thường chủ quan và nhầm lẫn rằng hiện tượng này là do bệnh trĩ nội, trĩ ngoại gây nên.
Tuy nhiên cần phải phân biệt rõ ràng là máu do trĩ sẽ là máu tươi còn đối với bệnh ung thư đại tràng sẽ có dạng máu nhầy. Nguyên nhân là do khi máu chảy tới vùng niêm mạc ung thư sẽ bị viêm gây ra các tiết nhầy. Đi đến các bệnh viện lớn xét nghiệm tầm soát ung thư đại tràng chuẩn xác sẽ cho bạn biết được mình đang mắc bệnh đại tràng hay các bệnh khác.
6. Mệt mỏi, căng thẳng, thường hay chóng mặt
Đây là dấu hiệu ung thư đại tràng giai đoạn đầu thường gặp nhất, nhưng có khá nhiều bệnh nhân thường chủ quan. Việc bị mệt mỏi, căng thẳng hay thường xuyên bị chóng mặt là do cơ thể bệnh nhân mất máu quá nhiều khi đi đại tiện.
Bệnh nhân sẽ thường cảm thấy bị kiệt sức sau một thời gian dài mà không rõ nguyên nhân. Để có thể phát hiện rõ được nguyên nhân của dấu hiệu này là gì, có phải do ung thư đại tràng hay không, bệnh nhân hãy đến ngay các cơ sở y tế để thực hiện tầm soát ung thư sớm.
7. Co thắt dạ dày
Đa phần các bệnh nhân mắc ung thư đại tràng giai đoạn đầu sẽ thường bị các cơn co thắt ở dạ dày. Dấu hiệu ung thư đại tràng giai đoạn đầu này là do khối u đã chọc tới thành ruột, gây ra các cơn đau nhẹ kéo dài cho người bệnh.
2. Các phương pháp chẩn đoán ung thư đại tràng giai đoạn đầu
1. Khám và khai thác tiền sử bệnh
Đây là một trong các phương pháp xét nghiệm ung thư đại tràng phát hiện bệnh sớm nhất. Trước hết các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và tổng quát cho người bệnh. Sau đó nếu phát hiện những dấu hiệu bệnh ở hậu môn trực tràng, hạch hay ở bụng trên cơ thể, các bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành thêm khai thác tiền sử bệnh của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy hiểm hoặc xuất hiện những dấu hiệu đã nêu ở phía trên, nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn.
2. Xét nghiệm máu ẩn trong phân (FOBT)
Khi có khối u ở bên trong đại tràng sẽ làm tăng sinh mạch rất nhiều, khiến các mạch máu bị vỡ khi phân đi qua, do đó người bệnh sẽ thường thấy có máu lẫn ở trong phân. Lúc này để xét xem người bệnh có mắc bệnh ung thư đại tràng hay không thì việc xét nghiệm (FOBT) sẽ là điều cần thiết. Đây là phương pháp xét nghiệm máu ẩn trong phân có độ nhạy lớn và cho được các giá trị gợi ý để thực hiện thêm các phương pháp khác.
Phương pháp xét nghiệm máu ẩn trong phân (FOBT) sẽ bao gồm 2 phương pháp: gFOBT và iFOBT.
2.1. Xét nghiệm máu trong phân Guaiac (gFOBT)
Phương pháp xét nghiệm máu trong phân Guaiac (gFOBT) giúp xác định lượng máu có trong phân người bệnh bằng phản ứng hóa học. Đây là phương pháp xét nghiệm có độ nhạy rất lớn, đòi hỏi phải lấy được 3 mẫu phân từ 3 lần khác nhau.
Để có thể thực hiện được phương pháp này người bệnh cần phải kiêng một số loại thực phẩm trong vòng 7 ngày như thịt bò, thịt trâu (Gây kết quả dương tính giả bởi có máu trong thịt).
Hay các loại hoa quả có chứa vitamin C tăng sức đề kháng như cam, chanh bởi các chất axit sẽ gây phản ứng với hóa chất xét nghiệm, làm giảm đi khả năng phát hiện lượng máu có trong phân. Hoặc bệnh nhân sẽ không được sử dụng các loại thuốc giảm đau như ibuprofen hay aspirin, bởi chúng có thể gây chảy máu cho ra kết quả dương tính giả.
2.2. Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân miễn dịch hóa học (iFOBT)
Phương pháp xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân miễn dịch hóa học (iFOBT) giúp xác định hàm lượng protein hemoglobin của con người ở trong các tế bào hồng cầu. Phương pháp này có độ đặc hiệu, độ nhạy lớn khi phản ứng với máu chảy từ tá tràng hay dạ dày.
Người bệnh sẽ không phải kiêng các loại thực phẩm hay vitamin như ở phương pháp xét nghiệm máu trong phân Guaiac (gFOBT). Tuy nhiên phương pháp xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân miễn dịch hóa học (iFOBT) sẽ có chi phí cao hơn.
3. Xét nghiệm DNA trong phân
Phương pháp này sẽ tìm kiếm những đoạn bất thường trong kết quả DNA có trong phân. Riêng đối với bệnh ung thư đại tràng thì các chuỗi DNA sẽ bị đột biến ở một vài gen đặc biệt.
Sau khi tiến hành xét nghiệm cho được kết quả dương tính, các bác sĩ sẽ tiến hành phương pháp nội soi đại trực tràng cho bệnh nhân để chẩn đoán thêm. Cần lưu ý rằng phương pháp xét nghiệm DNA trong phân sẽ chỉ được thực hiện 1 lần trong 3 năm, để cho được kết quả tốt nhất.
4. Nội soi đại trực tràng
Mục đích chính của việc thực hiện nội soi đại tràng là có thể quan sát được toàn bộ khung trực tràng và đại tràng qua ống nội soi có gắn camera siêu nhỏ. Phương pháp này cho phép bác sĩ có thể quan sát được mặt trong của đại tràng, trực tràng và hậu môn để có thể chẩn đoán bệnh chính xác nhất. Bác sĩ sẽ cho bệnh nhân lấy sinh thiết sau khi nội soi nếu có sự nghi ngờ hay tiến hành cắt bỏ các hạt polyp khi có chỉ định cụ thể.
Trước khi tiến hành nội soi đại trực tràng bệnh nhân sẽ được yêu cầu ăn các thực phẩm nhẹ và tự làm sạch đại tràng của mình bằng nhiều biện pháp khác nhau. Bệnh nhân có thể lựa chọn một trong 2 hình thức là nội soi không gây mê hoặc gây mê.
Phương pháp nội soi có thể thực hiện được nhiều lần, ít biến chứng và thời gian thực hiện rất nhanh.
5. Chụp cắt lớp
Phương pháp chụp cắt lớp cho phép các bác sĩ có thể quan sát các khối u hay ung thư ở phần đại trực tràng. Phương pháp này giúp đánh giá tình trạng xâm lấn của khối ung thư đến các bộ phận khác xung quanh.
Đồng thời đánh giá được hạch ở phần ổ bụng nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh đã bước vào giai đoạn di căn. Ưu điểm của phương pháp này là bệnh nhân không cần phải gây mê và đảm bảo không nhiễm trùng.
Căn bệnh ung thư đại tràng giai đoạn đầu hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm. Vì vậy, việc sàng lọc và phát hiện sớm bệnh ung thư đại tràng rất quan trọng.
Khi phát hiện các triệu chứng ung thư trực tràng giai đoạn đầu, bạn nên đến các bệnh viện và trung tâm y tế lớn để thực hiện khám tổng quát và sàng lọc ung thư để phát hiện và điều trị sớm.
Bạn có thể tới bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để thực hiện tầm soát ung thư đại tràng. Hiện nay Vinmec đã và đang là cơ sở y khoa hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực tầm soát và sàng lọc bệnh ung thư đại tràng.
Vinmec được trang bị các thiết bị y khoa hiện đại cùng với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm hàng đầu trong nước và quốc tế, sẽ giúp bạn sàng lọc được bệnh chính xác nhất và đưa ra phương pháp điều trị thật sự phù hợp.
Trên đây là những dấu hiệu ung thư đại tràng giai đoạn đầu bạn nên biết. Hãy luôn có những thói quen tốt để đảm bảo sức khỏe toàn diện cho bản thân và gia đình.